Friday, August 16, 2013

ĐẢNG DÂN CHỦ XÃ HỘI





Phá xiềng








Hồ Ngọc Nhuận



Nguyên Giám đốc chánh trị chủ bút nhật báo Tin Sáng


Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh 

Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 


Vận hội mới cho nước nhà đã đến…


Một chính đảng mới đang được vận động hình thành, với tên gọi tạm là Đảng Dân chủ Xã hội, do ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng, khởi xướng. Sẽ có hàng trăm, và rồi đây hàng ngàn đảng viên cộng sản đồng loạt khước từ độc tài toàn trị, thành lập chính đảng mới để đấu tranh công khai với Đảng Cộng sản cầm quyền.


Đảng mới Dân chủ Xã hội là một đột phá khẩu lịch sử, cho nước tràn bờ, cho muôn người Việt Nam đứng dậy phá xiềng, vươn vai thành Phù Đổng, chống lại nội tặc, ngoại thù, cứu nước cứu dân và cứu cả chính mình.


Đảng mới Dân chủ Xã hội chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ thật, một đời sống tự do thật, một xã hội công bằng thật, đối lập với đảng cộng sản chuyên quyền chủ trương xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa muôn vạn lần dân chủ láo, trên nền móng cướp đoạt mọi quyền cơ bản của người dân.


Tổ tiên nòi giống đang ủng hộ, cỗ võ sự ra đời của Đảng Dân chủ Xã hội mới. Các đảng chánh trị yêu nước, với các chiến sĩ đã hy sinh hay còn sống, bị bức tử gần đây hay từ trước, đề Đảng Cộng sản có điều kiện độc tôn độc quyền cai trị đất nước trong nhiều chục năm qua, đang ủng hộ các bạn. Các tiền bối yêu nước thương dân của mọi thời kỳ, cả các đảng viên cộng sản lão thành đã hy sinh hay đang uất nghẹn trước sự phản bội của một phường tham nhũng trục lợi, đang ủng hộ các bạn. Vong linh hàng vạn thanh niên nam nữ tuổi hai mươi, không phân biệt giới tuyến, nguồn gốc xuất thân, trong mọi thời kỳ tình huống quốc biến đã ngã xuống để toàn dân đứng thẳng làm người tự do độc lập, đang ủng hộ các bạn. Hàng vạn gia đình nạn nhân các đợt cải cách, cải tạo đang ủng hộ các bạn. Hàng vạn gia đình nạn nhân chết tức chết tưởi, trên biển trên bờ, khổ nhục ê chề hơn cả cái chết trên đường vượt biên … đang ủng hộ các bạn. Toàn thể nông dân đang ủng hộ các bạn. Và các thế hệ con cháu nông dân bị cắt đứt quá khứ vì bị cướp quyền thừa kế ruộng đất, bị cắt đứt tương lai vì bị tước quyền sở hữu trên mảnh đất ông cha nhiều đời gầy dựng để lại, đang thúc giục các bạn. Lực lượng các anh chị em công nhân bị buộc vào các “công đoàn vàng”, tối mặt làm công rẻ mạt cho các tập đoàn nhà nước câu kết với các tập đoàn nước ngoài mà không được có tiếng nói, đang ủng hộ các bạn. Các ngư dân và gia đình các ngư dân nước ta bị bọn phỉ Bắc Kinh rượt đuổi, bắt bớ, làm nhục ở Biển Đông đang giục giã các bạn. Hàng hàng lớp lớp học sinh sinh viên mong muốn được thật sự “mở mang dân trí để chấn hưng dân khí”, thay cho một hệ thống giáo dục ngu dân, đang khẩn thiết kêu gọi các bạn. Các nhà kinh doanh, những người dân làm ăn lương thiện, hàng ngũ trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, báo chí trên cả nước khát khao tự do tư tưởng, sáng tác, tự do kinh doanh, tự do làm báo, tự do bày tỏ ý kiến, đang hối thúc các bạn. Các chức sắc và nam nữ tín đồ các tôn giáo đang khao khát tự do hành đạo cứu thế độ người đang mong chờ các bạn…


Toàn thể đồng bào bị lấy mất mọi thứ tự do, dù là cơ bản nhất, trên một đất nước người người bị rình rập như trong một trại cải tạo khổng lồ, đang thúc bách các bạn.


Tôi kêu gọi các bạn đảng viên cộng sản thật sự yêu nước, từng cả đời dấn thân đấu tranh vì lý tưởng độc lập Tổ Quốc, tự do dân chủ và nhân đạo, nhưng ngày càng nhận thấy đã bị đảng mình phản bội, mà số này là rất đông, hãy mạnh dạn dứt khoát đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới. Đặc biệt các đảng viên trẻ và giới trẻ nói chung hãy nắm lấy cơ hội làm nên lịch sử. Vì đất nước thời nào cũng vậy, đặc biệt những lúc lâm nguy, là luôn thuộc về tuổi trẻ, là của tuổi trẻ.


Đứng vào hàng ngũ Đảng mới để tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với dòng tộc, với chính mình; giũ sổ với đảng cầm quyền toàn trị; mở một trang mới cho tương lai dân tộc.


Đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới ngày nay là yêu nước. Không chần chờ, đắn đo, hay e sợ bị bắt bớ, trù úm.


Một ông chủ Đảng Cộng sản ở cấp cao, vừa là Chủ tịch Nước, đã từng nói: “Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người, nhưng không thể trù úm một dân tộc”…


Mà làm sao trù úm, bắt bớ cả dân tộc, nếu không là tự làm đắm chiếc tàu họ đang ngồi trên đó?


Còn trù úm bắt bớ một người hay một nhóm người thì sao?


Trù úm bắt bớ một người là tự đục một lỗ thủng trên đáy tàu; trù úm bắt bớ một nhóm người công khai tranh đấu bất bạo động cho chánh nghĩa dân tộc, cho nhân quyền, dân quyền… là tự phá hỏng từng mảng lớn trên mạn tàu để mau giúp nó tự chìm dần.


Tôi, và nhiều bạn như tôi, tuy không còn sức trẻ, nhưng cũng nguyện đi theo các bạn, sẵn sàng đón những cú đá sau lưng các bạn.


Từ đảng mới này, và từ hành động của đảng đó, tôi tin sẽ xuất hiện những nhà lãnh đạo trẻ, mới, những nhà quản lý mới, trẻ, giỏi để cứu nước, cứu dân, ngăn ngừa họa ngoại xâm, và làm giàu cho dân cho nước.


Lòng dân đang dậy sóng. Cả nước đang mong chờ Đảng mới phất cờ hành động để cứu nước.


Đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam mới nhất định thắng lợi.


Dân tộc Việt Nam nhất định thắng lợi.


Đất nước Việt Nam nhất định tự do, dân chủ thật sự và giàu mạnh.


Sài Gòn, ngày 15 tháng 8 năm 2013.


