Friday, May 10, 2013

CÔNG NGHỆ GIẾT NGƯỜI...




Từ góc nhìn Alan



Quả Táo Trung Quốc và Lương Bác Sĩ Mỹ




Death by China là cuốn sách của Nhà xuất bản Pearson Prentice Hall do hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry – đều là giảng viên tại Đại học California-Irvine (Mỹ) phân tích về Trung Quốc ngày nay.

Chúng tôi lược dịch và cho đăng phần này, phần liên quan đến những sản phẩm kinh hoàng được xuất khẩu từ Trung Quốc, chúng được sản xuất với một ‘công nghệ giết người’ và hủy hoại môi trường và qua đó, chúng ta sẽ thấy nhân loại ‘chết dưới tay Trung Quốc’ như tên của cuốn sách như thế nào.

Tại sao hơn 30 năm qua, các nhà xuất khẩu nước táo cô đặc Trung Quốc đã tăng từ 10.000 thùng lên đến gần nửa tỷ thùng mỗi năm và ngày nay nước táo Trung Quốc chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường Mỹ?

Hãy xem một ví dụ. Hộp nước ép ngon và đẹp mắt bạn đặt vào bữa trưa của con bạn. Thế là đã có một cơ hội để bạn, thay vì đưa một lon nước có gas, đã cho con bạn uống một thứ có vẻ là ‘tốt cho sức khỏe’ chứa đầy thạch tín, một thứ kim loại nặng có thể gây ung thư.

Đây là lý do tại sao hơn 30 năm qua, các nhà xuất khẩu nước táo cô đặc Trung Quốc đã tăng từ 10.000 thùng lên đến gần nửa tỷ thùng mỗi năm; và ngày nay Trung Quốc chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường Mỹ.


Táo Trung Quốc có tươi nửa năm trời. Ảnh: Thanh Niên

Điều chắc chắn là, giá của họ rẻ hơn giá của các nhà nông Mỹ. Nhưng có một lý do làm cho nó rẻ là vi các vườn cây Trung quốc dùng rất nhiều các loại thuốc trừ sâu bất hợp pháp có chứa thạch tín để rồi thấm vào cây và đọng vào trong quả.

Bạn muốn tách trà của bạn bình thường, không có chì chứ?

Có một câu nói: “mọi thứ trà đều là trà Tàu cả”. Đúng thế, dù rằng khó tin! Một vị nguyên là phó giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã mô tả trên Đài Tiếng nói quốc gia phương pháp mà người Trung Quốc đã sử dụng để làm khô lá trà như sau: Người sản xuất rải lá trà trên một cái sân kho rất rộng rồi dùng xe tải cán lên cho chóng khô. Vì xe Trung Quốc dùng xăng pha chì nên không có cách nào hiệu quả hơn thế để làm cho lá trà thơm ngon trở thành một thứ vũ khí giết người.

Chẳng có tí sự thật nào trong các nhãn hiệu thực phẩm Trung Quốc cả!

Ngoài ra, một trong những thói quen lừa đảo của những tên dã tâm Trung Quốc là thường xuyên ghi sai nhãn cho các thực phẩm ‘hữu cơ’. Không ngạc nhiên là các nhà nông Trung Quốc luôn nóng lòng muốn nhảy vào thị trường thực phẩm hữu cơ Mỹ, nhưng sự thú nhận của một chủ cửa hàng Trung Quốc đã nói lên tất cả: ‘Có khoảng chừng 30% các nông trại sản xuất thực phẩm hữu cơ thật và họ ghi nhãn hữu cơ trên đó. Tôi nghĩ chính quyền cần cải tiến công tác kiểm nghiệm. Nhưng giờ họ quá bận với an toàn thực phẩm nên chả còn sức đâu mà lo cho thực phẩm hữu cơ nữa’.

Với sự thú nhận này thì không có gì đáng ngạc nhiên khi Walmart, Whole Foods, và các nhà bán lẻ khác phát hiện các sản phẩm tưởng là ‘hữu cơ’ của Trung Quốc chứa đầy thuốc trừ sâu.

Bệnh cứng miệng vì đỗ xanh tại Nhật

Không phải chỉ có Hoa kỳ nói rằng Trung Quốc đang thành nơi có độc. Hãy xem điều gì xảy ra với một nhà phân phối thực phẩm Nhật Bản nhập khẩu trên 50.000 kiện đỗ xanh Trung Quốc được cho là “tươi ngon” từ Công ty thực phẩm Yên Đài Bắc hải của tỉnh Sơn Đông? Sau khi những người tiêu dùng bị nôn mửa rồi bị cứng miệng, các viên chức của Bộ Y tế Nhật Bản đã tìm thấy nồng độ thuốc trừ sâu độc hại có trong đỗ xanh cao gấp gần 35.000 lần nồng độ cho phép!

Dĩ nhiên, chúng ta có thể ghi lại hết chuyện này sang chuyện khác về “cái chết bởi thuốc độc Trung Quốc”. Chẳng hạn như vụ ở Châu Âu liên quan đến Vitamin A nhiễm vi trùng ở trong sữa dành cho trẻ sơ sinh. Người ta đã tìm thấy các viên vitamin tổng hợp nằm lẫn lộn với chì, mật ong, tôm và thuốc kháng sinh. Cũng phát hiện ra loại xi – rô ho rẻ tiền được quảng cáo ầm ĩ chung với chất kháng đông đã giết hại hàng ngàn người trên thế giới.

Những thí dụ như thế này giúp ta hiểu rõ vấn đề hơn.


Giá đỗ được ủ từ hóa chất Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Điểm cuối cùng chúng tôi muốn làm rõ bằng ví dụ sau đây về ngành nuôi cá ở Trung Quốc: Trong bối cảnh các vấn đề môi trường liên quan đến thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc vẫn đang hiện diện cùng với hành vi thiếu đạo đức của các doanh nhân Trung Quốc hoành hành ở khắp nơi, thì việc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, Cục quản lý An toàn và Thực phẩm Châu Âu cũng như Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản kiểm soát được các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hầu như là bất khả thi.

Trong thực tế, câu chuyện làm thế nào mà các nhà nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đã đè bẹp các đối thủ cũng như các nhà chức trách về an toàn thực phẩm chỉ đại diện cho một thế giới thu nhỏ các sai lầm của việc phụ thuộc vào thực phẩm và thủy sản Trung Quốc!

Không phải chỉ có người Trung Quốc sống trong điều kiện đông đúc chật chội.

Các dòng nước của chúng tôi ở đây quá bẩn. Đơn giản là vì có quá nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản trong vùng này. Tất cả họ đều xả nước bẩn ra đây, làm ô nhiễm các trang trại khác — Triệu Diệp (Ye Chao) – nông dân nuôi lươn và tôm ở Phúc Thanh, Trung Quốc nói.

‘Câu chuyện về thủy sản’ Trung Quốc không may lại hoàn toàn là sự thật này bắt đầu ở miền đông nam Hoa Kỳ, nơi mà trong những năm 90, việc nuôi cá da trơn miền Nam là một trong những câu chuyện thành công lớn của ngành thủy sản Mỹ. Thế rồi, con rồng Châu Á bước vào.



