Tuesday, April 22, 2014

AI LÀ "CHU VĨNH KHANG" CỦA VIỆT NAM?



Trọng án Chu Vĩnh Khang, dấu ấn Tập Cận Bình


Châu Quang


Chu Vĩnh Khang - Tập Cận Bình.

Chu Vĩnh Khang – Tập Cận Bình. 


Khi nói đến chuyện loại trừ các đối thủ chính trị, nếu sử sách Trung Quốc nêu bật vụ Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu dưới triều đại Mao Trạch Đông thì có nhiều phần chắc các nhà sử học sau này sẽ nhắc đến vụ Chu Vĩnh Khang dưới triều đại Tập Cận Bình.
Ở Việt Nam dưới triều đại Lê Duẩn, giả sử có thách thức quyền lực giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ với kết quả Lê Duẩn “hốt gọn, hốt hết” Lê Đức Thọ và phe nhóm; giả sử dưới triều đại Nguyễn Văn Linh, Kiệt đừng bị Linh “đì” đến nơi đến chốn, để cho Kiệt tiến thêm bước nữa, Việt Nam có lẽ bây giờ đang đi về hướng khác?
Tiếc rằng lịch sử và vận mệnh một nước không có chữ “nếu.”
Bảy nhà báo của tờ The New York Times, vừa ngồi tại chỗ, vừa đến nhiều phần đất khác nhau trên thế giới để đóng góp cho một bài báo chi tiết về vụ Chu Vĩnh Khang.
Tư thế Chu Vĩnh Khang trước khi thất sủng
Là con của một người nuôi bò là nghề chính, bắt lươn là nghề phụ; ông Chu Vĩnh Khang đã ngoi lên để trở thành một trong những chính trị gia được người trong nghề hễ nghe đến tên là phát rét.
Họ Chu khởi nghiệp với vai chuyên viên tại một giếng dầu. Trong hơn 10 năm, từ những năm giữa của thập niên 1970 đến những năm sau của thập niên 1880, ông leo dần lên chức vụ thành viên ban quản lý giếng dầu Liêu Hà ở miền Đông Bắc. Tiếp tục leo lên nữa cho đến khi đứng đầu CNPC, tập đoàn năng lượng lớn nhất Trung Quốc, sản xuất hơn phân nửa dầu hỏa và ba phần tư khí đốt của nước này.
Sau đó, ông trở thành bí thư Tứ Xuyên, một trong những tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc. Năm 2002, ông là Bộ trưởng Công An. Năm 2007, ông là ủy Bộ Chính Trị, không phải là ủy viên xoàng mà là ủy viên Ban Thường Vụ, nắm mảng công an cảnh sát, tòa án và tình báo quốc nội quốc ngoại.
Dù đã là trùm an ninh, ông Chu Vĩnh Khang vẫn không quên để mắt đến ngành dầu khí. Thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm các cơ sở của CNPC ở trong và ngoài nước. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là tháng 10 năm ngoái khi ông đến thăm Trường đại học Dầu hỏa Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngôi trường ông đã theo học. Tại đây ông đã động viên các sinh viên hãy thực hiện khẩu hiệu của nhà trường: “Tôi sẽ đóng góp dầu hỏa cho tổ quốc.”
Nói cách khác, ông vẫn giữ ảnh hưởng tại CNPC, tập đoàn có doanh số hơn 400 tỉ đô la một năm, có mặt từ Sudan đến Venezuela, có các công ty con chằng chít khắp ngõ ngách Trung Quốc, viên nam châm thu hút những người muốn tìm cơ hội tạo quan hệ doanh nghiệp hoặc chính trị.
Mẻ lưới vây bắt
Ông Chu Vĩnh Khang gặp cái tát đầu tiên vào cuối năm 2012, chẳng bao lâu sau khi ông Tập Cận Bình ngồi vào ghế Chủ tịch. Trong vòng ba tuần lễ sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức và ông Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu, nhà chức trách tóm một quan chức cao cấp của tỉnh Tứ Xuyên, đã ngồi vị trí này nhờ sự nâng đỡ của Chu Vĩnh Khang. Sau đó, cơ quan chức năng còn hoặc tạm giam hoặc thông báo điều tra gần 30 người từng là trợ lý hoặc đối tác của Chu Vĩnh Khang, trong đó có 6 người thuộc hàng giám đốc của “nhóm lợi ích” CNPC.
Nhiều người khen ông Tập Cận Bình là người cao tay ấn, mới lên làm Chủ tịch mà đã dám chơi một con hổ mà con hổ không thấy quật lại, hay là họ Tập đã chuẩn bị kỹ từ khi còn làm phó cho Hồ Cẩm Đào và được họ Hồ bật đèn xanh?
Nhiều người cũng khen ông Chu Vĩnh Khang, nói ông không phải là một con hổ mà đúng ra là một con cáo già, bởi vì những giấy tờ điều hành các doanh nghiệp, các công chuyện làm ăn của bà con và ‘nhóm lợi ích’ của ông không tờ nào có tên Chu Vĩnh Khang cả. Và cho tới giờ phút này, các cơ quan chức năng cũng chưa trưng được nhân chứng, vật chứng nào cho thấy ông Chu Vĩnh Khang làm gì trái luật, nếu đảng áp dụng tính minh bạch thì khó có thể buộc ông vào tội gì.
Bà con ăn theo
Báo The New York Times cho rằng có ít nhất ba người bà con của ông Chu Vĩnh Khang hưởng lợi thông qua CNPC.
Thứ nhất là người phụ nữ lấy ông Chu Lang Ưng, em trai ông Chu Vĩnh Khang. Doanh nghiệp chính của bà Chu Lang Ưng là Công ty Đầu tư Hồng Phương, chiếm từng lầu thứ 21 của tòa nhà Tân Bảo Lợi, một tòa nhà đẳng cấp ở Bắc Kinh, nằm cách đại bản doanh của tập đoàn CNPC không xa. Từ từng lầu thứ 21 này, bà Chu Lang Ưng đã điều động các vụ mua tài sản của CNPC trong tỉnh Tứ Xuyên, nơi mà người anh chồng của bà đã lãnh đạo; cùng nhiều vụ mua bán, thâu tóm khác.
Cuối năm 2013, nhân viên đang làm cho Công ty Đầu tư Hồng Phương ở từng 21 bỗng nhiên nhận được lệnh khỏi cần đi làm nữa, sau khi có nhiều viên chức xuất hiện một hôm trước đó, nói là để kiểm tra sổ sách của công ty. Bây giờ thì từng lầu này đã đóng cửa then cài.
Bà Chu Lang Ưng khởi nghiệp từ một chân bán hàng ở một tiệm bách hóa, thăng cấp giám thị, nghỉ làm ở tiệm ra mở một công ty cung cấp hàng hóa, trước khi nghỉ hưu năm 2001 ở tuổi 50.
