Thursday, August 29, 2013

VIỆT NAM TRONG MẮT AI...

Điều bạn có thể chưa biết về Việt Nam


BILL HAYTON

(từ BBC WEBSITE)


Bill Hayton từng là phóng viên BBC ở Việt Nam cho đến khi anh làm mất lòng chính phủ vì tường thuật về giới bất đồng chính kiến và phải rời Việt Nam. Trong bài này, anh nhìn lại những điều bất thường tại một trong năm nước cộng sản còn lại trên thế giới.

1. Khó nói "I love you" bằng tiếng Việt


Không phải vì người Việt không tình cảm. Mà vì không có từ "I" và "You" trong tiếng Việt nói thông thường. Người ta nói với nhau dùng các ngôi thứ dựa vào tuổi tác: anh với anh trai hay nam giới lớn tuổi hơn mình, chị với chị gái hay phụ nữ lớn tuổi hơn mình và em với em gái hay phụ nữ nhỏ tuổi hơn mình.

Đó là lý do tại sao người Việt rất hay hỏi tuổi của người lạ khi mới gặp để họ có thể dùng đại từ nhân xưng cho phù hợp và đối xử với người đó có sự tôn trọng đúng mức theo tuổi tác.

Vì thế câu nói chuẩn khi bày tỏ tình yêu sẽ là "Anh yêu em". Tuy nhiên nếu người phụ nữ lại lớn tuổi hơn thì nó sẽ trở thành "Chị yêu em". Nhưng phụ nữ Việt Nam lại thường thích được gọi bằng em, bất kể tuổi tác.

Tiếng Việt có tới hơn 40 đại từ nhân xưng để miêu tả các mối quan hệ khác nhau tùy thuộc tương quan tuổi tác và vị trí trong gia đình và xã hội. Phần lớn những đại từ nhân xưng này nghe hay hơn trong tiếng Việt so với tiếng Anh.


2. Áo dài lấy hứng khởi từ thời trang Paris thập niên 1920






Hình ảnh những cô gái Việt Nam với mái tóc đen dài trong chiếc áo dài bằng lụa tha thướt trong gió nhẹ duyên dáng đạp xe trên đường phố được in trên những tấm thiệp hay vẽ trên tranh và được bán hàng triệu bản.

Áo dài là trang phục của phụ nữ Việt nam trong những dịp trang trọng hay là đồng phục tại khách sạn hay tiếp tân. Mặc nguồn gốc của chiếc áo dài bắt nguồn từ những chiếc váy dài từ thế kỷ 18, mẫu áo dài hiện đại có gốc từ thời trang Paris vào những năm 1920 khi Việt Nam là một phần của Đông Dương thuộc Pháp.

Nguyễn Cát Tường, một nhà thiết kế thời trang được Pháp đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, đã thiết kế lại mẫu áo vào nâm 1925 để hiện đại hóa hình ảnh và vai trò của phụ nữ Việt Nam. Ở miền Nam thập niên 1950 và 60, áo dài được cổ vũ như quốc phục và được ưa chuộng hơn so với ở miền Bắc.

Đã có luc chiếc áo dài bị những người cộng sản lên án là cổ hủ, và rất ít được mặc vào giai đoạn hậu chiến nhưng nay nó được ưa chuộng trở lại.

3. Cứ sáu người thì một người làm cho an ninh


Việt Nam không phải là nhà nước công an trị như vài năm trước đây nhưng không có nghĩa là không ai theo dõi bạn.


Có nhiều cơ quan an ninh luôn tìm kiếm các dấu hiệu lật đổ. Ngoài quân đội chính quy và lực lượng cảnh sát, còn có dân quân và trong thành phố thì có lực lượng dân phòng để mắt tới những gì người dân làm. Họ sẽ báo cáo cho Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

Một trong những nhà quan sát có thẩm quyền nhất về quân đội Việt Nam, ông Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ước tính là tổng số người trong các lực lượng an ninh khác nhau của Việt Nam ít nhất lên tới 6,7 triệu.

Với dân số lao động của đất nước này hiện này là khoảng 43 triệu thì như vậy cứ một trong sáu người lao động hoặc làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian cho một cơ quan an ninh nào đó của nước này.

4. Người cha của Cách mạng Việt Nam chỉ là người làm vì


Hồ Chí Minh và Lê Duẩn

"Bác Hồ" là người được in trên các áp phích cho cách mạng Việt Nam và hình ảnh của ông vẫn đang xuất hiện trên các áp phích, tiền giấy và ở nhiều nơi khác ở Việt Nam. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy Hồ Chi Minh (tên thật là Nguyễn Sinh Cung) không thực sự là người chịu trách nhiệm điều hành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cộng sản) trong giai đoạn những năm 60 vào cao trào của cuộc xung đột với Hoa Kỳ.

Vào thập niên 1910 ông Hồ lao động tại Pháp và London, nơi ông từng rửa bát tại khách sạn Carlton và làm những việc khác, trước khi trở thành một người cộng sản và đi sang Nga rồi Trung Quốc.

Ông đấu tranh chống lại người Nhật trong Đệ nhị thế chiến và sau đó chống lại người Pháp trước khi trở thành Chủ tịch nước. Đối với Hoa Kỳ ông là lãnh tụ đáng sợ trong thời gian chiến tranh.

Nhưng từ lâu có tranh cãi liệu ông có thực sự là một người theo đường lối cứng rắn hay không.

Theo nghiên cứu mới nhất, quyền lực thực sự nằm trong tay Tổng bí thư đảng Cộng sản, ông Lê Duẩn, một người theo chủ nghĩa Stalin, tàn bạo và không hấp dẫn.

Ông Lê Duẩn dùng lực lượng an ninh để kiểm soát hoạt động của các nhà lãnh đạo khác và thi hành chiến lược chiến tranh toàn diện chống lại Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi vào năm 1975 đã đưa ông Lê Duẩn nắm quyền nhưng với những hậu quả khủng khiếp. Trả thù và quản lý kinh tế yếu kém đã khiến đất nước bị cô lập và nghèo khó.

Cái chết của ông vào năm 1986 đã mở đường cho một nước Việt Nam mở cửa.

5. Máu chảy thành sông



Năm 1946, ngay trước khi cuộc chiến tranh với Pháp bùng nổ, lãnh tụ cộng sản, Hồ Chí Minh, đã cảnh báo Pháp: "Có thể các ông giết chết 10 người chúng tôi khi một người của các ông bị giết, nhưng cho dù thế nào đi nữa thì chúng tôi sẽ vẫn chiến thắng."

