Monday, December 1, 2014

Hầm Mộ - ĐỖ HOÀNG DIỆU



Hầm Mộ


ĐỖ HOÀNG DIỆU





Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

LTS: Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trở lại với bạn đọc bằng tác phẩm “Hầm Mộ” sau một thời gian khá lâu từ tập truyện “Bóng Đè” được xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh được gởi đến quí bạn đọc và văn hữu trích đoạn tác phẩm “Hầm Mộ” của Đỗ Hoàng Diệu.
Tạp Chí Hợp Lưu
      
      Ngày mưa tháng tám. Cơn nước lên. Thành phố úng chìm, lún lụn. Đôi trai gái chụm trên chiếc giường kê cao, cười rức rức. Hình như giữa màn nước mênh mông dưới chân họ, có điều kỳ lạ. Hai đôi mắt cứ đắm đuối nhìn màn nước đương nhích cao từng phân , rồi lại nhìn nhau.
-         Anh ước mưa mãi mưa mã, thành biển cả. Anh và em là con thuyền...
Tiếng chàng trai trầm như tiếng mưa rơi giữa trời không gió.
-         Con thuyền to thế, biết trốn vào đâu nếu bố mẹ em về?
Chàng trai miết môi mình vào làn da cô gái trong khi vẫn cười, đôi mắt chói niềm vui.
-         Thuyền tình yêu chứ có phải thuyền buôn lậu đâu mà sợ, em
ơi...Hay em, hay chúng mình biến nó thành con thuyền khác đi, con thuyền hạnh phúc, con thuyền vợ chồng….
Giọng chàng trai ngạt đi. Hơi thở cố nén, dồn dập dồn dập.  Màn nước dưới chân giường  lay động lay động, lan tỏa lan tỏa. Cô gái vươn đôi cánh mềm, ôm riết thương yêu. Trời ơi, ngọt ngào! Tình yêu ơi, người đã ở đâu ngàn năm qua, bỏ tôi cô độc tuổi thơ dài náu lặng? Tình yêu ơi, có thật người đã đến, có thật người đang ở bên tôi? Tình yêu ơi, người sẽ để người đàn ông này hiện thân trong tôi suốt cuộc đời còn lại của tôi nhé? Người hứa đi, hứa đi. Người không hứa ư? Người sẽ lại để tôi cầm tù mình dưới hố thẳm sâu hoắc không cửa thoáng ư? Người bắt đầu tách chúng tôi ra ư, người đang làm ư? Ôi, bụng tôi lạnh, bụng anh lạnh. Làm sao, làm sao...
     Cô gái thét lên, cô tưởng mình có thể thét lên. Nhưng âm thanh hoảng loạn đó trở thành tiếng rú chẹt cứng cổ họng. Chàng trai rơi tay khỏi da mềm người yêu, tia nhìn ngắc cứng như người vừa bị bắn trúng tim.
     Thủng thẳng, từ khe trống giữa cặp tình nhân, trườn ra con rắn. Màu gì, to hay nhỏ, độc mức nào? Cặp tình nhân không biết, không ai biết. May chăng màn nước dưới chân giường mà  rắn đang chậm bơi, chậm vẫy, chậm tiến hòa vào biển đen đương nuốt chửng  thủ đô ngàn năm kinh kỳ có thể biết. Song, nước không biết nói, nước chưa bao giờ cất tiếng trên thành phố này.
      Cô gái tái nhợt. Chàng trai buông thở dài. Không nhìn nhau, không đối thoại. Họ không nghĩ về nhau. Nhưng họ đương cùng chung hồi tưởng. Những ngày đã qua, những lúc sắp hòa vào nhau, bỗng cứ vụn vỡ. Lần đầu tiên, tại căn phòng thuê trống hoác gió mùa của người bạn cùng lớp, cô gái đón nụ hôn đầu đời. Giây phút ấy, hình ảnh người mẹ câm lặng và căn nhà thừa nỗi buồn chìm sâu đáy vực. Mây trắng chui qua mái ngói hở nói với cô hạnh phúc. Trời xanh ghé qua khuôn cửa lỗ chỗ mối mọt thì thầm tình yêu. Lũ chuột cũng ríu rít lít chít gửi chúc mừng. Đúng lúc bàn tay chàng trai mê muội lần tới bầu vú nhỏ thanh tân, đôi thạch sùng quấn nhau rơi trúng mặt cô gái. Hét không đủ làm tan nỗi sợ, cô cắn nát vai anh. Lần trong khu nghĩ dưỡng miền sơn cước, mọi thứ thật hoàn hảo. Đêm thanh bình, hương núi rát hồn, hương rừng êm da. Đèn ngủ dịu dàng, môi cô gái dịu dàng, làn da cô dịu dàng. Người yêu cô say, người yêu cô mê, người yêu cô muội, người yêu cô chìm lút yêu đương. Áo vén, quần rơi, lòng tình nhân  cháy lửa. Bỗng rừng nổi gió, đêm đạp trời. Sấm oang suối, rền sông. Chàng trai ôm người yêu, run rẩy. Nỗi run kinh hoảng. Sáng hôm sau, khắp khu nghĩ dưỡng bàn tán về trận cuồng đêm trước. Họ nói kỳ lạ kỳ lạ, sấm chớp, gió mưa đổ xuống chỉ vẻn vẹn năm phút.
      Chàng trai buồn, cô gái mơ ác mộng suốt chuyến xe trở về.
      Mưa tan ra rồi ngưng dần. Tiếng í ới xuyên khắp thành phố. Đôi trai gái bứt khỏi nghĩ suy. Chàng trai áp mặt vào làn da tinh khôi người tình, “ mưa tạnh rồi, thuyền không lật, mọi chuyện sẽ yên ả, phải không em?” Cô gái nhoẻn miệng. Người yêu cô, anh chàng kiến trúc sư đẹp trai, hay dùng  ẩn dụ, nói lời hoa nhã. Chẳng ai tin cả bố lẫn mẹ anh đều mù chữ.

                                                   *

       Tối cùng ngày, trong điện thoại, giọng nói không còn trầm tĩnh, chàng trai cũng thôi dùng ẩn dụ:
-         Bố anh trở bệnh nặng, muốn gặp em.
Trong vài giây, não cô phình ra choán hết bóng đêm.
-         Bố anh biết em?
-         Vì em là người anh yêu, vì anh sẽ cưới em.
Sau câu trả lời, mọi tế bào kháng cự trong cô gái đồng loạt từ trần. Một khắc nào đêm đó, dăm phân tử ngọ nguậy phân vân. Nhưng mưa đổ thác, cuốn chìm.
    Chuyến tàu tờ mờ chở đầy ngái ngủ. Sớm oải nhão mặt người. Linh hồn ngủ sâu giữa những khuôn mặt xám tái, chỉ thân xác lắc lư điệu buồn. Co ro cuối toa tầu, cả hai im lặng. Lần đầu cô đi tàu, cùng người đàn ông yêu cô, mà chẳng hề xúc động.  Mãi khi đoàn tàu rúc còi trườn vào ga Nam Định, cô mới bật lên, thức linh hồn và giọng nói:
-         Mưa à? Chúng ta không có ô…
-         Đi taxi em à. Nhà anh cách thành phố 30 cây, quê lắm.
Chàng trai bóp khẽ tay cô. Một luồng điện chạy qua. Môi cô gái hồng lên. Suốt mấy chục phút  trên taxi,  qua nhà thờ, qua tu viện, qua những cánh đồng nhợt nhạt chờ cấy, qua nghĩa địa, qua trường học … đôi môi cô vẫn hồng.
       Khuôn mặt ông già trên tấm phản quét rụi màu hồng khỏi môi, khỏi máu, khỏi đời cô. Khuôn mặt của mưa ngâu tháng bảy, rét tháng hai, nắng tháng sáu trong phiên chợ cá cuối ngày. Rệp xuống, tay lạnh, chân run, cô mất luôn giọng nói nơi bậc thềm ngôi nhà mái ngói xám rêu. Cô không để ý, đôi mắt ông già trợn ngược và bọt mép trắng xùi. Cô không nghe tiếng rú đột ngột tắt lịm. Cô không thấy chàng trai hoảng hốt nắm tay cô, nắm tay cha, đôi vai khuỵu rã. Cô không biết những người đàn bà luống cuống chạy tới, ôm mặt rỉ than. Nghĩ mình đã chết, cô buông tay.
      Chẳng tính được bao lâu, linh hồn cô trở về. Căn nhà sặc hương khói. Mà không át nổi khai nồng của trầu không giã nát trộn nước tiểu dây dính khắp thân thể. Nhà quê nào chẳng làm thế với người ngất xỉu. Mẹ thành phố, mẹ cũng vài lần áp dụng. Hằn vào tuổi thơ ngoài ngôi nhà im tiếng, chiếc giường rung động, người đàn ông chồng mẹ… có vệt dài cho nước tiểu trộn trầu không. Mất vài phút, cô nhận ra chiếc giường xỉn, gối nhàu cũ, chiếu lạnh tanh. Và dù xung quanh sầm tối, cô vẫn hiểu đang ban ngày. Nhiều lần, anh thầm thì. Em biết không, quê anh như chiếc nhà mồ vĩ đại. Người lang thang câm lặng. Da xanh. Môi thâm. Áo nâu. Mùa đông lạnh xé thịt mùa xuân ẩm rách tim. Vậy là chuyến tàu sáng đã chở cô về hầm mộ. Khẳng định suy nghĩ của cô, những âm thanh cưa xẻ, đập gõ đồng loạt vang lên lèn chặt không gian. Thêm vài tiếng chó già tru tựa nhị kèn đám ma. Gặp nhau lần thứ hai, anh thú thật với cô làng anh có nghề truyền thống đóng quan tài. Cô chặn cơn co thắt dạ dày, mở to mắt. "Theo em, đó là nghề cao quý".
     Nước bắt đầu ngấm vào tận chân giường và các bức tường. Cô gái quờ quạng từng ý nghĩ trong thân xác oải mệt. Mùa xuân chết tiệt. Não cô buông thở dài. Một chút ánh sáng le vào như lân tinh chấp chới nghĩa địa đêm mưa. Cô ghét mùa xuân. Cái mùa khắp miền Bắc rỉ nước. Cái mùa bên ngoài da rít bên trong hồn biếng lười. Những thơ văn về mùa xuân làm cô căm thù.  Toàn dối trá! Mắt mẹ mỉm cười. "Đừng chứa chấp bất kỳ lòng hận thù nào trong người, cho dù chỉ là vài ngôn từ rỗng, con gái!" Mẹ chưa bao giờ cười bằng miệng.
       Tiếng cánh cửa mọt rệu rắc rắc. Tiếng bước chân hổn hển. Bước chân anh. Cô gái cố nhỏm lên khỏi đống chăn nhăn và song sắt nước tiểu trầu không. 
-         Mẹ ơi, con lên trạm xá nhưng không thấy ai trực. Con gọi cấp cứu nhưng người ta từ chối chạy về quê. Mẹ huy động người đi, chúng ta dùng cáng. Ơ, mẹ quỳ trước bàn thờ làm gì? Khấn vái làm sao cứu nổi người! Mẹ giúp con, con cần nhiều người, mẹ ra sân gọi to lên.
Âm thanh xương khớp mỏi mệt gượng dậy. Mẹ anh, cô đã nhìn trên ảnh, luôn cúi xuống khuôn mặt gầy, đôi mắt sợ sệt tựa việc mình đứng cạnh chồng con chụp hình là tội lỗi. Cô gái rùng mình. Từ chuyến tàu sớm đến bây giờ bao lâu? Mình bất tỉnh bao lâu? Sao cảm giác triệu năm trôi qua, sao mình như đang trong hang đá khổng lồ ẩm rêu thời đồ đá? Cô bật dậy dớn dác:
-         Anh ơi, anh ơi…
Với đúng hai bước, chàng trai đã nhào đến chiếc giường nơi gian áp chái. Chân tay xoắn xuýt che giấu vui mừng. Em tỉnh rồi, lạy Chúa, em tỉnh rồi. Cảm ơn Người. Chắp hai bàn tay vào nhau, anh ngước qua kẽ hở viên ngói vỡ, ngó thiên đàng. Sau này, cô gái mới biết, đó là lần đầu tiên và duy nhất chàng trai làm dấu thánh, cầu nguyện Chúa, dù gia đình anh công giáo nhiều đời.
       Khoảng hai tiếng sau, mặt trời le lói. Chiếc sân gạch xanh rêu hưng hửng. Dùng cả hai tay gỡ tóc rối, cô gái ngồi trên bậc thềm ơ hờ. Bố anh vừa tỉnh lại sau hôn mê. Ông gọi đứa con trai độc nhất lại giường. Chỉ mình anh. Co rúm tất cả nếp nhăn trên người vào manh chăn vàng ố, đôi mắt đen sâu hoắm cúi gằm, bí mật quá khứ nhả ra bằng âm sắc địa phương.
     " Con bé anh dẫn về nhà sáng nay giống hệt cô gái ấy. Anh hiểu bố không? Anh hiểu không? Giống hệt cô gái tội thương ấy. Bao nhiêu năm, bố không quên được đôi mắt cô ta. Quái lạ lắm. Có lửa cháy. Sáng như lưỡi dao thép. Hai lưỡi dao ấy trừng lên dọa khi con đực của bố chuẩn bị hộc lên thỏa mãn. Nhưng bố làm sao dừng lại. Trời sập cũng thế, mẹ anh chết cũng thế mà thôi…Con ơi, quả báo rồi. Trời xui quỷ khiến anh gặp con bé ở đâu? Anh đã ăn nằm với nó chưa? Xin người cứu vớt, con lạy xin người. Hay bố đang bị ảo giác? Trên đời đầy người giống người. Anh gọi cô ấy vào đây, bố muốn nhìn lại. Mà thôi, đừng, đừng, bố xin anh. Bố không thể nhìn đôi mắt ấy thêm lần nữa. Ban nãy, bố ngất xỉu.. Lần này, có thể nó giết bố, rồi anh thành mồ côi. Ừ, mà tôi đáng chết, chết cũng được rồi. Tiếc gì."
       Mây trùm kín ngôi làng. Hầm mộ khổng lồ lại âm u. Trước mắt chàng trai, đỉnh tháp nhà thờ rơi gãy. Mảng vôi nào đó bay luồn vào anh, khiến thân thể  nóng, bốc hơi khỏi mùa xuân ẩm nồng.
      