H. N. N.








Thursday, August 15, 2013

CON ĐƯỜNG DÂN CHỦ HÓA








Luật gia Lê Hiếu Đằng: “Một xã hội dân sự mạnh mới mong huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh”







(Trả lời phỏng vấn BVN)




Trong căn buồng chật chội ông đang nằm chống chọi với căn bệnh ác tính tại nhà riêng, Lê Hiếu Đằng (LHĐ) gượng ngồi lên tiếp chúng tôi. Xanh, gầy, hai chân hơi phù, bàn tay đưa ra mềm và không có được hơi ấm nóng, ông nói nhỏ, chầm chậm. Rõ ràng ông đang rất yếu. Nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn để ông nói rõ thêm những ý tưởng của mình sau bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh ông đã gửi gắm trên BVN, mắt ông sáng hẳn lên, giọng nói bỗng khoẻ lên và ngày càng mạnh mẽ. So với ngày ông tiếp chuyện BVN lần đầu tiên cách đây gần ba năm để rồi cho ra đời hai bài viết đầu tiên của ông trên thế giới mạng “lề trái” (Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước,…), ý kiến của ông về con đường dân chủ hoá giờ đây thật dứt khoát, triệt để, rõ ràng. Nhưng hôm nay câu chuyện của chúng tôi có lúc trầm xuống, ông nghẹn ngào, mắt ứa lệ khi nói đến việc lý tưởng Cách mạng bị phản bội, nhân dân đau khổ triền miên. Vận nước đã đến hồi “bĩ cực”, không thể trì hoãn việc dân chủ hoá, xây dựng thể chế đa đảng để đất nước thoát khỏi hiểm nghèo.


Bauxite Việt Nam




BVN: Trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh mới đăng trên BVN và đang được lan truyền rộng rãi trên mạng, ông đã nói rõ quan điểm phải có thể chế đa đảng cho nước Việt Nam. Xin hỏi quan điểm ấy đã hình thành như thế nào trong ý thức tư tưởng của một người đảng viên Cộng sản trung kiên như ông?

LHĐ: Thực ra đã lâu, từ khi tôi là giảng viên triết học Mác Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi đã thấy chủ trương cấm đa nguyên đa đảng là không phù hợp với ngay chủ thuyết Mác. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải công nhận kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, tồn tại nhiều giai cấp với những lợi ích khác nhau, thì cơ sở hạ tầng ấy quyết định kiến trúc thượng tầng phải có đa đảng để bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội khác nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương không đa nguyên đa đảng nhưng điều này chưa hề thể chế hoá thành văn bản pháp luật, quyền tự do lập hội vẫn được Hiến pháp thừa nhận tuy đã bị trì hoãn mãi không thực thi. Những điều này tôi suy nghĩ đã lâu rồi. Vấn đề là thời điểm nào thì thích hợp để nêu ra. Hiện nay, những khuynh hướng đối lập với Đảng Cộng sản đã xuất hiện, tại sao ta không có những chính đảng ra đời để khắp trong Nam ngoài Bắc, khi có những ý kiến phản đối đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản thì lập tức được đưa ra công khai? Ngay trong Đảng Cộng sản, ngày càng nhiều đảng viên muốn ra khỏi đảng hoặc đã lẳng lặng bỏ sinh hoạt đảng. Tại sao việc này lại không làm công khai? Tại sao ta không nghĩ đến việc lập ra một chính đảng, vì đó là quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ. Còn vì sao ta nên lập một đảng xã hội dân chủ? Ta biết rằng chính “Mác già” cũng đã bỏ chủ trương chuyên chính vô sản thay bằng con đường xã hội dân chủ như đường lối của Đệ Nhị Quốc tế. Trên thế giới hiện nay, dân chủ xã hội là trào lưu mạnh mẽ, là xu hướng tiến bộ nhất. Đi theo con đường này, ta có chỗ dựa vững chắc ở bạn bè quốc tế. Ta cũng đã từng có hai đảng Dân chủ và Xã hội, nay cũng có thể khôi phục hai đảng này, nhưng nội dung phải hoàn toàn khác, thực chất là đối lập chứ không phải “bánh vẽ”, hình thức, chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản như trước đây.

BVN: Cũng có ý kiến cho rằng các đảng viên tốt không nên ra khỏi Đảng Cộng sản, mà phải ở lại để làm cho Đảng chuyển hoá. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

LHĐ: Điều đó là hy vọng đã lâu, nhưng đến nay thì tôi đánh giá là không còn khả năng. Bởi vì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã không chứng tỏ được họ vì quyền lợi của đất nước. Chỉ một cái khẩu hiệu “còn Đảng, còn mình” của công an là đủ cho ta biết họ vì cái gì? Có một số vị cấp tiến như Võ Văn Kiệt muốn thay đổi, nhưng cũng bất lực và không thể thoát khỏi sự ràng buộc của Đảng. Cho nên phải có một xã hội dân sự mạnh để kiểm soát quyền lực nhà nước, mà đảng chính trị là hình thức cao nhất của xã hội dân sự.

BVN: Có sự lo ngạỉ rằng: đấu tranh có tổ chức là hình thức mà chính quyền kỵ nhất, nên việc lập chính đảng sẽ bị trấn áp tàn khốc. Ông có sợ điều đó xảy ra?

LHĐ: Tất nhiên sẽ có sự đàn áp, và bắt bớ là chuyện rất có khả năng xảy ra. Nhưng nếu đã là một tập thể mạnh thì sợ gì bắt bớ. Tôi có thể bị bắt, một số người đi đầu có thể bị bắt, nhưng những người còn lại sẽ tiếp tục đấu tranh, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người tiếp tục chiến đấu, không thể bắt hết mọi người. Thời gian vừa qua cho thấy ngày càng nhiều người dũng cảm lên tiếng, và lên tiếng ngày càng mạnh mẽ, có nhiều người mà mình không ngờ. Ngay trong Hội đồng Dân chủ & Pháp luật thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, tôi rất bất ngờ vì có những vị trưóc đây rất “hiền lành” nhưng nay lại quyết liệt đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp vì cho rằng nếu duy trì điều này thì không bao giờ có được dân chủ thật sự, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân chỉ là công cụ để hợp thức hoá sự độc quyền của Đảng Cộng sản mà thôi. Hay vụ Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, văn bản 72 người ký còn nêu vấn đề một cách nhẹ nhàng, nhưng khi bản Dự thảo sửa đổi lần 4 đưa ra trình Quốc hội, thì 40 người lên tiếng phản đối rất quyết liệt, đòi đa nguyên đa đảng rõ ràng. Vậy thì đừng lo chuyện bắt bớ. Riêng tôi, tôi không sợ bị bắt. Mình không thể lùi bước khi người dân đã chịu quá nhiều đau khổ [ông nghẹn ngào một lúc rồi mới nói tiếp]…, người dân đã hy sinh quá nhiều, để rồi có một chế độ như ngày nay so với chế độ Sài Gòn còn tệ hơn. Sự hy sinh kéo dài của người dân hầu như vô ích, những mục tiêu của cuộc Cách mạng là Độc lập, Tự do đã bị phản bội. Tôi không thể chấp nhận điều đó.

BVN: Còn một lập luận nữa, cho rằng lúc này phải tăng cường đoàn kết toàn dân để chống lại nguy cơ Bắc xâm, vậy việc ly khai Đảng Cộng sản có lợi hay có hại?