Ông đã đúng khi nói về việc đánh thắng người Pháp. Tuy nhiên sau khi họ rời đi và người Mỹ thay thế, tỉ lệ người chết do lực lượng của Hoa Kỳ gây ra với người Việt được ước tính là 50/1, gấp năm lần.

Con số nhân viên quân sự Mỹ bị chết tại Đông Dương từ năm 1955-75 được biết gần như chính xác là 58.220, mặc dù 1.629 người vẫn bị liệt vào danh sách mất tích trong chiến tranh. Tuy nhiên không ai biết chính xác bao nhiêu người Việt Nam đã bị giết.

Một con số ước tính đăng trên Tạp chí Y học Anh năm 2008, dựa trên một khảo sát thống kê, gợi ý rằng ba triệu người Việt Nam đã bị giết hại trong 20 năm đó.

Ước tính chính thức của Việt Nam là ba triệu người chết, trong đó có hai triệu thường dân. Những con số khổng lồ này phản ánh cuộc chiến giữa quyết tâm chiến thắng của những người Cộng sản Việt Nam và những chiến thuật tàn bạo cùng hỏa lực khổng lồ được Hoa Kỳ sử dụng.

6. Đảo du lịch từng là nhà tù



"Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" là một khẩu hiệu quyến rũ du khách của Việt Nam. Nhiều người Việt không thích khẩu hiệu này nhưng nó khơi gợi đối với những du khách ngoại quốc thích phiêu lưu và khám phá.

Trong số những khám phá đó là các đảo xinh đẹp Phú Quốc và Côn Đảo. Nhưng đằng sau những bãi biển rợp bóng dừa là cả một lịch sử đau thương.

Côn Đảo là nhà tù thời thuộc địa Pháp nơi người Pháp giam giữ các tù nhân chính trị và những người nổi dậy từ thập niên 1860 tới thập niên 1950.

Côn Đảo nổi tiếng với các chuồng cọp, những phòng giam đào dưới đất, một chiều 1,5m và một chiều 3m, mỗi phòng giam này chứa tới 5 tù nhân bị còng chân tay. Nơi đây tiếp tục là nhà tù dưới thời chính quyền miền Nam Việt Nam.

Người ta cho rằng khoảng 2.000 người đã chết tại đây.

Phú Quốc cũng từng là một nhà tù từ thời Pháp, sau này trở thành nhà tù của Việt Nam trong thời gian chiến tranh và thường do các thẩm vấn người Mỹ trông coi giám sát.

Sau chiến tranh, hòn đảo này là nơi có các trại "cải tạo" nơi đảng Cộng sản giam giữ những người chống đối họ. Tách biệt với đất liền, hai hòn đảo này thật lý tưởng cho sự đàn áp. Nay chính điều đó khiến các đảo này trở thành nơi nghỉ ngơi yên tĩnh lý tưởng.

7. Kẻ thù lâu đời của Việt Nam luôn là Trung Quốc


Biểu tình chống Trung Quốc
Căng thắng tại Biển Đông đã dẫn tới các cuộc biểu tình chống TQ ở VN
Mặc dù cuộc chiến kết thúc gần 40 năm, phần lớn người ngoại quốc vẫn liên tưởng Việt Nam và cuộc chiến tranh với Mỹ. Nhưng người Việt đã trải qua các cuộc chiến kéo dài hơn nhiều với Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, người Việt hiện đại ít nhiều vẫn xác định mình ở vị thế chống lại Trung Quốc.


Mọi thành phố đều có tên đường, tượng đài hay tòa nhà mang tên các vị anh hùng (có thực hoặc truyền thuyết) chống lại người phương Bắc.

Phần lớn đây chỉ là huyền thoại lỗi thời vì những cuộc xung đột trước đó là giữa kẻ cầm quyền, các lãnh chúa vùng miền, người nổi dậy, v.v. những người có lẽ đã không hiểu ý nghĩa của những từ như "Việt Nam", hay thậm chí "Trung Quốc" vì đây là những từ được nghĩ ra vào thời hiện đại.

Ngày nay, căng thẳng đang âm ỉ liên quan tới tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài với Trung Quốc tại Biển Đông, vốn nhiều dầu khí và cá.

8. Không phải tất cả di tích chiến tranh đều như người ta tưởng



Bức ảnh chiếc xe tăng đâm thằng vào cổng Dinh Độc Lập ở Sài Gòn và đậu bên bãi cỏ đã đem lại cho tiếng Anh một cụm từ mới. Nhưng là chiếc xe tăng nào vậy?

Bảo tàng tại cả Hà Nội và Saigon đều có bày chiếc xe tăng 843 với lời tuyên bố đây là chiếc tăng đầu tiên chạy qua cổng. Tuy nhiên những hình ảnh chụp hôm 30/4/1975 cho thấy chiếc xe tăng 843 không phải là chiếc đầu tiên chạy qua cổng Dinh Độc lập.

Dư luận tin rằng xe tăng 843 được vinh danh vì nó được dùng quay phim ngay sau sự kiện đó. Các di tích chiến tranh như thế vẫn rất quan trọng đối với Đảng cộng sản vì tính hợp pháp của họ phụ thuộc một phần vào vai trò của họ trong việc "giải phóng" đất nước.

9. Thương ai thì đốt vàng mã cho họ


Niềm tin tôn giáo truyền thống của người Việt là chết không có nghĩa là hết. Người chết chỉ đơn giản là chuyển sang một cuộc sống hậu thế mà mọi thứ cũng giống như trên dương gian.


Vì thế người chết cần có những đồ dùng gia đình như người sống. Nhưng làm thế nào để người đã chết có điện thoại di động, máy giặt và quần áo mới mà dùng?

Rất đơn giản. Người thân sẽ mua các đồ dùng này được làm bằng giấy và đem đi đốt và chúng sẽ được chuyển sang thế giới bên kia cho người đã khuất ở thế giới bên kia.

Chính phủ Việt Nam ước tính năm ngoài người ta đốt khoảng 20 triệu đôla Mỹ tiền vàng mã.

10. Một nửa dân số Việt Nam có chung họ mà rất ít người nước ngoài phát âm đúng


Từ Hà Nội tới Hollywood, hàng chục triệu người Việt mang cùng một họ: Nguyễn.

Thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng, diễn viên người Mỹ gốc Việt: Dustin Nguyễn, và Nguyễn nằm trong danh sách tên họ phổ biến nhất tại Mỹ, Úc, và vài nước châu Âu.

Phát âm rất khó khăn với người nước ngoài vì sự kết hợp giữa âm đầu "ng" với các nguyên âm rắc rối và dấu ngữ âm không quen thuộc. Phát âm gần nhất mà người nước ngoài có thể đạt được là "nwee-yen" hay thậm chí "win".

Họ này có lẽ bắt nguồn từ gốc tiếng Hoa. Qua nhiều thế kỷ, hàng ngàn gia đình chọn hay bị buộc phải đổi họ sang thành Nguyễn như một biểu hiện trung thành với các vua chúa cầm quyền.

Kết quả là không phải tất cả người họ Nguyễn đều giống nhau. Một số có thể là con cháu của vua chúa trước đây, một số khác là con cháu của những người nổi dậy.




11. Rất ít người Việt có thể đọc chữ Nôm


Cho tới đầu thế kỷ 20, tiếng Việt thường được viết theo kiểu chữ Hán, được gọi là chữ Nôm. Nhưng ngay từ đầu thế kỷ thứ 16, ngôn ngữ đã được ghi lại bằng chữ viết phương Tây do các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và sau đó là một nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp, Alexandre de Rhodes.

Những người truyền giáo chỉ đơn giản muốn một cách rao giảng kinh thánh dễ dàng hơn nhưng vào thế kỷ 20, những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam nhận ra rằng chữ viết này giúp truyền bá tư tưởng dễ dàng hơn.

Chữ Latin dễ học hơn rất nhiều so với chữ Nôm.

Ngày nay chữ Nôm đã gần như mất đi. Những nơi duy nhất có thể thấy nó là các chạm khắc ở chùa chiền. Rất ít người Việt có thể đọc được chữ Nôm hay các tài liệu lịch sử bằng chữ này, như tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam "Truyện Kiều".

Một vài chuyên gia vẫn duy trì kiến thức về chữ Nôm nhưng họ lo ngại rằng ngôn ngữ này sắp mất hẳn.

Về tác giả: Bill Hayton từng là phóng viên BBC tại Hà Nội vào năm 2006-7 và năm 2010 xuất bản cuốn sách về Việt Nam mang tên "Việt Nam: Con rồng đang lên". Ông chưa trở lại Việt Nam từ năm 2007.



THỜI BUỔI CỨC LỘN LÊN ĐẦU!






HẺM BUÔN CHUYỆN 


( KỲ 112) : 

Khi sự thật bị hắt hủi !

Nhà văn Nhật Tuấn

(từ blog thời 2 Đ)



Cả tháng qua, ông bồ già ngoài Hànội bận đấu đá sao đó không thấy vô Sàigòn khiến cô Phượng cave buồn như con chuồn chuồn, tiêu xài kém hẳn . Tối nay ngồi quán cô cất giọng não nề :

“…Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi, chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi, cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài….”

Thằng Bảy xe ôm vỗ tay đồm độp :

“ Í mèn ôi… chị Phượng cave hát hay quá… Phải bài cô đơn của Nguyễn Ánh 9 không ?”




Cô Phượng cave nhếch mép :

“ Mày cũng biết bài này kia à ?”

Thằng Bảy xe ôm vênh mặt :

“ Biết sao không ? Nghe nói hôm rồi chả chê danh ca, điva, ca sĩ con mẹ gì chả cũng chê tuốt luốt ?”

Chị Gái hủ tíu tròn mắt :

“ Thiệt không ? Mà chả chê sao ?”

Gã Ký Quèn chen ngang :

"Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa... Cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được, giọng yếu lắm, khều khào không à! ". Hay như : "Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thôi, không để lại ấn tượng gì hết".











Cô Phượng cave la lên :

“ Ôi chết chết…chê cả Mỹ Tâm kia à ?”

Gã Ký Quèn dài giọng :

“ Mỹ Tâm đã ăn thua gì ? Cả hai diva chả cũng chê . “ Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có" . Nhưng chê tệ nhất là " Đàm Vĩnh Hưng hồi xưa mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu !".






Cô Phượng cave lại kêu :

“ Í trời ôi… fan của nó ném đá cho thì chết cha…”

Gã Ký Quèn lại gân cổ :

“ Chưa nói tới fan, ngay Đàm Vĩnh Hưng nó đã “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại"  rồi. Nào “chê Đàm Vĩnh Hưng là coi thường hàng triệu khán giả đang nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng”. Nào “ngụy quân tử”. Nào "Chó sủa thì chó cứ sủa, đoàn người đi thì cứ đi!”.

Ông Tư Gà nướng đập bàn :

“ ĐM nó… thời buổi công cũng như quạ, cá mè một lứa, cứt lộn lên đầu. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người của Sàigòn trước 1975, khi văn hóa vẫn còn là văn hóa , Đàm Vĩnh Hưng là sản phẩm của thời đồ đểu TP Hồ Chí Minh sau 1975. Hai người nói hai thứ tiếng khác nhau không tranh cãi được, cũng không so sánh được…”

Thằng Bảy xe ôm thắc mắc :

“ Không biết các nhạc sĩ gạo cội như Dương Thụ, Trần Tiến… có ai lên tiếng bênh vực đồng nghiệp không ?”






Gã Ký Quèn cười đểu :

“ Ngậm miệng ăn tiền hết rồi. Lên tiếng ủng hộ sợ mất cha nó khách. Ngày xưa một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Bây giờ, đời nó khốn nạn vậy !”

Cô Phượng cave cười rinh rích :

“ Bởi thế ngày nay không gọi hát nhạc “tiền chiến” nữa mà hát nhạc “tiền gọi” !




Thằng Bảy xe ôm ngao ngán :

“ Nghe nói nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải viết thư xin lỗi ?”

Gã Ký Quèn trợn mát :

“ Không xin lỗi hàng trăm fan của nó đến gây rối có mà bán nhà đi ở chỗ khác. Bởi vậy nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mới than: "Khi sự thật bị hắt hủi!”

Thằng Bảy xe ôm văng tục :

“ Ở cái nước này chỗ đéo nào sự thật chẳng bị hắt hủi. Đón sự thật vào nhà ấy à ? Có mà sập cha nó đảng !!!”

Ông đại tá hưu đập bàn quát :

“ Thằng Bảy xe ôm nói láo, tao gô cổ mày giờ ?”