        Chuyến nhập nhoạng đưa chàng trai và cô gái trở về. Tàu mệt nhọc lăn theo sắp đặt. Chỉ khoảng dăm người trong khoang về ga cuối, ngồi gà gật. Thành ra những tiếng giằng xé, xô đẩy trong não đôi trai gái nghe rõ mồn một.
        Đâu đó qua Phủ Lý, cô gái quyết định làm bể không khí đang mỗi lúc càng hôi mốc, hấp hối.
-         Anh lo cho bố lắm phải không? Ông bệnh gì?
Không  thay đổi vị trí, giọng chàng trai nhẹ lẫn trong tiếng xập xình:
-         Em chẳng biết gì ư?
-         Biết gì cơ? Em đâu phải bác sĩ.
Lần lẹ, cô đưa bàn tay lần tìm người yêu. Như cách xa cả đại dương, như trong đen đặc nguyên thủy, như  ngàn năm thất lạc. Bất ngờ, chàng trai lia sang cô đôi  mắt hoảng dại, giật nảy:
-         Bệnh thú! Em biết không? Bênh thú! Em biết chứ, em không biết, em biết? Em đừng biết…
Ánh mắt dịu lại rồi ngây thẫn, mông lung. Cô gái thu mình đến mức nhỏ nhất, nghĩ đến hầm mộ vĩ đại với thanh âm đục đẽo  quan tài.
       Biết, không biết, biết gì…Tàu lầm lụi ê chề suốt hành trình tới đích.
       Nhiều ngày sau đó, họ không gặp nhau. Nhiều ngày đó, cô gái chìm trong nỗi muộn sầu biết, không biết, biết gì. Và nỗi nhớ.
       Một ngày sau nhiều ngày, chàng trai tìm cô gái. Anh xanh rộc như c lá tre rách. Anh nói nhớ và đau. Rồi anh hỏi cặn kẽ về cha mẹ cô. Rồi anh lẩm bẩm mãi: phải, không phải, biết đâu không phải, có ba con thú, những ba con cơ mà…
       
       Trong hầu hết giấc mơ cô gái, đều chập chờn ngày ôi mốc  mùa xuân năm đó. Kể cả sự việc được coi là vô cùng khủng khiếp xảy ra khoảng hai tháng sau cũng không thể xóa nhòa, không thể hoán đổi vị trí cái ngày ôi mốc ấy. Cô không hiểu, không tìm cách lý giải. Càng không nói với ai. Ban ngày, nó lặn sâu giữa thớ thịt mạch máu với sách vở máy tính áo quần. Đêm xuống, mưa phùn mùa xuân tiếng đập búa quan tài trong ngôi mộ khổng lồ đồng bằng Bắc bộ ùn ùn đến, thức giấc cô. Cô chỉ mười tám tuổi.
        Sự việc được cho là vô cùng khủng khiếp xảy ra đúng sinh nhật lần thứ mười tám của cô gái. Giọng chàng trai đổ âm u qua điện thoại: “ Bố anh đi rồi. Câu nói cuối cùng của ông là muốn em về đưa tang…” Một chút e ngại thoảng qua rồi tan theo đợt gió tới từ biển khơi.
       Khác lần trước, cô một mình, bắt xe đò xuống ngôi làng truyền thống quan tài. Đám ma buồn giống đám ma. Người ta thì thào vợ chưa cưới của thằng con trưởng trẻ mà phải phép. Chàng trai khô gầy như cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ. Ái ngại, cô giấu nước mắt vào vành khăn tang. Người ta xé khăn tang cho cô, theo nguyện ước người quá cố. Cô không hiểu, không cần hiểu, cứ thế choàng lên đầu.
       Cơn mưa ào ào rắc xuống khi nhà thờ điểm chuông, thời khắc khâm liệm. Than khóc chìm trong mưa. Cô gái đứng sau người đàn bà chỉ còn khung xương nổi gồ trên nhúm da nhăn, vợ người quá cố. Dường như bao nhiêu tuổi trẻ, xác thân, yêu thương, bổn phận đến giờ phút này bà đã trút hết. Kể cả cái xác trắng đang được vẩy nước thánh kia, bà cũng ơ hờ. Đôi mắt bà nói thế, khi bắt gặp cái nhìn lén của cô. Ánh mắt khiến cô bỏng dạ dày, chậm vài nhịp tim, quên tang ma cùng căn cớ chiếc khăn tang cô mang trên đầu. Tiếng chuông ngưng, trả cô về căn phòng nhỏ mù mịt hương  ngây ngây tiếng khóc. Mảnh chăn công phượng từ từ lật xuống, khuôn mặt chủ nhân tang ma nghiêng về cô gái chảy nước miếng. Những bàn tay thò vô xốc lấy tử thi. Chuông lại dồn dập đánh, khóc lại đồng loạt vang. Tiếng khoan cắt quan tài cũng hối hả vang vang khắp làng. Bỗng ai đó hét lên, ai đó dẫm vào chân cô bỏ chạy. Cô mở mắt đúng lúc những bàn tay khâm liệm quờ lối thoát thân. Thây ma rơi uỵch xuống đất, trên vùng hạ bộ vắt vẻo con rắn cạp nia đương hung hãn kéo cắn lớp vải liệm. Trong tích tắc, con rắn sặc sỡ đã  làm phơi ra bộ phận đàn ông đen sì, co dúm của tử thi. Rồi rắn điềm nhiên đớp ngoạm xâu xé.
       Người nào đó giật cánh tay cô gái lôi đi trước lúc cô ngất lịm.
                                            
                                                      *


      Tôi không đứng lên nổi, thốt nên lời ngay cả khi tiếng gọi nạt của bà Thùy to hơn còi xe cứu hỏa.
-         Phi, cô sao thế? Sao tái xanh tái xám thế này? Đọc cái gì mà ra nông nỗi này hả trời… Xem nào, tôi mang đốt hết.
      Một Phi chứ ngàn Phi cũng không tưởng tượng ra mình vừa xem một cuộn phim kinh dị ám ảnh cỡ nào. Ý nghĩ ấy làm tôi đột nhiên cười khùng khục. Chỉ tội bà Thùy, đực ra, trợn tròn, chép miệng:
-         Rõ khổ, cứ như bị ma làm…
-         Người làm cô ạ. Tất cả do con người làm. Con người làm những việc mà quỷ ma cũng phải quay mình. Cô đừng cất, đừng đốt tập tài liệu của cháu, cô đọc đi. Thử xem cô dám đọc không nào…
Bà Thùy giãy lên, vứt tập giấy xuống sàn, lau lau tay như chẳng may vừa đụng phải người phong cùi. Bỗng dưng tôi khỏe lạ thường. Phải chăng, trời muốn tôi theo tận cùng, vén hết bức màn bí mật của câu chuyện mà ai đó đã tin tưởng giao phó cho tôi? Tôi biết, tôi biết cô gái chàng trai ấy, tôi tin mình đã gặp họ, nhưng ở đâu bao giờ thì trí óc mò mãi vẫn lạc  giữa sương mù.

