Friday, March 1, 2013

Trời của Thanh, đất của Thanh

Lan man về sự kiện Nguyễn Bá Thanh



Huỳnh Ngọc Chênh


Nhiều người hỏi tôi tại sao có quen biết ông Nguyễn Bá Thanh và sự kiện ông ấy ra Hà Nội đang gây ra dư luận xôn xao lại không có một chữ bình luận nào. Thấy mọi người đã viết quá nhiều nên định không viết gì thêm, nhưng bạn bè thúc ép quá nên cũng cố gắng viết đôi lời lan man về nhân vật đồng hương đang nổi như cồn nầy.




Khi viết về nhân vật nầy, hay bất kỳ nhân vật nào, thì phải biết đứng từ hệ quy chiếu nào, không thể viết bừa khi chưa xác định được mình đang đứng ở đâu.

Từ sau 75, tôi sống cùng quê Hòa Vang, cùng thời với Nguyễn Bá Thanh khá lâu nhưng lại không hề biết đến ông ta. Mãi về sau nầy khi vào Sài Gòn làm báo rồi được cử ra Hà Nội theo dõi viết về quốc hội thì mới quen biết ông ta- chưa thân thiết lắm nhưng cũng có thể thỉnh thoảng vào phòng ông ta ở nhà khách quốc hội, “trấn lột” một cây ba số hoặc một chai rượu gì đó nhằm sưởi ấm lòng những ngày đông rét giá xa nhà ở Hà Nội.

Với cá nhân tôi, ông là người tốt. Ông có giúp đỡ tôi đôi việc khi tôi nhờ vả. Giúp tận tình. Một lần thầy giáo cũ của tôi là thầy PTK có tranh chấp nhà đất gì đó với nhà bên cạnh mà bị chính quyền quận xử ép vì có tư ý với bên kia, thầy nhờ tôi và tôi đã điện cho ông, lúc đó là chủ tịch thành phố. Ông đã giúp đỡ nhiệt tình, nghe nói đã bỏ cả thời gian xuống tận nơi thầy PTK ở để xem xét giải quyết (nhưng chuyện tranh chấp ấy có lẽ hơi phức tạp, tuy chính quyền quận hết o ép nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong)…

Tóm lại, ông là người tốt với tôi, tôi biết ơn ông. Nhưng đối với quê hương xã Hòa Xuân của tôi, ông chưa tốt lắm và nhất là đối với làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi, ông bị dân ở đây kết án là người tàn nhẫn.

Xã Hòa Xuân của tôi nằm sát cạnh Đà Nẵng nhưng lại bị chia cách bởi con sông Cẩm Lệ nên rất là quê mùa và khốn khó trăm bề. Dân quê tôi từ bao đời luôn mơ ước có một chiếc cầu bắt qua bến Đò Xu, nối liền với Đà Nẵng để đổi đời. Sau gần 30 năm hòa bình, cho mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21 thì ước mơ cỏn con ấy mới chuẩn bị thành hiện thực. Cây cầu bắt qua Đò Xu được triển khai thi công. Cọc được đóng qua sông, chuẩn bị đúc đà và lao dầm. Dân quê tôi hân hoan mừng rỡ, mong ngóng từng ngày để chờ lúc cây cầu vươn ra nối đôi bờ. Thế nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, công trình được lệnh của ông Thanh cho ngừng lại, cọc đóng xuống rồi lại cho nhổ lên. Dân cả xã bàng hoàng thất vọng và không biết chuyện gì đã xảy ra. Mãi đến về sau nầy thì dân quê tôi mới vỡ lẽ ra. Vì có một nhóm tư sản đỏ nào đó đề nghị quy hoạch toàn xã Hòa Xuân thành một khu du lịch sinh thái nên phải ngưng ngay chuyện làm cầu để trả tiền đền bù thấp và để dễ giải tỏa dân. Sau đó thì toàn xã nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt rồi chuẩn bị dọn đi. Lúc ấy bản vẽ của cây cầu khác bắt qua xã Hòa Xuân đã nằm trên bàn ông Thanh. Khi xe ủi bắt đầu đến ủi nhà dân, thì cây cầu cũng bắt đầu được thi công và chỉ sau một năm thì hoàn thành. Người dân Hòa Xuân nhìn chiếc cầu Hòa Xuân to đẹp bắt qua sông Cẩm Lệ, nối liền quê nghèo của mình với thành phố Đà Nẵng mà ngậm ngùi cay đắng. Té ra cây cầu được xây lên không phải để phục vụ người dân nghèo khó bao đời theo cách mạng ở đây mà để phục vụ cho dự án gọi là du lịch sinh thái, nghĩa là phục vụ cho nhóm lợi ích trùm tư sản đỏ. Đền bù người dân chỉ vài chục ngàn một mét vuông, thế mà chỉ mới phân lô trên bản vẽ, các ông trùm này đã rao bán mỗi mét vuông đến hơn 10 triệu đồng. Người dân mất nhà và mất ruộng quê tôi nay thất nghiệp đã chửi đổng lên: Khu du lịch sinh thái cái đếch họ, cũng chỉ là một tuồng “thành kính phân lô” để chia chác lợi khủng.

Trong khi dân các làng khác đành lòng chịu nhận tiền đền bù rẻ mạt để dỡ nhà đi thì dân làng Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời. Nhưng rồi bị o ép quá, họ cũng chấp nhận di dời nhưng yêu cầu được giữ lại nhà thờ đã xây dựng từ mấy trăm năm và nghĩa trang của làng đạo cũng có từ khi lập làng. Chính quyền không đồng ý, dẫn đến việc đàn áp bắt bớ … như dư luận đã biết.

Ông Thanh cày trắng cả làng tôi trong đó có nhà cửa, ruộng vườn của tổ tiên giòng họ tôi khai phá từ hồi theo Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, tiếp nối hơn 11 đời để lại, làm tôi không khỏi đau lòng thắt ruột mỗi khi về thăm quê. Nhưng tôi cố nuốt đau vào trong vì chuyện chung ở khắp mọi nơi chứ không chỉ riêng quê tôi và không phải chỉ riêng nhà tôi. Tuy nhiên việc cày trắng làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi thì tôi thấy xót xa và mất mát cho cái chung lớn quá không thể vì cảm tình riêng với ông mà không lên tiếng ra đây.

Dân Quảng Nam, phần lớn rất kiên cường, ngang bướng rồi lại cực đoan và thủ cựu nên dù có điều kiện tiếp xúc với phương Tây rất sớm và rất thuận lợi thông qua Cửa Đại- Hội An nhưng người Quảng Nam không dễ dàng gì nghe theo lời các ông cố Tây bỏ đạo ông bà để vào đạo Công giáo như ở một số tỉnh phía Bắc. Cả một vùng đất Quảng Nam rộng lớn kéo dài từ đèo Hải Vân vào đến Quảng Ngãi mà chỉ có vỏn vẹn ba làng theo đạo. Đó là các làng Trà Kiệu, Hòa Sơn và Cồn Dầu (một số xóm đạo ở Đà Nẵng là phần lớn do giáo dân từ miền Bắc di cư vào lập nên sau 1954).