Thằng Bảy xe ôm gân cổ cãi :

“ Tôi nói không đúng ư… báo đài toàn bốc phét, nói sự thực thì vỡ nồi cơm !”

Vừa lúc đó cô phát thanh trên tivi uốn giọng : "Toàn đảng toàn dân ta hăng hái thi đua lấy thành tích chào mừng ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 vĩ đại…”

Thằng Bảy xe ôm cười hô hố :

“ Đó… bốc phét đấy chứ đâu ? Hỏi quán này có ai hăng hái thi đua không ?”

Cả quán cười ồ trừ ông đại tá hưu .


29-8-2013






Wednesday, August 28, 2013

MẸ KIẾP, ĐIÊN CẢ RỒI!






VAY TIỀN XÂY 
VIỆN KỸ THUẬT HẠT NHÂN 
TRỊ GIÁ 10 NGÀN TỶ

(từ blog nguoilotgach)


Trẻ em ở Xéo Pa Cheo trong cái lạnh dưới 10 độ C

Trong thời gian qua và nhất là chỉ mới cách đây vài tuần lễ, vào đầu tháng 08, trên khắp các tờ báo giấy và báo mạng của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam trong lúc tường trình về kế hoạch “trình báo cáo khả thi dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận cuối năm nay” cho biết rằng Nga sẽ tài trợ Việt Nam để tập đoàn Rosatom xây cất một Viện Kỹ Thuật Hạt nhân tân tiến đầu tiên với trị giá khoảng 500 triệu USD, tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng Việt Nam. Đại diện Rosatom còn cho hay viện này là một viện Hạt nhân đầu tiên do Rosatom Nga xây dựng tại nước ngoài.


Người đọc tin này cứ ngở rằng Nga và Rosatom đứng ra tài trợ toàn bộ dự án xây cất viện hạt nhân này, và phía Việt Nam không phải tốn tiền, theo đúng nghĩa của hai chữ “tài trợ = cho không”. Thôi, dù cho nước mình nghèo, các em nhỏ ở những vùng quê phải lội sông vượt suối đến trường đề tìm ba cái chữ - chòi thì đúng hơn mái trường - được một tập đoàn Nga nó hảo ý chung chi đến cả vạn tỷ đồng xây “chùa/free” viện này viện nọ mình cứ nhận đi trước cái đã, dầu sao đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của 90 triệu dân mình nằm trong món tiền hơn chục tỷ USD chung chi cho dự án nhà máy điện hạt nhân, coi như tiền “khuyến mải” hay “lại quả”, sau này có gì còn tháo bán sắt vụn gở gạt. Nếu mình làm anh hùng rơm, thanh liêm không thèm tham nhũng, không nhận số tiền “lại quả” tính trong số tiền phải trả Rosatom cho một món hàng hời trên dưới 20 tỷ USD (400 ngàn tỷ đồng) thì chỉ toi bị thiệt thòi.




Trường học “ta” dưới thời đại “Viện kỹ thuật hạt nhân trị giá vạn tỷ đồng VN” - Nghèo như... lớp học ở Xéo Dì Hồ



Đùng một cái, ngày 17/08/2013 trên trang báo Tuổi Trẻ, phiên bản tiếng Anh, đăng tin: “Vietnam to build 500 mln nuclear centre in late 2015” - Việt Nam xây trung tâm hạt nhân trị giá 500 triệu USD vào cuối năm 2015. Điểm đặc biệt của bản tin này là nó lại trái ngoe với những tin tức mà báo chí và các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước đã đăng từ trước đến nay, chí phí cho dự án xây cất trung tâm nghiên cứu hạt nhân này thực ra là tiền vay 500 triệu USD với lãi suất cắt cổ 5%/năm từ chính phủ Nga chứ không phải là do tập đoàn Rosatom bảo trợ.

Thật hởi ôi! Việt Nam đã từng bị bọn tập đoàn bán máy điện hạt nhân dỏm Rosatom lừa một vố vĩ đại giá hơn chục tỷ USD cho một nhà máy điện “địa ngục” hạt nhân với nguy cơ sẽ đẩy toàn dân Việt vào hố đen của nạn diệt chủng một khi có thảm họa hạt nhân tương tự như Chernobyl hay Fukushima, nay lại còn bị bồi thêm một đòn lừa 500 triệu USD xây Viện hạt nhân “hiện đại” để nghiên cứu (?).




Muốn qua được sông để đến lớp, các em học sinh phải nhờ người lớn đưa qua. 



Đất nước Việt Nam nghèo muốn rớt mồng tơi, cái học của các cháu, cái ăn cái mặc căn bản của dân lo chưa xong, trường học các nơi thôn quê xa thành phố là những cái chòi tranh vách phên vách nứa bốn phía trống trơn, các em phải đu dây, lội sông vượt suối đánh đổi mạng sống để tìm 3 cái chữ, cơ xưởng công kỹ nghệ thì thấp kém đến nổi bồ lon ốc vít chưa làm được nên thân nên hình mà lại đua đòi làm viện nghiên cứu nguyên tử hạt nhân trị giá hằng vạn tỷ đồng tiền đi vay rồi tốn nhiều tỷ mỗi năm để bảo quản. Đây là một việc làm theo phong cách nghèo chơi sang, dốt chơi chữ, nhà tranh vách đất mà trong nhà chưng một dàn tủ chứa đầy đủ bộ sách tự điển bách khoa toàn thư mạ vàng.



Trẻ em đu dây đi học



Có lẽ đây là phong cách của đảng cộng sản, chơi nổ để chứng minh sư “ưu việt” của chế độ cộng sản Việt Nam so với chế độ tư bản đang dãy chết, như trường hợp bay một lèo lên vũ trụ của “phi hành gia” Phạm Tuân năm 1980, xây Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu ĐNA ngốn khoảng 700 triệu USD (15 ngàn tỳ đồng), v.v.
Đây là việc làm rất sai trái và cần phải bị quyết liệt phê phán và lên án trước công luận. Đảng cộng sản và nhà nước cần thiết phải ngưng ngay việc làm thật sự quá phung phí này, không được phép đem tương lai của đất nước và sinh mạng của dân chúng ra làm trò đùa để bôi son trét phấn, để thỏa mãn tham vọng của đảng và các nhóm lợi ích.