     Đường đến tòa án cũng đặc quánh sương mù. Gương mặt anh thương binh thường trực tái xạm ác tính như quả bom lơ lửng giữa biển trắng nhờ. Sự so sánh nhẫn tâm bộc ra, tôi không kịp cản. May mắn, chưa cất lên tiếng, chưa biên thành văn. Trên mảnh đất này, mảnh đất lắm người nhiều thánh, sóng ngầm chăng dây khắp hang cùng.
     Bất động hơn cả tử thi đông lạnh, chị tạc tượng trước vành móng ngựa. Vành móng ngựa đầy mạng nhện. Tôi đi vào, nguồi xuống chiếc bàn khập khềnh chân thấp chân cao thoang thoảng mùi cứt chuột đặt tấm bảng luật sư. Ánh mắt chị hướng về phía tôi trong vài giây, ánh mắt hươu cao cổ bị giam trong chuồng gà. Rồi khuôn mặt phúc hậu khẽ cười. Tôi để ý, trên vầng trán rộng của chị có vệt đỏ tấy hình tròn như ai đó đã lấy đồng xu nung đỏ áp vô. Rồi chủ tọa phiên tòa nói nói, đọc đọc, hỏi hỏi. Cầm tờ giấy gạch chi chít đầu dòng bảo vệ quyền lợi cho Lan Lăng đặt xuống bàn, tôi nhìn về phía dành cho gia đình bị hại. Duy nhất một bóng người. Nhỏ xanh, còm dính vào manh áo nâu bạc phếch. Bà cựa quậy liên hồi trên chiếc ghế băng dài, bàn tay nhăn nheo cứ sờ hết túi áo này sang túi áo khác. Vành khăn tang trên mái đầu bạc sạ xuống, che hết mắt. Tôi định ra hiệu cho bà rằng tôi đã đến, rằng bà nên ngồi yên bình tĩnh. Bỗng cái giọng đều đều của vị chủ tọa dừng lại, và một giọng to, khỏe, vang cất lên dội vào từng viên gạch trong căn phòng.
-         Dạ thưa quý tòa, bị cáo đúng là Võ Ly Phượng, người đã hắt a xít vào mặt Lan Lăng, tức Thị Hưởng ngày trăng tròn tháng Thìn năm ngoái.
     Phòng xử án câm lặng. Mọi tia nhìn chết cứng trên mắt, mọi lời nói tê điếng dưới môi. Võ Ly Phượng, lần đầu tiên tôi biết tên thật của chị, người vợ giám đốc đã gửi cho tôi lá thư kỳ lạ nhằm ngày rằm. Lại ngày trăng tròn. Bất giác tôi nghĩ đến câu chuyện tình kỳ lạ ai đó đã để trên bàn giấy văn phòng, ai đó muốn tôi đọc, câu chuyện của người con trai sinh ra từ ngôi làng truyền thống đóng quan tài và cô gái lớn lên bằng những giấc mơ. Họ cũng có liên hệ nhiều với những ngày trăng tròn. Và cả tôi, đêm nào trăng tròn cũng hoang mang những giấc mơ dị thường.
    Cuối cùng, chủ tọa cất nên lời, cảnh cáo bị cáo Võ Ly Phượng phải trả lời thẳng và ngắn gọn câu hỏi của hội đồng xét xử, không tự ý phát ngôn bừa bãi. Lại một thôi một hồi đọc đọc nói nói, cũng đến phiên tôi.
    "Thưa hội đồng xét xử,
    Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phòng xử án hôm nay,
     Thân chủ tôi, cô Lan Lăng, tức Thị Hưởng bị tạt axit, tổn hại 62%  sức khỏe, báo chí nói nhiều mấy tháng qua, cáo trạng cũng vừa hùng hồn đọc rõ. Và thân chủ tôi đột ngột qua đời tại nhà riêng tháng trước, cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, quý vị cũng đã biết.
    Bị cáo, người phụ nữ đứng trước vành móng ngựa kia, người vợ bị phụ  tình là thủ phạm gây ra vụ án, sự thật đã mười mươi. Trong vụ án này, cơ quan điều tra và các viên chức tố tụng làm việc có vẻ công tâm, nên chắc chắn đã đúng người đúng tội.
     Lúc này đây, tôi muốn quý vị nhìn thật kỹ người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu mà chúng ta gọi là bị cáo. Chị đã yêu chồng đến quên bản thân mình, chị đã tôn thờ chồng như một vị thánh, toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình yên ấm. Rồi Lan Lăng, người bị hại của chúng ta xuất hiện, với tư cách bồ nhí ông chồng. Xấu chàng hổ ai, như bao người vợ Việt cam chịu khác, chị âm thầm chịu đựng, vùi những cơn ghen vào máu, nén chặt nơi thẳm sâu. Nhưng trớ trêu, số phận đã cài sẵn ngã rẽ cuộc đời nhiều người bằng chiều tối ấy. Xui khiến chị gặp Lan Lăng cùng một chàng trai trẻ ríu rít yêu đương, xui khiến Lăng mạt sát chị, xui khiến chị nhận ra chính chồng mình cũng đang bị Lăng lừa. Để rồi chai axit oan nghiệt đã đổ xuống, tóe ra khuôn mặt mỹ miều của Lăng.
     Chị có tội, rõ ràng chị có tội. Rồi đây có thể phải trả giá bằng nhiều đêm co ro sau song sắt nhà tù. Nhưng cái tội lớn nhất của chị là đã ngây thơ, đã không nhận ra xã hội này không còn giống văn chương, không còn những nhân vật tốt đẹp chị say mê. Tất cả đều thay đổi, từ bà bán bánh cuốn làm nhân bánh bằng thịt chuột đến anh công an giao thông lấy tiền hối lộ nhanh như ảo thuật, từ mẹ bán con đến quan bán nước,  từ con trộm cắp đến chồng ngoại tình… trong bầu trời u xám, ngột ngạt khói bụi và nọc độc.
    Còn Lan Lăng, người con gái sinh ra bởi bà mẹ quê mùa nhân hậu, lên thành phố ăn học kiếm công danh đã về với đất. Không biết vì sao cô ra đi, không biết linh hồn cô có được đến thiên đàng, không biết trước khi nhắm mắt cô có nguôi căm thù? Chúng ta cùng cầu nguyện cho cô.
     Quả thực, tôi đứng đây với tư cách luật sư cho người bị hại, nhưng không thể hùng hồn đưa ra luận cứ vạch tội bị cáo. Cho dù linh hồn Lăng có oán thán tôi, có tung sét quét bão hãm hại, tôi cũng vẫn đề nghị quý tòa xem xét giảm tội cho bị cáo hôm nay."

        Chẳng biết bằng cách nào, mông tôi đặt được xuống ghế.
      Cô này hết muốn hành nghề rồi. Ông thẩm phán liên tục đập búa mà cô ta vẫn nói như lên đồng. Tôi thấy mắt cô ta màu đỏ, giống như ma ấy. Phen này người nhà bị hại thể nào cũng có chuyện để động chân động tay với luật sư đây. Dưng mà có thấy ai đâu, trừ mỗi bà già nhỏ thó kia. Bà ta lại chăm chú nghe cô ta nói, gật đầu như nuốt lấy từng lời, không tỏ vẻ gì tức giận, hình như còn sụt sịt khóc, thế là thế nào…
       Hai bàn chân tôi lạnh toát. Cái lạnh từ từ lan lên khiến xương khớp nhói tê. Tôi đảo mắt kiếm lối ra ngoài, gặp trúng cái nhìn lạ lùng của bị cáo. Đó là ánh mắt sáng nhất, ấm nhất nhưng cũng ma mị nhất tôi từng thấy. Nó khiến đôi chân tôi bỗng nhiên ấm sực như lúc nó đột ngột lạnh ngắt. Và trí não  minh bạch vô cùng. Như thể ai đó vừa khai mở toàn bộ huyệt đạo trên cơ thể tôi.
        
        Nhiều ngày sau, tôi cứ băn khoăn không biết có nên kể cảm giác kỳ lạ trong phiên tòa hôm ấy cho người thân hay đồng nghiệp nghe hay không. Tất nhiên, báo chí cũng làm ầm lên bài nói dở hơi của tôi. Và tất nhiên, tôi đã thuật chính xác từng từ mà người mẹ tội nghiệp của Lan Lăng vừa run vừa nói tại tòa cho nhiều bạn bè làm ai cũng buồn lặng.        
       "Kính thưa toàn thể các bác. Em là đồ bỏ đi vì không biết dạy con. Cho em được cúi đầu xin toàn thể các bác thứ tội vì Nguyễn Thị Hưởng là con em. Ra thủ đô ăn học, những tưởng thành người, ai dè đi cướp chồng người ta, rồi đổi họ sang tên. Nói thật, em chưa bao giờ dạy cháu cái chuyện ấy. Ai dạy? Bác nào biết trả lời em, em sẽ móc họng nó ra, bàn tay từng đào hàng tạ củ mài trên rừng này kinh hơn axit nhiều. Em nói thật, em thương cái nhà chị bị cáo kia nhiều. Em xin lỗi chị, vì con Hưởng mà chị gông cùm tù tội. Xin các bác quan tòa tha cho chị ấy, cho người ta về với chồng con. Em cũng xin Đảng rồi Nhà nước rồi Bác Hồ tha tội, em biết đẻ mà khôngbiết dạy con, để ra nông nỗi này. Dưng mà cháu nó cũng không còn, nên các bác đừng oán trách thêm tội. Ông trời có mắt hết. Tóm lại, các bác bảo cho phép em  nói, nói gì thì nói, em muốn các bác tha cho nhà cái chị kia, là em thỏa lòng."
       Trước khi quệt vội nước mắt, bà chắp tay vái khắp phòng xử. Lặng phắc, vài con ruồi bay đi bay lại chơi đùa cùng đám mạng nhện trước vành móng ngựa. Rồi bị cáo bật khóc nức nở. Tiếng khóc như chuông nhà nguyện kết thúc buổi hành lễ. Tim tôi nhói từng nhịp. Đám đông vỡ ra. Tự bao giờ, người mẹ tội nghiệp đã đứng cạnh tôi. Bà ôm vai tôi, cọ cọ bàn tay thô nháp lạnh lẽo. Tay bà là tay người tuyệt vọng, tay người sắp đi xa mãi mãi. Cháu giỏi lắm. Có cái này bác gửi cháu, khi nào rỗi thì xem thế nào, thư con Hưởng viết trước hôm đi. Thế nhé, cố gắng để người ta tha tội cho chị kia cháu nhé. Tờ giấy nằm gọn trong túi áo tôi, bà biến mất. Ba mươi phút sau, tòa tuyên án 18 tháng tù cho hưởng án treo. Bà ở đâu, chẳng biết có thỏa lòng? Chỉ thấy chiều đột ngột tắt nắng và cơn giông ầm ập đổ. Chiếc loa phường đương ông ổng ca Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung…phát ra tiếng xẹt ghê rợn rồi ngưng bặt. Hôm sau, báo mạng đưa tin sét đánh tan chiếc loa công suất lớn làm hai cảnh sát giao thông chạy xe  máy ngang qua tử vong. Mảng sân mốc trước phòng xử án trắng phều nước, vãi tung sấm sét. Một bầy rắn ngũ sắc chẳng biết từ đâu xuất hiện, nối đuôi  vòng tròn nhảy múa hân hoan trước sự thất kinh của con người.
     Sau này, vài người trong số họ khẳng định với tôi đó là thần thánh hiện hình. Vài người chắc chắn mắt họ bị quáng gà, thực ra chỉ là cầu vồng phản chiếu. Một người thì thầm tận mắt thấy bóng người con gái vận đồ liệm rất giống Lan Lăng hóa thành bầy rắn chạy khắp tòa án tìm kiếm bị cáo.
      Tôi chăm chăm nghĩ tới lá thư Lan Lăng mà bà mẹ nhét vào túi áo. Mà không nhận ra, nó đã biến mất như có phép. Tận mãi sau, mãi sau này, lại đột ngột bay vào ngôi nhà hoa sen giải tỏa nhiều nghi ngờ. Nhưng đó là chuyện mãi sau, mãi sau này.