Bà tái xuất hiện vào năm cuối năm 2007, vài tuần sau khi người anh chồng thăng chức Ủy viên Thường Vụ của Bộ Chính Trị. Bấy giờ bà mở công ty đầu tư Hồng Phương, đứng tên chung với người con trai Chu Phương.
Trước đây, vợ chồng bà sống trong hai căn liền kề, tầng thứ 4 trong khu chung cư có các căn hộ cao cấp ở Vô Tích. Cũng chính tại nơi này, nhà chức trách đã đến bắt tạm giam hai ông bà vào đầu năm ngoái. Khi nhà báo hỏi anh bảo vệ có thế ông bà trở về lại chung cư không, anh đùa: “Không, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ trở về nữa.”
Người thứ nhì là Chu Bân, con trai ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu con 42 tuổi này có phần hùn lớn nhất trong công ty bán thiết bị cho các giếng dầu của Liêu Hà và CNPC tại ít nhất là ba tỉnh. Tốt nghiệp chuyên ngành Anh văn tại một trường đại học ở Tứ Xuyên, Chu Bân du học Mỹ, thường trú tại trường đại học Texas ở thành phố Dallas, sống ở đó trong gần 10 năm trong những năm 1990. Từ khi trở về Trung Quốc vào những năm đầu thập niên 2000, anh không ồn ào như các thái tử đảng khác, chỉ âm thầm kiểm soát bên trong các doanh nghiệp anh có phần hùn. Trong thời gian làm du sinh bên Mỹ, qua bạn bè giới thiệu, anh quen với cô Hoàng Vân và hai người lấy nhau. Về mặt chính thức, tên của Chu Bân chỉ xuất hiện trong công ty bán thiết bị cho CNPC; các công ty còn lại đều do bà mẹ vợ đứng tên.
Bà Chiêm Dân Lợi, mẹ vợ Chu Bân, thông gia ông Chu Vĩnh Khang, đang sống tại Quận Cam, California trong một xóm có nhiều người về hưu. Căn nhà kiểu trang trại, có vườn rộng, trị giá khoảng 700.000 đô la.
Bà cụ tóc bạc và dáng người thấp này chỉ mở cửa tiếp các nhà báo sau khi họ luồn tờ giấy có các câu hỏi dưới khe cửa trước nhà bà.
Bà Chiêm cho biết hai vợ chồng bà sống ở Mỹ gần 30 năm, vừa có quốc tịch Mỹ vừa giữ quốc tịch Trung Quốc. Lúc mới đến Mỹ, họ ở Maryland, sau dời về New Jersey và cuối cùng mới về Quận Cam.
Bà Hoa kiều Mỹ này nói rằng tất cả tài sản mang tên bà đều do Chu Bân kiểm soát. Căn nhà mang tên bà ở Bắc Kinh thuộc một khu vực cao cấp. Vào năm 2010, một căn trong khu này có thể bán được hơn 11 triệu đô.
Bà Chiêm có tên trong nhiều công ty làm ăn với tập đoàn CNPC. Cùng đứng tên với bà còn có Mễ Hiếu Đông, 43 tuổi, một bạn học của Chu Bân. Các công ty này đầu tư vào các dự án dầu khí ở Hải Nam và Hà Bắc, một dự án bất động sản ở ngoại thành Bắc Kinh.
Hồ sơ của công ty Trung Húc cho thấy trước đây, bà Chiêm có 80% phần hùn trong công ty. Công ty thành lập vào năm 2004 với số vốn hơn 4 triệu đô la, chuyên bán thiết bị cho các giếng dầu của CNPC trên khắp Trung Quốc. Từ khi ông Chu Vĩnh Khang vào Thường vụ Bộ Chính Trị năm 2007 cho đến khi công ty Trung Húc bị kiểm toán vào năm 2012, vốn của công ty đạt 27 triệu đô la.
Bà Chiêm nói rằng mình không làm điều gì sai trái, chuyện đứng tên cho con rể là chuyện bình thường của người Trung Quốc, và bà không biết gì nhiều về các khoản đầu tư có tên mình. “Tôi chưa bao giờ thấy mặt mũi cái giếng dầu do tôi đứng tên,” bà nói. “Tôi cũng chẳng biết rửa tiền là gì, tiến hành ra sao.”
Tổng cộng ba người bà con của ông Chu Vĩnh Khang – em dâu Chu Lang Ưng, con trai Chu Bân, thông gia Chiêm Dân Lợi – có phần hùn trong ít nhất 37 công ty rải rác ở hơn một chục tỉnh, từ bán thiết bị dầu khí cho đến bất động sản hoặc bán xe hơi Audi. Trong số này hết 17 công ty làm ăn với tập đoàn dầu khí quốc doanh CNPC mà ông Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo trong những năm 1990. Có 9 công ty có địa bàn hoạt động tại Tứ Xuyên, nơi ông Chu Vĩnh Khang làm bí thư tỉnh ủy từ 1999 đến 2002.
Nếu chỉ dựa vào giấy tờ, tài sản của ba người này trong 37 công ty đó là độ trên một tỉ nhân dân tệ, tức 160 triệu đô la Mỹ. Con số này chưa đụng đến giá trị bất động sản hoặc tài sản ở nước ngoài của các công ty đó, là những thứ rất khó xác định và đánh giá.
Môi hở răng lạnh
Bắc Kinh nhức đầu, Hà Nội xổ mũi.
Nếu như Tập Cận Bình không cao tay ấn, cuộc thanh trừng Chu Vĩnh Khang thất bại và bị quật ngược lại, Trung Quốc có loạn, chia thành tam quốc tứ quốc, một phần qua bàn tay của các phù thủy đang đội các mũ của GE, Siemens, Ford, Apple, Ernst & Young… thì biết đâu gọng kềm của Bắc Kinh sẽ nới lỏng hơn hoặc thắt chặt thêm tại Việt Nam, Bắc Kinh sẽ mềm mỏng hơn hoặc hung hăng hơn tại Biển Đông?
Nếu như Trung Quốc có biến, và Việt Nam có lãnh đạo tầm cỡ, nhận ra “xu thế tất yếu của thời đại,” biết “vận dụng óc sáng tạo tài tình,” chớp được thời cơ mạnh dạn bắt tay chặt hơn với một nước lớn khác, đặt Trung Quốc trước một việc đã rồi, un fait accompli, thì biết đâu vận mệnh Việt Nam sẽ rẽ sang một hướng khác.
Lịch sử lạnh lùng không chơi với chữ “Nếu!”
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy trở về với gia đình Chu Vĩnh Khang. Có lẽ người bà con ruột thịt duy nhất của ông không bị sờ gáy tới bến là người anh Chu Nguyên Hưng. Là một nhà phân phối rượu trong tỉnh Giang Tô, căn nhà của ông được công an canh gác cẩn thận suốt 24 tiếng kể từ khi em ông bị thất sủng. Nhưng chắc chắc một điều ông sẽ không bị khởi tố. Ông chết vì ung thư xương hồi tháng 2.
© Đàn Chim Việt