Để có thể chận đứng kịp thời được việc này thật qúa lố lăng này, đất nước Việt Nam cần thiết phải có các tổ chức đối lập với nhà nước cộng sản Việt Nam làm đối trọng để người dân có quyền kiểm tra, kiểm soát những việc làm của chính quyền mà dưới một chế độ độc đảng toàn trì mọi tần lớp người dân không thể nào có được.


Ngày 21/08/2013
Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam






Nguồn tham khảo:



Tập đoàn Điện hạt nhân Nga Rosatom một mình một chợ tự biên tự diễn vở tuồng độc: “Điện hạt nhân Ninh Thuận”


Trình báo cáo khả thi điện hạt nhân Ninh Thuận cuối năm nay

Thật khủng khiếp! Máy móc của lò phản ứng hạt nhân do tập đoàn điện hạt nhân Nga "Rosatom" lắp ráp là hàng dỏm! 


“Khi đến thăm một số trường đại học ở TP. HCM, tôi đã bị sốc vì hạ tầng khoa học nghèo nàn ở đó” Giáo sư Nobel vật lý - David Gross (TT 13/8). 




Vietnam to build $500 mln nuclear center in late 2015
Tuoi Tre
Updated : 08/16/2013 12:11 GMT + 7






Vietnam will start the construction of a nuclear technology center, possibly in the Central Highlands, which will cost half a billion dollars in two years, an atomic energy official told Tuoi Tre on Thursday. 


The Ministry of Science and Technology has been assigned to steer a project to build the Nuclear Science and Technology Center with consultation from Russian experts, Tran Chi Thanh, director of the Vietnam Atomic Energy Institute, said at a conference on nuclear technology in the southern province of Ba Ria-Vung Tau.
Funding will come from loans worth US$500 million provided by the Russian government, Thanh said, adding that feasibility studies and site selection are under way.
“Work on the project will probably begin in late 2015, under favorable conditions, and we have proposed building it in the Central Highlands city of Da Lat,” Thanh said.
Thanh lamented that Vietnam has not paid proper attention to the training of skilled workers for the nuclear power sector even though it aims to develop nuclear power plants in the central region.
There are no nuclear power experts, nor is there a specific strategy for training personnel for this industry at the moment, he pointed out, suggesting that the government should invest more in science and technology in order for the vision of nuclear power to be realized.
The Vietnamese government has approved a plan to put five nuclear power plants into operation in the central region between 2020 and 2030, given forecasts that the country will face a serious shortage of power by 2020.
Construction of the first two plants is expected to begin late next year and be completed by 2022, with power starting to be generated in late 2020.

Vietnam has decided to use Russian technology for the first facility and Japanese expertise for the other.


http://www.buudoan.com/2013/08/vay-tien-xay-vien-ky-thuat-hat-nhan-tri.html





Tuesday, August 27, 2013

ĐỪNG GÂY THÊM TỘI ÁC NỮA!






ĐỪNG GÂY THÊM NỮA TỘI ÁC VỚI DÂN TỘC, VỚI LỊCH SỬ

Posted by basamnews on August 27th, 2013


PHẠM ĐÌNH TRỌNG



1. BÓNG ĐEN NHỮNG VỤ ÁN CHÍNH TRỊ Ô NHỤC TRONG QUÁ KHỨ ĐANG TRỞ LẠI

Đọc những bài viết phê phán ông Lê Hiếu Đằng trên báo Quân Đội Nhân Dân, báo Nhân Dân, báo Đại Đoàn Kết, báo Công An Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng . . . tôi lại nhớ đến những bài viết rầm rộ, đồng loạt, tới tấp đánh NVGP (Nhân Văn Giai Phẩm) trên các báo ở miền Bắc hồi những năm 1956, 1957.

Những bài viết phê phán ông Lê Hiếu Đằng sao giống khẩu khí, giọng điệu, giống cả thái độ quyền uy lấn lướt, giống cả sư hằn học nhỏ nhen, muốn làm sống lại cả không khí ngột ngạt, căng thẳng thời đánh NVGP đến thế. Chỉ khác chút ít về độ nóng và qui mô.



Đánh NVGP lệnh công khai phát ra từ chót vót trên cao. Những bài viết và nói nảy lửa của ông Tố Hữu phát ra từ cung đình nhà Đỏ như phát súng lệnh. Đồng loạt các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ ào ào nhảy vào đánh túi bụi những mục tiêu đã được chỉ định. Đánh để cố tách xa mình ra khỏi NVGP, để bày tỏ lòng trung thành với đảng, để lập công với đảng nên không thiếu một tên tuổi nào, không sót một tờ báo nào trong cuộc đánh hội đồng này.

Ngày nay mượn cớ đánh bài Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh của ông Lê Hiếu Đằng để đánh phá cả phong trào đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước mà chỉ có dăm tờ báo với vài người viết tên tuổi lạ hoắc có thể coi là vô danh. Có thể họ có tên tuổi đấy nhưng phải núp dưới cái tên xa lạ thì cũng coi như vô danh. Báo Nhân Dân còn bắt kẻ vô danh đó phải đeo thêm vòng lá ngụy trang rậm rì là người Mĩ gốc Việt Amari TX. Chỉ có một giáo sư cung đình, giáo sư của đảng xung trận. Càng thấy sự yếu thế, sự bất chính, không có lẽ phải trong trận đánh phá, răn đe tiếng nói rất chính đáng của người dân, tiếng nói rất bình thường của cuộc sống trong một xã hội dân sự.

Mức độ có khác, qui mô và khí thế có khác nhưng nội dung thì hoàn toàn là sự tái hiện lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét Lại Chống Đảng trong quá khứ, là quyền uy độc tài đánh phá ngăn chặn đòi hỏi tự do dân chủ, là lực lượng chuyên chính về tư tưởng bảo vệ quyền uy, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của Nhà nước đảng trị chống trả lại tiếng nói vì dân vì nước.

Đúng như nhìn nhận của ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những nhân vật hàng đầu của NVGP, phong trào NVGP thực chất là:

“Chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyên chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng cực quyền, còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian, trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí, tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa. Sự biến chất này do ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, cả hai đều tự nhận là chủ nghĩa Mác-Lênin! Rất tiếc là lúc ấy Đảng Cộng sản Việt Nam tin là như thế.” (Phạm Xuân Nguyên. Ông Đang. Talawas. 12. 02. 2007)

NVGP chỉ là tiếng nói của trí thức, nghệ sĩ đòi tự do sáng tạo trong một xã hội dân chủ. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó còn có tên là đảng Lao động Việt Nam, và những người có đặc quyền, đặc lợi trong đảng sợ mất vị trí độc tôn liền vu cho NVGP là một tổ chức phản động chống đảng và lật đổ Nhà nước Cộng sản. Ông Tố Hữu khi đó là Ủy viên Trung ương đảng Lao động Việt Nam, đặc trách công tác văn hóa, văn nghệ, truy chụp:

“Lật bộ áo Nhân Văn – Giai Phẩm thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm . . .” (T.9. Sách “Qua Cuộc Đấu Tranh Chống Nhóm Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm Trên Mặt Trận Văn Nghệ.”. Tố Hữu. Nhà xuất bản Văn Hóa. Hà Nội. 1958).