                                            *
                        

          Mùa chuyển sang thu. Ngoại ô thôi nóng. Mấy hôm liền, cứ hoàng hôn, khói sương lại phủ kín hà thành. Do môi trường, do thời tiết, do nông dân đốt rơm rạ, ầm ĩ lời giải thích. Tôi vùi đầu vào mấy cuốn sách, tận hưởng lễ quốc khánh trong chăn đệm và huyễn tưởng thiên đàng. Tối mồng một, bạn trai cũ thuở tóc dài xinh tươi liên lạc mời ăn tối. Chần chừ một chút, rồi cũng xúng xính váy hoa giày trắng lên đường. Hóa ra chàng đã thành đại gia, hóa ra mới ly hôn, hóa ra có ý định nối lại tình xưa, cho dù người xưa thân xác đã xộc xệch và trí não lẩn thẩn đủ chuyện dị thường. Làm luật sư ở Việt Nam vừa nghèo vừa nguy hiểm, em bỏ quách đi, đến tập đoàn anh phụ trách mảng truyền thông, thỏa sức vẫy vùng. Cảm ơn nhã ý muốn giúp rồng ra khơi, tôi phóng về nhà bố mẹ. Tối om, chắc ông bà vào Bờ Hồ vui hưởng bầu không khí huyên náo hội hè. Dựng xe trước cổng, không dưng, tôi ngồi khóc ngon lành. Vì người cũ, vì dòng sông ven đô năm xưa đã bị đô thị vùi lấp, vì nghề luật sư bạc bẽo, vì giáo sư, vì Quy, vì Lan Lăng, vì câu chuyện kỳ lạ đôi uyên ương làng đóng quan tài, vì người đàn bà viết bức thư ngày trăng tròn, hay tại vòng tròn linh thiêng đã bỏ rơi tôi? Tôi đi trước khi bàn tay tìm được chìa khóa nhà. Đi hay về? Ngôi nhà hình hoa sen, những giấc mơ chồng chéo vảy rắn, chẳng ai đợi ta về. Chẳng ai đợi một cô gái ngoài ba mươi chuyên sống dựa vào linh cảm và ngủ mơ.
        Có người đợi tôi. Trong bóng tối, cánh cổng mở ra cùng lúc với giọng nói trầm khàn:
-         Tôi đoán thể nào cô cũng về sớm. Chỉ có bầy con nít và người cao tuổi mới mò ra đường cười nói ngày này.
-         Cháu đã bảo cô đừng xưng hộ xa lạ như thế với cháu nữa. Mà đêm tối, cô không đi chơi thì nằm nhà xem ti vi, sao lại đến đây, rồi không bật đèn gì cả…
Chẳng nói chẳng rằng, bà dành lấy chiếc xe máy, dong thẳng vào sân, dựng xuống, đi đâu đó vào trong rồi quay ra với chiếc đèn bão, quà tặng đặc biệt từ giáo sư một năm trước. Trời không gió, chụp đèn lặng phắc vô duyên.
-         Khi tôi đến đây thì đã mất điện, cứ tối om hết cả lên cô ạ.
Cơn giận đến một cách vô lý, với vận tốc chóng mặt trườn khắp mạch máu.
-         Lại cô cô tôi tôi, cháu vừa mới nói xong. Sống với cháu mà xa lạ như vậy, cô nên tìm người khác đi. Mệt mỏi lắm rồi…
Bóng tối khẽ lay theo quầng sáng chiếc đèn bão. Bóng tối khiến tôi không nhìn rõ nét mặt bà Thùy, nhưng thoáng nghe sự chuyển động khóe môi. Mươi giây sau, bà cất tiếng, giọng bà nhẹ và sâu như giếng hoang giữa đại ngàn.
-         Nếu cô biết tôi là ai, tôi muốn gì, cô rồi nghĩ khác…
     Bất giác, sống lưng tôi buốt. Ám dấu cơ thể báo hiệu mỗi khi có chuyện không lành. Im lặng khủng khiếp. Giờ này mọi ngày, côn trùng ếch nhái thường ngân khắp vườn. Đêm lạ lùng, không một nhành sao, không một tiếng động. Như thể toàn thế gian đã trống câm. Nhưng còn trăng, trăng đâu rồi?
-         Âm lịch hôm nay ngày mấy, cô Thùy biết không?
Hình như bà Thùy giật mình, quầng sáng đèn bão loang đi lổ lại mảnh sân gạch.
-         Mồng hai, ngày Tỵ .
     Mồng hai, trăng khuyết. Ngày Tỵ, rắn ăn chay. Còn tôi muốn yên bình.
      Nhưng đêm ấy rồi sẽ là một trong những đêm trí não tôi cuồng nộ nhất.
      Ánh đèn bão im lìm, chết chóc. Những viên gạch đỏ lát nền bờ hè u ám. Tôi phải cho cô biết sự thật. Rồi cô sẽ ghét tôi, sẽ căm thù tôi. Sự thật không dễ nghe chút nào đâu. Tôi ghét cô, tôi hận cô, tôi căm thù cô, tôi muốn cô tàn phế, tôi muốn cô đau khổ, tôi muốn giết cô.
      Loang đèn vẫn đóng khung nơi sân gạch.
     Giữa tôi và cô không chỉ là mối quan hệ bà chủ người làm. Chúng ta mật thiết hơn thế nhiều.
      Quá rõ. Tôi luôn xem bà là người mẹ thứ hai của mình. Luôn nghĩ sẽ thương yêu, chăm sóc bà như con gái.
      Con tôi chết rồi. Nó mất trong vòng tay tôi, cũng một đêm tối và lặng thế này. Nó chết, môi vẫn cười, má vẫn đỏ, nước mắt ngập hai tai. Chưa tròn hai tuổi. Nó chết vì không tiền mua thuốc, vì không có một người cha  chăm lo.
      Thật vô tâm, yêu quý bà nhưng tôi chưa hiểu rõ hoàn cảnh người mẹ thứ hai của mình lại nhiều đau thương như vậy
     Con gái tôi, đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của tôi giống cô như đúc, kể cả nốt ruồi đỏ giữa lưng. Cô lớn cô xinh đẹp cô luật sư, nó thì nhỏ nó thì ốm nó thì bay đi.
      Cơn rung đột ngột tới đẩy nhịp tim thành dữ dội, tôi ôm ngực chờ đón nỗi hoảng sợ nào đó đang chạy đến.
-         Vì thế mà cô thương cháu, chăm lo cho cháu, phải không cô?
-         Không, tôi căm thù, căm thù cả họ nhà cô.
      Chao đèn liệng tứ tung.  Không nhìn rõ khuôn mặt bà, nhưng tôi nghe nhiều nước mắt đang chảy. Mặc cho bà nói gì, mặc cho chuyện gì khủng khiếp tới mức nào, tôi vẫn sán lại gần. Vì bà đang khóc, vì tôi yêu thương bà. Khựng người trong vài giây, rồi bà nắm giật tôi lôi chạy. Chưa định thần, tôi đã thấy mình ở cạnh bụi tre bên hồ sen. Trong bóng tối, những lá mùa thu ủ dột nín câm trên mặt hồ. Con bé hai tuổi mà cái gì cũng biết, ngày nào cũng thỏ thẻ: mẹ ơi, con dẫn mẹ lên mặt trăng chơi nhé! Thế mà nó đi một mình, nó bỏ đi, nó không cho tôi đi cùng. Các người đã đẩy nó đi, rồi nhơn nhơn sống như một bầy thú. Quỳ xuống, bà Thùy dùng cả hai tay, dùng cả tấm lưng cào đám đất. Vẫn tịnh không một chút gió hay một tiếng côn trùng. Chỉ có tiếng đôi bàn tay cào xé đất và tiếng nước mắt điên cuồng rơi. Tôi đứng, bóng tối bủa vây, nỗi sợ hãi bao quanh, bỗng dưng thèm bầy rắn từ giấc mơ đêm nào xổ ra, quây kín, cuộn mình vào lòng đất. Ôi, thánh thần ơi, đây rồi, bàn chân saú ngón, hình hài con tôi. Nhìn đi, ghé sát đôi mắt tăm tối của cô vào, nhìn đứa con tội nghiệp của tôi mà các người ruồng bỏ đi. Tôi ngã dúi xuống vùng ánh sáng mà chiếc đèn bão hắt xuống. Trên bàn tay người đàn bà, hình hài một bàn chân bé xíu có sáu ngón hiện ra. Tôi chực đổ quỵ, nhưng bà Thùy đã vứt cây đèn bão, đỡ ngang lưng. Nhìn rõ chưa, nhìn rõ rồi chứ? Nắm đi, sờ đi, hít đi, ôm đi. Em cô đấy, em gái cô đấy. Đây nữa này. Đầu này, tay này, chân  kia…Nếu còn sống, nó sẽ là 25, nó sẽ xinh, sẽ bác sĩ, sẽ nhà văn. Mà không, chỉ cần nó là con tôi, người mẹ này chỉ cần thế thôi, các người hiểu không? Nỗi sợ hãi chật căng lồng ngực. Tôi lao đến ôm choàng người đàn bà, ôm choàng cả những mẩu xương bà đang ghì chặt. Bóng tối khẽ rung lên rồi lịm tắt. Đột ngột hiện ra góc chân trời một vầng trăng khuyết.
      Bụi tre già, lá sen rủ, trăng chưa tròn, côn trùng ngủ, bên nắm xương trẻ thơ, giọng người mẹ âm âm như vọng lên từ bốn ngàn năm. Con gái tôi cũng chính là con gái bố cô. Em cô đấy, cô Phi à, đứa em gái hai tuổi đang ở mặt trăng. Bây giờ thì cô hiểu tại sao tôi lại đến ngôi nhà hoa sen âm u này. Em gái? Con gái bố cô? Hài cốt táng góc vườn từ bao giờ? Người đàn bà nhân hậu cô gặp trước cổng ngày dọn đến ngôi nhà hoa sen không phải ngẫu nhiên? Bỗng nhiên trào lên sự giận dữ điên cuồng. Dối lừa, dối lừa! Tôi bật dậy. Đột nhiên côn trùng đồng loạt rên rỉ. Tiếng hét phát ra, rít thành gió:
-         Bà đi đi, đi ngay, đi khỏi cuộc đời tôi ngay.
Đêm đó, tôi gửi linh hồn cho mảnh trăng khuyết rồi lịm trong
giấc ngủ mê mệt. Giấc ngủ dài kéo tới tận chiều hôm sau.