Sunday, April 20, 2014

Sâu & Trùng





Chuyện Sâu & Trùng Ở Bến Tre

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 4 năm 2014


“Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng.” - Đại Biểu Quốc Hội Lê Như Tiến.
Bằng giờ này tháng 4, mấy năm về trước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (“một mình, đất lạ, đường xa”) đã lên đến tận Hà Giang. Trongblog saurieng, bà có viết đôi dòng chữ ngắn về chuyến đi “ấn tượng khủng khiếp” này:

”Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…"
Những sản phẩm mà Nguyễn Ngọc Tư ghi nhận qua ống kính – ở chợ Hà Giang – chỉ là nụm nịu một hai nải chuối, lèo tèo mấy mớ rau xanh, ủn ỉn vài ba rọ lợn, hay đôi ba bó củi co ro …

Ngó mà thương muốn đứt ruột luôn!

Để có thể ra “hình dung được nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…” của cư dân ở một địa phương, nhà báo Văn Quang lại có một sáng kiến khác. Ông đưa chúng ta đi xem dinh thự của những vị quan đầu tỉnh:

Hà Giang luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng núi rừng ở VN với hơn quá nửa là những gia đình thuộc “diện nghèo”. Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.

Nhà của chủ tịch UBND Hà Giang Đàm Văn Bông

- Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông. Hiện ngôi nhà sàn này đang “hùng cứ” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày. Vật liệu làm ngôi nhà này hầu hết là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.

- Sang gần bằng nhà chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của phó bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng. 

Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có vài chục tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!
- Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến.

Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng.
.. Chỉ ở một tỉnh xa xôi “hẻo lánh” mà nhà quan đã bề thế như vậy thì các nơi khác, các thành phố khác còn “loạn” đến đâu!

Rảnh, nên tui ghé luôn qua một thành phố khác – ở dưới miền xuôi: Bến Tre. Địa danh này, hơn mười năm trước, cũng đã khiến dư luận người Việt (ngoài nước)  “nóng” lên chỉ vì đôi dòng chữ ghi thêm dưới một bài thơ của nhà sư Nhất Hạnh – in trên trang quảng cáo của báo New York Times, số phát hành hôm 24 tháng 9 năm 2001:

“I wrote this poem during the Vietnam war after I heard about the bombing of Ben Tre city. The city of 300,000 was destroyed because seven guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire and then left. My pain was profound.” (“Tôi viết bài thơ này trong thời gian chiến tranh Việt Nam sau khi nghe Bến Tre bị bỏ bom. Thành phố 300,000 người đã bị hủy diệt vì bẩy du kích quân bắn vài tràng súng phòng không vu vơ rồi bỏ đi. Nỗi đau của tôi sâu lắng.”)