“Trong cái công ty phản động Nhân Văn – Giai Phẩm ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn Trốt kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ.” (T. 17. Sách đã dẫn)

Cuộc đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất diễn ra ở bãi đấu tố trên cánh đồng. Ở đó người đấu tố càng tỏ ra sôi sục căm thù vạch ra được nhiều tội ác của địa chủ càng được đánh giá là có giác ngộ giai cấp, càng được đảng tin cậy, cất nhắc. Vì thế người đấu tố phải cố lên gân lập trường giai cấp, phải tưởng tượng ra đủ các tội vu oan giá họa làm cho một nông dân hiền lành chỉ nhờ biết tổ chức làm ăn, chịu khó cần cù khuya sớm và tằn tiện ki cóp mà có đủ ruộng cày cấy và có cuộc sống tạm đủ ăn cũng trở thành địa chủ cường hào gian ác phải nhận bản án tử hình.

Cuộc đấu tố NVGP diễn ra trên mặt báo, trên trang sách cũng đòi hỏi người đấu tố phải lên gân lập trường giai cấp và giàu sức tưởng tượng như bần cố nông đấu tố địa chủ. Vì thế những tiếng nói chỉ đòi dân chủ xã hội, đòi tự do sáng tác của những trí thức nghệ sĩ chân chính muốn được sáng tạo cũng trở thành “một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm. . .”

Bài viết Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh của ông Lê Hiếu Đằng chỉ là tiếp nối tiếng nói NVGP nửa thế kỉ trước đòi tự do dân chủ:

“Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo.

Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị, chờ chết mà thôi.

Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ.” (Lê Hiếu Đằng. Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh).

Trước sự tha hóa trong quyền lực không thể cứu vãn của đảng Cộng sản Việt Nam nếu cứ độc đảng, ông Lê Hiếu Đằng đề xuất: “Tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi đảng, hoặc không còn sinh hoạt đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ, Xã Hội, những đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”

Đề xuất đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc cho đảng Cộng sản Việt Nam phải sửa mình, cất mình lên thoát khỏi sự trượt dài trong tha hóa vì quyền lực, tạo cơ hội cho đảng Cộng sản Việt Nam có chính danh lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong cuộc cạnh tranh chính trị lành mạnh: “Các đảng, các tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với đảng Cộng sản trong cuộc bầu cử hợp pháp . . .” Đó là thiện chí Lê Hiếu Đằng. Đó cũng là trung thực Lê Hiếu Đằng, đảng tính Lê Hiếu Đằng.

Nhưng như đỉa phải vôi, ông Trọng Đức trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 18. 08. 2013 giật mình, hốt hoảng la lối: “Thực chất các lời khuyên “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đưa ra gần đây một cách rất “tâm huyết”, chẳng qua chỉ nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi.”

Ông Linh Nghĩa trên báo Công An Nhân Dân ngày 24. 08. 2013 truy chụp: “Vấn đề nghiêm trọng hơn là ở chỗ ông Lê Hiếu Đằng thách thức pháp luật và kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam”.

Còn ông người Mĩ gốc Việt Amari TX thì ngày 22. 08. 2013 lên báo Nhân Dân vu vạ: “Ðọc bài của một “nhà bất đồng chính kiến” công bố gần đây, tôi không ngạc nhiên và cũng không bất ngờ về nhân vật mà các phần tử cơ hội, bất mãn đang ra sức tung hứng như “ngọn cờ” để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”, “Bài viết của ông là sự thóa mạ chủ nghĩa Mác, mạt sát ÐCS Việt Nam và chế độ chính trị – xã hội hiện nay ở Việt Nam, đòi thay đổi chính trị bằng cách thành lập một đảng phái khác.” (Ngôn từ, khẩu khí, thái độ và lối mòn tư duy thâm căn cố đế của ông Amari TX làm người đọc cứ ngờ ngợ rằng ông người Mĩ gốc Việt này như đang sống và đã sống hàng năm hàng đời trong căn hộ khu tập thể nào đó được Nhà nước cấp cho cán bộ ở Trung Tự, Kim Liên, Đội Cấn, Hà Nội).

Đúng là tiếng hô hoán, giọng truy chụp quyền uy và vu vạ chính trị ngày nào để tạo dựng lên vụ NVGP ô nhục!

2. NHỮNG CHIÊU TRÒ DỰNG TỘI

Coi thường người dân, lừa dối người dân là một bài bản của những người tạo ra vụ NVGP. Bài bản nhẫn tâm và bất lương đó đến nay vẫn được sử dụng khi ông Trọng Đức viết: “Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân.”

Quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đại số nhân dân mà khi Quốc hội vừa đòi thảo luận có nên sát nhập Hà Tây vào Hà Nội không thì ông Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Quốc hội liền gạt phắt: “Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, Bộ Chính trị đã quyết định rồi!” Các đại biểu Quốc hội đành cúi mặt câm lặng rồi răm rắp giơ tay biểu quyết theo quyết định của đảng!

Hơn chín mươi phần trăm đại biểu Quốc hội là đảng viên Cộng sản thì đảng muốn gì chả được, đảng bảo sao Quốc hội cũng phải nghe. Vì thế Hiến pháp mới có điều 4 ngang nhiên tước đoạt quyền công dân của người dân. Vì thế bộ luật tố tụng hình sự mới có điều 79, điều 88, điều 258 trắng trơn vi phạm Hiến pháp.

Hơn chín mươi phần trăm đại biểu Quốc hội là đảng viên của đảng tham nhũng mà ông Trọng Đức bảo Quốc hội đó “thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân” thì đó là sự miệt thị, xỉ nhục dân đấy, ông Trọng Đức ạ!