       Điện thoại cầm tay reo ầm ĩ khi tôi đương giằng co có nên mang theo câu chuyện bí ẩn về đôi trai gái ở ngôi làng truyền thống quan tài theo hay không. Đi đâu đó vài ngày. Tôi dùng từ man trá với chính mình. Không dám nói thẳng : tôi mệt mỏi, tôi bế tắc, tôi trốn chạy. Khỏi hồ sen chỉ còn lá úa, khỏi chi chít hang rắn bốc mùi khắm ướt, khỏi bộ xương bàn chân sáu ngón, khỏi hàng cây biết đi, khỏi ngôi nhà thiu buồn hiếm tiếng cười.
       Chuông lại dồn dập từng hồi, chiếc điện thoại rung bần bật như người hen lên cơn khò khứ. Số lạ hoắc. Giọng người đàn bà chậm, nhỏ, trầm và buồn báo tin xấu.
-         Cô là mẹ Quy. Con gái cô đang nguy kịch, một mực đòi gặp cháu.
Giọng nói buồn tới mức khiến tôi liên tưởng đến một cỗ quan
tài màu nâu trong căn nhà trống hoác. Ba mươi phút sau, tôi có mặt ở nhà Quy. Sương mù vây kín sáng mai, vây đặc ngõ nhỏ. Khác mường tượng của tôi suốt quãng đường đi, ngôi nhà không bấn loạn người thân chạy ra chạy vào. Duy nhất người đàn ông trung niên mảnh khảnh đang thắp nhang lẩm nhẩm khấn vái và người đàn bà  da trắng xanh, mắt sâu buồn như huyệt mộ ghì ôm Quy trên giường. Quy vằng ra, cầm bàn tay tôi đặt lên mái tóc em, thảng thốt:
-         Hiện hình rồi. Em được chọn. Em không thể chối từ.
Tôi vỗ lưng thiếu nữ rất mực dịu dàng, cất giọng mà không
nhìn vào mắt em, nói với em mà tựa với chính mình.
-         Bình tĩnh nào,  em thân yêu. Em khỏe mạnh, em xinh đẹp, em
 thông minh, rồi mọi chuyện sẽ qua.
       Người đàn bà đưa đôi bàn tay gầy chỉ vào đầu Quy ra dấu. Tới lúc này, tôi mới hiểu. Mái tóc suôn mượt tôi đã từng nhìn thấy lúc này xù lên, đóng thành từng mảng như tổ chim, phần đuôi tóc vểnh lên giống hệt chiếc đuôi con ngựa ốm già. Thấy tôi có ý đưa mắt tìm lược, người mẹ cúi đầu.
-         Lược thần cũng không chải nổi đâu. Sau một đêm ngủ dậy,
 tự dưng con bé thành thế này. Bốn hôm rồi. Lúc con bé thiếp đi do thuốc ngủ, cô đã cố dùng kéo cắt nhưng kéo bị gãy. Họa lớn cháu ơi.
       Vớ vẩn. Tôi buột thành tiếng, quay ngang quay dọc khắp căn nhà tìm lược. Nhà nhỏ, không khí hoang lạnh. Chiếc lược nhựa tím gãy choang xuống nền gạch xám, nói với tôi không phải chuyện vớ vẩn. Như người lên cơn, tôi kéo em vào phòng tắm, gội đầu cho em. Nước làm những mảng tóc cứng hơn, đanh lại. Quy im lặng trước sự điên cuồng của tôi. Khi nắng đâm thủng màn sương, le lói rọi vào khu vườn, tôi mới thật sự mở mắt, mới thật sự thấy rằng mái tóc Quy là chuyện không bình thường. Tôi đứng lên khi đầu ngõ, chiếc loa phường bỗng dưng è ẹ bản nhạc Diệt phát xít. Hình như sắp đến ngày kỷ niệm gì đó. Bàn tay Quy lạnh hơn miếng vải liệm.
-         Em phải đi bệnh viện. Bác sĩ sẽ tìm ra căn nguyên, rồi sẽ ổn.
-         Chị vẫn không hiểu gì ư? Hiện hình rồi, thời khắc đã đến.
Ngày thành bóng tối, đêm tuôn sáng ngời. Ám dấu, bị khắc ám dấu, trời đày, người hãm hại, chết hết!
       Quy gầm vang buổi sáng, đẩy tôi ra cửa. Người mẹ ngẩng khuôn mặt buồn hơn trăng già, tiễn khách. Diệt phát xít đang cháy phừng phừng ngập trời khói lửa bỗng dưng đứt phựt, giúp tôi thoát hôn mê, đi như chạy khỏi ngõ phố.
      Ông anh xỉn người trong áo choàng trắng, tay rót nước, miệng liên tục ngáp, nhìn em họ như nhìn bệnh nhân. Tôi miêu tả mái tóc Quy với mức độ chuẩn xác nhất có thể. Viện trưởng viện tâm thần, tiến sĩ tâm lí nổi tiếng ngừng ngáp, mắt sáng trưng.
-         Mười tám tuổi à? Trường hợp trẻ nhất cũng nên. Cô cho anh ghi địa chỉ, nhân thân để anh tìm hiểu, nghiên cứu nhé.
Nhận ra sự sốt ruột và khó chịu nơi tôi, ông anh họ bác sĩ tâm thần tín đồ lên đồng trầm giọng xuống.
-         Nếu đúng như cô miêu tả thì đấy là hiện tượng tóc kết. Cho
 đến nay khoa học chưa lý giải được. Các cụ nói  thế là người bị trời đày. Có cố cắt đi, tóc cũng sẽ mọc lại rất nhanh và vẫn rối xoắn thành vẩy rồng như vậy. Không những thế, cắt tóc, bệnh nhân chắc chắn sẽ ốm nặng, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Hai năm trước, một bệnh nhân 35 tuổi tóc kết đã chết sau khi chồng cầm dao cạo trọc đầu. Cái này trời làm, chỉ có trời mới có thuốc chữa.
        Nắng gắt hành lang Viện tâm thần, trưa một ngày thu chói. Não tôi gật gừ cơn hen suy nghĩ.
        Khi tôi quay lại ngôi nhà, Quy đang ngủ. Khuôn mặt hình ô van xanh xao, nhỏ thó giữa những mớ tóc ken búi bùng xùng lạ đời. Tôi nghĩ đến những điều em nói về người đàn ông bận áo choàng tím ở lần gặp đầu tiên, về con ngươi mắt màu tím của em, thấy toàn bộ thần kinh căng ra như dàn nhạc giao hưởng chuẩn bị trình tấu. Người mẹ tội nghiệp cho biết đã phải cho em dùng thuốc an thần. Thuốc an thần mang đến em giấc ngủ vài giờ, thuốc nào chữa mệnh trời? Ngồi cuối chân giường, nước mắt người mẹ rơi, chan cùng sự bất lực của tôi, khiến buổi chiều nhanh tắt nắng. Không thấy cảnh nhộn nhịp vào ra thường thấy trong gia đình có người gặp nạn, tôi sực nhớ anh trai Quy, thanh niên tên Tỉnh đã đến văn phòng luật sư hôm nào.
-         Trong lúc này, nên có nhiều người thân thiết bên cạnh, Quy
sẽ an bình hơn. Cô nên gọi cho Tỉnh, cháu nghĩ cậu ấy rất thương yêu và lo lắng cho em gái.
-         Tỉnh nào? Anh nào? Cháu nói ai thế?
 Thiếu phụ chồm lên, bấu chặt vai tôi. Một luồng điện chạy
khắp mô cơ, khẳng định suy đoán bấy lâu tôi hồ nghi. Bàn tay người  mẹ tiếp tục hốt hoảng xoáy hỏi. Tôi đánh liều phịa chuyện giải thích:
-         Theo cháu biết thì Tỉnh là bạn học của Quy ở trường, rất
 thân thiết.
       Thiếu phụ buông tay, nói trong tiếng thở dài: 
-         Cháu không nói thật. Quy chẳng có bạn nào tên Tỉnh. Thôi,
bao chuyện trên trời đã rớt xuống gia đình này, thêm chút nữa cho thành bãi tha ma.
       Tiếng thở dài chìm lặng xuống, ánh mắt người mẹ tan hoang như mắt ma vừa rời cõi sống. Cô đưa hai bàn tay gầy dài ôm lấy những búi tóc trời đày của con, thì thầm:
-         Trời đã chọn sai người. Người thực sự đã chọn sai.
        Bằng bước chân tối nặng, người mẹ tiễn tôi ra. Quy vẫn say ngủ giữa điệu ru u mê của hóa chất. Lần đầu tiên trong đời, tôi chắp tay cầu nguyện đấng tối cao cứu giúp con người. Cứu Quy, cứu tôi, hay Lan Lăng hay người đàn bà viết lá thư ngày trăng tròn? Có lẽ toàn bộ loài người.

                                              *

      Trước khi giấc mơ giáo sư và những người đàn bà tái diễn, tôi đã có câu trả lời cho hoài nghi về mối tình kỳ lạ của đôi trai gái trong câu chuyện ai đó quẳng vào đời tôi.
       “ Đông năm ấy sớm và lạnh ngoài tưởng tượng. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con. Mẹ nói chồng mình công tác nước ngoài dài hạn, tự nguyện xin đi, nghe đâu xứ Lào. Nghĩ mẹ con rồi ríu rít chuyện trò, rồi nắng chiếu toang mảnh màn u ám. Ngờ đâu đèn trong nhà tối hơn, ánh mắt tối hơn, im lặng sâu hơn. Cô gái vùi trong thư viện ngoài giờ lên giảng đường. Vẫn suy nghĩ mãi những điều kỳ dị trong ngày xuân ôi mốc, vẫn băn khoăn hoài những điều chàng trai lẩm nhẩm giờ phút bên nhau. Trên tất cả, cô nhớ anh điên dại. Cô không biết, trong chàng trai, cô chiếm chỗ, cô xuyên cọc câu rút.
       Cuối mùa xuân, lòng cô gái nở bùng thương nhớ, tim chàng trai gãy cành tương tư. Mong muốn gặp nhau như vết thương hở cần khâu như ngày ba tháng tám cần gạo, hối thúc mãnh liệt. Anh tìm cô hay cô kiếm anh, hai ngày một lần hay một ngày ba lần, chẳng khiến họ bớt nhớ bớt thương. Ôm cô trong tay, chàng trai ôm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, quá khứ lẫn hiện tại. Giữa vòng tay anh, cô vừa hạnh phúc vừa hoang mang như tổ chim cạnh hang rắn. Điều khiến cô băn khoăn là mỗi khi rung cảm lên cao, chàng trai lại vùng dậy biến mất. Vì cô không nghe được lời người cha trút bỏ vào con trai trên chiếc giường đóng bằng gỗ vụn  ngày xuân ấy. Vì tình yêu, cô dọn dẹp sạch sẽ  những hoài nghi những lời anh lảm nhảm trên chuyến tàu, trên vành môi ngắt quãng cơn hôn bạo cuồng.
       Cũng đến lúc, chàng trai đập nát lời người bố bất hạnh trối trăng bằng lý lẽ thông thường: thời khắc đó ông không tỉnh táo! Chàng đưa hết u mê gạt đi mọi luân giáo, lễ đời. Chàng lao vào, ngiến cô như chiếc máy cưa hạ cây non. Cô dọn sạch nghĩ suy, mở toang mình đón anh. Sông nổi ngầu cuồng phong yêu đương, thuyền hiên ngang thẳng bến.
       Đúng khi chàng trai ấn xuống, cô gái vươn lên, thì con hổ mang bành chòng chọc nhìn rồi lao xuống. Trợn trừng, cô bất tỉnh. Tỉnh ra, thấy mình vẫn con gái.
       Để rồi ba ngày sau, vào tối mùa xuân cuối cùng trên đất rồng thiêng, trong ngôi nhà trắng lò sưởi lửa bập bùng, cô bị cưỡng bức trở thành đàn bà bởi người đàn ông cô thường gọi giáo sư.”
       Trời ơi! Quy ơi, Tỉnh ơi! Tập giấy rớt khỏi tay tôi đập xuống nền gạch đỏ. Tiếng rơi nặng tựa tiếng búa ngàn năm nện mồ quá khứ.
       Ngôi nhà ngoại ô trống hoác mình tôi.