Ba làng đó phải được xem như là chứng tích giao lưu văn hóa giữa phương Tây và Việt Nam từ rất xưa cần phải được bảo tồn. Do vậy ngôi làng đạo Cồn Dầu quý hiếm ấy cần phải được giữ lại và chỉnh trang cho đẹp lên chứ không phải bị cày trắng một cách thô bạo và tàn nhẫn. Rất tiếc ông Thanh, hoặc chưa đủ tầm văn hóa để nghĩ ra điều này hoặc là do sự thúc bách từ lòng tham vô độ của đám tư sản đỏ mà ông Thanh phải chiều theo…

Nhưng dù sao, ông là người đồng hương quen biết cũ. Do vậy hôm nay nghe tin ông ra Hà Nội nắm giữ chức tước quan trọng, có thể vào được BCT, đường quan lộ tiếp tục hanh thông thăng tiến…tôi rất mừng cho ông và chúc ông được thuận buồm xuôi gió, công việc tốt đẹp, có thêm được người hầu kẻ hạ, thêm được nhà cao cửa rộng ở Hà Nội như các quan lớn TW khác để nở mày nở mặt với tổ tiên, với bà con, bạn bè và đồng hương.

Ngày xưa, một đồng hương của tôi là ngài Hoàng Diệu đã ra làm tổng đốc Hà Nội và đã để lại tiếng thơm với sử xanh nhờ cai trị dân thanh liêm và kiên cường chống giặc dù công cuộc đánh giặc giữ nước của ông thất bại. Ông là quan văn tay yếu chân mềm, triều đình Huế lại cử ông làm tổng đốc giữa tình thế dầu sôi lửa bỏng, nắm trong tay cả một lực lượng chính quy đông đúc để trấn thành nhưng lại bị ảnh hưởng tư tưởng đầu hàng của triều đình, nên giặc Pháp kéo ra chỉ một nhúm vài trăm thằng, bắn vài phát đại bác, quân ông đã bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại một mình nên ông phải treo cổ tuẫn tiết. Trong khi đó, chỉ với một toán quân ô hơp từ miền núi kéo về, Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm đã đánh một trận tiêu diệt gọn đoàn quân vừa chiến thắng của giặc Pháp, trong đó có cả chủ tướng Henry Rivière. (Điều nầy cho thấy quân Pháp hồi đó không ghê gướm lắm, nhưng triều đình Huế quá khiếp nhược, chỉ lo tính chuyện đầu hàng để tồn tại, làm tiêu tán tinh thần chiến đấu của quân đội- “Triều đình” bây giờ nhớ lấy đó làm gương) (Wikipedia)

Một đồng hương nữa của tôi là ông Nguyễn Tường Tiếp, ra Bắc làm quan không lập nên danh phận gì nhưng ông để lại những người cháu nội hết sức tài hoa là các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền văn học mới, để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Sau năm 1945, một vài đồng hương khác của tôi có ra trung ương làm lớn nhưng cũng chỉ là những cái bóng mờ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếng tăm lừng lẫy là do có được từ thời hoạt động trong phong trào Duy Tân với các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp… rồi bị đày đi Côn Đảo, chứ không phải có được trong giai đoạn ra tham gia chính phủ Hồ Chí Minh. Những ông BCT sau nầy chẳng thấy ai có đóng góp gì lớn để lưu dấu ấn kể cả ông Võ Chí Công làm đến chức chủ tịch nước. Có một ông rất sắc sảo, ra Hà Nội đóng góp vào sự nghiệp đổi mới thời Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh nhưng rồi lại bị cho về vườn nửa chừng do sự nghiệp đổi mới bị chựng lại sau khi ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đi dự hội nghị quy phục Thành Đô. Đó là ông Hồ Nghinh. Ông là một người cộng sản rất nho học và uyên bác. Ông mà tiếp tục được thì hy vọng sẽ làm rạng danh cho đất Quảng. Nhưng đấy là giả dụ vậy thôi vì những người trí thức uyên bác như ông hay như cụ Huỳnh, dễ gì tồn tại được trong hệ thống độc đảng này.

Bây giờ thì đồng hương Nguyễn Bá Thanh ra, chưa biết ra sao? Chưa biết ra sao, nhưng trước khi ra đã tạo nên dư luận xôn xao từ trong nước ra đến nước ngoài với nhiều luồng ý kiến khác nhau như vậy thì cũng tự hào lắm rồi, hiếm có người như ông.

Nhưng đó là suy nghĩ lan man về ông Thanh trên hệ quy chiếu cá nhân riêng tư và ở góc độ đồng hương cục bộ của tôi. Cần phải nhìn ông Thanh ở hai hệ quy chiếu khác nghiêm túc hơn. Hệ quy chiếu từ bên trong hệ thống và hệ quy chiếu từ bên ngoài hệ thống.

Nhìn từ trong hệ thống, ông Thanh là một người làm chính trị có năng khiếu bẩm sinh, là một sản phẩm đích thực và trọn vẹn do chế độ nầy tạo thành với cái mác “100% made in/ by Đảng” .Ông thuộc thế hệ con cái của gia đình có công với cách mạng, được gởi ra miền Bắc học hành. Ông tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, sau 75 về lại quê nhà, bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi từ đó từng bước đi lên cho đến cương vị ngày nay. Nếu ông không có bản lĩnh chính trị, không giỏi đấu đá nội bộ thì e khó tồn tại ở cái ghế chủ tịch thành phố Đà Nẵng chứ đừng nói đến chuyện đi lên như ngày nay. Nhưng cũng vì những chuyện đấu đá quá mạnh tay với các đồng chí của mình mà ông đã chậm một bước lên trung ương.

Ông là một người hoạt động thực tiễn năng nổ, dám nói, dám làm, vừa có tính quyết đoán lại vừa biết cách thuyết phục mọi người nên đã làm thành công nhiều việc gây tiếng vang lớn. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng không phải mới mẻ, nhiều nơi đã làm rồi, được thì ít mất thì nhiều, nhưng khi tới tay ông, ông đã làm cho Đà Nẵng nhanh chóng bật lên để từ một thành phố bé nhỏ đìu hiu trở thành một thành phố bề thế và xinh đẹp. Ông vượt qua các thách thức là nhờ phần lớn vào thành công này bên cạnh tài năng đấu đá của ông.