LHĐ: Phải đoàn kết, nhưng vấn đề là đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng lấy quyền lợi của đất nước, của dân tộc, của nhân dân là lý do tồn tại duy nhất, chứ không phải vì quyền lực, vì lợi ích phe nhóm như hiện nay. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không thể trông cậy vào ai khác ngoài sức mạnh của dân tộc. Một chính đảng đối lập chính là kháng thể để chống những căn bệnh đã trở nên bất trị do thể chế độc tài tạo nên cho xã hội, cho dân tộc. Chúng ta chỉ có thể đoàn kết với sự đối thoại công bằng, sự đồng thuận về mục tiêu, lý tưởng.

BVN: Ngoài những điều đã viết đã nói ra, ông còn những điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc BVN?

LHĐ: Có hai việc bây giờ ta phải làm. Một là về tư tưởng, phải kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin đã quá lạc hậu. Phe gọi là Cộng sản chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, chưa kể Bắc Triều Tiên với thể chế quái dị không biết ta có ôm vào phe mình hay không, nếu có thì quá xấu hổ. Về công việc thực tế, bây giờ phải tập trung xây dựng xã hội dân sự mạnh, trong đó có chính đảng đối lập. Phải bắt đầu cho cuộc vận động thành lập một chính đảng mới. Một xã hội dân sự mạnh mới có thể làm áp lực để Đảng Cộng sản cầm quyền phải thay đổi theo hướng dân chủ. Như vậy mới mong huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh.

BVN: Mấy ngày qua, có nhiều thư của bạn đọc trong, ngoài nước gửi tới hưởng ứng bài viết và lo lắng cho sức khoẻ của tác giả. Xin thay mặt tất cả bạn đọc của BVN cầu chúc ông vượt qua được bệnh tật hiểm nghèo để tiếp tục đóng góp cho cuộc đấu tranh dân chủ đang ở bước gian nan nhưng đường đi đã rộng mở, chắc chắn sẽ thành công.

Nguồn: BoxitVN
















SẼ CÓ HÀNG TRĂM NGUYỄN ÁI QUỐC XUẤT HIỆN...






Chống "nhà nước CHXHCN Việt Nam" không phải là chống đất nước, dân tộc



Lê Diễn Đức


Ngày 16 tháng 8 hai em Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra toà phúc thẩm.


Bản án "tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) theo điều 88 Bộ Luật Hình, Phương Uyên 6 năm tù giam, Đinh Nguyên Kha 8 năm tù giam, cộng thêm ba năm quản chế, quả thật quá nặng nề và phi lý, sẽ được xem xét lại trong phiên phúc thẩm này.




Hôm xử sơ thẩm, ngày 16/5/2013, nhìn Phương Uyên bé bỏng, tôi cảm thấy thương mến vô cùng. Em trong chiếc áo sơ mi trắng học trò, bình dị, tinh khiết, như chính con người với tâm hồn trong sáng của em.


Trước lũ quan toà vô nhân và hèn nhát, chỉ biết thực hiện lệnh của quan thầy, bất chấp công lý, Phương Uyên đã giõng dạc nói:


"Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm".


Còn Đinh Nguyên Kha, cũng với áo sơ mi trắng, hình ảnh kiểu mẫu của thanh niên Việt Nam, đã tuyên bố:


"Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội".


Tội danh "chống lại nhà nước CHXHCNVN" cáo buộc cho Phương Uyên là "dán các khẩu hiệu, cờ vàng ba sọc đỏ ở nơi công cộng rồi chụp ảnh đưa lên trang web “Tuổi trẻ yêu nước” và "ngày 10/10/2012 rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh".


Dán khẩu hiệu


Trong ngày 2/9/2012 Phương Uyên đã thực hiện việc dán các khẩu hiệu tại một số nơi công cộng như sau (TTYN: Tuổi trẻ Yêu nuớc): 
- "Tàu khựa cút khỏi biển Đông" - viết bằng máu.
- “Đi Chết Đi Đảng CSVN Bán Nước” - viết bằng máu
- “TTYN Long An Đấu Tranh Cho Tự Do & Nhân Quyền”
- “TTYN Long AN Quyết Tâm Diệt Cộng Giải Phóng Dân Tộc”
- “Tuổi Trẻ Yêu Nước Tiền Giang: Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam – Chống Quân Xâm Lược, Chống Kẻ Nhu Nhược”
- “Tuổi Trẻ Yêu Nước Tiền Giang Quyết Tâm Chống Cộng Sản Xóa Bỏ Độc Tài Đảng Trị Tự Thông Ngoại Bang- Ngoại Lai Vong Bản”.


Tất cả các khẩu hiệu đều có nội dung chống lại sự xâm lược của Trung Cộng và chống lại Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), một tập đoàn đã bán rẻ lợi ích dân tộc để giữ quyền lực, đưa đất nước vào hiểm hoạ lệ thuộc lâu dài, trong khi liên tiếp bị chèn ép, ăn hiếp. Tàu của Trung Cộng vẫn ngang ngược hoành hành trên biển thuộc khu vực Hoàng - Trường Sa, xua đuổi, đập phá tàu bè và bắt giữ ngư dân Việt Nam nghèo, vô tội. Mọi phản ứng của nhà nước CHXHCNVN đều mang tính chiếu lệ, bị làm ngơ trước thái độ ngạo mạn, vênh váo của Bắc Kinh.


Một khẩu hiệu đi với cờ vàng ba sọc đỏ mang một ý nghĩa khác. Nó không phải là sự khuyến khích, cổ vũ cho sự tái lập chính thể Việt Nam Cộng Hoà, đã không còn từ gần 38 năm nay. Lời kèm dưới khẩu hiệu với cờ vàng ba sọc đỏ mang tính liên tục của lịch sử, biểu tượng cho quốc gia Việt Nam, là:


"Lịch sử: Đại Nam quốc kỳ từ thời Vua Thanh Thái tới Vua Khải Định. 1945 - 1975: Cờ quốc gia Việt Nam". 


Ảnh TTYN


Trong thực tế lá cờ vàng tồn tại từ thời Hai Bà Trưng. "Đầu voi phất ngọn cờ vàng", Trưng Trắc và Trưng Nhị đã đánh đuổi Tô Định, xưng Vương. Cờ Quẻ Ly (cờ vàng có hai sọc đỏ nằm giữa) của chính phủ Trần Trọng Kim (1945) chính là bắt nguồn từ lá cờ vàng thời Hai Bà Trưng, cờ vàng đời Gia Long (1802), và cờ Long Tinh đời Khải Ðịnh (1916). Năm 1948, Quốc Trưởng Bảo Ðại đã thêm một sọc ở giữa và cho hai sọc đỏ nối liền từ cờ Quẻ Ly tạo thành lá cờ có nền vàng ba sọc đỏ. Ba sọc đỏ này có hình Quẻ Kiền (Quẻ Càn) tượng trưng cho trời Nam, tức là nước Việt Nam chúng ta.