Các doanh nghiệp Trung quốc kiếm lợi nhuận bằng mọi trò lừa đảo trong kinh doanh, và các cơ sở nuôi thủy sản của Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Thật vậy, bắt đầu vào những năm đầu của thế kỷ 21, dưới sự tấn công dữ dội của ngành xuất khẩu được trợ cấp của Trung Quốc, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản Hoa Kỳ ở các tiểu bang như Louisiana, Mississippi, và Alabama đã thực sự hoàn toàn biến mất.

Ngày nay, Trung Quốc là nhà cung cấp thủy sản nuôi trồng số một thế giới và chiếm lĩnh các thị trường cá da trơn, cá tilapia, tôm, và lươn. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng thủy sản Trung Quốc cho chúng ta một hình ảnh thôn quê xa lạ với hòa bình và thiếu hòa hợp với thiên nhiên, Hơn thế nữa, họ còn dự định tạo ra một cơn ác mộng của sự bẩn thỉu kinh người do quỉ satan dẫn dắt.

Sự bẩn thỉu của các cơ sở thủy sản bắt đầu bằng sự kiện chỉ có dưới một nửa nước Trung Quốc là có cơ sở xử lý chất thải. Vậy thì cái cách thức mà những thứ do người thải ra này – cùng với không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu, phân bón, bùn than, thuốc kháng sinh, thuốc nhuộm, và các chất gây ô nhiễm khác- tìm được đường đến bữa cơm tối thứ sáu ở nhà bạn thật đáng để chúng ta được biết.

Con đường dẫn đến chứng đau bụng này bắt đầu từ thượng nguồn sông Dương Tử, chạy hơn 3.000 dặm đường sông đến đồng bằng phía đông Trung Quốc. Và chính tại đây, phần lớn thủy sản nhiễm bẩn được nuôi để xuất sang Mỹ, Châu Âu, Nhật bản và các nước khác.

Nằm dọc theo dòng Dương Tử, những thành phố lớn đang phát triển như Thành đô và Trùng Khánh đổ thẳng ra sông hàng tỷ tấn chất thải chưa qua xử lý từ người, động vật và cả chất thải công nghiệp. Đống độc hại này sau đấy lại có thêm thời gian để lên men và nhũn ra khi dồn về hồ chứa đằng sau đập Tam Hiệp, phía bên dưới tỉnh Trùng Khánh.

Chuyến đi 3 ngày bằng du thuyền “hạng sang” xuôi dòng Dương Tử từ Trùng Khánh đến Đập Tam Hiệp – như nhiều du khách Mỹ vẫn thường đi – thực ra là để nếm trải cơn ác mộng về môi trường đang bị đe dọa.

Nước hồ ánh lên một màu xanh kỳ quái và thỉnh thoảng bốc mùi hôi hám dưới một đám khói thường trực từ những nhà máy chạy bằng than đá. Giống như “ con chó không sủa” của Sherlock Holmes, sự thiếu vắng hầu như hoàn toàn của các giống chim le le, rùa, và loài vật lưỡng cư-chưa kể đến những con cá heo sông màu hồng một thời trước đây thường vui đùa và là biểu tượng của dòng sông nay đã tuyệt chủng – cho thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của một trong những con sông -và là nguồn cung cấp nước ngọt – lớn nhất Trung Quốc. (Còn tiếp).



Thông tin cơ bản về cuốn Death by China:



Death by China là cuốn sách của NXB Pearson Prentice Hall. Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đều là giảng viên tại Đại học California-Irvine (Mỹ). Cuốn sách có các phần như:

Phần 1: “Buyer Beware on Steroids” (Người tiêu dùng, hãy cẩn thận với Steroids): Đề cập đến những sản phẩm độc hại như sữa có chất melamine, đồ chơi trẻ em chứa độc tố…

Phần 2: “Weapons of Job Destruction” (Vũ khí hủy diệt việc làm): Chính sách kìm giữ giá trị nhân dân tệ, tăng cường xuất khẩu, gây thâm hụt thương mại cho thị trường nước khác và đưa đến tình trạng thu hẹp sản xuất, nhân công mất việc làm, thất nghiệp ở các nước khác.

Phần 3: “We Will Bury you, Chinese Style” (Ta sẽ chôn các ngươi theo kiểu Trung Hoa): Bàn về chiến lược hướng ra biển, củng cố hải quân của Trung Quốc, đồng thời tiến hành chiến tranh thông tin, đánh phá trên mạng…

Diệp Thanh



Thursday, May 9, 2013

KHI NGƯỜI TRÍ THỨC LÊN TIẾNG










Tôi không chống Cộng






Nguyễn Hưng Quốc


Ở cả hai lần bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam (11/2005 và 4/2009), tôi đều không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào từ chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi nghe được phong thanh đâu đó: người ta cho là tôi “chống Cộng”. Mà không phải từ phía chính quyền, một số bạn đọc ở hải ngoại, ngay cả những người có vẻ có cảm tình với tôi cũng thường nói: Tôi “chống Cộng”. Riêng tôi, xin nói một cách thành thực: Tôi không hề chống Cộng.




Viết thế, tôi biết nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, trước khi đánh giá (hay chụp mũ), xin đọc tiếp phần giải thích phía dưới.


Tôi nói tôi không chống Cộng vì hai lý do chính:


Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động. Tôi không thích cả hai. Với bạo động, tôi tuyệt đối không thích. Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào (1), dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong “đội ngũ”, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ “Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ”, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. “Lực lượng” của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.



Thứ hai, quan trọng hơn, ở thời điểm bây giờ, theo tôi, nói chống Cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa.


Lý do thứ hai này cần được giải thích nhiều hơn:


Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết Cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ Cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: Được; trước năm 1990, nói chống Cộng: Được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại.


Trong việc chống Cộng, trước năm 1991, hai khía cạnh chống chủ thuyết (hoặc ý thức hệ) và chống chế độ (hoặc một guồng máy) là một. Chế độ, vốn cụ thể, gắn liền với hệ thống chính trị, tức là hệ thống quyền lực, là mục tiêu chống đối trước mắt. Nhưng sức mạnh của chế độ Cộng sản không phải chỉ ở đảng viên, cán bộ, quân đội, công an, súng đạn và các nhà tù. Sức mạnh của chế độ Cộng sản còn ở các lý tưởng tự do, bình đẳng cũng như cái thiên đường Cộng sản chủ nghĩa vốn có sức mê hoặc to lớn đối với mọi người, đặc biệt với giới trí thức vốn khao khát những điều cao cả, có tầm nhân loại. Hơn nữa, nó còn nằm ở các ảo tưởng về tính khoa học của chủ nghĩa Cộng sản hay ở cái gọi là tính tất yếu trong quy luật phát triển của lịch sử. Bởi vậy, người ta không thể chống lại chế độ Cộng sản chỉ bằng các phương tiện vật chất. Người ta phải chống lại chế độ Cộng sản ngay cả trong phạm trù tư tưởng, trong lãnh vực nhận thức, nghĩa là bằng các phương tiện tuyên truyền và giáo dục, nhắm thẳng vào những tên tuổi như Marx, Engels, Lenin và Stalin, những người đã chết; hơn nữa, bằng một bảng giá trị khác, cao hơn, hiện hữu ngay trong đời sống xã hội để mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, nghĩa là bằng một nỗ lực không ngừng tự do hoá, dân chủ hoá và nhân quyền hoá, như những điều chủ nghĩa tư bản, ở các quốc gia phát triển nhất, từng làm trong suốt thế kỷ 20.