Vì làm từng đoạn, tùy vào tình hình tài chính, nên quy hoạch Đà Nẵng có những khiếm khuyết nhất định. Nhưng đứng trên toàn cục mà nói thì làm được như vậy là khá lắm rồi. Khác Nguyễn Bá Thanh thì cũng khó có ai làm được và làm nhanh gọn dứt điểm như thế. Không đến nỗi như giáo sư Phạm Toàn nói là “không có Thanh thì Đà Nẵng còn đẹp hơn”.

Tuy nhiên vì thành phố đi lên nhờ vào đất đai là chính nên bây giờ khi thị trường nhà đất đang xì hơi, doanh nghiệp bất động sản cạn vốn và có nguy cơ phá sản vì không bán được hàng, ngân sách thành phố khô kiệt và đang gặp rất khó khăn. Mới đây thành phố phải chủ trương bán trái phiếu để vay tiền từ xã hội nhằm cứu nguy trước mắt. Nhưng rồi tiếp theo nữa, tình hình nhà đất cứ đóng băng kéo dài thì lấy chi trả nợ và lấy tiền đâu ra để hoạt động? Ông Thanh ra đi để lại một thành phố khá hào nhoáng nhưng cạn tiền cùng với món nợ không nhỏ. Những người kế nhiệm ông ắt phải gặp không ít khó khăn.

Người ta thấy ông Thanh hay quát nạt thuộc cấp và những người nầy răm rắp cúi đầu không dám có một chút phản ứng. Người ta cũng thấy thuộc cấp của ông kể cả những vị chủ tịch và phó chủ tịch thành phố chỉ là bóng mờ bên ông. Ngay cả ông Tuấn Anh bây giờ đang đường đường ở ghế bộ trưởng Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch, trước đây là chủ tịch thành phố dưới quyền ông Thanh cũng mờ nhạt đến nỗi dân gian đã đưa điều ấy vào đồng dao và dường như dân Đà Nẵng ai cũng thuộc làu và công nhận là đúng:

Trời của Thanh, đất của Thanh
Con chim trên cành cũng của Thanh
Con chim trong q. mới của Tuấn Anh.

Nhiều người khen ngợi ông Thanh về điều đó, vì ông sáng quá nên ai đứng cạnh cũng bị mờ, nhưng theo tôi đó là điều đáng chê bai. Ông Thanh thể hiện sự độc đoán và tỏ ra kém cỏi trong công tác tổ chức (hoặc là quá giỏi tổ chức theo ý đồ riêng của ông). Ông đã xây dựng một bộ máy gồm phần lớn những người bất tài và xu nịnh. Kẻ xu nịnh và bất tài thì không hề dám phản ứng lại cấp trên khi bị nhiếc mắng. Do vậy khi ra đi, ông còn để lại cho Đà Nẵng thêm một gánh khó nữa bên cạnh gánh khó về tài chính.

Tuy nhiên nhìn toàn cục, ông vẫn là sản phẩm tốt nhất của hệ thống hiện nay dù ông có mắc ít nhiều khuyết điểm. Nhưng ông có phải là thánh đâu mà không có khuyết điểm. Ngay cả người được hệ thống nầy phong thánh là ông Hồ Chí Minh thì cũng mắc khuyết điểm đấy thôi. (Cải cách ruộng đất đưa đến cái chết oan ức bao nhiêu dân lành là một trong những sai lầm của ông ấy).

Trong hệ thống, sau thất bại thảm thương trong việc chỉnh đảng và trị tham nhũng, nhiều người kỳ vọng vào ông Thanh, bám vào cái phao ông, khi ông được đưa ra Hà Nội để giữ ghế trưởng ban nội chính của đảng. Các đồng chí của ông và dân chúng đang chán ngán và tuyệt vọng mong rằng ông sẽ là một Bao Công mặt sắt đen xì, đủ tài đức tiêu diệt “bầy sâu bự” đang nhung nhúc khắp nơi.

Nhưng rồi cũng không ít ý kiến ngược lại. Không tin ông làm được gì trong tình thế hiện nay và cũng không tin mấy vào đức độ và quyền năng của ông để ông có thể làm gì.

Theo tôi, muốn đánh giá đúng tác dụng của ông khi đảm nhận chức vụ mới thì phải biết trong đầu ông ta đang nghĩ gì, đang muốn gì.

Nếu ông cho rằng đây là lúc phải để lại dấu ấn với đời, công tâm lao hết mình vào cuộc chiến chống tham nhũng, không cần e dè để giữ ghế, một mất một còn với đám tham ô thì tôi tin rằng, ở chừng mực và ý nghĩa nào đó, với bản lĩnh của ông, ông cũng sẽ làm thành công. Đó là điều tốt đẹp giúp cải thiện phần nào bộ mặt của hệ thống. Chỉ thế thôi.

Nếu ông nghĩ rằng đây là cơ hội bắt đầu cho sự thăng tiến, ra nhậm chức để tiếp tục đi lên cao hơn để cuối đời hưởng được vinh hoa phú quý ở đỉnh cao như các ông vua tập thể khác thì ông chẳng dại chi thực lòng chiến đấu. Ngoài mặt ông sẽ hô to nhiều lời bỗ bã gây ấn tượng (như ông đã từng làm và ngay mới hôm qua ông đã hô) nhưng bên trong, ông ngấm ngầm thỏa hiệp với các thế lực khác để được chia chác cả lợi ích lẫn chức quyền cao hơn. Đây là con đường dễ đi và đi theo mục tiêu nầy, tôi tin rằng với bản lĩnh chính trị khôn ngoan của ông, ông cũng sẽ thành công. Có khi ông lên đến thủ tướng, chủ tịch nước hoặc tổng bí thư không biết chừng. Dĩ nhiên là khi ấy việc cứu chữa hệ thống như nhiều kẻ ngây thơ mong đợi tiếp tục thất bại.

Đó là đứng nhìn từ trong hệ thống.

Còn đứng từ hệ quy chiếu bên ngoài thì sao?

Ông Nguyễn Văn An nói hệ thống nầy bị lỗi. Nhưng đúng ra phải nói rằng hệ thống nầy xây dựng trên nền tảng là chủ nghĩa Mác- Lê nin, mà nền tảng đó, nói theo TS Hà sỹ Phu là đã sụp đổ từ trong lý luận lẫn ngoài thực tiễn. Không thể trám trét vết nứt của một ngôi nhà xây trên một cái nền đã sụp. Một hệ thống như vậy thì không thể sửa lỗi bằng cách vá víu được, lại càng không thể vá víu bằng sự trông chờ vào một cá nhân nào đó là sản phẩm của hệ thống nầy.

Ông Thanh hay mười ông Thanh cũng thế. Giống nhau tất, đều là sản phẩm của hệ thống.

Thursday, February 28, 2013

MỘT KHOẢNG TRỜI XANH BAO LA...