Còn khẩu hiệu "Vì danh dự dân tộc chống giặc Tàu - Vì tương lai đất nước chống tham nhũng" là quá chính xác, quá hợp lòng người vào cái thời buổi tham nhũng thành dịch bệnh và đất nước bị Hán hoá này.


Rải truyền đơn


Trong lần tham gia rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, những thông điệp của truyền đơn là:


- “Hỡi đồng bào Việt Nam, hãy đứng lên chống lại bạo quyền độc tài Cộng Sản Việt Nam. Hãy giành lại quyền lợi cho chính mình và gia đình, hãy đứng lên vì Tự Do, Nhân Quyền và Công Lý. Đảng Cộng Sản Việt Nam sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của đồng bào. Chúng cướp đất dân lành làm giàu cho đảng viên Cộng Sản, làm nô lệ để bán biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Làm ngơ để Trung Quốc bán vào nước ta những đồ ăn đọc hại làm suy nhược giống nòi Việt Nam. Vì quyền lợi của con em, vì tương lai của dân tộc, hãy xóa bỏ sợ hãi, cùng đứng lên chống lại bọn Độc Tài Cộng Sản Việt Nam”.


- “Đã 37 năm từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam với danh từ Giải Phóng, bọn chúng đã làm gì cho quê hương Việt Nam? Chúng ta phải lao động cực nhọc trong các công ty của Trung Quốc, bị ức hiếp trăm bề, phải rời xa quê cha đất tổ sống tha hương trên chính tổ quốc của mình để tìm kế sinh nhai cho gia đình. Trong khi chính quyền Cộng Sản thì tham nhũng ăn chơi sa đọa, vui thú trên mồi hôi và nước mắt của đồng bào. Bọn chúng cướp ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, dồn chúng ta đến đường cùng phải rời bỏ xóm làng tha hương cầu thực. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ngày Tết không có tiền về thăm gia đình. Chúng ta còn sợ gì nữa, vì tương lai của bản thân, gia đình và con cháu chúng ta, hãy cùng nhau xuống đường hô to: “Đả Đảo Cộng Sản Việt Nam”. Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”.


- “Tôn giáo có được tự do trên quê hương không? Các tôn giáo, chức sắc hãy cùng nhau đứng lên đả đảo bọn Vô Thần Cộng Sản Việt Nam, đòi lại quyền tự do tín ngưỡng. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra sức đánh phá giáo lý của các tôn giáo, giải tỏa nhà thờ, chùa miếu. Là một người con của Chúa, của Phật chúng ta không thể ngồi yên để bọn ma quỷ làm hại đến Chánh Pháp và Đạo Lý. Xuyên tạc giáo lý các tôn giáo một cách trắng trợn, bôi đen danh dự của các chức sắc tôn giáo với mục đích từng bước xây dựng Xã Hội Cộng Sản Vô Tôn Giáo. Hãy cùng nhau xuống đường thắp lên đuốc thiêng dân tộc bảo vệ tự do tôn giáo”.


- “Trung Quốc đang từng bước thôn tính nước ta, bọn chúng đang chiếm dần hết biển đảo của ta. Cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn dài hạn để chiếm cứ những địa điểm quan trọng. Để Trung Quốc vào khai thác Bô-Xít tại Tây Nguyên để làm cứ điểm quân sự trọng yếu. Dâng hiến Ải Nam Quan Lịch Sử, Thác Bản Giốc và hàng ngàn cây số vuông đất biên giới cho Trung Cộng. Đảng Cộng Sản Việt Nam cho Trung Quốc đấu thầu chiếm hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia để cho Trung Quốc thống lĩnh nền kinh tế nước nhà… Tổ quốc đang lâm nguy! Toàn dân hãy đứng lên cứu nước, cùng nắm tay nhau xuống đường chống lại bọn Cộng Sản Việt Nam tay sai của bọn cộng sản Trung Quốc. Việt Nam muôn năm”. 


Điều 88 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN" bao gồm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHNXHCNVN.


Khó tìm ra lý lẽ cho thấy nội dung của các khẩu hiệu và truyền đơn mang tính chống phá nhà nước. Những tờ truyền đơn không tấn công vào nhà nước, mà nhắm vào vào Trung Cộng và ĐCSVN.


ĐCVN hiện nay là giai cấp thống trị, tạo lập ra "nhà nước CHXHCNVN", là bộ máy, công cụ của ĐCSVN. ĐCSVN mặc nhiên tự gán cho mình sứ mệnh cai quản đất nước. Với ĐCSVN, đảng là nhà nước, nhà nước là đảng, thậm chí còn là Tổ quốc. Cho nên họ cáo buộc hai em chống đối "nhà nước CHXHCNVN" về có lẽ cũng đúng thôi. Nhưng các em là những người yêu nước thật sự, các em không chống đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.


Tuy nhiên, chống lại ĐCSVN nhất định không phải là tội. ĐCSVN thực ra chỉ là một thiểu số cầm quyền, không từ bầu cử tự do nên không chính danh. Cả đảng chỉ chiếm khoảng 3% dân số, thực chất cũng chỉ có một nhóm chóp bu lãnh đạo, lộng quyền, thao túng.


Trong xã hội mà nông dân bị bóc lột thậm tệ, giá gạo xuất khẩu thấp nhất thế giới, chỉ vì các nhóm lợi ích núp bóng hai hiệp hội xuất khẩu miền Bắc và miền Nam đầu cơ thông tin để thu mua gạo giá rẻ. Xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới mà hàng trăm ngàn hộ vẫn đói ăn, chỉ biết đến miếng cơm ngày giỗ, ngày Tết. Nông dân phải bỏ ruộng chỉ vì vật giá leo thang. Dân oan khắp ba miền liên tiếp khiếu nại trong vô vọng vì bị tước đoạt đất đai bất công. Nông dân trồng cà phê điêu đứng vì các công ty mua bán cà phê vỡ nợ, nguy cơ giá 1 kg cà phê chỉ bằng một kg cà pháo cách đây mười năm quay trở lại. "Nông dân hiện có nhiều cái nhất: đông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất"...


Hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp bị đối xử thậm tệ, lương ít, làm việc nhiều, thường xuyên bị ngộ độc thức ăn.


Nguồn tài nguyên bị khai thác vô tội vạ, bất chấp nguy cơ phá huỷ môi trường. Vân vân...


Một băng đảng phản bội lại lợi ích của giai cấp công, nông như thế! Một bầy sâu mọt, cộng sinh nhau để chụp giật trong cuộc chơi quyền-tiền. Nguy hại hơn, băng đảng này đang bắt tay với Bắc Kinh, bán rẻ chủ quyền lãnh thổ, kinh tế và an ninh của đất nước. Chống băng đảng này là đúng với lương tri và đạo lý. Hệ thống chính trị mà băng đảng này tạo dựng ra gọi là "nhà nước CHXHCNVN" đã bị ung thư mãn tính, hết thuốc chữa.


Kết luận


Tạo ra một hệ thống chính trị thối nát và đẻ ra luật (rừng) để bảo vệ nó, thứ luật ấy chỉ có thể là công cụ đàn áp. Tuy nhiên, bạo lực bao giờ cũng là cách đối phó cuối cùng trước chân lý. Không có lý do gì để một hệ thống suy đồi, thoái hoá tồn tại mãi.