Tuy nhiên, kể từ năm 1991, với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Cộng sản, với tư cách một chế độ, hoàn toàn sụp đổ; và cùng với nó, chủ nghĩa Cộng sản, với tư cách một ý thức hệ chính trị, cũng bị phá sản theo. Trật tự này, thật ra, theo một số học giả, cũng có thể đảo ngược hẳn lại: Vì sự phá sản của ý thức hệ Cộng sản, chế độ Cộng sản, với tư cách một bộ máy chính quyền, đã sụp đổ. Nhưng dù mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi, thực chất của vấn đề vẫn là một: phá sản và sụp đổ.


Về phương diện lý thuyết, hầu như ai cũng thấy chủ nghĩa Cộng sản sai. Những người thiên tả, ít nhiều lưu luyến với chủ nghĩa Cộng sản, cố vớt vát khi cho cái sai ấy không xuất phát từ Karl Marx mà từ Lenin, đặc biệt từ Stalin và Mao Trạch Đông; nghĩa là, nó không sai hẳn, nhưng một, nó không được cập nhật để theo kịp những thay đổi và tiến bộ của chủ nghĩa tư bản; và hai, nó chỉ sai trong cách ứng dụng và vận dụng lý thuyết Marx vào thực tế. Tuy nhiên, nói theo Richard Pipes, trong cuốn Communism, a History (2), chủ nghĩa Cộng sản, ngay trong tư tưởng của Karl Marx, không phải là một ý tưởng hay nhưng bị thực hiện sai mà, tự bản chất, nó là một ý tưởng dở; hay nói theo Kolakowski, do Pipes trích dẫn, chủ nghĩa Marx – nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản – là một huyễn tưởng lớn nhất của thế kỷ 20 (3).




Trong vô số những cái sai của chủ nghĩa Marx-Lenin, cái sai này là đáng kể nhất: Họ cho chế độ tư hữu là cội rễ của bất bình đẳng và tin là họ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu ấy để xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, không ai bóc lột ai và cũng không ai thống trị ai. Trên thực tế, khi công hữu hóa mọi tài sản và mọi phương tiện sản xuất, thứ nhất, họ triệt tiêu hầu như mọi động cơ lao động và sản xuất của người dân; thứ hai, họ tạo nên một giai cấp đặc quyền và đặc lợi để nắm toàn bộ việc lãnh đạo và quản lý các tài sản và công cụ sản xuất đã được công hữu hóa ấy. Những người ấy, một mặt, kém khả năng quản lý nên dẫn đến hết thất bại này sang thất bại khác; mặt khác, quan trọng hơn, trở thành một thành phần thống trị vừa ngu dốt vừa độc đoán, vừa tham nhũng vừa tàn bạo. Tất cả các yếu tố ấy không những dẫn đến những sự thất bại nặng nề về phương diện kinh tế mà còn phá hủy toàn bộ nền tảng lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản vốn nhắm đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc.


Một cái sai khác của chủ nghĩa Marx-Lenin là họ đơn giản hóa lịch sử nhân loại vào lịch sử đấu tranh giai cấp. Sự phát triển của lịch sử, thật ra, còn tùy thuộc, thậm chí, tùy thuộc chủ yếu vào sự hợp tác của con người trong việc khám phá các quy luật của tự nhiên, từ đó, đẩy mạnh các khám phá về kỹ thuật để nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của mọi người. Chủ nghĩa tư bản, trong thế kỷ 20, đã chứng minh điều đó: Giới chủ nhân biết san sẻ trách nhiệm và quyền lợi với giới công nhân, nhờ đó, so với thế kỷ 19, công nhân càng ngày càng được hưởng lương cao và càng ngày càng được hưởng chế độ lao động hợp lý hơn. Hơn nữa, chính quyền cũng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công nhân và, qua chính sách thuế khóa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Nhiều quốc gia mang tiếng là tư bản nhưng về các chính sách lao động và an sinh xã hội lại không khác gì với cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Marx mơ ước. Chưa hết. Yếu tố then chốt trong sản xuất không phải chỉ là công cụ sản xuất mà còn có cả tri thức. Mà tri thức thì không ai độc quyền được.




Một người tị nạn, như người Việt Nam sau năm 1975, chẳng hạn, khi sang nước ngoài, với hai bàn tay trắng, không thể sở hữu các công cụ sản xuất để làm chủ nhân bất cứ thứ gì được. Nhưng bù lại, chỉ cần chịu khó học hành, sau một thời gian nhất định, người đó có thể sở hữu một vốn tri thức khá cao đủ để bước vào thế giới trung lưu, thậm chí trung lưu cao, dễ dàng. Chính trong lãnh vực tri thức, vốn gắn liền với giáo dục, xã hội tư bản đã tạo nên sự bình đẳng thực sự và tối đa: Nếu mọi người không được và không thể bình đẳng khi ra đời (vốn gắn liền với gia đình, thành phần xã hội, chủng tộc và những đặc điểm về trí tuệ riêng – những điều không ai có thể lựa chọn được), họ lại được bình đẳng trong cơ hội để phát triển và tiến bộ. Ai cũng được quyền đi học; bất cứ ai có trí và có nghị lực cũng đều đi học được, và từ đó, có thể thay đổi cuộc đời mình được. Với những đặc điểm ấy, chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội một cách hiệu quả mà còn tạo nên sự bình đẳng và dân chủ, tuy không hẳn đã hoàn hảo, nhưng cũng hơn hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa đủ để mọi người, kể cả những người đang sống dưới chế độ Cộng sản, cũng nhận thấy không phải kẻ thù mà chính mình mới là những kẻ đang đứng trước vực thẳm. Sự so sánh ấy cũng làm cho người ta nhận thấy những hứa hẹn về một thiên đường Cộng sản chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, chỉ là một ảo tưởng, hơn nữa, một không tưởng. Cái không tưởng ấy lại bị trả giá bằng máu. Không phải máu của một hai người. Mà là của cả một tập thể, có khi cực kỳ đông đảo. Cả hàng triệu hay chục triệu người.


Về phương diện thực tiễn, với tư cách một chế độ, chủ nghĩa Cộng sản có năm đặc điểm chính trên bình diện tổ chức. Một, đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo; hai, đảng ấy được tổ chức một cách chặt chẽ với một thứ kỷ luật thép từ trên xuống dưới; ba, kinh tế hoàn toàn tập trung, mọi quyết định, kể cả về giá cả thị trường, đều do cấp trên quyết định; bốn, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước; và năm, mỗi quốc gia đều liên kết và, với những mức độ khác nhau, lệ thuộc vào cái gọi là phong trào Cộng sản quốc tế nói chung. Với cách tổ chức như thế, chế độ Cộng sản vấp phải vô số sai lầm. Và những sai lầm ấy rất dễ thấy.