Đất nước nhìn từ dưới hố



Tưởng Năng Tiến

“Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia – dân tộc.” (La Thành – “Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vê của quốc gia Việt“, 2009)


Giới sĩ phu Bắc Hà (lắm người) có tính rất hài, nghĩa là thích “giễu” – nếu nói theo ngôn ngữ của dân chúng miền Nam. Bữa rồi, có vị vỗ vai tôi bỏ nhỏ: “Đảng Cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ. Thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Lóp ngóp bò lên được thì hô vang thắng lợi. Cứ thế, Ðảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”

Thắng lợi kế tiếp, sau khi Đảng lóp ngóp bò được lên khỏi cái hố (bauxite) hiện nay, là chuyện của tương lai – và chắc là “tương lai” hơi xa – nên xin để hạ hồi phân giải. Ngay bây giờ, câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là tại sao lại ra đến nông nỗi khốn khổ khốn nạn này?





Theo quí vị trưởng thượng của trang Bauxite Việt Nam thì đây chả qua là “hệ lụy của một dự án thiếu tầm nhìn và không tỉnh táo… nên đã… đâm quàng vào bụi.” Những blogger thuộc thế hệ trẻ thì đặt vấn đề một cách quyết liệt và dữ dằn hơn, thấy rõ:
Sáu Vinh: Đó là hậu quả tất yếu của sự kiêu ngạo và bỏ ngoài tai mọi lời góp ý, mọi sự đóng góp của nhân dân, mọi quyền lợi của người dân trên đất nước này. Khi giành được quyền lực vào tay mình, những người cộng sản đã nghiễm nhiên coi chỉ có mình là người chủ đất nước và mọi tiếng nói phản biện của người dân đều bị coi khinh, thậm chí được xếp vào “thế lực thù địch…”

Mẹ Nấm: Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?

Osin: Tôi nghĩ, nay là thời điểm chín muồi để các bác “Bauxite Việt Nam” thu thập chữ ký mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, đề nghị thả tự do cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ…

Bọ Lập: Bây giờ đã trắng mắt ra chưa? Câu hỏi đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm về dự án này? Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thì rõ rồi. Thế còn Chính phủ thì sao? Quốc hội thì sao? Ai đỡ đầu cho dự án này đều phải chịu trách nhiệm, trước hết người đứng đầu Chính phủ đó là Thủ tướng.





Miệng người sang (mới) có gang có thép. Còn đám thường dân cỡ như J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Huy San, Nguyễn Quang Lập… e không đủ sang trọng để có thể đưa ra những lời kết án hùng hồn và đanh thép như thế đối với Đảng (nói chung) và ông Thủ tướng (nói riêng). Noble cỡ luật sư Cù Huy Hà Vũ mà đụng tới thằng chả còn đi tù thấy mẹ luôn, chớ đâu phải chuyện giỡn – mấy cha?

Để cho nó an toàn – theo tôi – trách nhiệm nên đổ vào, và đổ xuống, những kẻ thấp bé hơn (đại loại như đám nhà văn, nhà báo, ký giả, hay còn gọi là kỹ giả) cỡ như ông Nguyễn Hữu Nhàn là vừa. Bằng chứng lại có sẵn hẳn hòi.

Rành rành là vào ngày 1 tháng 9 năm 2010, trên tạp chí Hồn Việt có bài phóng sự (Bô-xít Tây Nguyên, Thấy gì ghi nấy) của tác giả này. Xin ghi lại vài ý chính, coi chơi, trước khi nó rất có thể bị ông Tổng biên tập (GS-TS Mai Quốc Liên) gỡ xuống vì thấy ngượng:
Đầu hè, Hà Nội, Huế, Sài Gòn đang nóng như lò lửa, nhưng ở Đắk Nông nắng vẫn dịu mát trải vàng trên miền đất đỏ bazan. Nguyễn Văn Hiếu – Chánh văn phòng Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV ra giữa sân nắng vẫy tay ra hiệu cho ô-tô chạy vào sát cửa hội trường. Chúng tôi đứng chờ ngoài cửa cho năm ba cán bộ kỹ sư người Trung Quốc thu dọn máy tính, thiết kế, bản đồ… sang làm việc tạm phía nhà ăn để nhường hội trường cho Công ty tiếp khách…





Tôi thoáng thấy quanh tường hội trường treo kín ảnh, khách đến Công ty. Thấy có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khác. ..

Hiếu bấm máy điện thoại di động mời các cán bộ phụ trách về kỹ thuật, đào tạo, đền bù và quản đốc công trường địa chất của công ty đến làm việc với chúng tôi. Các nhà văn gặp từng người hỏi và ghi chép không ngừng…

Hiếu vừa chỉ lên bản đồ vừa giải thích cho chúng tôi biết: Tỉnh Đắk Nông có trữ lượng quặng bô-xít nhiều nhất cả nước. Mà Việt Nam lại có trữ lượng bô-xít lớn thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Dự kiến tỉnh Đắk Nông sẽ xây bốn nhà máy sản xuất Alumin. Còn từ Alumin sản xuất ra nhôm kim loại còn phải qua công đoạn điện phân tốn rất nhiều điện phải chờ có nhà máy thủy điện Đồng Nai V, chuyên phục vụ cho sản xuất nhôm. Ta không có chủ trương xuất khẩu quặng bô-xít. Alumin không phải là sản phẩm thô, có giá trị thương mại cao nhưng biến nó thành nhôm kim loại thì mới thật sự có hiệu quả kinh tế.




Các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt tỉnh Đắk Nông đang trông chờ vào các dự án khai thác bô-xít, sản xuất Alumin, nhôm để biến vùng đất nghèo thành giàu có.

Nguyễn Văn Hiếu, người miền Bắc học xong Cao đẳng Bản đồ liền vào đây thăm dò quặng bô-xít cùng với các chuyên gia Hunggari từ 1981. Hiếu nói:
- Các anh tìm hiểu thực tế sẽ rõ, dư luận cán bộ và người dân Đắk Nông rất ủng hộ dự án bô-xít, khác hẳn với dư luận ở các nơi….



Chúng tôi vào gia đình già làng của bon Bu Dấp. Đó là già làng Điểu Sơn, 82 tuổi. Hỏi về cảm tưởng của người dân với việc xây dựng nhà máy Alumin ở đây, già làng cười nói:
- Dân mình thích lắm, nhiều nhà giàu lên, có nhà tầng, có xe máy vì được đền bù đấy. Xưa kia cứ ông trời làm mưa là có cá về Bầu Ếch. Tát cá Bầu Ếch, cả bon lại chia đều mỗi nhà một phần cá, nay nhà máy lấy mất Bầu Ếch đền bù chia nhau mỗi nhà một triệu, hơi thiệt đấy nhưng nhà máy về dân mình mới có cái đường cái điện về bon chứ…

Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk Nông, hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít, chắc chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.

Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi). Nhờ có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi nhà khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt điện… làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một bon hẻo lánh của người H’Mông.

Nhờ dự án khai thác bô-xít mà bon Bu Dấp và cả xã Nhân Cơ đang từng ngày thay da đổi thịt để trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.



 Miệng lưỡi của Nguyễn Hữu Nhàn, xem chừng, cũng ngọt. Tuy thế, nhân vật này ấy chưa “đĩ miệng” bằng ông bạn đồng nghiệp Lã Thanh Tùng. Trong một bài viết trước đó (“Bô-xít và những điều khác”, Văn nghệ số 44, phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2009) vị văn sĩ này tỏ ra hùng biện và hùng hổ hơn nhiều:
Chuyến đi “bauxit” của chúng tôi diễn ra trong những ngày siêu bão Ketsana hoành hành dữ dội khắp vùng Tây Nguyên, Trung Bộ. Bão là sự trở chứng của thời tiết, tàn phá mọi thứ dám cản đường nó. Nhưng trong tâm trí chúng tôi dường như còn có cơn bão khác “hiểm” hơn, cơn bão của những luồng thông tin và nhận thức trái chiều, xoay quanh một chủ trương tưởng như rất bình thường của cuộc sống.

Trước khi đi, tôi đã kịp tìm hiểu một số nguồn tài liệu để có những kiến thức đầu tiên. Nhưng những gì tôi đọc được, nghe và chiêm ngưỡng, rõ ràng là một mớ bùng nhùng. Cụ thể, có thể phân làm hai loại:
- Phái chủ động, chưa kể Bộ Chính trị và Chính phủ, thì bao gồm luôn Bộ Công thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Lãnh đạo các địa phương có bauxit, và một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản. Ý kiến của họ khá giản dị: Chúng ta có tài nguyên, Tây Nguyên lại đang nghèo. Vậy làm sao để khai thác tốt, đánh thức những tiềm năng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.




- Phái phản biện, khá đông, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, đặc biệt là giới trí thức Việt kiều, những người tự nhận là tỉnh táo, độc lập tư duy, chống tham nhũng, chống độc quyền, độc đoán trong xã hội. Căn cứ để họ phản biện thường là: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, các dự án có người nước ngoài vào sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc phòng. Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, tập trung rừng đầu nguồn của nhiều dòng sông, bùn đỏ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Tây Nguyên đang thanh bình, các dự án hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng rất dễ phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc văn hóa các dân tộc, bần cùng hóa người bản địa…

Việc đầu tiên chúng tôi quan tâm, đi đâu cũng hỏi, là trữ lượng bauxit của nước ta hiện nay. Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Alumine Nhân Cơ Nguyễn Phú Dương thì tuy hàm lượng quặng bauxit của chúng ta chỉ ở mức khá, chứ chưa phải tốt nhất, nhưng trữ lượng thì Việt Nam đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Ghinê và Úc.



Khắp Tây Nguyên gần như chỗ nào cũng có bauxit, nhưng nhiều nhất tập trung ở Lâm Đồng và Đắc Nông, trong đó riêng Đắc Nông chiếm đến 70% trữ lượng toàn quốc. Mạch bauxit vùng Đắc Nông còn lan cả sang Cămpuchia, mở ra triển vọng hợp tác quốc tế sau này…

Về hiệu quả, theo đánh giá của các chuyên gia, với mức giá năm 2005 là thời điểm thiết kế, thì sau khi trừ mọi chi phí, đóng góp các loại thuế, mỗi năm một dự án như Tân Rai cũng sẽ lãi khoảng 50 triệu USD, tức chỉ khoảng 13 năm sau sẽ hoàn đủ vốn…

Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt đi (khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét. Theo các chuyên gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm năm, đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD…



Thiệt là quá đã, và… quá đáng. Từ cái hố bauxite nhầy nhụa bùn đỏ mà đám nhà báo, nhà văn (và “những nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản”) vẫn nhìn ra một khoảng trời xanh bao la (cùng rất nhiều dollar) như vậy thì trách chi cái ông Thủ tướng, một kẻ thất phu.

© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra

(HÌNH KHÔNG CÓ TÍNH CÁCH MINH HỌA)

ĐÀN KHẢY TAI TRÂU

Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng

gs-tuong-lai2imagesKính gửi Ô. Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCHTƯĐCSVN,