Sơ sót, lỗi lầm nơi con số 300,000 chắc (chắn) là  do cái cậu đánh máy chứ ai. Dù vậy, Nhất Hạnh vẫn cứ bị dư luận lùm xùm trách cứ (“oan ức”) về chuyện vọng ngôn hay vọng ngữ.

Cơn bão dư luận ấy đã qua từ lâu. Bến Tre, một trong những nơi được mệnh danh là thành đồng tổ quốc, đâu có dễ gì bị suy suyển hay sứt mẻ bởi bom đạn Mỹ. Tuy thế, phần đất này đang có nguy cơ bị “hủy diệt” bởi chính những kẻ đã bỏ chạy (sau khi bắn vài tràng súng, không trúng đâu vô đâu) hồi năm 1968.

Gần năm mươi năm đã qua, những cô cậu bé du kích dũng sĩ diệt Mỹ của tỉnh Bến Tre nay đều đã trở nên những vị cán bộ lão thành cách mạng. Họ đang cùng con cháu nắm giữ hầu hết những chức vụ, cũng như nguồn lợi béo bở ở tỉnh lỵ này. Theo như cách nói ví von của ông Trương Tấn Sang thì họ đã trở thành những “bầy sâu,” đang ngày đêm (ngoem ngoém) đục khoét và làm ruỗng mục “Chủ Nghĩa Mac Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô địch Muôn Năm.”

Năm 2007, phó chủ tịch UBND Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết tỉnh đã thanh tra 108 cuộc, phát hiện sai phạm về tài chính 4,46 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2005. Dù số tiền được “phát hiện” chỉ là phần nổi của một tảng băng sơn nhưng cứ theo cái đà tăng “gấp đôi” hàng năm như thế nên đến nay, năm 2014, Bến Tre lại làm dư luận “nóng” lên lần nữa – sau khi “những dinh thự ngất ngưởng, bề thế, nguy nga” của ông Trần Văn Truyền (cựu Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre, cựu Tổng Thanh Tra Chính phủ Việt Nam) được phơi bầy trên mặt báo Người Cao Tuổi.

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Người Cao Tuổi

Ông Trần Văn Truyền, tất nhiên, không phải là quan chức duy nhất bị tai tiếng như vậy ở vùng đất này, vẫn theo như thông tin cơ quan ngôn luận vừa nêu:

Kì này, mời bạn đọc đến thăm “Vườn hoa phố Thường vụ” nằm ngay Khu Trung tâm Thương mại (TTTM) thành phố Bến Tre của hàng chục “quan tri phủ” hầu hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Nhiều năm nay người dân địa phương và cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu ở đây bức xúc về quá nhiều dinh thự của “Tập đoàn quan tỉnh” tại khu vực chợ TTTM của thành phố chiếm đất, làm nhà lầu mặt tiền thông thoáng làm của riêng rồi cho thuê hoặc đem bán giá cao thu lợi lớn.

Đi đầu “phong trào” này là ông Huỳnh Văn Be (Ba Phương Hùng), cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Gia đình ông đã có “dinh thự” tọa lạc trong khu đất vườn rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm cạnh con sông gió lộng tứ bề. Hằng ngày, ông tự lái xe hơi đi ăn sáng, uống cà-phê, dạo mát

Ông Trần Công Ngữ (Bảy Hoàng), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có nhà và đất ở rộng rãi, nhưng cũng được “bán rẻ” một căn nhà lầu hai mặt tiền nằm ngay ngã tư đường Chi Lăng – Nguyễn Du thuộc phường 2, kế bên TTTM. Do không có nhu cầu ở nên ông Hoàng đã bán thu lợi 7 tỉ đồng. Các trường hợp còn lại như ông Trần Văn Cồn, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Văn Láng, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thái Xây (Chín Tâm), cựu Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Sang (Tư Sang), cựu Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh đều là những thành viên được làm giàu theo gương ông Huỳnh Văn Be. Hàng chục căn nhà lầu nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường, xoay quanh khu TTTM thành phố Bến Tre được “bán rẻ” cho “Tập đoàn quan tỉnh” này

Cùng lúc, trên báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (phảt hành hôm 30 tháng 3 năm 2014) người ta đọc được lời kêu gọi “những nhà hảo tâm xa gần giúp đỡ” để làm một con đường nho nhỏ – cũng ở Bến Tre:

Do điều kiện ngân sách eo hẹp nên đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể đáp ứng được mong muốn của người dân. “Chúng tôi hi vọng các nhà hảo tâm xa gần chung tay giúp đỡ kinh phí xây dựng tuyến lộ Bờ Gồng để bà con không còn phải lặn lội vất vả mỗi ngày, nhất là những lúc mưa gió trở trời! Ông Trần Văn Chận – Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ.

Sự kiện những quan chức Việt Nam thản nhiên, sống trên nỗi khốn cùng (“phải lặn lội vất vả mỗi ngày”) của bà con – thực ra – không chỉ giới hạn ở Hà Giang hay ở bến Tre, và cũng chả phải là chuyện mới mẻ gì ráo trọi. Hơn hai mươi năm trước tác giả Thái Như đã nói đến hiện tượng “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục: Chỉ có loài sâu trong thân con sư tử mới ăn được thịt của con sư tử!”

Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang lại vừa nhắc lại điều này, trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện:

“Trong vòng 25 năm qua, bọn sâu bọ tham nhũng ngày một đông, ngày mỗi mạnh và đã trở thành bầy đàn! Nó như căn bệnh ung thư đã di căn tới nhiều bộ phận của cơ thể con sư tử. Nếu Đảng không quyết tâm chữa trị, không dũng cảm cắt bỏ những bộ phận cơ thể đã thối muỗng thì quốc nạn tham nhũng này, đến một lúc nào đó sẽ có kết cục như nhà báo Thái Như đã cảnh báo 23 năm về trước:Đương nhiên điều không tránh khỏi là con sư tử đó nó sẽ ngã quỵ một khi những con sâu trong cơ thể ngày một nhiều và lớn mạnh!  Vâng, nếu Đảng không quyết tâm diệt trừ tận gốc (giết sạch) bọn sâu bọ tham nhũng của Đảng thì chính bọn này, một ngày nào đó không xa – có thể là cuối năm nay,có thể là sang năm hoặc sang năm sau nữa(2016)- sẽ là thủ phạm “giết sống” Đảng Cộng sản Viêt Nam!

Tôi thấy tình thế đã rất cấp bách! Thời gian không còn nhiều. Rất mong Đảng hãy dũng cảm, thực tâm và kiên quyết cứu vãn tình thế trước khi nó trở nên quá muộn!”

Khác với đại tá  Nguyễn Đăng Quang, tôi e rằng tình thế đã muộn màng rồi. Vấn đề chỉ còn là chuẩn bị sao để mồ yên mả đẹp mà thôi. Sau hai phần ba thế kỷ phạm hết tội ác này sang tội ác khác, gây oán hận cho muôn dân trăm họ, chuyện “an táng” đảng Cộng Sản trong tương lai gần (rõ ràng)  không phải là việc dễ dàng chi. Với truyền thống lấy nhân nghĩa chống bạo tàn của dân tộc Việt, chỉ mong sao mọi người đều đồng thuận với nhau là oán thù – nghĩ cho cùng –  chỉ nên cởi, chứ không nên buộc.

CÓ NHỮNG CÁI TÀO LAO...





10 điều giống nhau “ngẫu nhiên” của bộ ba “lãnh tụ con” Đồng-Chinh-Giáp


"Lãnh tụ cha" cùng 3 "Lãnh tụ con". Từ trái qua: Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh.
Phan Châu Thành (Danlambao) - “Lãnh tụ cha” của CSVN đã tự xưng là “cha già dân tộc”, sinh 1901 (hai lần tự khai với QTCS như vậy), mới 44 tuổi đã bắt cả dân tộc Việt gọi là “cha già”, thì ai cũng biết rồi, đó là Hồ Chí Minh. Và “cha” Hồ có hơn chục điều giống nhau kỳ lạ với lãnh tụ Hán-Việt gian Lai Teck của đảng CS Malaysia thì tôi cũng đã nêu ra trong một bài khảo cứu gần đây đăng trên Dân Làm Báo (xem “10 điều giống nhau kỳ lạ giữa HCM và đồng chí Lai Teck”). “Lãnh tụ con” là các “học trò xuất sắc nhất” của “lãnh tụ cha già”, ngay từ 1940, không ai khác là bộ ba Đồng-Chinh-Giáp. Một là Thủ tướng lâu đời nhất của VN và của cả thế giới PVĐ (sinh 1906, thua “cha” 5 tuổi, làm TTg bù nhìn 32 năm từ 1946 đến 1978), một là TBT hai đời của đảng CSVN - Trường Chinh (sinh 1907, thua “cha” 6 tuổi), và một là VNG (sinh 1911, thua “cha” mình 10 tuổi) - đại tướng “huyền thoại” của CSVN, kẻ “một mình đánh thắng” quân đội của cả 4 đại cường thế giới là Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu…

Bộ ba Đồng-Chinh-Giáp ấy là “ba cánh tay phải”, “ba chân kiềng” để/của “cái nồi cha” HCM ngồi trên ngay từ những ngày đầu HCM về nước 1940 rồi chuẩn bị và cướp chính quyền 1945 đến những năm 1960s HCM đưa đất nước VN vào nội chiến đến tận 1975. Một người “nắm” chính phủ cho “cha”, một phụ trách đảng cho “cha”, và một giữ quân đội của “cha”, tưởng chừng như họ khá độc lập nhau, không có gì nhiều liên quan đến nhau, thế mà nhìn lại thấy có khá nhiều điểm họ giống nhau một cách “ngẫu nhiên” kỳ lạ mà tôi xin nêu ra ở đây mười (10) điểm sau.

Điểm giống nhau ngẫu nhiên thứ nhất của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là họ vô tình cùng là cựu học sinh trường Albert Saraut vốn là một trường cao đẳng/đại học tốt nhất Việt Nam thời đó của Pháp chủ yếu dành cho con em người Pháp và rất ít con em người Việt làm viên chức cao cấp cho Pháp mới gửi con vào đó được (và phải có người Pháp bảo lãnh). VNG được trùm phòng Nhì Pháp bảo lãnh nên được vào học ở đây. Còn Trường Chinh và Phạm Văn Đồng vào Albert Saraut trước đó thì không biết đã theo con đường nào, ai bảo lãnh (họ không báo cáo điều này với đảng)? Đây có thể đúng là sự giống nhau hoàn toàn ngẫu nhiên giữa ba người họ. Nhưng xét trong thực tế là trong hàng ngàn cựu sinh trường này từ khi nó thành lập đến năm 1945 và trong hàng trăm cán bộ cộng sản cao và trung cấp của VN cùng thời đó thì chỉ có ba người, và chỉ có đúng ba người đó là cựu sinh viên Albert Saraut!? Một câu hỏi tò mò nhỏ đó khi nghiên cứu lịch sử trường Albert Saraut đã dẫn tôi đến bài viết này. Ai cũng có thể kiểm tra điều này trên Wiki.