Thứ nhất, các chế độ Cộng sản không những không công bằng hơn các chế độ tư bản, mà thậm chí, còn tệ hại hơn cả các chế độ phong kiến ngày xưa. Xưa, chỉ có vua, nay có cả nguyên một đảng đứng trên pháp luật. Xưa, chỉ có vua là được hưởng mọi đặc quyền và đặc lợi; nay, có cả hàng triệu người nhân danh đảng thi nhau vơ vét lợi và thao túng quyền.


Thứ hai, ngoài chuyện bất bình đẳng, chế độ Cộng sản, qua hơn 70 năm tồn tại, đã chứng tỏ sự tàn bạo vô tiền khoáng hậu. Những nhà lãnh đạo Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Fidel Castro… không phải giống vua mà là giống các bạo chúa. Vua, còn đỡ. Trong đám vua còn có các minh quân. Trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, được xây dựng quyền lực trên nguyên tắc “chuyên chính”, ngay cả những người có tiềm năng là minh quân cũng trở thành bạo chúa. Hậu quả là chế độ Cộng sản trở thành một chế độ đứng đầu trong danh sách giết người trong suốt cả thế kỷ 20. Họ giết người còn nhiều hơn cả chế độ phát xít và Nazi. Bàn tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhuộm nhiều máu hơn cả bàn tay của Hitler. Trong cuốn The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression do Stéphane Courtois và nhiều người khác biên tập (4), các tác giả ước tính tổng số nạn nhân bị giết chết dưới các chế độ Cộng sản trên thế giới kể từ năm 1917 đến năm 1991 là khoảng 100 triệu người, bao gồm khoảng 20 triệu ở Nga, 65 triệu ở Trung Quốc, hai triệu ở Campuchia, hai triệu ở Bắc Triều Tiên, một triệu ở Đông Âu, v.v..


Thứ ba, chế độ Cộng sản hoàn toàn thất bại về phương diện lãnh đạo và quản lý kinh tế đất nước. Không có nước Cộng sản nào giàu có và dân chúng được no ấm. Từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, kinh tế của các nước Cộng sản bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đến thập niên 1980, chỉ số phát triển của nó hầu như chỉ là một con số không to tướng. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, rất nhiều cửa tiệm trống rỗng không có hàng hóa để bán (5). Dân chúng ngất ngư vì đói khát. Nhưng dễ thấy nhất là khi chúng ta nhìn vào các quốc gia bị chia đôi, trong đó, một nửa theo chế độ Cộng sản và một nửa theo chế độ tư bản. Như Đông Đức và Tây Đức. Hay như Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên. Cái nửa theo chế độ Cộng sản bao giờ cũng có chỉ số phát triển thấp hơn hẳn cái nửa theo chế độ tư bản. Thấp một cách toàn diện. Riêng ở Triều Tiên, thu nhập tính trên đầu người ở miền Nam (32.400 đô la/người/năm) gấp 18 lần ở miền Bắc (1.800 đô la). Cùng một dân tộc. Cùng một lịch sử. Chỉ khác ở chế độ. Mà hai nơi khác nhau đến vậy.




Cuối cùng, nói theo Stéphane Courtois (6), Cộng sản phạm vô số tội ác không phải đối với con người với tư cách cá nhân mà còn đối với cả văn minh nhân loại và văn hóa quốc gia. Ở đâu, các chế độ Cộng sản cũng phá tan tành rất nhiều di tích và di sản lịch sử cũng như các nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ tự. Họ trấn áp các tôn giáo, xóa bỏ nhiều truyền thống tốt đẹp với lý do, theo họ, đó là những tàn tích của chế độ phong kiến.


Với những thất bại hiển nhiên về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành như vậy, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn bị sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, thoạt đầu, vào năm 1989, với việc đảng Cộng sản Hungary chấp nhận một hệ thống chính trị đa đảng vào tháng 2; việc Công đoàn Đoàn kết thắng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan vào tháng 6, sau đó, lên nắm chính quyền vào tháng 9; việc Bức tường Berlin bị sụp đổ vào tháng 11 (sau đó nước Đức được thống nhất vào tháng 10/ 1990); kết thúc bằng việc Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ chế độ độc đảng vào ngày 7/2/1990; và sau đó, sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào tháng 12/1991 (trước, trong và sau sự tan ra ấy, có 16 quốc gia – vốn bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết - tuyên bố độc lập, bao gồm: Lithuania, Estonia, Latvia, Georgia, Ukraine, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, và Kazakhstan).


Nếu sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản là biến cố lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, sự tan rã của nó ở Nga và Đông Âu là một biến cố trọng đại nhất trong nửa sau thế kỷ 20. Cả hai đều là cách mạng. Cuộc cách mạng đầu nổ ra và, sau đó, tồn tại bằng máu và nước mắt; cuộc cách mạng sau, ngược lại, diễn ra với ba đặc điểm chính: nhanh chóng, nhẹ nhàng và bất bạo động. Có vẻ như giới lãnh đạo Cộng sản (trừ ở Romania) tự ý từ bỏ quyền lực và chế độ Cộng sản tự tan rã. Không có sự kháng cự nào đáng kể cả.




Trước thập niên 1990, trên thế giới có tổng cộng 23 quốc gia theo chế độ Cộng sản. Trong thời điểm giao thừa giữa hai thập niên 1980 và 1990, có 18 quốc gia từ bỏ Cộng sản: Afghanistan, Albania, Angola, Benin, Bulgaria, Campuchia, Congo, Czechoslovakia, Đông Đức, Ethiopia, Hungary, Mông Cổ, Mozambique, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Yemen và Yugoslavia. Người ta gọi những nước này (trừ Đông Đức vốn không còn là một “nước” riêng sau khi thống nhất) là “hậu Cộng sản” (postcommunism), một thuật ngữ do Zbigniew Brzezinski đưa ra vào năm 1989 (7). Do một số quốc gia, sau năm 1991, bị chia cắt (chủ yếu là do vấn đề chủng tộc), hiện nay có 28 quốc gia được xem là hậu Cộng sản (8).


“Hậu Cộng sản” nghĩa là không còn Cộng sản nữa.


Có thể nói, trên bình diện thế giới, cái gọi là “Cộng sản” đã thuộc về quá khứ. Khi “Cộng sản” thuộc về quá khứ, chuyện chống Cộng cũng không còn lý do hiện hữu nữa.


Thật ra, trên thế giới cũng còn ít nhất năm quốc gia, trên danh nghĩa, chưa từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, trong năm quốc gia ấy, chỉ có Bắc Triều Tiên là thực sự Cộng sản, Cộng sản theo kiểu Stalin trong thập niên 1930 và 1940. Ở tất cả bốn nước còn lại, kể cả Việt Nam, chủ nghĩa Cộng sản đang dần dần biến chất và biến thể. Nó không giống chủ nghĩa Cộng sản của Stalin và Mao Trạch Đông. Nó cũng không giống chủ nghĩa Cộng sản của Lenin. Và nó cũng không giống chút nào với cái chủ nghĩa Cộng sản mà Mark và Engels quan niệm.