Thần linh hóa, tôn giáo hóa đảng Cộng sản Việt Nam. Bất biến, định mệnh hóa, tuyệt đối hóa sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, ai động đến sự cai trị đó, đòi pháp luật hóa, chính danh hóa sự cai trị đó là nhảy thách lên mang chuyên chính tư tưởng ra trấn áp. Đó là khởi sự của vụ NVGP và cũng là khởi sự của vụ việc hôm nay. 

Một ông người Mĩ gốc Việt ở tận bên kia Thái Bình Dương mà hùng hồn tuyên bố về sự lãnh đạo bất biến của đảng Cộng sản Việt Nam như một định mệnh nghiệt ngã đối với dân tộc Việt Nam: “Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước đã trở thành nguyên tắc nhất quán. Nguyên tắc “bất biến” là vừa phải giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Ðảng với Nhà nước, vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Nhà nước, làm cho Nhà nước trở thành một nhà nước dân chủ mới. (Amari TX. Vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam là một yếu tố khách quan. Báo Nhân Dân 22. 08. 2013).

3. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG THỰC TẾ LỊCH SỬ 

Những nhà viết lịch sử đảng, những nhà lí luận, những cán bộ tuyên huấn của đảng suốt mấy chục năm qua đều một giọng cường điệu hóa, anh hùng ca hóa công tích của đảng Cộng sản Việt Nam mà không chịu nhìn vào thực tế là những sai lầm liên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác. 

Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam.

Thảm họa cải tạo tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội. Những cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân đang làm ăn có lãi và đang phát triển mạnh mẽ khi chuyển vào tay Nhà nước xã hội chủ nghĩa liền thua lỗ rồi tan hoang. Cải tạo tư sản đã hủy hoại, xóa sổ cả một nền sản xuất công nghiệp tự chủ đang lớn mạnh của người dân, của đất nước.

Thảm họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lương ưu tú nhất của xã hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới đáy biển. 

Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu Cộng!

Thảm họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại!

Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi.

Thảm họa tụt lại sau thế giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày Thái Lan càng bỏ xa Việt Nam.

Thảm họa trách nhiệm. Ở các nước dân chủ, bằng lá phiếu và bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, người dân thực sự có vai trò quyết định đến việc chấp chính của đảng cầm quyền và người cầm quyền. Chỉ một đổ vỡ nhỏ trong đời sống xã hội hoặc đời sống kinh tế đất nước, người cầm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, đảng cầm quyền cũng mất quyền lãnh đạo. Chỉ vì quyết liệt hạn chế gia tăng dân số không được lòng dân mà đảng Quốc Đại đương quyền ở Ấn Độ không nhận đủ số phiếu bầu của người dân để tiếp tục cầm quyền và bà Thủ tướng lừng lẫy công lao với đất nước Ấn Độ Indira Gandhi cũng mất chức Thủ tướng. Có dân chủ, đổ vỡ khó tái diễn và không thể có đổ vỡ dây chuyền, đổ vỡ lan rộng trong tất cả các mặt đời sống xã hội. Ở ta những thảm họa lớn gây chết chóc hàng trăm ngàn người dân như thảm họa cải cách ruộng đất, giết chết cả nền văn học nghệ thuật như thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, làm đình đốn cả nền kinh tế như thảm họa Vinashin nhưng những người cầm quyền không ai chịu trách nhiệm, không ai rời vị trí quyền lực, cùng lắm là luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác như sau thảm họa cải cách ruộng đất. Đảng độc quyền thì cứ bình thản cầm quyền. Người yếu kém và có tội cứ thản nhiên nắm quyền. Thảm họa cứ tiếp diễn và lan rộng ra cả xã hội. Xã hội Việt Nam hôm nay thực sự là thảm họa đối với dân tộc Việt Nam văn hiến.

4. ĐỐI THOẠI VỚI NHỮNG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

Một đảng như vậy mà ông người Mĩ gốc Việt, Amari TX, ông người Việt gốc Đảng, Trọng Đức và ông giáo sư của đảng, Hoàng Chí Bảo, huyền thoại hóa:

“Trong khi một loạt nước xã hội chủ nghĩa có lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội dài hơn lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và nhờ đổi mới đúng đắn, nhân dân còn đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được rất nhiều nước ca ngợi. Ðiều đó chứng tỏ ÐCS Việt Nam không chỉ tài tình trong lãnh đạo toàn dân chống chiến tranh xâm lược, mà còn thật sự xứng đáng là người lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình, ngay cả khi bối cảnh quốc tế có những biến động khôn lường.” (Amari TX. Bài đã dẫn)

“Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. (Trọng Đức. Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bệnh”. Báo Quân đội Nhân dân. 18. 08. 2013).

“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện với lịch sử vẻ vang hơn 80 năm, trong đó đã cầm quyền liên tục gần 70 năm nay, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã tồn tại và hoạt động chỉ vì Dân và Dân tộc. Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phấn đấu hy sinh để đem lại lợi quyền cho dân, để dân là chủ và làm chủ. Dân ủy thác cho Đảng trọng trách. Sứ mệnh, địa vị và trọng trách của Đảng là sự lựa chọn của dân, là sự tin cậy mà dân dành cho Đảng, đòi hỏi Đảng phải thực thi tốt nhất để không phụ lòng tin của dân.” ( GS. TS. Hoàng Chí Bảo. Trọng sự thật và chân lí để hành động có trách nhiệm. Quân đội Nhân dân 25. 08. 2013).

Ông giáo sư của đảng, Hoàng Chí Bảo, giật tít bài viết là “Trọng sự thật và chân lí để hành động có trách nhiệm” nhưng chính ông Hoàng Chí Bảo đã viết những điều hoàn toàn không có sự thật, lại càng xa vắng chân lí và ông giáo sư của đảng đang hành động hoàn toàn vô trách nhiệm với đất nước, với dân tộc và với lịch sử. Đọc những điều ông giáo sư của đảng viết tôi cứ nghĩ đến con chim cảnh được chăm bẵm trơn lông mượt da suốt ngày véo von hót làm đẹp lòng người nuôi chim.