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ hai của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là tháng 5/1940 ba người này lại “ngẫu nhiên” gặp nhau và cùng rủ nhau sang TQ đi tìm và đón lãnh tụ lớn của cách mạng VN về nước. Điều đó rất không bình thường vì đó phải là việc lớn và chính thức của đảng, trong khi đó thì ông Giáp đang làm giáo vụ tại trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội và còn chưa hề tham gia đảng cộng sản VN, ông Đồng thì vừa mới ra tù năm 1936 (với tư cách đảng viên đảng khác), mãi 4 năm sau -1940 cũng mới vào đảng CSĐD cùng ông Giáp, hình như đều do “cha” Hồ “kết nạp” bên TQ, còn ông Chinh thì đến tháng 11/1940 mới được vào TW sau HN 7 ở Bắc Ninh mà Nguyễn Văn Cừ chủ trì và là TBT thì Ng Văn Cừ “tự nhiên bị bắt” (và ngay tháng 8 năm 1941 bị Pháp tử hình cùng Hà Huy Tập, Ng Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… tại trường bắn Hóc Môn) để Chinh nghiễm nhiên lên tự nhận quyền TBT. 

Chữ ngẫu nhiên tôi bắt đầu phải cho vào ngoặc kép thành “ngẫu nhiên” từ đây vì có nhiều câu hỏi đến nay chưa có lời giải. Và ở đây là: Tại sao đoàn đi TQ đón lãnh tụ đảng (chưa biết là ai) lại do một người chưa vảo TƯ đảng phụ trách (TC) cùng hai người chưa là đảng viên (VNG và PVĐ)? Ai báo đã cho họ hay cho TW đảng CSVN (đảng CSĐD) là VN sắp có lãnh tụ đảng lớn về nước và cần cử người sang TQ đón người đó về? Đó là tình báo Pháp hay tình báo Hoa Nam? Nhưng chắc chắn đó không phải Quốc tế CS Comintern. (Chuyện này cũng đã xảy ra giống hệt vụ đảng CS Malaysia đón lãnh tụ Lai Teck “của mình” từ Singapore về sau những lời đồn đại của “giới cách mạng người Hoa” ở Singapore…?! Còn đồn đại về “lãnh tụ đảng lớn của Vn sắp về nước” cuối những năm 30s khi các lãnh đạo CSVN “tự nhiên” bị Pháp bắt và giết hàng loạt là từ… Hồng Koong, Ma Cao và Chợ Lớn).

Vậy, ai đã tổ chức cho họ (bộ ba Đ-C-G) gặp nhau, thông báo và giao “nhiệm vụ”, bàn bạc rồi tổ chức cho họ sang TQ “đón lãnh tụ”? Tại sao lại là ba người này sang TQ đón lãnh tụ lớn (còn mập mờ bí mật chưa biết là ai?) mà không phải các can bộ cao cấp hơn và các ủy viên TW đảng khác uy tín hơn Trường Chinh lúc đó (như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàn Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Văn Tri…)? Và tại sao đó không phải việc do Tổng bí thư Hoàng Văn Thụ phụ trách và chỉ đạo, chọn người đi? Tại sao ông Giáp và ông Đồng còn chưa là đảng viên CS, ông Đồng thì ra tù rồi có 4 năm không làm gì cụ thể (1936-1940), lại khơi khơi “rủ nhau” sang TQ cùng ông Chinh “đón lãnh tụ”? 

Và tất cả những điều mơ hồ về cuộc đời sự nghiệp của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp sau này có lẽ đều bắt nguồn từ hai điều giống nhau “ngẫu nhiên và kỳ lạ” trên của họ. Tóm lại, sự xuất hiện của bộ ba trên cũng kỳ lạ và “ngẫu nhiên” chả kém sự xuất hiện của “lãnh tụ cha” HCM là mấy… Câu hỏi chúng là: ai đã chọn họ, ai ủng hộ họ, ai dọn đường cho họ, ai đẩy họ lên quyền lực bên cạnh “cha già”?

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ ba của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là cả ba ông đi đón lãnh tụ đều không biết “lãnh tụ” là ai, đều chưa bao giờ gặp HCM hay NAQ, đều chưa có kinh nghiệm hoạt động hải ngoại cho đảng ở nước ngoài nói chung, và cụ thể ở TQ trong khi đảng CSVN lúc đó vẫn còn có những cán bộ biết rõ lãnh tụ NAQ, đã làm việc và học tập với NAQ ở TQ và LX, có kinh nghiệm lâu năm hoạt động ở TQ như Phùng Chí Kiên, Hồ Học Lãm (người sáng lập Việt Minh)…? Về phía “lãnh tụ”, chẳng có một sự giới thiệu hay chỉ đạo chính thức nào của Quốc tế CS cho HCM về VN lãnh đạo phong trào cả?. Thời điểm đó QTSC hầu như bị Stalin làm tê liệt, còn bản thân Stalin và nước Nga thì chuẩn bị và đi vào nội chiến để rồi giải tán QTSC ngay sau chiến tranh… Thế thì, ai cử “lãnh tụ HCM” về trong khi đảng CSVN vẫn đang còn có hàng loạt lãnh đạo cao cấp trên NAQ nhiều (NAQ chỉ là liên lạc viên của CSVN với QTCS…). Câu hỏi của phần này là: ai thực sự đạo diễn sự làm cỏ hàng loạt các lãnh tụ thực sự của CSVN những năm cuối 30s đầu 40s và sự xuất hiện “về nước” của “lãnh tụ lớn” HCM năm 1940, để mà sau đó có thể chọn và cử bộ ba ĐCG sang “đón lãnh tụ” về?