Kính thưa anh Nguyễn Phú Trọng,

Tôi dùng cách xưng hô này để tiện cho nội dung thư sẽ viết với tư cách của một người có hân hạnh được quen biết Anh. Đúng hơn là biết, chứ chưa dám nói là quen, vì tôi cũng chỉ gặp và nói chuyện với anh đôi ba lần kể từ dạo anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có mặt trong buổi tôi báo cáo với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị về cuộc Khảo sát xã hội học về Cơ cấu xã hội và Phân tầng xã hội, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Theo lời thuật lại của Chu Hảo, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ KH và CN ngồi cạnh Anh, thì anh đã nhận xét về tôi ” Tay này báo cáo với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mà cứ nói khơi khơi như nói trước Hội đồng Khoa học của Viện không bằng !”.
Lần gặp gần đây nhất là ngày 17 tháng 1 năm 2011 tại Hội trường Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có thể Anh quên vì bận nhiều việc nên tôi xin được nhắc lại : Hôm ấy, khi tôi đi đăng ký phát biểu ý kiến với Đoàn Chủ tịch Hội nghị, ngang qua chỗ Anh ngồi, Anh đã chủ động đứng dậy chào gọi và bắt tay tôi. Tôi cảm kích về cử chỉ thân thiện này, biết rằng thế là Anh vẫn nhớ tôi, nên đã bắt tay Anh rất chặt và nói “Xin chúc mừng Tân Tổng Bí thư“.
Anh cười và hỏi : “Chúc mừng cơ à?”. Tôi đoán biết và mang máng hiểu ra Anh đang nghĩ gì và định nói gì, nên cũng vui vẻ trả lời ” Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của Anh làm, hành động và ứng xử của Anh với tư cách Tổng Bí thư, để rồi có tiếp tục chúc mừng hay không là chuyện về sau, còn bây giờ thì phải chúc mừng đã”.  Cả Anh và tôi cùng cười. Những người đứng cạnh cũng cười vì tôi vốn nói to, mọi người đều nghe và nhìn thấy. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, hai năm qua, dõi theo những công việc Anh làm, quả thật tôi nghĩ là phải rút lại lời chúc mừng đã đưa ra với Anh hai năm trước. Vì sao?  
Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước,của đời sống đất nước ta. Chính vì thế, chưa bao giờ uy tín của Đảng xuống thấp đến vậy. Điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Tổng Bí thư. Thực trạng này được phơi bày quá rõ ràng mà chính Anh, cũng như nhiều người giữ vị trí cao trong bộ máy cầm quyền, đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nói ra, chứ chẳng phải do “những phần tử thù địch” nào bôi nhọ cả!
Đành rằng với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể“, cả Bộ Chính trị, và toàn thể BCHTƯĐ phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu BCHTƯ, Tổng bí thư là người phải gánh vác, không thể đổ cho ai được cả.
Trong bức thư này chưa thể nói nhiều về thực trạng của đất nước mà người Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm, xin chỉ nêu lên hai điều trực tiếp nhất và gần đây nhất đã làm trầm trọng thêm sự mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong lòng dân : Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2! Cái ngày mà cách đây 34 năm, hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây nên tội ác tày trời đối với đồng bào ta, hàng van chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược, buộc chúng phải tuyên bố rút quân.
Trong phạm vi bức thư ngắn này, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề nói trên để mong được Anh xem xét và cho tôi câu trả lời.
Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói : “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
Sửng sốt vì không thể hình dung được đây là lời của Tổng Bí thư, một người vốn tính thận trọng, lại tùy tiện quy kết một cách hồ đồ như vậy. Sẽ quá dài dòng và có lẽ cũng chưa là thật sự cấp bách vào lúc này để chỉ ra sự lẫn lộn, nếu không muốn nói là đánh tráo khái niệm, khi Tổng Bí thư nói đến “các luồng ý kiến” được nêu lên trong dịp các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp theo Nghị quyết và lời kêu gọi của Quốc hội, lại là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống“.
Là một trong những người đã ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào đoàn đại biểu do ông Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn đến 34 Hùng Vương Hà Nội để trao bản Kiến nghị đó cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo, tôi hết sức bất bình về quy kết hồ đồ của Tổng Bí thư đối với một số điểm trong nội dung của 7 vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi đã chuyển cho Ủy ban Dự thảo nói trên. Tuy vậy, trong thư ngỏ này, tôi chỉ nói ý kiến của riêng tôi và chịu trách nhiệm về những điều tôi nóitrong bức thư này.
Phải nói thêm là, đoàn đại biểu chúng tôi đã được Ủy ban Dự thảo tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo đã đưa tin về cuộc gặp này. Trong thư gửi ông Nguyễn Đình Lộc, người dẫn đầu đoàn đại biểu đến trao Kiến nghị, ông Ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập đã cho biết là “những điều nêu trong Kiến nghị nói trên sẽ được tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Vậy thì, khi Tổng Bí thư quy kết ” vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? ” liệu có phải là nhằm vào những vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi nêu lên không? Nếu vậy thì Nghị quyết và lời kêu gọi toàn dân góp ý kiến vào việc Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội còn có giá trị gì nữa khi mà những ý kiến trái tai lãnh đạo thì bị quy là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống! Là một đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư phải trả lời với Quốc hội và với cử tri về kết luận hồ đồ nói trên. Ít nhất, Tổng Bí thư cần giải thích rõ những ý kiến mà Tổng Bí thư dẫn ra, vì sao gọi đó là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Là nhà lý luận, lại từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Bí thư cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị để từ đó mà nói rõ những “kiến nghị…” dẫn ra ở trên là suy thoái đạo đức, lối sống,suy thoái về tư tưởng chính trị như thế nào? Một nhà lý luận sao lại có thể giải thích tùy tiện và hồ đồ rằng : “Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!“. Vậy thì đã thừa nhận người ta nêu lên “quan điểm” thì cần phải tranh luận để làm sáng tỏ đúng sai, sao lại quy kết đó là “suy thoái” và đòi phải “ xử lý“? Sẽ không đúng lúc nếu lại đưa ra tất cả những điều mà Tổng Bí thư cho đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đưc, lối sống, xin chỉ đề cập đến mấy vấn đề sau đây :
Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong 7 điểm nêu trong Kiến nghi về sửa đổi Hiến pháp 1992, thì kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp không đồng nghĩa với “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng” theo cách hiểu của Tổng Bí thư. Xin nhắc lại nguyên văn nội dung của kiến nghị đó trong văn bản đã được trao cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 :” … Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ Điều 4 của Dự thảo. Việc tiếp thu đề nghị này tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận“. 
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu lên: “Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả?” và quy kết đó là “ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì lại càng hồ đồ hơn nữa. Xin nhắc lại rằng, đây là quan điểm chúng tôi đã nêu hơn mười năm trước trong nhiều Hội thảo Khoa học do các cơ quan Nhà nước tổ chức và đã đăng công khai trên nhiều tờ báo.                                                                                                                                                           
Xin chỉ dẫn ra một ví dụ ; trong bài “Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự” đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân“, tiếng nói của Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân,  ngày 26.5.2006 và bài “Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “Làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền” cũng đăng trên “Người Đại biểu Nhân dân” ngày 10.6.2013, tôi đã trình bày về vấn đề “tam quyền phân lập” như sau :
” Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực phải có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thể hiện rõ nguyên lý quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền tham gia vào việc hoạch đinh pháp luật, giám sát và kiểm soát hoạt động và nhân sự của bộ máy nhà nước. Đây là điểm quy chiếu để xác lập sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước không pháp quyền…Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền thì quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân [nhà vua] hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền [gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng chung lợi ích, nhân dân đứng ngoài tiến trình này, hoặc chỉ là vật trang sức để lừa mị mà thôi".
Vậy thì dựa vào cơ sở nào để quy kết rằng nói đến "tam quyền phân lập" là " suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" xin Tổng Bí thư chỉ rõ ra đặng chúng tôi nâng cao nhận thức. Cũng xin nói thêm rằng, hai bài báo nói trên lại nằm trong cụm bài trong mục "Đàm luận sáng thứ hai" của tôi đã được tặng thưởng báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2006. Ban tổ chức đã động viên tôi bay ra Hà Nội nhận giải thưởng bằng việc cho biết là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ là người đứng ra trao giải thưởng đó. Tôi đã gửi thư cám ơn và in lỗi đã không ra Hà Nội được, và bức thư đó đăng trên báo. [Xin nói thêm là tiếp năm sau, tôi lại được tặng thưởng lần thứ hai giải báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2007 cùng với hai tác giả khác là ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội] ! Vậy mà nay tôi lại bị Tổng Bí thư quy kết là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” vì đã có tư tưởng về “tam quyền phân lập” thì xem ra tôi khó mà tiếp thu sự khiển trách của Tổng Bí thư về sự “suy thoái” của mình.