Đọc những điều ông giáo sư của đảng viết, tôi lại nhớ đến bài thơ Cường Quốc Dân Oan của ông bạn nhà báo Lê Phú Khải đã đăng trên nhiều trang báo mạng năm trước: “Những ngày tôi đang sống / Sử gia sẽ viết gì? / Đàn ông uống thuốc rầy giữ đất / Đàn bà cởi truồng chống đảng / Thuốc trừ sâu pha đậm / Thành nghị quyết trung ương / Đất đai là sở hữu toàn dân / Giao cho cha con Bá Kiến / Tự do cưỡng chế thu hồi / Từ Cà Mau đến tận Hà Giang” Và một bài mới gần đây cũng của nhà báo Lê Phú Khải: “Đất nước nghèo như cọng cỏ, cọng rơm / Đi ô sin khắp năm châu bốn biển / Nhưng ra đường là gặp tướng / Ra đường là gặp dân oan”. Ông giáo sư của đảng véo von rằng “Dân ủy thác cho đảng trọng trách”. Người đàn ông thân cô thế cô phải uống thuốc rầy giữ đất ủy thác cho đảng làm luật đất đai là sở hữu toàn dân để lũ quan tham nhân danh Nhà nước đến cướp đất của người dân thân cô ư? Những người đàn bà Việt Nam nghèo khổ phải đi làm ô sin khắp thiên hạ lấy tiền gửi về nuôi gia đình, những cô gái phải mang thân gái hơ hớ tuổi hai mươi đi làm vợ ông già tật nguyền, làm nô lệ tình dục cho người thiểu năng trí não xứ người kiếm sống ủy thác cho đảng cứ tham nhũng làm cho người dân khốn cùng ư?

Thưa ông người Mĩ gốc Việt Amari, ông có biết sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã mang lại hạnh phúc lớn lao như thế nào cho người dân các nước đó không? Nước Đông Đức Xã hội chủ nghĩa là nước phát triển nhất, có đời sống cao nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ, Đông Đức sát nhập với Tây Đức thì Đông Đức chỉ là vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển và nghèo khổ của nước Đức thống nhất. Tây Đức phải san sẻ, dồn của cải tiền bạc vào vực dậy miền Đông để nước Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu như hôm nay. Niềm hạnh phúc được thể hiện mình, được đóng góp cho đất nước và sự thành đạt của bà Angela Merkel, một công dân bình thường Đông Đức nay là Thủ tướng nước Đức thống nhất chính là hình ảnh người dân Đông Đức khi thoát khỏi chủ nghĩa xã hội mất tính người đấy, thưa ông Amari.

Bất hạnh thay người dân Việt Nam không có được hạnh phúc đó vì lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không thoát ra được học thuyết giai cấp hư vô để trở về với dân tộc có thật, không có được sự đồng cảm chia sẻ với nỗi đau khổ mất mát của người dân sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, không nắm lấy cơ hội giải thoát cho nhân dân mà lại đưa đất nước, đưa dân tộc ra làm mồi cho nước lớn Tàu Cộng đổi lấy sự bảo trợ của nước lớn Tàu Cộng để duy trì chủ nghĩa xã hội, duy trì đặc quyền đặc lợi của đảng nên khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ thì lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vội vã hốt hoảng sang Thành Đô gặp lãnh đạo đảng Cộng sản Tàu Cộng. Cho đến nay đến Quốc hội Việt Nam vẫn không được biết tí gì về những kí kết ở Thành Đô liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam, liên quan đến số phận dân tộc Việt Nam.

Người dân lo lắng cho vận nước chỉ biết rằng: Tháng 9. 1990 kí kết Thành Đô giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản Việt – Trung. Từ đó hàng năm đến ngày tưởng niệm đồng bào chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc năm 1979, các báo chính thống đều phải câm lặng không được viết một chữ về sự kiện bi tráng này. Từ đó quan hệ Việt – Trung là quan hệ bất bình đẳng mà phần thua thiệt, tủi nhục thuộc về Việt Nam. Tàu Cộng ngang nhiên cấm dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Tàu đánh cá Tàu Cộng tràn vào biển Việt Nam. Tàu chiến Tàu Cộng lùng xục tuần tra trên biển Việt Nam, cướp bóc, bắn giết dân Việt Nam. Chủ quyền đất nước bị xâm phạm, tính mạng và nguồn sống của người dân bị mất, danh dự dân tộc bị làm nhục nhưng chỉ có người phát ngôn bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối lấy lệ. Còn lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì hoàn toàn khoanh tay đứng nhìn! Tháng 12. 1999, kí kết hiệp định biên giới với Tàu Cộng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cắt nhượng cho Tàu Cộng hàng ngàn kilomet vuông đất đai của tổ tiên trong đó có điểm cao 1509 ở Hà Giang, nửa thác Bản Giốc ở Cao Bằng, cả tòa thành cổng nước ở Lạng Sơn.

Giáo sư của đảng, ông Hoàng Chí Bảo viết: “Việc tuyên truyền lập một Đảng mới, một Đảng khác, lại kêu gọi đa nguyên đa đảng để xây dựng dân chủ, coi đó là quyền công dân chính đáng, kêu gọi những ai đang muốn ra khỏi Đảng hoặc không còn sinh hoạt Đảng nữa hãy cùng tham gia thành lập đảng mới như các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận gần đây đưa ra là điều không thể chấp nhận.” Không chấp nhận có một đảng khác bên cạnh đảng Cộng sản không phải chỉ là tiếng nói của riêng ông Hoàng Chí Bảo mà là tiếng nói chung của những người đang có nhiều đặc quyền, đặc lợi trong đảng Cộng sản đương quyền.

Nhưng bài viết của ông Lê Hiếu Đằng Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh cũng là tiếng nói chung của hàng chục triệu người Việt Nam thức tỉnh không chấp nhận sự tiếp tục độc quyền thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Một đảng đã vay nợ của nhân dân Việt Nam quá nhiều máu. Một đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác. Một đảng đã cắt cả đất đai thiêng liêng của tổ tiên sang nhượng cho nước đàn anh cùng ý thức hệ. Một đảng đang lún sâu trong tham nhũng không phương cứu chữa.

Dùng bạo lực chuyên chính vô sản bóp chết những tiếng nói chính đáng đòi tự do dân chủ của trí thức, văn nghệ sĩ trong vụ NVGP đã giết chết cả một nền khoa học và văn học nghệ thuật, biến lao động sáng tạo của những trí tuệ và tâm hồn chỉ còn biết ăn theo, nói leo chính trị, kìm hãm sự phát triển của xã hội, của đất nước. Đó là một tội ác! Những tội đó còn ghi khắc mãi trong lịch sử đau thương của đất nước này. Đừng gây thêm tội ác nữa với dân tộc, với lịch sử Việt Nam.

27. 08. 2013

PĐT