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ tư của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là sau khi sang TQ họ đều gặp HCM lần đầu tiên, lúc này dùng bí danh Hồ Quang, và cả ba còn băn khoăn không biết HCM/Hồ Quang là ai, có phải là NAQ? Thế mà cả ba được HCM tin dùng ngay và tin dùng nhất từ đó luôn đến hết đời HCM, không ai được HCM tin dùng hơn ba người này sau đó nữa? Đầu tiên là “cha” Hồ cho kết nạp ngay hai “con” Đồng và Giáo vào đảng ở ngay TQ, rồi về hang Pác Bó (cách biên giới rừng núi với TQ chỉ khoảng một ngìn mét…) “tổ chức NH TW 8” kết nạp ngay cả ba vao TW. Đây là điều “ngẫu nhiên” rất lạ. Từ đó cả ba cùng HCM tạo nên bộ tứ khét tiếng và toàn quyền của CSVn đến tận 1960. Chinh vẫn nắm đảng, lúc thì công khai, lực thì “giải tán”, hai người kia là VNG và PVĐ thì vào Tổng bộ Việt Minh tối cao chỉ có 5 người (ba người kia là Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu và Hoàng Hữu Nam thì HTM và HHN “vô tình/tự nhiên” chết khi đi công tác bị Pháp giết…), toàn quyền trong tay ba lãnh tụ con TC, PVĐ và VNG tức trong tay “lãnh tụ cha” HCM.

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ năm của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là ngay từ 1940 họ đã được HCM giao phụ trách những chức vụ quan trọng nhất của chính quyền cộng sản mới là đảng, quân đội, tài chính kháng chiến, tạo thành thế chân kiềng cho HCM, mặc dù họ không phải những người cộng sản kỳ cựu nhất của VN lúc đó. Về đảng, do Trường Chinh phụ trách, HCM giao cho Chinh chỉ có “nghiên cứu” và dịch lại các tài liệu về đường lối, chính sách của đảng CSTQ và viết lại thành chính sách của đảng CSVN. Về quân đội, HCM giao cho Giáp đi tiêu diệt ám sát, thủ tiêu, bán thông tin cho Pháp... để diệt hết các lực lượng vũ trang của VN vốn có trước đó, rối năm 1944 mới thành lập tạm VNTT GPQ để đợi đến sau 1949 sẽ có quân đội TQ sang trang bị, tổ chức, đào tạo hoàn toàn cho Quân đội VN… Về tài chính, do Đồng phụ trách, chỉ dựa vào hai nguồn: lấy/cướp của dân và viện trợ của TQ (từ 1950 thì TQ viện trợ ồ ạt đến trên 90 nhu cầu của VN).

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ sáu của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là họ cùng được HCM phân công làm những việc sai trái có hại (bẩn thỉu và ác độc nhất) cho đất nước và dân tộc Việt và rồi họ cùng phải đứng ra chịu trách nhiệm thay cho HCM về những tội ác đó. Đầu tiên là HCM giao VNG tiêu diệt hết các đảng phái đân tộc dân chủ khác của VN bị lừa vào tham gia Việt Minh chống Pháp giành độc lập. Bàn tay VNG vì thế đãm máu các chí sĩ dân chủ phi cộng sản của dân tộc Việt đầu thế kỷ 20 và đó là tội ác làm tuyệt nọc dân tộc dân chủ VN suốt cả thế kỷ sau mà trời không dung đất không tha cho đảng CSVN, HCM và VNG! Sau đó là HCM giao Trường Chinh phụ trách viết cương lĩnh “vấn đề dân cầy” rồi thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu trên miền Bắc những năm 1953-1955, đến 1956 khi đảng phải “sửa sai” thì Trường Chinh phải chịu trách nhiệm và bị mất chức Tổng bí thư đảng. Năm 1958, HCM đã chỉ đạo cho Phạm văn Đồng ký công hàm 1958 công nhận lãnh hải của TQ bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của VN mà đến muôn đời sau PVĐ và HCM sẽ phải mang tiếng đã ký công hàm bán nước đó, dù Đồng bị chịu tội thay HCM. 

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ bảy của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là họ đều bị bọn Lê Duẩn-Lê Đức Thọ-Ng Chí Thanh triệt hạ vì muốn triệt hạ thanh thế bộ tứ Hồ-Đồng-Chinh-Giáp, “vì bộ tứ này có tư tưởng xét lại”. Duẩn-Thọ đã bắt đầu bằng việc tấn công VNG. Thế nhưng, HCM và TC, PVĐ đã hoàn toàn thúc thủ, không bảo vệ mà hy sinh luôn sự nghiệp của Giáp và tay chân Giáp trong vụ án “xét lại chống đảng” để yên thân. Từ đó Giáp hoàn toàn việt vị - trở thành “đại tướng không quân” phụ trách “kéo pháo ra” tức là sinh để có kế hoạch, Chinh cũng vậy sau CCRĐ và Đồng chỉ là thủ tướng bù nhìn mà chính ông ta nhiều lần thú nhận. Họ cả ba đã bị bộ đôi Duẩn Thọ không chế hoàn toàn đến hết đời mà không âi dám kêu ca, dù họ đều sống lâu hơn Duẩn, Giáp thì sống lâu hơn Duẩn Thọ mấy chục năm! 