Thứ nhất, về phương diện kinh tế, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều chấp nhận kinh tế thị trường vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, cái gọi là “kinh tế thị trường” ở đây vẫn còn bị giới hạn bởi cái đuôi phía sau “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cái đuôi ấy chỉ là một cố gắng níu kéo nắm giữ quyền lợi cho một số người thuộc tầng lớp thống trị qua các đại công ty và tập đoàn quốc doanh. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động và sự điều hướng kinh tế vẫn theo quy luật thị trường, nghĩa là tư bản hóa.


Thứ hai, về phương diện chính trị, tất cả vẫn cố thủ, trên danh nghĩa, trong cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ở đây cũng lại có vấn đề. Cái gọi là chính trị Cộng sản chủ nghĩa vốn bao gồm hai khía cạnh: một, về tổ chức, sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản; và hai, về phương diện ý thức hệ, lý thuyết của Marx và Lenin. Ở tất cả bốn quốc gia kể trên, Cộng sản chỉ nằm ở bình diện tổ chức, còn ở bình diện ý thức hệ, hầu như không ai còn tin, thậm chí, không mấy người muốn nhắc đến ý thức hệ Cộng sản nữa. Ngay ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thừa hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức thuyết phục và sự quyến rũ nữa. Họ phải thêm vào mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, cho đến nay, họ cũng không biết cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ấy thực sự là gì. Lý do là Hồ Chí Minh vốn là người thực hành, không viết về lý thuyết, và thật ra thì cũng chẳng có lý thuyết gì ngoài một mớ giáo điều đơn giản và cũ kỹ ông học được ở Nga và Trung Quốc. Những kẻ đang nắm quyền tại Việt Nam sử dụng cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” như một huyền thoại chứ không như một chủ thuyết.


Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một hình thái chính trị đúng nghĩa phải tương ứng với, thứ nhất, một hình thái kinh tế nhất định; và thứ hai, một ý thức hệ nhất định. Nền chính trị Việt Nam hiện nay, trên danh nghĩa, vẫn là Cộng sản, nhưng kinh tế lại là tư bản hoặc ít nhất, nửa-tư bản hoặc đang trong quá trình tư bản hóa; còn ý thức hệ thì hoàn toàn trống rỗng: Nó phi-Marx và cũng phi-Lenin. Chẳng giống ai và cũng chẳng là cái gì cả. Đó là một thứ tôn giáo vừa không có thần linh vừa không có điển phạm (canon). Tên nó, ở Việt Nam, nhiều người gọi thẳng: mafia.


Bởi vậy, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta nói đến chuyện chống Cộng có lẽ ngay cả những người đang mang danh hiệu đảng viên Cộng sản trong nước – hầu hết đều rất giàu có và sống rất trưởng giả - sẽ cười khì, hỏi: “Cộng nào vậy nhỉ?” Lôi tư tưởng Marx, Engels và Lenin ra phê phán, phần lớn họ - những người chẳng bao giờ thực sự đọc Marx, Engels và Lenin – hẳn sẽ trố mắt lên hỏi: “Mấy người đó là ai vậy? Có phải mấy ông râu ria xồm xoàm gì đó không?” Nói đến đấu tranh giai cấp, đến tầng lớp công nhân và nông dân, đến chuyên chính vô sản, đến công bằng xã hội và đến lý tưởng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, những vấn đề nòng cốt của ý thức hệ Cộng sản, họ - những người đang sống như giới thượng lưu và thường được gọi là “tư bản đỏ” – hẳn sẽ bịt tai lại, như nghe những chuyện cổ tích vừa xa vời vừa nhảm nhí.


Trong trường hợp ấy, chống Cộng là chống ai và chống cái gì?


Đối với riêng tôi, khi phê phán chính quyền trong nước, tôi không nghĩ là tôi chống Cộng. TÔI CHỈ CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI.



Chế độ Việt Nam hiện nay đáng bị phê phán không phải vì nó là Cộng sản. Mà vì nó là độc tài. Cộng sản chỉ là nhãn hiệu. Độc tài mới là thực chất. Ngay cả khi chúng ta chống lại điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam, chúng ta cũng chỉ chống lại một sự độc tài. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang rục rịch muốn đổi tên nước. Có khi họ đổi cả tên đảng. Nhưng dù đổi đảng Cộng sản thành đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, cái việc nhân danh Hiến pháp để giành quyền lãnh đạo độc tôn như vậy cũng vẫn là độc tài. Tên gọi có thể thay đổi, thực chất vẫn là một. Vẫn độc tài.


Mọi sự độc tài đều đáng phê phán. Nhưng khi độc tài đi liền với bất tài thì càng đáng bị phê phán hơn. Và nhu cầu phê phán ấy cũng càng khẩn cấp hơn. Sự độc tài chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, nhưng trong một số trường hợp nào đó, dưới một sự độc tài sáng suốt, người ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh dân chủ và nhân quyền trong một thời gian nào đó để xây dựng và phát triển đất nước (như trường hợp của Singapore). Độc tài mà bất tài thì bao giờ cũng gắn liền với sự ngu dốt và tham nhũng bởi họ sẽ không có, không thể có, bất cứ lý tưởng nào khác ngoài tiền và cũng không có một thứ trí tuệ nào khác nào thứ “trí tuệ” dùng để làm giàu cho bản thân và gia đình. Sự ngu dốt trong chính sách và tham nhũng trong bộ máy chỉ tồn tại được nhờ hai yếu tố: dối trá trong tuyên truyền và tàn bạo trong quản trị. Tập hợp của tất cả các yếu tố ấy, người ta chỉ làm được mỗi một việc duy nhất là tàn phá đất nước và hành hạ dân chúng. Tính chất độc tài, bất tài, tham nhũng, dối trá và tàn bạo ấy càng trở thành nguy hiểm hơn nữa khi đất nước đối diện với nguy cơ xâm lấn chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc.


Đối diện với các nguy cơ trên, chữ “chống Cộng”, theo tôi, rất dễ làm lệch vấn đề. Nó dễ gợi lên ấn tượng là, khi chống lại chế độ Việt Nam hiện nay, chúng ta nhân danh hai điều vốn bị xem là đối lập với Cộng sản, nhất là Cộng sản Việt Nam: Một, chủ nghĩa tư bản và hai, Việt Nam Cộng Hoà lúc trước. Nhưng chúng ta chống Cộng không phải vì chủ nghĩa tư bản và cũng không phải vì để trả thù hay để phục hồi miền Nam. Việc chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam cần xuất phát từ những lý tưởng hiện đại, cao cả và phổ quát hơn: quyền tự do, dân chủ và quyền làm người. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ cả sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tiền đồ của đất nước nữa. Trong chiến tranh có tính dân tộc chủ nghĩa, người ta có thể huy động lịch sử, hay nói như Tố Hữu, trước năm 1975, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”; trong cuộc chiến chống độc tài, nguồn sức mạnh không phải chỉ nằm ở quá khứ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu còn, nằm ở tương lai.