Phương Uyên và Nguyên Kha là biểu tượng của giới trẻ yêu nước, sẽ có tác động lan toả lớn. Những tiếng nói trẻ đầy nhiệt huyết của Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nghiêm Ngọc Trai, Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Hoàng Vy, Hoàng Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Đắc Kiên và biết bao bạn trẻ khác trong đội bóng No-U FC, v.v... chính là sự kế tục này.


Bản án phúc thẩm nhìn thấy trước sẽ khó có thể thay đổi. Nhưng Phương Uyên và Nguyên Kha, hãy giữ chân cứng đá mềm, tuổi đời các em còn rất trẻ, chính các em là những người thắp sáng ngọn đuốc đi tới tương lai mặc dù còn nhiều gian nan, trắc trở.


© Lê Diễn Đức - RFA Blog







SẢN PHẨM CỦA CHẾ ĐỘ?







Cờ đỏ và nhân cách thời nay






Sống ở nước ngoài đã lâu, tôi ít có điều kiện về thăm quê, nên một số từ ngữ tiếng Việt không hay dùng, đôi lúc cũng quên quên, nhớ nhớ. Ấy vậy mà nhìn thấy màu đỏ, hay nghe ai đó nhắc đến từ đỏ, cờ đỏ, đội cờ đỏ là tôi giật mình thon thót. Có lẽ, ai có những giây phút ám ảnh này, mới hiểu, thông cảm cho Phù Thăng và thấy được cái hay, đồng cảm với truyện ngắn Hạt Thóc của ông.

Thế hệ chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, chắc chắn không ai có thể quên nhiệm vụ đội cờ đỏ, được làm quen ngay từ ngày đầu đến lớp (vỡ lòng). Đội cờ đỏ của lớp, của trường do tuyển chọn, hoặc phân công từng tổ thay nhau làm trong tuần. Đội này, được phát băng đỏ đeo trên tay. Nhiệm vụ chính giám sát hành vi của các bạn cùng lớp, cùng trường, báo cáo lại thày cô giáo chủ nhiệm, hoặc ban giám hiệu chấm điểm thi đua. Nó là cơ sở để thày cô, ghi hạnh kiểm vào học bạ cuối năm.




Hồi học lớp hai, lớp ba gì đó, tôi cũng được phân công làm cờ đỏ một tuần. Công việc của tôi, giữ trật tự cho việc chào cờ đầu tuần và có quyền cho tổ, bàn nào ra khỏi lớp trước, khi tan học. Thường tổ nào trật tự, chăm chỉ học tập, cờ đỏ cho ra cho ra đầu tiên, còn lại tổ nghịch ngợm, điểm kém ra sau cùng. Ngay buổi sáng nhận băng đỏ, mấy thằng ngồi cuối lớp, nghịch và lười học, nhưng lại con nhà giàu, rủng rỉnh tiền ăn quà sáng, dúi ngay vào tay tôi gói xôi nóng hổi, bảo: Hôm nay, mày phải cho tổ tao ra đầu tiên đấy!

Đang đói vàng cả mắt, mùi của hương nếp đập thẳng vào mũi. Có là thánh cũng chẳng cưỡng lại được, tôi đút tọt gói xôi vào cặp. Cả giờ học đầu tiên, rình khi cô giáo quay mặt lên bảng, tôi lại gục mặt xuống bàn, véo, vặt, giải quyết nhanh gọn gói xôi, chẳng còn một chút tâm trí nào cho bài học. Hết buổi học, sau khi hô cả lớp đứng nghiêm chào cô giáo, tôi cho tổ mấy thằng hối lộ quà sáng, ra đầu tiên. Tất nhiên có gặp sự eo xèo của các tổ khác, nhưng với tôi lúc này, tiếng nói phản đối đó, làm sao giá trị bằng gói xôi nóng hổi kia.

Bây giờ, ngồi nghĩ lại, nếu như mấy chục năm trước, không phá bĩnh bỏ việc, bỏ học, có máu ăn hối lộ từ thuở còn mặc quần thủng đít, với một chút lươn lẹo, có lẽ tôi trở thành thằng cờ đỏ có mấu có cạnh chứ chẳng chơi. Nhưng nhìn những nhát chém thuê của các đồng chí giáo sư cờ đỏ Phong Lê, Nguyễn Văn Lưu và đám bậu sậu, theo đóm ăn tàn Đông La (Nguyễn Huy Hùng) về luận văn thạc sỹ của Nhã Thuyên, tôi lại giật mình kinh hãi.




Thật ra, cờ đỏ không chỉ gác cổng trong học đường, chỉ điểm trong giới văn học nghệ thuật, mà nó đã chui tận xó bếp, cũng như sinh hoạt của mỗi gia đình, phường xóm. Bố tôi, học trường thuốc từ thời Tây, nhưng không hiểu sao, sau năm 1954, ông không làm việc trong bệnh viện. Đến ông chú tôi cũng vậy, dù đã đỗ tú tài, không chịu học tiếp, hoặc làm việc cho nhà nước, quanh năm với cái hòm cắt tóc, dạo quanh Hải Phòng để kiếm sống. Bố tôi làm đủ thứ nghề, nhưng (tịnh) không thấy ông nhắc đến cái nghề y đã học bao giờ. Sau này, các y, bác sỹ trẻ ở gần nhà, sang nhờ đọc cho cái hướng dẫn sử dụng thuốc, bằng tiếng Pháp, ông mới nói chuyện rôm rả về nó. Thỉnh thoảng, đêm hôm, hàng xóm có người ốm đau đến nhờ, ông buộc phải giúp. Sau này, nhiều người bệnh tìm đến, đội cờ đỏ đánh hơi, rình mò cảnh cáo ông, không được chữa chui, chữa lậu. Thật ra, chữa bệnh cho toàn người nghèo, ông có nhận tiền đâu. Nếu như tính công, họ cũng chẳng có tiền để trả. Nhiều lần cờ đỏ xộc vào nhà bắt ông, khi đang khám bệnh. Họ thu dụng cụ, thuốc men, áp giải ông ra tiểu khu làm kiểm điểm.

Chứng kiến những cảnh đó, tôi thấy sợ. Sự ám ảnh từ tuổi thơ đó, in hằn mãi trong tôi. Sau đó, nhiều lần được cử làm cờ đỏ của lớp, của trường, nhưng tôi đều viện lý do, từ chối. Lúc này, giá trị của sự dị ứng cờ đỏ và sợ hãi lớn hơn những gói xôi nóng hổi kia trong tôi rất nhiều.

Nhìn những cảnh cờ đỏ bắt bớ, đánh đập người biểu tình chống Tầu, những người dân mất đất, mất nhà gần đây, tôi thấy quyền lực, tổ chức của bọn này, ngày càng được củng cố tăng cường. Và dường như hiện nay, ngoài cờ đỏ xuất đầu lộ diện, còn một thứ cờ đỏ luẩn quất đâu đó, dân dã quen gọi là thứ âm binh. Bọn này, có lẽ còn nguy hiểm, kém nhân cách hơn cờ đỏ lộ diện. Trong văn học nghệ thuật cũng vậy. Ngoài những cờ đỏ gác cổng có tên tuổi, chai lỳ còn có những cờ đỏ ma, bịt mặt, ẩn mình trong những bí danh đọc lên cứ như những điệp viên 007 vậy.