Vâng, dù họ là hay vì họ là các đệ tử ruột của HCM nên họ cùng bị bộ đôi Duẩn-Thọ khống chế, vô hiệu hóa và hạ nhục suốt đời ngay từ khi HCM còn sống (HCM cũng bị vậy!) Tại sao Duẩn Thọ dám làm vậy và tại sao lại có chuyện như vậy với bộ ba trong tứ trụ và “tam đại khai quốc công thần” đó? Đó là một bí ẩn lớn của CSVN và của bộ ba này mà “ông” Lịch sử sẽ còn bận rộn nhiều để làm sáng tỏ…?

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ tám của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là cả ba đến khi chết vẫn không có một lời phản đối hay chống đối sự đối xử àn tệ với những “lãnh tụ con” của bộ đôi Duẩn Thọ. Điều này nói lên nghi vấn có cơ sở rằng cả ba có những tỗi lỗi bí mật chết người mà Duẩn Thọ nắm được và khống chế họ (và cả HCM cũng vậy). Đó là những bí mật gì, cho đến nay vẫn cón là điều hoàn toàn… bí ẩn? VNG cho đến những năm cuối đời mình, tức là mấy chục năm sau khi Duẩn Thọ đã chết, mà vẫn chỉ yếu ớt xin đảng xem xét lạ vụ án “xét lại chống đảng” của mình ngày xưa, và cũng không được ai xem xét lại! Còn Trường Chinh sau khi Duẩn chết thì rón rén ra làm TBT lần thứ hai và tạm thời được hơn 5 tháng…

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ chín của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp là cả ba suốt cuộc đời chỉ cố gắng giữ cái tên, cái danh hão là “học trò gương mẫu hay xuất sắc” của lãnh tụ HCM, núp bống HCM, tức là cái danh “lãnh tụ con” của mình, như là họ bị cầm tù vào đó, mà không dám có chính kiến hay phản đối ai bất cứ điều gì, dù họ là hạng “khai quốc công thần”?. Tại sao họ phải cố thế? Có đáng không? Việc là đệ tử ruột của HCM có điều gì mờ ám làm họ suốt đời rón rén dù trên danh nghĩa là họ có quyền cao tột đỉnh? Tài sao quyền cao đó họ chỉ có thực trước 1960 khi bộ đôi Duẩn Thọ chưa từ Nam ra Bắc?

Điểm giống nhau “ngẫu nhiên” thứ mười (thêm cho nó chẵn!) của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp làdù cả ba ngay từ đầu sự nghiệp của họ, những năm 1940s, đã được bám theo HCM và dễ dàng lên ngay tột đỉnh danh vọng tức là tham gia Tứ trụ Triều đình cộng sản VN thế hệ đầu tiên, vậy mà con cháu họ - các thế hệ sau của Đồng-Chinh-Giáp – lại đều không ai tham gia chính trị của cộng sản tiếp theo, khác với đa số con cháu các “lãnh tụ” CS khác luôn cố gắng khai thác lợi thế cha ông tạo ra để chen chân vào giới quyền lực chính trị tiếp sau. (Tôi đã từng “vô tình và ngẫu nhiên” là bạn học của cháu ngoại ông Giáp, là bạn café của con trai ông Chinh, nhưng chưa biết con cháu ông Đồng, và bạn học của cháu ngoại ông Tôn nữa… Nhưng tôi luôn cảm nhận thấy họ không vô tư trong sinh hoạt chính trị như bọn cùng lứa chúng tôi, họ thể hiện một nỗi sợ “huyền bí gia tộc” nào đó giống nhau mà chúng tôi không thể hiểu, chỉ cảm nhận…)

Tại sao thế? Đó chắc phải là kết quả “xương máu” của một/những bài học bí mật từ sự nghiệp cộng sản rất thành danh của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp? Hay là có một lời nguyền hay tội lỗi gì đó lớn lắm khi họ là… đệ tử HCM? Đó là những bài học bí mật gì hay lời nguyền gì? Hơn thế nữa, họ hàng, con cháu – nói chung là thế hệ sau – của bộ ba Đồng-Chinh-Giáp hầu như đều sống rất kín tiếng, dù vẫn rất sung túc. Không phải chỉ vì họ có đạo đức và khiêm tốn, mà phải vì có những điều gì đó khác nữa mà họ sợ, mà họ cần phải giữ và không thể nói ra? Đó là cái gì đã kết nối họ xung quanh “lãnh tụ” HCM từ chuyến đi TQ định mệnh năm 1940 đó?

Bộ ba Đồng-Chinh-Giáp bắt đầu sự nghiệp vô tình giống nhau từ trường Albert Sarraut của Pháp những năm 1930s, rồi suốt cả sự nghiệp mấy chục năm đến tận 2010s vẫn giống nhau ở đời con cháu mà không ai chọn khởi nghiệp từ các trường đảng mang tên Ng Ái Quốc để làm chính trị như ba vị tiền bối “khai quốc công thần” của CSVN trên thì quả là… đáng đặt ra câu hỏi thêm này.

Lịch sử có ngẫu nhiên hay có tình cờ mãi thế không với ba họ Đặng, Phạm, Võ kia thì... chỉ có Lịch sử mới trả lời được. Tôi đây tự nhiên mấy hôm nay húc vào chân Ông Lịch sử, xin ông rộng lòng ngày nào đó giải đáp cho tôi, cho cả dân Việt biết ba họ kia cùng có duyên nợ gì không và với ai? Công tội họ thế nào với dân nước Việt này mà họ phải sống kín như bưng thế? Sao “lãnh tụ HCM anh minh vĩ đại” mà họ tôn thờ phục vụ suốt đời không bảo vệ được mình và bảo vệ được họ trước các đồng chí cộng sản Duẩn Thọ của họ ngay cả cho đến hôm nay, khi họ tất cả đã là người thiên cổ?