Chúng ta chống lại chế độ Việt Nam hiện nay không phải vì việc họ chọn lựa hệ thống xã hội chủ nghĩa, việc họ gây ra cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam, việc họ cưỡng chiếm miền Nam, việc họ trả thù những người miền Nam: Tất cả đều đã thuộc quá khứ.


Người ta cần lưu giữ quá khứ, cần thường xuyên đào xới lại quá khứ và cần viết lại quá khứ, một cách chính thức, bằng lịch sử; hoặc một cách không chính thức, bằng ký ức, từ ký ức cá nhân đến ký ức tập thể. Nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Càng không cần phải chống lại quá khứ. Những điều ấy khác nhau.


Chúng ta chống lại chế độ độc tài tại Việt Nam vì nó ĐANG chà đạp lên quần chúng, ĐANG làm cho đất nước bị phá sản trên mọi phương diện, từ kinh tế đến giáo dục, từ ý thức đạo đức đến cả lòng tự hào dân tộc, từ các giá trị truyền thống đến tinh thần hiện đại với những giá trị về dân chủ và nhân quyền vốn đang, cùng với xu hướng toàn cầu hoá, càng ngày càng trở thành phổ quát, ĐANG kiềm hãm sự phát triển của đất nước khiến Việt Nam, một dân tộc vốn rất nhiều năng lực, bị thua kém không những các nước được xem là những con rồng của châu Á mà còn có nguy cơ thua cả một quốc gia vốn bị rất nhiều tai tiếng, như Miến Điện.


Và chúng ta cũng chống lại chế độ ấy vì, với sự nhu nhược của nó, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc.



Cuối cùng, có một điểm cần được nói thêm: Ở Tây phương, ngay trong thời Chiến tranh lạnh, nghĩa là lúc chế độ Cộng sản vẫn còn rất mạnh, nhiều chiến lược gia và trí thức, đặc biệt ở châu Âu, đã chuyển khẩu hiệu “chống Cộng” (anti-communism) thành “chống toàn trị” (anti-totalitarianism). Dưới khẩu hiệu chống toàn trị, người ta không những chống lại chế độ Cộng sản mà còn chống lại cả chế độ phát xít, đồng thời người ta cũng khẳng định được lập trường của họ một cách rõ ràng: Việc chống đối ấy, thứ nhất, không nhắm vào một lý thuyết mà nhắm vào một chế độ với những guồng máy và chính sách cụ thể; và thứ hai, không nhằm bảo vệ hay bênh vực cho chủ nghĩa tư bản mà là để bảo vệ dân chủ và nhân quyền, những lý tưởng vừa có tính phổ quát vừa dễ được mọi người đồng thuận.


Cả tính phổ quát và sự đồng thuận ấy tạo nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu, cuối cùng, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa như một hệ thống độc tài đáng kinh tởm (9).


***


Chú thích:
Trên một số bản kiến nghị lưu hành trên internet, tôi thấy có tên “Nguyễn Hưng Quốc” ở Úc. Đó không phải là tôi. Có thể chỉ là trùng tên hoặc là một sự giả mạo. Bản thân tôi thì chưa từng ký vào bất cứ một kiến nghị nào cả.
Richard Pipes (2003), Communism, a History, New York: Random House, tr. 147.
Như trên.
Do Jonathan Murphy và Mark Kramer dịch sang tiếng Anh, Harvard University Press, 1999.
Xem Stathis N. Kalyvas (1999), “The decay and breakdown of communist one-party systems”, Annu, 1999, tr. 329.
Stéphane Courtois và nhiều người khác (biên tập) (1999), The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression, Cambridge: Havcard University Press, tr. 7.
Leslie Holmes (1997), Post-Communism, an Introduction, Cambridge: Polity Press, tr. 13.
Ghia Nodia (2000), “Chasing the meaning of ‘post-communsm’: a transitional phenomenon or something to stay?”, Contemporary European History, 9 (2000), tr. 278.
Xem bài “From anti-communism to anti-totalitarianism: the radical potential of democray” của Dick Howard trên Government and Opposition số 37, 2002, tr. 551-572.

CHỈ VÌ SINH RA GẦN KHO ĐẠN




Anh Nguyễn Tử Quảng BKAV từ làng Thư Điền


TGĐ Nguyễn Tử Quảng. Ảnh: Internet

Dân Tin học ĐHBK và cả nước đều biết hai thầy trò Quách Tuấn Ngọc và Nguyễn Tử Quảng.

Thầy Ngọc, tác giả bộ BKED ( Bách Khoa Editor) gõ tiếng Việt trên máy vi tính có từ thời DOS cách đây mấy chục năm. Nhờ có BKED (bê kẹt) mà anh xây nhà rất to, hiện là Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo.



Trò Quảng nổi nổi tiếng thế giới với bộ chống virus máy tính BKAV (Bách khoa Anti Virus – Bê cạp) có hàng triệu người dùng.

Thầy Ngọc hay lên tivi, xuất hiện trên báo, nhiều người biết đến. Trò Tử Quảng rất hay được nhắc tới bởi nhiều phát biểu nổ vang trời.

Hôm trước, Tử Quảng lại lên báo. Theo báo Đầu tư, ngày 7/5, tại lễ ra mắt phần mềm diệt vi rút BKAV 2013, Tổng giám đốc BKAV đã ngỡ ngàng khi thấy BKAV đạt 2,6 tỷ lượt truy cập tại Việt Nam, qua mặt hai “đại gia” Google (1,4 tỷ) và Facebook (1 tỷ) cộng lại.



Dân số Việt nam hiện khoảng 90 triệu với hơn 30 triệu người dùng internet (năm 2012). Trong thực tế, số lượng PC ít hơn nhiều, ước đoán khoảng 5 triệu máy tính cá nhân, nhiều PC dùng BKAV vì có tiếng Việt, giá rẻ và tiện lợi.

Xin làm một phép toán đơn giản: 2,6 tỷ / 90 triệu người/30 ngày trong tháng, trung bình mỗi ngày từ đứa trẻ sơ sinh đến cụ già sắp sang bên kia thế giới, mỗi người nhấn chuột vào trang BKAV gần 10 lần.

Nếu chỉ tính 30 triệu người dùng internet, số truy cập là gần 30 lần/ngày. Tính theo số PC (cứ cho là khoảng 10 triệu chiếc), số hit vào BKAV lên tới gần 90 lần mỗi ngày, tương đương mỗi giờ (ngày đêm 24/7) vào BKAV tới 4 lần.

Suy ra, người dùng internet tại Việt Nam bị rất nhiều virus, chẳng làm ăn gì, suốt ngày gọi BKAV giúp đỡ.



Tháng 3-2013, Tổng Cua có về qua làng Thư Điền, nơi có họ Nguyễn Tử nổi tiếng.