Hôm rồi, ông bạn hàng xóm, nguyên là giáo viên trường đảng cao cấp, đưa cho tôi, mấy bài viết của Đông La và bảo: Cái tay Đông La này, làm thơ rỗng tếch, văn viết chưa sạch nước cản, nhưng kiểu chửi của hắn rất giống mấy bà ở quê khi bị mất cắp gà. Nhân sỹ, trí thức từ trong đến ngoài nước cứ dính vào chống Tầu và khai thác Boxit là hắn cho là trí thức bầy đàn. Hắn chửi tuốt tuồn tuột từ nhà văn Nguyên Ngọc… cho đến nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chỉ vì can tội viết thật, nói thật những suy nghĩ của mình có lẽ làm phật ý bề trên của hắn.

Trước khi ra khỏi cổng, ông bạn còn ngoái lại: Ông đọc đi, rồi viết một bài, chứ ở trong đến ngoài nước chẳng ai có ý kiến gì, thế này thì loạn mất.




Hôm rồi, viết bài về cuốn sách Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, tôi có nhắc đến đoạn phê bình KHÔNG CHÍNH NHÂN của Đông La với cuốn sách này. Bài vừa lên mạng, có nhiều bạn bè và người đọc viết thư, đề nghị tôi hãy gạch bỏ đoạn về Đông La đi, vì họ không muốn nhìn, đọc cái tên này. Có bác căng hơn bảo, cái tên Đông La làm bẩn cả bài viết. Tôi tuy không đồng ý với Đông La về bài viết này, nhưng không có cái suy nghĩ cực đoan như vậy. Nhưng điềm đạm như ông bạn cựu giáo viên, đã đào tạo lý luận cao cấp cho nhiều cán bộ lãnh đạo của đảng, đưa cho, dứt khoát tôi phải đọc.

Đọc xong, tôi còn đọc tiếp một số bài thơ và văn khác trên Blog của chính chủ Đông La. Quả thật, nếu như ai đã nói, văn tức là người, thì văn thơ của Đông La mang dáng dấp của người không có gốc. Tức là ít (không) có truyền thống giáo dục gia đình. Chỉ thấy lấp ló những từ ngữ xáo mòn, tự hão huyền về tài năng, với cái đầu rỗng tếch và mớ kiến thức nghèo nàn của mình. Tôi cho đây là những suy nghĩ không được bình thường, nếu như không muốn nói, Đông La nên đến nhà thương Biên Hòa để kiểm tra lại. Với những từ ngữ chợ búa đầy sát khí của mớ lý thuyết hoang đường này, không ai muốn lên tiếng phản bác lại Đông La là phải.









Tôi không hề có ân oán với bác Đông La và cũng chẳng quen biết nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, (thỉnh thoảng có đọc một vài bài viết của anh. Gần đây nhất bài về luận văn của Nhã Thuyên, nhóm mở miệng). Nhưng công tâm mà nói, Đông La muốn làm thơ có hồn, viết văn thật, lý luận thật, hãy cởi cái áo cờ đỏ ra, rũ sạch những tâm khí đen ngòm cho tâm hồn thanh thản, rồi cắp sách đến Phạm Xuân Nguyên, làm lại từ đầu.

Là người viết lý luận chuyên nghiệp, giáo sư Phong Lê thừa biết luân văn “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa“ của Nhã Thuyên là đề tài khoa học, nghiên cứu về một hiện tượng văn học trong xã hội. (Nói như giáo sư Trần Đình Sử: Là hiện tượng văn học ngoại biên). Nhưng sao GS Phong Lê, Nguyễn Văn Lưu… hùa nhau, vung đại đao chính trị chém tới tấp vào người nghiên cứu và người hướng dẫn luận văn như vậy? Dù trước đây vài năm, một số trường, học viện quân sự có mấy luận văn Tiến sỹ trùng nhau, đại vớ vẩn, đại tầm phào: Lợi ích của việc bộ đội tắm sông… hay gì... gì đó. Các bác lại ngậm tăm, ngâm thóc giống vậy. Có người cho rằng, các bác ăn cơm chúa thì phải múa cho hay là điều đương nhiên. Tôi không nghĩ như vậy, nhưng chưa tìm ra lời biện giải.

Có lẽ nào, các bác bán linh hồn một cách rẻ mạt cho vài ba cái tầm thường đó?




Nghề văn và văn học vốn là sang trọng, cao quí. Nếu như nhà thương, bệnh viện là nơi cứu sống con người, thì văn thơ sẽ vá lại những linh hồn rách nát ấy. Chỉ có kẻ lợi dụng văn thơ, đạt đến mục đích nào đó, mới đẻ ra thứ quái thai, tầm thường mà thôi. Và đúng như một lần, tôi đã viết: Không hiểu văn thơ nó có bùa mê thuốc lú gì, khi khố rách áo ôm, cấm thấy bác nào nhòm ngó, ấy vậy mà lúc có tý chức quyền, tiền bạc, lăn xả vào cứ như ma ám. Có bác đánh đùng một phát đẻ đến năm, bảy tập, thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, thế rồi thuê các bình luận gia ùa vào bóng kích. Ông khác chức cao, nhiều tiền hơn, thuê hẳn mấy bác phó lẩy nhạc, cho các em chân dài ca chơi. Thế mới kinh!. Bác nào chập cheng quá, thì thuê người viết. Không thuê được, các bác giở trò luộc nấu. Kẻ thô lỗ bảo hành vi đó là trộm cắp, người lịch lãm hơn gọi là đạo văn, thó văn..

Gần ba mươi năm nay, tôi không được hưởng không khí tết ở Việt Nam. Nên ngày đầu năm cứ bài văn, bài thơ nào có chữ xuân, chữ tết là tôi đọc tuốt tuồn tuột, của bất kỳ ai và không cần biết hay, dở. Trường hợp bác Nguyễn Văn Mạc (Magdeburg- CHLB Đức) thó văn (Đêm Giao Thừa Nhớ Mẹ) của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi bắt gặp trong hoàn cảnh như vậy. Khi bài viết lên mạng được vài tiếng, tôi nhận được điện thoại của mấy ông bạn hỏi, thù ghét gì ông Mạc mới sáng mùng một đã nhởi dữ vậy?. Các ông buồn cười thật, ngay cái tên Nguyễn Văn Mạc lần đầu tôi mới nghe, làm gì có thù với chả hằn. Bác ta ghi trong bài văn thó cả địa chỉ, số điện thoại, tôi gõ Google mới biết ông ta làm giám đốc giám điếc, chủ tịch chủ tiếc gì đó thôi. Luộc nấu ngang nhiên như vậy, bác Mạc chứ Tổng thống, Thủ tướng tôi cũng phải nhởi như thường. Mà cái số ông Mạc này cũng xui, thó đúng vào cái bài viết về Mẹ hay nhất của Trần Mạnh Hảo, tôi lại vừa có bài viết về nó, nên ngứa mồm không chịu được. Thật ra, nếu tôi không ù suông trước, sẽ có người khác lôi cổ cái bài văn thó này ra thôi. Rút kinh nghiệm, lần sau bác nào có tính táy máy, nên chọn bài tầm tầm, tác giả ít người biết đến may ra thoát. Chứ cân đai mũ mã đến như bác chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, chẳng biết có cầm nhầm bài thơ của nữ sĩ người Đức hay không, bị các cháu sinh viên trường sư phạm Hà Nội, móc mói, hỏi han, ngượng chết đi được.