                                              *

        Cả làng ven đô, chẳng ai biết lai lịch ngôi nhà  hình hoa sen lún sâu bên bụi tre vĩ đại kèo kẹt suốt ngày đêm. Có người già nói nhà đó hơn trăm tuổi, vốn là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn cao sang. Bà thầy bói chân thọt nhưng mắt sáng lại bảo hình như trước đây căn nhà là nơi che giấu những tiểu thư trâm anh thế phiệt chửa hoang. Con họ sinh ra, người hầu dìm xuống ao hoặc ném vào hang rắn. Vài cô cậu sành internet thì chắc chắn rằng tài liệu này chứng minh khu đất đó ngày xưa là nghĩa địa tử tội, tài liệu kia cho rằng từng xuất hiện nhiều bóng ma đi lại suốt thế kỷ hai mươi trong khu vườn.
        Toàn bộ người thân không ai biết nguyên do Phi chuyển đến ngôi nhà đầy truyền thuyết.
        Ừ nhỉ, sao tôi lại bỏ dòng sông tuổi thơ, bỏ vòng tròn linh thiêng, bỏ giọng trầm của bố và cười duyên của mẹ về nơi này? Phải chăng vì cây biết đi, trăng biết buồn, gạch nâu biết kể chuyện xưa? Em biết mình là ai không? Bà hoàng. Em phải ở nơi thần thánh đã chọn. Bà hoàng ư? Ông đã lừa phỉnh tôi. Chẳng có thần thánh nào, chính ông đẩy tôi đến rắc rối u mê. Bộ xương hài nhi chân sáu ngón, người đàn bà nhân hậu tình cờ gặp trước cổng tôi yêu như mẹ thứ hai, ai sắp đặt ai khiến xui? Lại ông ư, giáo sư thuộc lòng tuyển tập Lê-nin?
        Anh tài taxi liếc gương chiếu hậu, mở miệng định tò mò điều gì lại thôi. Có lẽ anh ta lo đang chở khách tâm thần. Đầu đêm, tôi đuổi giấc ngủ đi để nghĩ về Quy, đến câu chuyện bất hạnh của em, nghĩ làm sao có thể giúp em mang cho em một chút niềm vui. Phần đêm còn lại, giáo sư cùng Lan Lăng, Cúc, Quy và chính tôi diễn vở kịch dài chiêm bao. Sáng sớm, còn mỗi linh hồn ở lại, dáng hình tuổi trẻ biến bay.
        Bố giơ tay đỡ tôi ngay bậc thềm, Đẩy bố ra, tôi lọt thỏm giữa vòng tròn linh thiêng, rơi xuống mọi tủi hờn. Mẹ lắc đầu, thì thầm rất êm :  "Ổn rồi, con gái của mẹ, con gái bé nhỏ của mẹ. Nước mắt sẽ mang đi mọi phiền lo. Con về nhà, con đã về nhà…”
       Con về nhà vì con muốn sự thật, muốn bí mật đang bị cất giữ. Bố bàng hoàng giữa sô- fa mận chín, giọng thôi trầm. Tôi nghe giữa lời thú tội những run rẩy không ngừng.
      " Gặp mẹ, bố quên hết nhân gian, bố quên mất bố đang có một người đàn bà. Bố cho rằng thứ gọi là tình yêu mình từng trải qua thực ra hoàn toàn dối lừa. Cô ấy chửi bới, van xin, đấm đá cào xé giằng co bố. Nhưng mẹ con đặc biệt tới mức phả ra sương khói che mờ hết nhân gian. Cô ấy giữ ghi đông xe đạp bố giữa đường, hét tường: em có thai, em đang mang giọt máu của anh trong người, bố nghĩ trò gian dối, trò lừa đảo. Ba mươi lăm năm qua, thảng hoặc đôi lần bố vẩn vơ về tiếng hét buổi trưa hôm ấy, về giọt máu nào có thể đang trú ngụ đâu đó. Rồi tự gạt đi, an ủi rằng nếu năm ấy cô ấy thật sự có thai, đã tiếp tục làm phiền đeo bám, không để yên cho bố lấy mẹ con. Ai ngờ…Con nói bàn chân của con bé sáu ngón? Không lẫn vào đâu được. Con gái ơi, vừa sinh ra, hai bàn chân con cũng mỗi bên sáu ngón. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa ba ngày sau khi con ra đời. Nghiệp chướng thật rồi."
      Ông vẫn nói, nhưng tôi không còn nghe thấy gì. Nhìn xuống đôi bàn chân, tôi vẽ ngón chân thứ sáu bằng máu lấy ra từ cuống tim. Quả tim đập loạn nhịp. Mười ngón chân tấy đau. Tôi đã mất một phần thân thể mà bấy nhiêu  năm không hay. Tôi không cần đẹp, tôi không quan tâm thiên hạ dè bỉu quái thai. Các người là ai, là ai mà có quyền xẻo thịt cắt xương tôi?
      Hình như bố ngừng nói. Ông lay vai con cứ như nó vừa tắt thở.
-         Phi! Con gái, con sao thế? Con giận bố mẹ vì hơn bấy nhiêu
 năm giấu con chuyện bàn chân phải không? Con ơi, nói để làm gì! Ích lợi gì! Chỉ là dị tật nhỏ…
-         Dị tật nhỏ? Cắt bỏ là xong? Không ai có quyền lấy của con
 những thứ tạo hóa đã tặng cho con. Không ai có quyền tước mất của con quyền được biết chuyện đã xảy ra. Giả dối! Bố không chỉ giả dối, bố lừa đảo, bố bội bạc!
       Hai bàn chân bám chắc nền gạch sậm, trước bàn thờ, tôi tóe máu. Bố níu tôi, cánh tay ông giá lạnh.
-         Nói nhỏ thôi, bố xin con, mẹ đi chợ sắp về. Con có thể chửi
 bố, đánh bố, từ bố nhưng đừng để mẹ biết. Mẹ sẽ không chịu nổi.
      Ông đâu biết chợ đã tan, cửa đã mở, người đã vào, chuyện đã nghe và lòng đã chết.

                                                      *


       Gần ba tuần sau cái chết lạ dị của Lăng, thi thể cô mới được trả lại cho gia đình. Tang lễ cử hành ngay ngày kế tiếp. Bà cụ thuật lại lời cơ quan điều tra đúng giọng nhân viên pháp y trước giờ khâm liệm. Đã tiến hành phân tích rất kỹ toàn bộ tử thi, song không tìm ra nguyên nhân. Có một chất rất lạ trong tim, đưa qua đưa lại đủ các xét nghiệm, máy móc vẫn không biết là gì, nên bỏ lọ gửi ra nước ngoài nhờ Tây xem hộ rồi. Có tiếng cười ồ. Tôi quay mặt đi. Người chết dù là kẻ sát nhân, dù thọ đến hai trăm tuổi cũng không muốn tiếng cười trong  ngày tống biệt.
        Chiều không nắng, chỉ gió lảnh tảnh vài cơn, kiểu gió báo hiệu thu đến hồi hấp hối. Phòng tang lễ lèo tèo dăm người đợi chờ. Bà cụ không khóc, nhưng giọng nói đầy nước mắt.
-         Sự cùng mới phải đốt con Hưởng, cháu à. Dù gì bác cũng
 không muốn thấy nó bị thiêu rụi như đám rác. Con bác đẻ ra, nhưng tính cách thì ở đâu đến. Câu nói “ không bao giờ về xứ nhà quê, ngay cả khi chết”, nó hét lên trong phòng cấp cứu Viện bỏng đêm hôm bị tạt a xít thế mà linh nghiệm.
       Đôi mắt người mẹ vô hạn buồn đắng. Chiều hôm trước, bà cùng ba người họ hàng đến nhà xác nhận con trên một chiếc xe thuê trước cổng bệnh viện giá bằng con bò béo nhất làng. Cơ quan điều tra, rồi pháp y đọc cái này cái nọ, đưa giấy này giấy kia, vỗ nắm lưng tay chúc lên đường may mắn. Ba người tiến đến nâng cô cử nhân báo chí xinh đẹp nhất làng lên, thi hài không nhúc nhích. Năm người rồi bảy rồi mười, họ hàng thêm công an thêm bác sĩ thêm bảo vệ, xác chết vẫn ỳ cứng. Gã tài xế mặt đỏ phừng định nổ máy xe chờ sẵn , loay hoay một hồi máy cứ trơ trơ. Lại nghe tiếng rin rít xìn xịt âm âm u u đâu đó, mặt đỏ chuyển da xanh, gã chắp tay lạy tứ tung. “ Thôi, xin lỗi cụ, xin lỗi cô, xin lỗi các bác, em cắt chuyến này, em không đi nữa. Nó cứ thế nào ấy…” Anh này anh kia trao đổi gì đó với bà cụ, bà cụ im lặng, bà cụ nuốt nước mắt vào đầu, bà cụ gật đầu. Anh này anh kia rút di động gọi, nói nói vung vung hất hất tay chân, mươi phút sau cười hệch. “ Xong rồi cụ ạ, người ta bố trí chiều mai có thể đón xác để hỏa táng ở Văn Điển. Cụ yên tâm nhé.”
        Chết rồi, nó vẫn nhất quyết nằm lỳ thủ đô, lạ thế mới là lạ chứ. Bà cụ vừa dứt lời, hai người đẩy tử thi ra khâm liệm. Kể cả hai nhân viên nhà xác, tất cả tám người, thêm Lăng, chín mạng trong  một chiều tịch mịch. Những manh áo sờn và đôi mắt hốc. Những giọng địa phương và móng tay đen. Thứ nhà quê, sinh thời Lăng chối bỏ. Không giám đốc đại gia xe hơi lộn bóng đón đưa, không người tình trẻ trai quần hiệu áo hàng, không bạn không bè không cả thiên nhiên. Lăng nằm, vẫn kiêu hãnh dáng dài tay thuôn dưới lần vải liệm. Son phấn che không hết tàn dư a xít.
      Nắm quan tài vừa sập xuống thì chị tới. Người phụ nữ mang khuôn mặt trăng tròn, người vợ bị dối lừa, tội phạm án vừa tuyên hai  ngày.  Vòng hoa tang nuột nà từng cánh, như thể chính bàn tay búp măng của chị đã lựa, đã kết, đã yêu thương. Hai nhân viên khâm liệm hết phận sự đã vào trong. Năm người còn lại ngác ngác ngơ ngơ, hết nhìn cỗ quan tài, nhìn khách, lại nhìn nhau, rồi nhìn tôi cầu cứu. Cứ như thể tiên vừa giáng thế. Tôi miễn cưỡng thành ban đón tiếp lễ tang.
-         Cảm ơn chị đã đến chia buồn. 
Mỉm cười thay lời đáp, đôi môi không son phấn tấy vàng chiều
 thu hanh. Chị bước tới bà cụ. Lạ lùng, đôi tay đen gầy người mẹ mất con mở ra. Ai dám nghĩ chị chính là kẻ không đội trời chung với con gái bà, ai dám nghĩ chính chị đã tung a xít hủy hoại dung nhan đứa con gái độc nhất của bà. Không ai thấy nước mắt trên mặt chị, nhưng tấm lưng ấy cứ rung lên bần bật. Chắc là rất lạnh. Lạnh vì tử khí hay run trước lòng bao dung con người, mình chị biết. Cỗ quan tài lòe loẹt chạm khắc hắt vàng những đôi  mắt nhà quê mệt buồn ngơ ngác.
       Bà cụ vỗ bàn tay xương lên vai chị mấy lần khi người phụ trách tang lễ lạnh lùng tuyên bố lễ viếng bắt đầu. Căn phòng trống trơn người, lặng câm than khóc, không bóng người đến nói câu tiếc thương ly biệt. Từ từ, những cơn gió đến, lá bay quẩn từng chòm, lạc cả vào di ảnh. Một cô gái đẹp, nhân viên hàng ảnh Nguyên Cầu chẳng cần chỉnh sửa nét nào.
       Chị cắm nén nhang một cách chăm chú, như thể người ta cấy kim cương lên trán. Rồi sẽ sàng, chị bước vòng quanh cỗ quan tài, ngó xuống. Gió theo bước chân chị, thổi ngạt lòng nhân. Từ sau lưng, tôi không biết nét mặt chị, đôi mắt chị khi nhìn Lăng qua tấm kính  ra sao. Chỉ thấy cổ chị gập xuống hồi lâu, rồi tí tách giọt giọt rớt xuống, rồi tiếng ối thốt lên như búa đóng đinh hòm. Tôi tỉnh cơn mộng gió, lao đến. Dưới mặt kính nhòe nước mắt người đàn bà trăng rằm, khuôn mặt Lăng không còn dấu tích bất cứ vết sẹo nào. Đôi má căng hồng trêu ngươi thời gian, trêu ngươi chất cường toan, trêu ngươi chết chóc. Thở dài trong lúc mỉm cười, bà cụ vái lia vái lịa bốn bề. Gió cứ xoay từng hồi, lá cứ đứt từng cụm, không gian rách nỗi buồn, mùa thu nát lê thê. Bà cụ đội vành khăn trắng ra khỏi phòng tang lễ, ngồi hé bậc thềm, khóc. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến mẹ Lăng rơi lệ. Vì nỗi đau mất con, vì cơn ly biệt không người đưa tiễn, vì sự kỳ diệu xóa hết xấu xa trên làn da con gái, hay thương cảm chính mình? Chẳng điếu văn thành lời. Bà nhà quê, không biết chữ và không biết dối lừa.
       Phòng vĩnh biệt đài hóa thân hoàn vũ đón Lăng bằng giọt nắng cuối cùng xiên ngang di ảnh. Mắt xếch, môi mọng, răng đều, cô gái cười đĩ thõa. Ai đã chọn tấm hình kia làm di ảnh, quả đúng ý nguyện Lăng. Muốn mê muội đàn ông ngay cả khi đã chết.
       Giọng người đàn ông kéo bẹt từng âm tiết, gieo vô căn phòng nhiều thảm thương giả tạo: “ Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tiễn biệt một người con gái xinh đẹp, một người con hiếu thảo của cha mẹ, một người trí thức có ích trong xã hội. Xin tất cả đi vòng quanh quan tài nhìn mặt người thân lần cuối cùng.” Đi sau, tôi nhìn đôi vai còm người mẹ xệ xuống. Khẽ đẩy bàn tay của tôi khỏi lưng, bà quay lại khẽ cười trấn an. Ánh mắt, trời ơi, đôi mắt bà khong phải mắt người sống, Đó là đôi mắt của người vừa chết. Chỉ toàn bóng tối. Trân trân chọc xuyên tấm kính, bà phả đêm đen, thứ đêm đen chứa chất tiếc nuối, tủi hờn, thương đau, câm lặng vào khuôn mặt đứa con gái yểu mệnh. Rồi người mẹ vĩ đại quỵ ngã. Ngoài sân, những tiếng rít lạ lùng như tiếng gió hấp hối chuyền vào. Lưng tôi lạnh cong, ẩy đôi chân về phía hồ sen đầu nghĩa địa. Vọng theo giọng nói bèn bẹt giả tạo tiếc thương: “ chắc lại lũ rắn đú đởn ấy mà, cứ gái đẹp chết trẻ là lại thế…” Trước  mắt tôi, trên mặt hồ sen dăm ba lá héo, bầy rắn kết hàng ngóc đầu hát vang. Chúng không đú đởn. Bỗng dàn đồng ca đột ngột im lặng chúi đầu, như thể bị điều khiển, như thể ai đó đã ra lệnh cho chúng. Tôi quay phắt mình. Bóng đàn ông cao lớn diện vest trắng xẹt ngang cổng nghĩa trang. Giáo sư! Tiếng hét gọi của tôi nghẹn lút cổ họng. Đường vắng, gió lặng, cây im, hồ sủi bọt. Hình như hoa mắt, hình như chóng mặt, hình như cơn mê hoang.
        Nhưng chưa hết cơn mê. Khi dúm người thân  bế bà cụ lùi khỏi quan tài và hai nhân viên hành nghề thiêu xác tiến đến, cơn mê lại tiếp diễn. Bàn tay người đàn ông định sập miếng kính nảy lên như bị chém, cùng lúc tiếng hét xé ra. Tấm khăn trắng choàng quanh đầu Lăng bung mở, lộ nhô khuôn mặt nham nhở vết cắn kỳ dị với hai hàm răng nhọn hoắt há ra cùng đôi mắt mở to trừng trộ cuộc đời.