Trong Hiệu Minh blog có khoảng chục còm sỹ “dây mơ rễ má” với vùng đất giầu truyền thống “Thư điền vô thuế tử tôn canh – Ruộng là sách thì không mất thuế, con cháu nên vừa học vừa cấy cầy”, nên có nhiều người đỗ đạt cao.

Bác còm sỹ – Giáo sư Nguyễn Tử Siêm là một trong những cây đa cây đề ở Thư Điền. Anh Tử Quảng BKAV là một ví dụ khác về sự nổi tiếng. Mình từng trọ học ở làng này những năm 1968-1970 nên hang Cua được thơm lây.

Năm 1772, cụ Nguyễn Tử Dự đã soạn 24 điều hương ước (lệ làng), khuyên răn dân sống cho phải đạo, như Dường lão – trọng người già, Nhiêu học – ham học, Giới tửu – tránh rượu chè, Khuyến thiện – nên làm việc tốt, Giới thủ canh thổ – tránh bán đất ruộng.

Tìm mãi trong những điều cụ Dự dạy, chẳng thấy câu nào nói đến tránh ba hoa, khoe mẽ cả. Có lẽ vì thế, làng này sinh ra anh Tử Quảng cực giỏi IT, nhưng chỉ tội hay…“nổ”.



Đề nghị bác Nguyễn Tử Siêm thêm vào điều thứ 25 “Giới…nổ – tránh nổ” cho lệ làng Thư Điền.

Ghi lại mấy câu thơ của các cụ làng Thư Điền diễn nôm về khuyến học tặng Tử Quảng và thế hệ sau nhớ về làng truyền thống văn hóa xưa:Nào ai cắp sách theo thầyBút làng vào sổ từ rày chữ nhiêuPhiên canh trong điếm ngoài lềuViệc làng công việc từ rao tận trừChẳng nên yêu sách ngầy ngà Có hậu phong tục mới ra nhân tài


HM. 7-5-2013


Từ cuộc đời McAfee có đôi lời với Bkav


John McAfee. Ảnh: internet

Khi viết entry này tôi kiểm tra thăm dò trên Cua Times (8-5-2013 vào 10 giờ sáng HN), có tới 92% bạn đọc không dùng Bkav trong số hơn 600 người tham gia. Một tỷ lệ đáng để CEO Nguyễn Tử Quảng phải suy nghĩ.




Cuộc đời của John McAfee

Dân IT ai chả biết đến McAfee, phần mềm chống virus nổi tiếng nhất thế giới. Đứng sau là các đại gia về chống virus như Avira, BitDefender, BullGuard, F-Secure, Frisk,Kaspersky, Symantec, and Trend Micro. Danh sách các công ty nổi tiếng trên thế giới có thể tìm ở đây. Tìm mỏi mắt không thấy Bkav đâu cả.

Cha đẻ McAfee chính là John McAfee, sinh năm 1946 tại Anh quốc và trưởng thành bên tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ).

Là người lập trình kiếm cơm ở Lockheed, nơi toàn sản xuất ra động cơ khủng cho máy bay, tên lửa…của Mỹ, McAfee từng được giao trách nhiệm tìm hiểu virus gọi là Pakistani Brain (Bộ óc Pakistan).

Đây là virus đầu tiên có từ thời DOS và do hai anh em nhà Basit Farooq Alvi and Amjad Farooq Alvi sống ở Lahore, Pakistan.

Lứa tuổi của tôi U60 ai chả nhớ. Virus này chiếm phần khởi động trên đĩa mềm nên ai mang đĩa sang máy khác là nó tự copy vào bộ nhớ, nằm đợi đó. Cho đĩa mềm khác vào nó lập tức ghi lên và cứ thế lây lan chóng mặt.

John McAfee được giao trách nhiệm phá con virus này. Đó là khởi đầu cho công ty McAfee được thành lập năm 1987, hiện có tài sản hàng chục tỷ đô la.

Ông cũng là người đầu tiên chia sẻ phần mềm chống virus (shareware) miễn phí khi dùng thử hoặc với cấu hình hạn chế. Chỉ khi người dùng thấy thoải mái mới bỏ tiền mua, lúc đó sẽ cung cấp bản đầy đủ.



Năm 1989, John bỏ Lockheed và bắt đầu toàn tâm toàn ý cho công ty mang tên mình có trụ sở tại nhà riêng ở Santa Clara, California.

Nhưng sau đó anh bỏ đi năm 1994 và hai năm sau McAfee Associate ra thương trường chính thức, John bán hết tài sản của mình cho công ty. Hiện công ty McAfee được bảo trợ bởi Intel.

John McAfee chuyển sang kinh doanh lĩnh vực như nhắn tin, tường lửa… nhưng có vẻ thất bại. Thời kinh tế toàn cầu thảm hại 2007-2010, tài sản hàng trăm triệu đô la của John chỉ còn lại khoảng 4 triệu.

McAfee Logo. Ảnh: internet

Cho dù McAfee bỏ công ty, nhưng tên anh vẫn được giữ lại. Nếu góc phải phía dưới màn hình có biểu tượng chữ M mầu trắng trong cái khiên mầu đỏ thì hiểu đó là McAfee ®. Hình như Bkav cũng có một logo khá giống.

McAfee sinh thời rất nổi tiếng và anh được coi là biểu tượng bất khả xâm phạm trong tin học.

Đương nhiên, đó là mục tiêu tấn công của hacker. Tay hacker nào mà phá được McAfee thì coi như được cấp chứng chỉ quốc tế về … phá hoại.

Cũng bởi vậy McAfee mua máy tính qua bạn bè vì phải giấu tên, mỗi ngày đổi IP mấy lần. Hở ra là bị hacker hỏi thăm.

Mới năm ngoái thôi (4-2012) McAfee dính vòng lao lý. Đầu tiên là tư gia tại Belize ( một nước ở Trung Mỹ) bị khám xét vì nghi ngờ sản xuất ma túy và sở hữu súng không giấy phép. Tuy nhiên, sau đó anh được thả, không bị buộc tội hay phạt mà chỉ bị nghi ngờ

Tháng 11-2012, báo chí Mỹ ầm ỹ vụ McAfee liên quan đến cái chết của Gregory Viant Faull, người Mỹ, là hàng xóm. Cảnh sát nước này đã nghi McAfee nên đã gọi lên thẩm vấn.

John McAfee trốn sang Guatemala và xin cư trú chính trị. Tuy nhiên anh bị bắt vì đã vào nước này trái phép. Việc xin cư trú không thành, anh bị đưa vào trại, đợi ngày đưa về Belize. Tay chống virus cự phách này lách luật bằng cách giả vờ bị nhồi máu cơ tim để vào bệnh viện và chờ luật sư cứu giúp.

Mọi trò lạng lách của anh cuối cùng đã thất bại. Trước Noel 2012, John McAfee bị trục xuất và đưa về Mỹ, đợi ngày xét xử, kết thúc sự nghiệp của một người nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực chống virus cho máy tính.