Vâng! Nhân cách con người là sản phẩm của chế độ xã hội đương thời. Một xã hội giả tạo với những cơn lên đồng bệnh hoạn này, ai sẽ giữ lại được linh hồn đích thực của kẻ sĩ?

Wien- ngày 14-8- 2013







ĐỘC ĐẢNG VÀ LƯỠNG ĐẢNG!








Bầu cử ở Úc


.














































Thứ Bảy ngày 7 tháng Chín tới, các công dân thành niên tại Úc lại đi bầu để chọn Quốc Hội mới, và qua đó, chính phủ mới.

Về chuyện bầu cử ở Úc, trước hết, có mấy điều cần lưu ý:

Thứ nhất, ở Úc có đến mấy chục đảng phái chính trị, kể cả những đảng phái có tên và mục tiêu tranh đấu rất… tếu như Đảng Tình dục Úc (Australian Sex Party), Đảng Quyền của người hút thuốc (Smokers Rights Party), Đảng của những người săn bắn và câu cá (Shooters and Fishers Party) hay Đảng Thể thao (Australian Sports Party), v.v… Trong đó, có ba đảng lớn: Đảng Lao Động, Đảng Tự Do và Đảng Quốc Gia. Hai đảng sau, Tự Do và Quốc Gia hầu như lúc nào cũng liên minh chặt chẽ với nhau dưới tên gọi Liên đảng (Coalition). Từ trước đến nay, hầu như chỉ có Đảng Lao Động và Liên đảng thay phiên nhau cầm quyền. Bởi vậy, chính trị Úc còn được gọi là hệ thống lưỡng đảng (two-party system).

Thứ hai, ở Úc, theo chế độ Nghị viện, dân chúng không trực tiếp bầu người lãnh đạo cao nhất của cả nước (Thủ tướng). Họ chỉ bầu Quốc Hội. Đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ Viện, đảng ấy được quyền thành lập chính phủ, và lãnh tụ đảng ấy sẽ trở thành Thủ tướng. Trong trường hợp bất phân thắng bại (như trong kỳ bầu cử năm 2010, cả Đảng Lao Động lẫn Liên đảng đều chỉ có 72 ghế - trên tổng số 150 ghế -, bằng nhau), các đảng chính sẽ tìm cách liên minh với các dân biểu độc lập hoặc thuộc các đảng nhỏ. Liên minh nào chiếm đa số sẽ lên cầm quyền.

Thứ ba, cách bầu cử và cách tính phiếu ở Úc cũng khác hẳn ở các nước. Ở các nước khác, ai được nhiều phiếu nhất so với các ứng cử viên khác thì người đó thắng dù có khi người ấy chỉ được 30 hay 40% tổng phiếu bầu (được gọi là First-past-the-post-voting, hoặc đơn giản hơn, simple majority voting). Úc thì theo hệ thống phân bố theo thứ tự ưu tiên (được gọi là two-party preferred vote). Với hệ thống bầu cử này, người dân sẽ đánh số trên phiếu: ví dụ, trên phiếu có 5 ứng cử viên, người mình thích nhất sẽ được ghi số 1; rồi đến số 2, số 3, số 4. Người mình ít thích nhất sẽ bị đánh số 5. Khi kiểm phiếu, nếu không có ai được quá bán hoặc có hai ứng cử viên A và B bằng phiếu nhau (ví dụ cả hai đều chiếm 40%), người ta sẽ tính phiếu của ứng cử viên số 3 (C): Nếu trong các lá phiếu bầu cho C, ứng cử viên A được nhiều phiếu số 2 nhất, A sẽ thắng.

Thứ tư, khác với ở Mỹ, ở Úc đi bầu là điều bị bắt buộc. Thích hay không thích, mọi công dân trên 18 tuổi cũng phải đi bầu. Không đi bầu là bị phạt (20 đô!). May, ngày bầu cử bao giờ cũng được tổ chức vào Thứ Bảy (khác với ở Mỹ, Thứ Ba, và ở Anh, Thứ Năm).

Thứ năm, trong khi ở Mỹ, cuộc tranh cử tổng thống thường kéo dài cả năm (trước hết là trong nội bộ đảng, và sau đó, giữa hai đảng chính, Cộng Hòa và Dân Chủ, với nhau), ở Úc, các cuộc tranh cử thường chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng (tối thiểu là 33 ngày tính từ ngày giải tán Quốc Hội đến ngày bầu cử). Trong thời gian tranh cử, hai đảng chính thường tổ chức các cuộc tranh luận công khai trên truyền hình với nhau (giữa hai lãnh tụ, hai phó lãnh tụ và một số người nhắm đến các ghế quan trọng như Ngân khố, Ngoại giao, Giáo dục, v.v…). Năm nay, hai lãnh tụ sẽ có ba cuộc tranh luận chính thức.

Không khí tranh cử ở Úc, nói chung, không sôi nổi và nhộn nhịp lắm. Hầu hết đều chỉ tập trung ở các địa phương nơi hy vọng thắng cử của hai đảng chính ngang ngửa nhau. Còn với những vùng được xem là “an toàn” của một đảng nào đó, tức là những nơi quan điểm của đa số dân chúng đã định hình, người ta đã có thể biết trước ai thắng ai bại, không khí nói chung khá im ắng. Đảng biết mình sẽ thua không thèm bỏ tiền ra tranh cử ở những nơi ấy. Đảng biết mình sẽ thắng thì cũng dồn tiền và sức lực vào những nơi khác.

Trong dân chúng, có khá nhiều người nhiệt tình với chính trị, sẵn sàng bỏ thời gian để đi vận động thiện nguyện cho đảng hoặc ứng cử viên mình yêu thích. Tuy nhiên, ngay cả những người ấy, nói chung, cũng thường khá ý tứ:  Họ chỉ bàn chuyện chính trị với một số đối tượng nào đó. Như một công việc.

Trong các cuộc gặp gỡ riêng, giữa bạn bè hoặc người quen, người ta cũng ít khi đem chuyện chính trị ra bàn luận. Ở trường, nơi tôi đang dạy, tôi biết một số người vốn là những nhà hoạt động (activist) có lý tưởng và rất hăng hái, nhưng chưa bao giờ tôi nghe những người ấy “vận động” sinh viên hay đồng nghiệp. Thành ra, tuy cuộc tranh cử đã được khởi động cả tuần lễ, tôi cũng chưa bao giờ nói chuyện hoặc nghe ai nói chuyện về cuộc bầu cử sắp tới cả. Tôi chỉ nghe trên truyền hình và truyền thanh cũng như một số phương tiện truyền thông đại chúng khác.