Đành tự an ủi với quan điểm tôi đã viết trong bức thư nói trên [đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 31.12.2006 với đầu đề do Tòa soạn đặt : "Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả".  Quan điểm đó là : "Nhằm giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải có sự lao tâm khổ tứ để chọn ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt để sao cho những cá nhân nào đó khỏi động lòng, khiến họ có thể dùng thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, gây khó khăn cho tờ báo đã đăng bài của mình...Nhưng rồi nghề nào cũng có nghiệp ấy, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cũng phải bằng mọi cách mà đi cho trọn con đường đã chọn...tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút trung thực của chính mình...!".
Vả chăng, thưa anh Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong biển cả nhân dân, sự bị xúc phạm của tôi chưa là gì so với điều mà anh đã xúc phạm đến nhân dân, trong đó có những bậc lão thành cách mạng đáng kính, những trí thức tâm huyết, những người từng giữ trọng trách, nay tuy đã về hưu, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Họ làm điều ấy với lòng mong mỏi đóng góp vào việc soạn thảo một Hiến pháp ngang tầm với đòi hỏi của thời đại, đáp ứng được khát vọng của cả dân tộc muốn hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới trong bối cảnh của nền văn minh mới thế kỷ XXI. Trong số đó, có người từng được Anh mời đến góp ý kiến với Hội đồng lý luận Trung ương, mà nếu tôi nhớ không nhầm, thì rất nhiều lần Anh tỏ ý kính phục và trân trọng trí tuệ và tâm huyết của những đóng góp ấy với tư cách là Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ. Những người như vậy mà Anh dám quy cho họ là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" sao?
Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm!Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào "điều cam kết" với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó. Vì vậy, nói về "suy thoái tư tưởng chính trị" thì không thể chỉ quy chiếu vào sự trung thành hay không trung thành với một hệ tư tưởng được áp đặt, khi mà thực tiễn đã chứng minh những giáo điều từng được học thuộc lòng về hệ tư tưởng ấy đã gây tai họa cho sự nghiệp của đất nước ghê gớm như thế nào. Thì chẳng phải "Đổi Mới" được xem là một cột mốc trong đời sống của dân tộc ta vì nó đã đưa đất nước vượt qua thảm họa của sự sụp đổ những năm 80 do sự áp đặt mô hình được xây nên bằng những giáo điều tai hại đó sao!
Cho nên, trung thành vơi truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại phải đem hết sức mình tiến về phía trước, như dòng sông chỉ có  chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Còn nói về tư tưởng chính trị của Đảng thì có lẽ nên tham khảo cách định nghĩa về "đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp :" Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào".
Ấy vậy mà, đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lựckhác, đều không tránh khỏi sự tha hóa. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa ấy chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị : ngày càng xa dân, cưỡi lên đầu lên cổ dân do cơ chế toàn trị, không muốn và không dám tiếp nhận sự phản biện xã hội [vì không có tự do tư tưởng, không có tự do báo chí, không cho phép quyền tư do lập hội...]. Và sự tha hóa ấy bộc lộ rõ quy luật đã được lịch sử đúc kết “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối“! Câu chuyện về “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất cứ ngày càng to dần lên, càng chống càng phình to ra như một căn bệnh ung thư đã di căn vô phương cứu chữa, mới đích thực là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị” gắn liền với “suy thoái về đạo đức lối sống” đáng sợ nhất.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng.
Sự suy thoái mà Anh vừa nói, trước hết được biểu hiện quá rõ mà “triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi : Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm? Cần phải nói thêm rằng, thế lực hiếu chiến mà ai đó đã “cam kết” lại đã ngang nhiên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm về ngày 17.2, ngày chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng lại rao rêu khắp cả nước, đưa cả vào sách giáo khoa dạy trẻ em Trung Quốc, rằng đó là cuộc chiến tranh tự vệ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”! Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược :” không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.
Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi?  Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.
Thực hiện sự “cam kết” đó, cùng với hương tàn khói lạnh trên các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17.2, là sự câm lặng trên toàn bộ báo chí chính thống và hệ thống truyền thông theo một cây gậy chì huy thống nhất, là sự ngăn chặn, cản trở, đe dọa bắt bớ và trấn áp những ai đã dâng hương hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở trận Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Còn sự suy thoái tư tưởng nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa anh Nguyễn Phú Trọng. Có sự sa đọa về đạo đức và lối sống nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa Tổng Bí thư?
Mặt khác, nếu muốn rao giảng về đạo đức thì chính là đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm, vượt qua mọi sự rình mò và soi mói để trang trọng dâng hoa và những dòng chữ tưởng niệm nhân ngày 17.2.2013 dưới chân tượng Đức Thánh Trần gần bến Bạch Đằng, quận I, thành phô Hồ Chí Minh. Chính là đạo đức, khi trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt là nhà cao tầng, biệt thự hay nhà tranh vách đất, người ta thành tâm thắp một nén hương, bày bình hoa trên ban thờ với dòng tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhân ngày 17.2. Cũng chính là đạo đức, khi nêu cao một lối sống không chịu khuất phục, dám ngẩng cao đầu để biểu thị chính kiến của mình như nhà báo trẻ nọ ” làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.” Biết rõ như vậy, nhưng nhà báo ấy vẫn nói lên tiếng nói trung thực của chính mình, “hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi ” như anh khẳng định.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Liệu sau khi nhỡ lời, anh có thấy hối tiếc vì mình đã xúc phạm đến những người được nhân dân kính trọng, vị tướng lão thành từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, năm nay đã 97 tuổi, đã suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ từng lời, thêm bớt, bổ sung trước khi ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, và ngày 17.2 vừa qua đã cùng với một số người đáng kính khác ký vào Kiến nghị ấy đã mang hoa đến tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống vì sự tồn vong của Tổ quốc? Nếu có, thì Anh nên xin lỗi họ, cũng tức là xin lỗi nhân dân. Chuyện nhất thời có sự hồ đồ thiếu tỉnh táo cũng là chuyện thường tình, cho nên xin lỗi là một cử chỉ văn minh trong lối sống của người có hiểu biết và có đạo đức. Người có “tư tưởng chính trị” vững vàng chính là người có bản lĩnh dám nhận sai lầm.
Vả chăng, hơn lúc nào hết, khi con thuyền của đất nước đang chao đảo, là người giữ trọng trách lèo lái thì biết thu phục nhân tâm, trân trọng hiền tài phải là cái đức của người biết mình, biết người. Trót hồ đồ, nói thiếu cân nhắc, xúc phạm những người đáng lý phải trân trọng, gây phẫn nộ trong công luận, thì việc lắng nghe để bình tĩnh nhận ra chân lý, có ứng xử thích hợp, luôn là điều đáng làm.
Đến một vị vua từng nằm gai nếm mật, mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lên ngôi đại định, mở đầu cho một triều đại vẻ vang thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ vẫn một lòng khiêm nhường kính cẩn : “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được hiền tài giúp đỡ việc trị nước…”. Còn vua Lê Thánh Tông, gặp khi có thiên tai đã chỉ dụ rằng “Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng?”.  Cũng trên cái mạch tư duy ấy, vua Minh Mạng thế kỷ XIX khi nghe tâu về vỡ đê, dân tình cơ cực đã xót xa tự vấn :” Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hòa khí, đến nỗi dân ta bị tai họa ấy, thực là một điều lỗi lầm của ta“! Thì ra, cha ông ta xưa đã không mắc phải điều mà ngày nay đã trở thành ca dao hiện đại : “mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài đảng ta“!
Gợi lên vài dòng lịch sử chi nhằm nói thêm với người gánh vác trọng trách quốc gia rằng : phải biết “kính cẩn, lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bên bờ vực” chứ không thể tùy tiện phán bảo và quen thói bịt miệng dân, chỉ muốn dân cúi đầu tuân phục “chỉ thị, nghị quyết”, cho dù thực tiễn cho thấy có quá nhiều chỉ thị nghị quyết sai lầm gây bao tai họa cho dân. Và rồi, cái cách lớn tiếng đe dọa “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng” của một vài người có trọng trách trên báo chí và trên tivi mấy ngày qua đã không hù dọa được ai! Trái lại, chỉ làm cho lòng dân thêm phẫn nộ. Điều này mong Tổng Bí thư cần lưu ý.
Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã thực hiện lời chỉ dẫn của Các Mác “ trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào.
Cho nên dù bị quy kết thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thấy là chẳng có gì đáng bận tâm. Bởi lẽ, là người am hiểu và tôn trọng phép biện chứng, chắc Tổng Bí thư nhớ nằm lòng ý tưởng của Hégel được Ph. Angghen dẫn ra để nói về biện chứng của sự phát triển : “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Người am hiểu về biện chứng như Tổng Bí thư chắc sẽ bình tâm suy nghĩ về “những bước tiến mới” mà đời sống đất nước đang chứng kiến, để với cương vị của mình, thúc đẩy cho những ý tưởng mới phát triển nhằm đẩy lùi trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa.Làm được như vậy thì dấu ấn để lại trong lòng người và cho lịch sử sẽ không là sự cáo chung của lực lượng bảo thủ cố duy trì cái cơ chế đã đưa đất nước vào ngõ cụt, mà là người đem lại sự canh tân, thuận với quy luật phát triển, đáp ứng được lòng dân.
Kính gửi Tổng Bí thư lời chào trân trọng.
TP Hồ Chí Minh ngày 28.2.2013
  Tương Lai