                                                       *
       
         Hai năm hay hai mươi tháng, ta không nhìn đến ngươi, nhật ký thân yêu ơi. Ta biết trao gửi gì vào em, khi mà thế giới của ta như bụi cây khổng lồ đầy gai và dây leo bám. Khi mà ta đương sống những ngày kỳ lạ. Hay ta tưởng đấy là những ngày kỳ lạ, biết đâu toàn cõi người trên đất nước này, trong xã hội này, thế gian này cũng thế, cũng như ta.
       Chiều nay, đồng nghiệp trẻ tuổi nhất văn phòng, mới vừa tắm văn minh và quá khứ Paris hoa lệ trở về, thì thầm rằng đôi mắt ta tràn đầy trống rỗng. Anh ta cân được trống rỗng, như ta từng đếm được giọt mưa. Ta nghi ngờ. Câu nói ấy đầy rẫy trong tiểu thuyết ái tình. Anh ta là con vẹt gại mỏ kêu theo, vì anh ta muốn cùng ta lên giường. Bao lâu, nửa năm, mười tháng? Ta chay tịnh. Lời ve vãn tựa mùi cơm khê. Ta lãnh cảm? Không, hơn bao giờ, bầu vú ta vểnh cong mái đình chờ sương sớm. Hơn bao giờ, làn da ta mịn trơn đòi ve vuốt. Hơn bao giờ, dòng sông ta dữ ngầu khao khát. Nhưng khao khát ai, đợi chờ ai, ta lạc lối đường tim. Tim ta giờ nhảy  nhót điệu vũ hoảng cuồng. Ta mộng ta mơ hay sự thật? Ôi, người ta tìm là ma là quỷ hay tưởng ước xa xôi?
      Bà Thùy đi, mới hai ngày, khu vườn hoang phế. Cây thôi chạy hoang cùng gió, ao ngưng sáng ngời trăng. Người đàn bà tưởng hiền thật như vạn triệu phụ nữ gốc nguồn lúa nước, lại hóa khó lường. Ừ thì bà yêu bố, bà hận bố, bà hận cả con gái của người bà hận. Nhưng bộ xương có hai bàn chân sáu ngón, hình hài con gái thiêng liêng, sao bà nỡ đào lên mà đem chôn giấu góc vườn ta?Lẽ nào bà không muốn vật báu đời mình mồ yên mả đẹp, lẽ nào bà cho rằng bộ xương đó sẽ nghiến nát được đời ta? Không, đôi mắt dịu dàng ấy, nụ cười đôn hậu ấy không thể sản sinh mưu mô. Kẻ nào khác xui khiến, kẻ nào khác đủ quái phép đã ra chiêu?
        Rồi Lăng, ôi cô gái khốn khổ! Đẹp thế, có người mẹ vĩ đại thế, yên lành  nông thôn  có lẽ sẽ hưởng yên ấm trọn đời. Thị thành mà làm gì. Ô nhiễm từ môi trường cho tới tâm hồn. Phải chi em đem nhan sắc ấy trao người đàn ông tử tế, rồi sinh con đẻ cái, rồi công chức ba cọc ba đồng cúi mặt một đời, sẽ nhiều ngợi khen. Giả hoặc em thành Trà hoa nữ hay Thúy Kiều đường đường buôn hương bán sắc vẫn nhận yêu thương từ đời. Em học đòi, em lai căng, em thách thức cái dương gian tối mực nặng mùi mắm thối làm chi... Chất cường toan ấy hủy hoại nhan sắc em, nhưng tiếng em vẫn giọng kim khí gầm gào. Vì sao em chết, cái gì đã giết em? Em không thể trả lời, bầy rắn nổi lên ao sen trước nơi tiêu đốt em hát ca vĩnh biệt mới lạ lùng làm sao. Và giáo sư, người đã đến Viện Bỏng gặp em, người đã đến đài hóa thân chiều thu tang ma em…Ôi, bóng tối nhấn chìm trí não ta! Ôi, giáo sư, người là thánh thần hay quỷ ma?
      Rắn, rắn khắp nơi, rắn đang đan rọ ta. Rắn như búi tóc kết kỳ dị đang xơ xác cuộc đời Quy. Ta đã nghĩ tóc rối thì có lược, người tốt thì yên lành. Làm gì lại có thứ tóc đến dao kéo cũng chẳng thể cắt gọt. Rắn bện vòng, rắn xâu xé hết não bộ ta, rắn chui luồn mỗi mạch máu đường gân. Quy ơi, chị thế này làm sao còn giúp được em. Chị không phải, không thể và không xứng là luật sư. Xã hội này chỉ cần bóng tối và rắn. Rắn và bóng tối, em hiểu không, gian xảo chui luồn, ác độc đập trước mặt quẫy sau lưng, mà Quy nhỏ bé chỉ biết chống đỡ bằng tròng mắt tím, mà chị mang danh luật sư chỉ ngồi đây nhai  gặm nghi hoặc. Có thật chính người ấy, chính giáo sư lụa trắng đã làm điều ô nhục với em? Rồi ma đưa đường, thánh chỉ lối thế nào lại chính ta đại diện cho em trước công lý. Sợi dây nào, búi tóc nào, ổ rắn nào đang dẫn dắt linh hồn ta. Đâu đâu cũng rắn, đâu đâu cũng giáo sư. Ông ta định âm mưu gì? Ta chỉ là một cô gái mộng du kinh niên, chọn ta rồi sẽ hỏng đại sự có ngày. Buông tha em đi, giáo sư, giáo sư thần thánh. Em sẽ lau chùi mọi dấu vết ô uế trong ngôi nhà trắng, em sẽ quét hết giọng nói còn sót lại bên tai, em sẽ thiêu hủy ngôi nhà hoa sen- xác rắn và cây cối dị thường. Em sẽ, em chắc chắn đốt tan trăng già trăng khuyết ngày gió ngày nồm. Ông tin đi, ánh sáng vẫn sót lại vài loang trong ngực em, sâm cầm vài con vẫn vỗ cánh đêm rằm.
       Có tiếng chim lợn vỗ cánh bay qua rớt xuống vài tiếng xấu. Em nhớ, một lần sau ái ân, lông mày ông bỗng hồng đỏ giao khít vào nhau. Ông nói khẽ rằng thần tượng của ông là chim lợn, giai điệu bất hủ ngân rền tim ông là tiếng kêu chim lợn.
             