Mà, thú thực, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện bầu cử ở Úc. Không phải vì tôi có tâm lý hờ hững của dân ngụ cư. Không. Tôi biết tôi đang sống và có lẽ sẽ sống ở Úc cho đến lúc chết: Mọi chuyển biến của đất nước này đều liên quan mật thiết đến cuộc sống cũng như tương lai của tôi. Vả lại, tính tôi lại cũng thích chuyện chính trị và chính sách. Thế nhưng, tôi cũng chỉ quan tâm với một mức độ vừa phải. Lý do là vì tôi biết, dù đảng nào thắng cử và lên nắm chính quyền, vận mệnh của nước Úc cũng như của riêng tôi cũng sẽ không có gì thay đổi lớn.

Đã đành, ai cũng biết chính phủ đóng một vai trò cực kỳ hệ trọng đối với đất nước cũng như đối với từng cá nhân hầu như trong mọi lãnh vực, từ kinh tế đến nhân dụng, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, di trú, an sinh xã hội, quan hệ quốc tế, v.v.. Nhưng đó là chính phủ nói chung. Với từng chính phủ, hiểu theo nghĩa hẹp, gắn liền với một lãnh tụ và một đảng phái nào đó, thì lại khác: sự thay đổi, chắc chắn là có, nhưng mức độ của sự thay đổi ấy thường không quá lớn lao để khiến mọi người phải lo lắng.

Nói về chính trị Tây phương, nhiều người tưởng nhầm lãnh tụ (và đảng do ông/bà ấy đứng đầu) có toàn quyền quyết định mọi thứ. Thật ra, không phải. Trong các chế độ dân chủ, trách nhiệm thuộc về cá nhân nhưng con đường hình thành của các chính sách lớn lại phải trải qua cả một guồng máy cồng kềnh, chằng chịt và vô cùng phức tạp, chịu đựng nhiều sự tương tác giữa nhiều nhóm ảnh hưởng khác nhau. Do đó, khả năng lựa chọn của họ rất ít. Và cũng do đó, mặc dù khi tranh cử, người ta có thể phê phán nhau kịch liệt, nhưng khi lên cầm quyền, phần lớn người ta vẫn hành xử giống nhau. Tranh cử lần đầu năm 2008, ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama thề sẽ đóng cửa trại giam Guantanamo do Tổng thống Cộng Hòa George W. Bush lập ra năm 2002; vậy mà, lên làm tổng thống, đến tận nhiệm kỳ thứ hai, ông vẫn chưa thực hiện được. Lý do? – Ông không tìm ra một sự thay thế nào cả. Ở Úc, năm 2007, khi tranh cử, Kevin Rudd đả kích chính sách di trú của Thủ tướng John Howard một cách kịch liệt, nhưng năm nay, 2013, khi ra tranh cử lại, ông lại lặp lại y hệt những gì John Howard đã làm và đã từng bị ông phê phán. Lý do? Ông cũng không tìm ra một sự thay thế nào khác.

Người ta thường xem sự phát triển hay thất bại trong kinh tế gắn liền với một đảng phái cầm quyền nào đó, nhưng trong các chế độ dân chủ và ổn định, vai trò của chính phủ trong lãnh vực này rất khiêm tốn. Thứ nhất, trong các chế độ dân chủ và ổn định (xin lặp lại!), chuyện làm ăn buôn bán chủ yếu nằm trong tay giới kinh doanh chứ không phải giới chính trị; và thứ hai, việc hoạch định các chính sách kinh tế thường nằm trong tay các chuyên gia kinh tế, những người làm việc cho chính phủ nhưng lại thường không gắn chặt với bất cứ một đảng phái nào cả (nên hiếm khi bị thay đổi khi có một đảng mới lên cầm quyền).

Dưới các chế độ dân chủ và ổn định, sự thay đổi giữa đảng cầm quyền này và đảng cầm quyền khác thường nằm ở việc phân phối lợi tức hơn việc làm ra lợi tức. Với một ngân sách giới hạn, khi đảng này quyết định chi tiền nhiều vào nơi này (ví dụ trợ cấp xã hội) thì phải chấp nhận một trong hai, hoặc cả hai, khả năng: một, cắt giảm những nơi khác; hai, tăng thuế. Khi một đảng lớn tiếng hứa hẹn sẽ giảm thuế, dù họ không nói ra, chúng ta cũng có thể hiểu ngay: họ đang toan tính cắt giảm ngân sách ở một hoặc một số bộ phận nào đó.

Ở các nước theo hệ thống lưỡng đảng (như Úc, Mỹ, Pháp, Anh…), hầu hết các toan tính của hai đảng chính thường khá giống nhau: Một đảng chủ trương giảm thuế cho giới nhà giàu để họ có nhiệt tình và thuận lợi phát triển kinh doanh, qua đó, thu nhận nhiều nhân công, và từ đó, giảm tỉ lệ thất nghiệp; và một đảng khác chủ trương tăng thuế của giới nhà giàu để tăng thêm ngân sách cho các chương trình trợ cấp xã hội và thất nghiệp dành cho người nghèo.

Về phương diện lý thuyết, rất khó đánh giá chủ trương nào đúng đắn và hoàn hảo hơn chủ trương nào. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn: hai mục tiêu chính của cả hai đảng đều thuộc hai giới: hoặc giàu hoặc nghèo. Riêng giới trung lưu thì thường bình an vô sự, ít khi chịu ảnh hưởng của các chính sách ấy. Đó là giới không đủ giàu để bị tăng thuế hoặc được giảm thuế và cũng không đủ nghèo để nhận được bất cứ trợ cấp xã hội nào từ chính phủ. Hơn nữa, đó cũng là giới mà các đảng phái cũng như chính phủ ít “dám” đụng đến nhất. Có hai lý do chính. Một là, ở các nước phát triển, thành phần này rất đông, thường là đông nhất. Hai là, phần lớn là thành phần trí thức, vừa quan tâm đến chính trị vừa có khả năng vận động chính trị, vừa lớn tiếng vừa có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Bởi vậy, dù đảng nào lên nắm chính quyền, đời sống của giới trung lưu, nói chung, cũng không có gì thay đổi.

Đối với cá nhân tôi, điều tôi quan tâm nhất là thái độ của các đảng phái chính đối với vấn đề di dân và châu Á. Trong khi với vấn đề di dân, quan điểm của hai đảng chính khá giống nhau, thái độ đối với châu Á lại có những khác biệt rất lớn, đặc biệt về phương diện văn hóa. Về phương diện kinh tế, đảng nào cũng đồng ý với nhau một điểm: Cần mở rộng việc làm ăn buôn bán với các nước Á châu. Không có cách nào khác. Đó là một trong vài nguồn lợi lớn nhất của Úc. Nhưng về phương diện văn hóa, có người xem châu Á là bạn; có người chỉ xem châu Á là một bạn hàng.

Tôi thích những người xem châu Á là bạn. Chứ không phải chỉ là một bạn hàng.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.