CHẾ ĐỘ ƯU VIỆT CỦA CHÚNG TA!


Trường của em rách nát, nằm ở giữa rừng hoang….

482541_190322674424793_1890002861_nMười mấy năm trước, chuyến công tác đầu tiên trong đời làm báo, lên xã biên giới ở huyện Quản Bạ (Hà Giang), khi đi qua điểm trường nằm ở bản, mình tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy cái túp lều được gọi là lớp học, nằm trơ trọi giữa tứ bề núi đá trọc lóc.
Từ ngạc nhiên chuyển sang… khâm phục các cô các trò, bởi trường làng mình học ở vùng ngoại thành đất Cảng, ít nhất cũng có bàn ghế gỗ đặt trên nền đất lồi lõm và ít nhất cũng có mái che nắng, tường che mưa, bảng đen để viết, chứ  không thông thống, dột nát và trò phải ngồi thân cây, cô dùng tường nứa làm bảng, như trên miền núi…312359_190322567758137_678741855_n
Bao năm đi làm báo, có lúc chợt giật mình tự trách, bởi sự ngạc nhiên – khâm phục ngày xưa đã trở thành vô cảm, vì đến vùng cao biên giới nào, cũng vẫn gặp những lớp học – ngôi trường như thế, nằm heo hút giữa thung sâu – núi cao.
Mà không ít đâu nhé!. Càng những điểm trường nằm xa đường đi lại, càng gặp những cảnh rách nát và cô trò dạy và học, cứ như đánh trận.
Mùa hè còn đỡ, bởi mưa rào, còn lấy lá che đầu, giữ sách ngồi học.
Mùa đông dài dằng dặc, mới thấy cực khổ khi cả cô trò dúm dó như những con chuột, run cầm cập bởi gió lạnh vẫy vùng, sương mù luồn vào đặc quánh, che lấp cả tầm mắt trẻ con nhìn lên bảng.
184007_190322621091465_1670941023_nNhiều người hỏi: “Sao không đốt củi để sưởi?”.
Ối giời!. Càng lên cao càng thấy hết rừng, núi đồi trọc lốc, đến kiếm củi nấu ăn còn khó, thứ để đốt, duy nhất là thân và lõi ngô để dành, sau vụ thu hoạch.
Chả thế mà bọn học sinh nội trú, cứ thứ 6 cuối tuần là được nghỉ buổi chiều, cho về sớm với bố mẹ, để ngày thứ Bảy và Chủ nhật đi kiếm củi, bòn lõi ngô, đầu tuần lếch thếch cùng sách vở – mắm muối đến Trường, để làm thứ nấu cơm canh, ăn cả trong tuần tới.
Mình không theo dõi về mảng Giáo dục – Y tế, nhưng cũng biết là đầu tư cho Giáo dục, nhất là xây dựng trường lớp các tỉnh vùng cao biên giới nhiều lắm.535448_190322664424794_730729277_n
Chả hiểu, số tiền ấy chậm giải ngân hay ở nước mình, nhiều cơ sở giáo dục quá mà qua bao năm, những nơi dạy con chữ – rèn con người vẫn cứ hồn nhiên đến mông muội, nguyên thủy vậy?.
Mình đang cùng các anh chị trong tít Sài Gòn huy động tiền bạc – công sức để triển khai xây dựng điểm Trường Háng Gàng (xã Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) 2 gian lớp học, tít trên đỉnh núi. Dẫu xa xôi, mọi thứ đều phải mang vác trên vai giáo viên, bộ đội, dân quân và phụ huynh, nhưng nhà lắp ghép, cũng chỉ gần 400 triệu.
400 triệu cho một ngôi trường rộng rãi, ấm áp, kín gió và dạy dỗ mỗi năm gần 100 đứa trẻ.
Chỉ 10 năm học, sẽ có cả nghìn đứa trẻ được học ra học, người ra người.
Như thế có hiệu quả – chất lượng, so với việc dạy khổ học sở như ở những nơi “trường của em rách nát, nằm ở giữa rừng hoang”, bây giờ không, nhỉ?..




























































 * Hình ảnh do MTH, các Thành viên Chương trình Áo ấm biên cương và đồng nghiệp, ghi được trong các chuyến công tác, khảo sát tại các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc. Một số ảnh đã được đăng tải trên mạng xã hội FB, OF, Phượt…