  Chương Bảy:                      LỘT 


 Sáu giờ, đêm hãy còn nấn ná. Ngõ nhỏ chìm ìm, cứ như thể tất
 cả đã viên tịch. Chàng trai thộc vào với vận tốc tuấn mã trường đua, độc mỗi chiếc quần đùi thùng thình khí lạnh. Nhoáng cái, cánh cổng ngôi nhà cuối ngõ đã bật tung. Bên trong vẫn không động tĩnh. Nhoáng cái nữa, chàng trai đã quỳ xuống bên đầu giường, nơi Quy đang chìm sâu  cơn ngủ thuốc an thần. Chăn tím gối tím, cô gái lút giữa sắc màu con đường thần chết thường quá giang. Chàng trai đưa cánh tay trầy xước vén chăn. Khoảnh khắc bàn tay Quy lộ ra, chàng trai bỗng run bắn. Vừa lúc một con mèo đen từ xà ngang đu xuống, giương đôi mắt xanh chiếu thẳng vào thân hình gầy trơ xương sườn người lạ. Quy dựng ngược dậy như xác chết đụng linh miêu. Tròng mắt em ngập tím. Miệng em mở to hơn hồ Gươm, tiếng thét em vang hơn hùng ca Người Hà Nội:
-         Anh Tỉnh! Anh Tỉnh! Cứu em, cứu em!
       Bóng tối bừng  giấc. Đêm dài chạy vội về những rặng núi cao.  Ngõ nhỏ thoát hôn mê. Nhà nhỏ động đậy dập dồn.
-         Tiếng búa vẫn đập quan tài, đoàn tàu cứ đứt lìa từng khúc...
Anh ơi, chặt đầu em đi.
       Tỉnh định vòng tay ôm Quy, bỗng khựng lại giây lát, ánh mắt chợt vàng như sao quốc kỳ. Rồi từ từ khuỵa xuống, chàng trai ôm mặt nấc từng cơn, thổn thức.
-         Quy ơi, em ơi, anh hại em rồi. Xin lỗi em, xin lỗi em…
       Cô gái rướn lên, ý muốn ôm chàng trai vào lòng. Giây phút đôi tay Quy dang ra, mắt Quy thôi lịm tím. Bỗng chàng trai ngoặt đầu, cẫng nhảy, rú liên hồi.
-         Chớ đụng vào tôi. Rắn! Rắn sẽ đến. Trốn đi. Tao sẽ tìm ra
 mày, tên giáo sư khốn kiếp. Hiếp, hiếp lòi bánh mỳ đen Liên Xô, hiếp đứt Vạn lý trường thành trong bụng ngươi. Giết, giết, giết hết lũ đè người.
       Thân thể Tỉnh không còn mảnh vải. Quần đùi trắng tuột rơi khỏi bộ xương khốc khô phiền não. Mèo đen dửng dưng chạy lại, cắp manh quần  đội lên đầu, múa quay múa cuồng quanh gian phòng ngập ban mai.
        Bên cánh cửa phai tro, người mẹ lạnh ngắt. Trận cuồng phong ập về. Đứa con trai điên dại trần truồng kia giống hệt kẻ ấy, kẻ cuối cùng đã hộc khoái và hộc khóc trên người bà mười chín năm trước. Thế là hoàn toàn đông, thế là mãi mãi xám, thế là vỡ rụi những nguyện cầu.
       Điện thoại rung nháo nhào khi tôi đang đọc lần thứ hai ngàn kinh Tân Ước. Thành thói quen, mỗi khi mất tinh thần, mỗi lúc đời loạn, tôi lại ôm cuốn sách nhỏ vào lòng trước khi ngủ và sau khi thức giấc. Tôi nhận ra ngay giọng nói điềm tĩnh đến lạ lùng, báo tin buồn hoảng. Tội nghiệp Quy. Vừa tìm lại lại một chút an bình sau cả tuần sờ đầu hỏi tóc  rồi mê man thuốc an thần. Tội nghiệp Tỉnh, chẳng có tội tình gì, bao ngày gặm nhấm hoài nghi một sự thật đã rành rành đến nông nỗi dại điên. Tôi khâm phục chàng trai, bởi nếu là mình, tôi đã điên ngay từ cái ngày mùa xuân ôi mốc ở cái làng truyền thống đóng quan tài của anh, hay trên đoàn tàu chở đầy chán chường về thành phố hôm sau. Nắng nhảy, nắng rót tràn sớm mai, báo hiệu ngày cuối cùng ấm áp trước khi gió mùa lạnh trườn qua. Thế mà trong căn nhà nhỏ, góc ngõ nhỏ, trên chiếc giường nhỏ, cô gái nhỏ chỉ còn bóng tối bủa vây.
        Đúng bảy phút, tôi sửa soạn xong, chiếc xe máy  nặng trịch bao suy nghĩ lao khỏi cổng,  đẩy tôi về hướng Hà Đông, nơi cô gái nhỏ và chàng trai và người mẹ đương gào lên hay thì thầm sao thượng đế chẳng nhân từ. Khu vườn hoa sen chưa khuất tầm mắt, điện thoại lại nhoảng lên, rung cháy đùi. Lần này, cứ như thể ai đó cần cấp cứu. Nhưng không, giọng mẹ không chỉ xa mà yếu chùng cả  đường truyền sóng. Giọng nói người mà ngày chỉ còn bóng tối bao trùm.
-         Mẹ đã nghe, mẹ đã biết. Bàn chân sáu ngón, như con. Trùng
 hợp lạ kỳ. Đấng tối cao, người thấu hiểu tất cả phải không con gái. Mẹ ra đi, mẹ muốn đi, mẹ phải ra đi. Sông đang chờ mẹ, dòng sông mẹ con mình quý yêu hơn tất thảy. Sông không phụ người, sống sẽ gột rũ mọi đớn đau cho mẹ, sông sẽ trôi mẹ vào đại dương, nơi bốn bề thinh lặng. Mẹ sẽ nghỉ, thật sự thiếp đi. Hạnh phúc nào hơn thế. Đêm qua, hàng vạn con rắn đến tìm mẹ. Những loài rắn chưa bao giờ mẹ thấy. Chúng công kênh mẹ, dịu mềm đỡ mẹ lên, bay tới thiên đường. Không còn ai con người làm bạn mẹ nữa, giả dối hết rồi. Mẹ đã gửi linh hồn cho rắn, con đừng trách than.
       Tôi không hiểu sức lực nào níu giữ mình nghe hết bấy nhiêu lời mẹ. Chỉ khi chiếc điện thoại giận dữ gào đinh tai vì bị ngắt, tôi mới nghĩ mẹ không còn trên phôn. Chiếc xe máy rồ ga quay ngược, tới ngôi nhà vòng tròn linh thiêng, tới ngôi nhà mà tất cả yêu kính đang bị thất vọng nhấn chìm. Nắng ánh lên như lưỡi dao khổng lồ sắc lẹm. Chém rụi một ngày đẹp.



      Nắng loang đầy phòng. Không gió mà dải khăn hồng trên khung cửa bay lượn phất phơ. Những dòng chữ theo đôi bàn tay hằn nếp thời gian song hãy còn thon thả tuôn tràn trang giấy. Khuôn mặt bà đầm đìa nước  mắt, đôi mắt bà đầm đìa luyến thương. Vì bà biết, đây là lần cuối bà mượn câu chữ gửi niềm yêu tới đứa con gái duy nhất của mình. Và linh cảm, thứ bảo bối của một tâm hồn đa cảm cũng cho bà biết điều gi đó u mê đang đợi ngoài kia.
       “ Một lần dì nhìn con rồi nhìn mẹ rồi nhìn mông lung thở dài. Ấy là năm con tròn tuổi mười ba. Trên bãi biển Sầm Sơn. Áo tắm vàng rực bó thân thể thiếu nữ chực rách bung. Mẹ hiểu vì sao dì thở dài. Vì con quá đẹp. Mười ba tuổi, con gái không nên mang thân hình nõn nà nhường vậy. Bãi biển đầy cáo già,  đoàn tàu rặt dê xồm,  quảng trường vô số ngáo ộp. Tất cả đều đói khát. Con thì ngây thơ. Mẹ không thở dài, mẹ nín thở. Không khí oằn ngược khỏi buồng phổi và trái tim mẹ ngập hoang tưởng. Hoang tưởng về một tương lai kỳ dị cho con gái, hoang tưởng cầu xin đấng tối cao nào đó buông tha con khỏi danh sách đa đoan. Mẹ đâu ngờ rằng, trên bãi biển ngời nắng mùa hè năm ấy, đấng tối cao đã chính thức chấm con. Cho hành trình tăm tối, đến miền rắn bảy màu cùng những chiếc lưỡi lụa ủ hôn mê.
       Cũng trong cơn hoang tưởng ấy, một khắc mẹ mơ sóng bạc đầu chồm lên nuốt con gái vào sâu thẳm. Đại dương sẽ nuốt luôn mọi gai nhọn hố độc mà cuộc đời dành sẵn đợi con. Như thế, con khỏi đớn đau. Như thế, biển thêm phép màu linh thiêng. Con gái mẹ vẫy vùng với rong rêu tuyệt mỹ, con gái mẹ lặn sâu vào bất tận… Đến tận ngày hôm nay, mẹ vẫn lặp đi lặp lại giấc mơ ác độc ấy. Cứ sau mỗi cơn mê, mẹ lại hành hạ mình vì nghĩ suy ác độc, dù chỉ là cơn mê.
        Nhưng giá như, sóng bạc đầu đã đến mùa hè mười ba tuổi tròn căng ấy, đã chẳng có ác mộng hai năm sau. Dòng sông đã không ngầu bọt hung dữ giữa mùa khô, bộ mặt dài tái của viên bác sĩ khô gầy đã chẳng lòng thòng xỉ vả trên khuôn vàng thước ngọc con yêu. Con gái mẹ mang thai. Trưa vắng, bầy gà mái gáy vang bãi  ngô. Chúng hát rằng nhà ai con gái chửa hoang, nào chị  nào em ta cùng cạo đầu cùng bôi vôi.  Lũ rắn cuốn vòng thân ngô, rít ran bài ca hội hè. Đàng điếm đi đàng điếm đi, xảo trá nào xảo trá nào, tấu nhạc lên tấu nhạc lên… Con ngước mặt song song bầu trời tránh trả lời lai lịch người bố thai nhi. Con không cúi đầu. Nhưng môi con rách dằm vết cắn, đầu con ngả xuôi nhẫn nhục lúc viên bác sĩ mang bộ mặt ngựa ốm sào sạo cạo thân thể ngọc ngà. Tay y cào, mắt y nuốt, miệng y nhả hơi cay. Hư hỏng, hư hỏng, tý tuổi đầu! Mà thằng ấy đâu, sao không vác mặt đến xem. Dạng rộng ra nữa, rên nỗi gì. Này thì sướng cho lắm vào này! Y  ném choang chiếc thìa khổng lồ lòng thòng nhau rốn máu me xuống khay, nhếch nụ cười viên mãn. Mẹ rơi nỗi đau xuống tận cùng, cầm bàn tay con giá lạnh. Rồi con giằng khỏi tay mẹ, rồi con bật lên, đôi mắt thành lò lửa có thể thiêu rụi Vạn lý trường thành trong khoảnh khắc. Cất giọng, con gầm lên, đến sư tử cũng e dè. Sao nào?Tôi đàn bà, tôi yêu, tôi hứng chí trao thân, tôi chịu trách nhiệm tương lai mình. Ông có dám chối đã không thèm thuồng con gái đẹp như tôi không? Ông có chiếc lưỡi biết nhiếc mà không có cái đầu biết thế nào là mất nhân tâm. Viên bác sĩ dựng ngược quay đi. Mẹ rụng rời. Trời ơi, con gái mẹ, con gái mười lăm. Không phải đến lúc ấy, mẹ mới biết con gớm ghê. Tạo hóa nặn hình hài, nhưng mẹ nở yêu thương. Thuở con nằm nôi, mẹ đã linh cảm rồi đây con sẽ nhiều lạ dị. Song mười lăm, mẹ vẫn muốn bế con trên đùi hát ru lời ca con cò đồng lúa, chứ không phải cùng con căn phòng trắng lạnh và khay nong bơm thìa  nạo hút ác tàn.
       Nhiều năm sau, con mới nói với mẹ về người đàn ông làm chấm dứt đời con gái tuổi mười lăm. Anh ta có tuổi, có vợ và hai con. Anh ta trí thức, anh ta lãng mạn, anh ta say đắm rồi anh ta hèn. Con đổ mái tóc xuống dòng sông, khẽ thầm thì: “cuốn đi, cuốn đi những nông nổi, nông nổi…”. Dòng sông miệt mài trôi, dòng sông không trả lời. Mẹ tối sầm. Dưới lòng sông, đôi giao long cuốn xoay nhau, rên rít khoái nhục, thè lưỡi quật đuôi bảo con gái ngươi chỉ là đứa đớn hèn. Đớn hèn ư? Tổ tiên ơi, người đã nhầm. Con gái con trên đầu mang vòng Nho giáo dưới chân đeo cùm mác- xít. Sơ khai, người chỉ tấm thân ngà lăn theo nhục cảm yêu đương tự do, người làm sao hiểu…
      Năm ấy, năm con hai lăm, trời bão mưa liên miên. Vòng tròn linh thiêng của con ít khi khô ráo. Giữa những cơn mưa, con đi suốt đi hoài. Rồi trước trận cuộng phong được cho là lớn nhất thế kỷ vài ngày, con đi luôn. Trời sầm xám, không khí sặc hôi tanh. Cánh tay con ôm mẹ thơm gầy. Giọng con nhẹ như gió tháng Tư. Tự do, con cần tự do mẹ ạ. Con cần thoát khỏi vòng tròn tuổi thơ, xa hơi mẹ. Con muốn lớn, con mong mình lớn. Mẹ quặn ruột. Vì một người đàn ông phải không? Không hẳn…Giọng con chìm trong sấm. Con cũng không biết có phải tình yêu. Tràn ngập con là phiêu lưu và thách thức. Mắt con tuột khỏi mẹ, chạy rông mùa khó, loang loáng dại cuồng.

ĐỖ HOÀNG DIỆU