Và đôi lời với Bkav

Nếu không biết chọn cho mình con đường đi đúng hướng thì sẽ kết thúc như John McAfee dù anh chẳng liên quan đến tội chống phá nhà nước. Huyễn hoặc mình quá nhiều làm cho tương lai biến thành gam mầu xám.

Năm 2012, khi trả lời phỏng vấn báo chí hỏi có dùng sản phẩm của McAfee, người sáng lập trả lời đùa “I take it off – tôi bỏ nó ra,” and that “It’s too annoying – bởi khó chịu quá”. Anh quá hiểu sản phẩm mình làm ra.

Dẫu vậy, phần mềm McAfee không vì thế mà giảm giá trên thị trường bởi độ tin cậy, chuyên nghiệp và không liên quan đến CIA hay FBI. Ở Mỹ mà sản xuất ra phần mềm chống virus lại biến thành công cụ ăn cắp dữ liệu cá nhân, cho dù có phục vụ chính phủ, thì cả công ty đó tù mọt gông.


Đội ngũ BKAV. Ảnh: Bkav web.

Nhìn vào đội ngũ Bkav với hàng ngàn nhân viên IT thông minh, mặt mũi sáng sủa, coi chuyện hack hay chống hack như uống ly café Trung Nguyên, nếu được đi đúng hướng sẽ tạo nên những McAfee, Norton hay Symantec khác trên thế giới.



Với sức người, sức của, tòa nhà cao ngất trên đường Trần Thái Tông, Bkav hoàn toàn có thể trở thành một đối thủ đáng gờm ở tầm toàn cầu.

Nếu sản phẩm của họ không liên quan đến an ninh, đến mục đích chính trị, thì người mua khắp thế giới sẽ tin như tin McAfee, dù người khởi xướng bị bắt vì nghi tội giết người.

Mong các bạn trẻ hãy đọc lịch sử của John McAfee trước khi viết phiên bản BKAV mới sạch và chuyên nghiệp. Khách hàng năm châu không cần công ty xứ Việt phải vượt mặt Google hay Facebook về số lượng truy vấn.



Cái mà họ cần đó là sự tin cậy vào bộ chương trình có diệt hết virus, liệu rằng có hoạt động lạ hay có đáng tin hay không.

Cuộc đời của dân IT thường nhiều mộng mơ. Có lúc mơ mình thành người lập trình nổi tiếng, rồi thích làm hacker, có khi muốn như John McAfee chống lại hacker.

Nhưng chắc chắn chẳng tay IT nào thích làm người của công chúng để “nổ” là chính.

Và cũng nhiều tài năng IT không muốn phí hoài sức sáng tạo cho một công ty để rồi có tới 93% không dùng như trong Cua Times bởi những nghi ngờ không đáng có.

Hãy để giấc mơ phần mềm xứ Việt bay cao hơn lũy tre làng.

Hiệu Minh, 8-5-2013




CHỦ TRƯƠNG NGU DÂN DỄ TRỊ




(từ Tễu blog)


VIỆC ẤY SAI GÌ, HẠI GÌ MÀ NGĂN CẤM?



Kể chuyện công an thăm nhà tối 4/5/2013
Đào Tiến Thi 

Chia sẻ với nỗi bức bối vì bị giam lỏng nửa ngày của Phương Bích. 
Chỉ vì họ sợ Phương Bích hiểu biết về nhân quyền. 



Hai cha con: Đào Tiến Thi - Đào Lê Tiến Sỹ

Tối 4-5-2013 nhà tôi cũng đột ngột có khách, khi ấy đang ăn cơm. Bước vào là bác công an khu vực đã có tuổi và một cậu thanh niên trẻ trông quen quen nhưng tôi chưa nhận ra. Bác công an khu vực thỉnh thoảng đi "thăm nắm tình hình" vẫn tạt vào nhà tôi nhưng vừa hai hôm trước bác đã đến nên hôm nay lại đến thì tôi thấy hẳn là có chuyện. Tôi hỏi ngay: 

- Có chuyện gì bác?

Bác cười cười, bảo:

- Chả có chuyện gì, vào chơi thôi.

- Vâng, thế mời bác với cháu vào chơi.

Bác giới thiệu về cậu thanh niên:

- Cháu này ở an ninh quận Ba Đình.

Tôi:

- Có phải có lần cháu đến vận động chú không đi biểu tình rồi nhỉ?

- Vâng.

- Cháu tên L, đúng không?


- Vâng.

- Vậy thì đúng là bác với cháu đến vì cái việc ngày mai rồi.

Hai người lại cười cười, bảo:

- Không, đến chơi thôi.

Trong lúc đi pha trà, cu Sỹ hỏi nhỏ tôi:

- Mai có chuyện gì thế bố?

- Ô, thế con không biết à? mai các bạn trẻ hẹn nhau dã ngoại bàn về nhân quyền. Có lời hẹn trên mạng từ tuần trước.

- Con bận quá nên không vào mạng.

- Ừ, sắp thi thì tập tập trung vào học đi.

Hai vị công an ngồi lâu nhưng cứ nói chuyện nọ kia. Cuối cùng tôi sốt ruột bảo:

- Thôi, có chuyện gì thì bác với cháu cứ nói thẳng ra đi.

Bác công an: 

- Mai ông có đi "dã ngoại" không?

Kỳ thực thì tôi có việc bận ngày 5-5 nên không chủ trương đi. Nhưng việc CA đến vì việc ấy làm tôi cáu. Tôi không nói ngay tôi không đi mà bảo:

- Cái chính quyền này lạ quá. Việc ấy sai gì, hại gì mà ngăn cấm?

Bác công an khu vực:

- Không ngăn cấm gì đâu. Chúng tôi chỉ cần biết anh và cháu có đi hay không thôi.

- Thưa bác, bác chỉ nói thế là em biết có lệnh ngăn cấm rồi. Tệ quá đi mất. Hiểu biết về nhân quyền cũng như dân quyền là việc Đảng và Nhà nước còn phải tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân. Đã không làm thì để cho dân tự tìm hiểu lấy, lại còn cấm. Dân trí cao là yếu tố quyết định để nước mạnh. Dân ngu thì nước yếu. Sao Đảng và Nhà nước lại cố tìm cách cho dân mình ngu? Có nước nào trên thế giới này như vậy không?... 

Tôi "diễn thuyết" một hồi, có đến 15 phút, tận khi mệt quá mới dừng lại. Hai vị công an không nói đi không nói lại câu nào, có vẻ khó xử. Tôi vừa muốn gỡ bí cho họ vừa muốn kết thúc nhanh để đi làm việc nên bảo:

- Ngày mai tôi bận, chứ không thì tôi đi ngay. Để xem các vị chống lại nhân quyền như thế nào. Cháu Sỹ cũng đang ôn thi. Nó còn chẳng biết mai có cuộc này nữa là. Nên các vị yên tâm đi.

Thế là cả bác công an khu vực và cháu an ninh quận vẻ mặt giãn ra sung sướng, quay sang hỏi chuyện nhà cửa, sức khoẻ của vợ tôi cho đúng tính chất "vào thăm" rồi vội cáo lui.

Đ.T.T