Wednesday, July 24, 2013

MẤT NƯỚC ĐẾN NƠI RỒI BÀ CON ƠI!




Nhan nhản 'phố Tàu': Đại biểu quốc hội nói gì?

Mạnh Quân 

Trong vài năm trở lại đây, ở nhiều nơi, do người dân thường xuyên giao thương với người Trung Quốc nên ngày càng xuất hiện nhiều phố trưng toàn biển tiếng Trung hay còn được gọi là “phố Tàu”.

Không chỉ ở Bắc Ninh, phố Tàu còn “mọc” ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Dương… Người dân thường lý giải rằng trưng như vậy để thu hút khách du lịch thuận tiện việc buôn bán, do yếu tố lịch sử, hay do sự thiếu hiểu biết của một số hộ dân…


Tuy nhiên, không chỉ các biển hiệu quảng cáo, thực đơn ở các phố này cũng dày đặc tiếng Trung... Thậm chí, các giao dịch nơi đây còn sử dụng tiếng Trung nhiều hơn tiếng Việt.

Đáng nói, tình trạng này đã tồn tại khá lâu như thách thức sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

“Phố Tàu” mọc ở khắp nơi

"Phố Tàu" ở Từ Sơn, Bắc Ninh (Ảnh: Internet)
Ở Bắc Ninh, đi dọc con đường làng vào thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng loạt tấm biển hiệu tràn ngập tiếng Trung xen giữa tiếng Việt ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ...

Theo một số người dân ở đây, nhiều người Trung Quốc thuê lại nhà nghỉ, cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho người Trung Quốc.

Tương tự, tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy - TP. Hạ Long cũng đầy rẫy biển hiệu in chữ Trung Quốc. Ngay biển hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng "chú thích" dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh lý giải nguyên nhân là do tại những địa điểm này, khách du lịch đến từ Trung Quốc và Đài Loan rất nhiều nên người kinh doanh thường in biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để thu hút lượng khách này. Cùng với tâm lý ganh đua, thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà bên cạnh cũng làm, người sau cố làm to hơn người trước...

Trong khi đó, ông Đào Xuân Đan - Chủ tịch UBND TP Hạ Long thừa nhận, thành phố chưa có cách giải quyết dứt điểm.

Vị lãnh đạo này thậm chí còn ví việc trưng biển sai luật giống như tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, các nhà chức trách vừa rời khỏi, dân lại thản nhiên treo lên như thách thức, coi thường luật pháp.

Xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng là nơi mọc lên hàng trăm quán bán bia, quán tạp hóa, quán nhậu, quán karaoke, mát-xa, cà phê, nhà trọ... với các bảng hiệu đều viết bằng chữ Tàu.

"Phố Tàu" giữa Thành phố Hạ Long khiến du khách " nhức mắt" ( Ảnh: Internet)
Trải dài 30 km dọc quốc lộ 1A qua các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) ở Hà Tĩnh cũng xuất hiện hàng trăm quán cắt tóc, cơm, nhà hàng, khách sạn biển hiệu Trung Quốc, Đài Loan.

Một người dân Kỳ Liên, cho biết: "Lao động Trung Quốc thường gợi ý nên lắp biển hiệu chữ họ và từ chối vào quán không có tiếng Trung. Vì vậy một số cửa hàng đặt biển hiệu toàn chữ Trung không có một chữ tiếng Việt, thậm chí không tiếp người Việt".

Ở Bình Dương, tại những nhà hàng, quán ăn do người Hoa mở, nhân viên, chủ quán đều dùng tiếng Hoa để giao tiếp. Bảng giá đồ ăn, thức uống được niêm yết bằng hai đơn vị là Nhân dân tệ và Việt Nam đồng. Rất nhiều trung tâm dạy tiếng Hoa do người Trung Quốc mở nhằm dạy người Việt Nam.

"Thả rông" như thế thì không được!

Trước thực trạng này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội và ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Anh khẳng định: “Đó là việc không hay. Theo luật, việc quảng cáo ở Việt Nam phải có tiếng Việt, sau đó mới được thêm chữ nước ngoài với kích cỡ nhỏ hơn. Thông thường họ hay sử dụng thêm tiếng Anh, nhưng tuyệt đối không được chỉ sử dụng duy nhất một thứ tiếng nước ngoài.

Làm như thế là không hay, không thích hợp. Cần gì cả khu phố ngập tràn tiếng Trung như thế? Làm thế sẽ gây ấn tượng không tốt cho những người Việt khác. Phải chấn chỉnh lại ngay!”.

Trước những lý giải của người dân, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam thẳng thắn nói: “Ở Việt Nam, muốn quảng cáo phải theo luật chứ không phải tùy tiện muốn đăng, viết thế nào cũng được.

Cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải xem xét xem trường hợp nào mới được quảng cáo, chứ “thả rông” như thế thì không được.

Đối với các trường hợp cụ thể trên, phải xử lý hành chính theo luật. Không thể quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc tràn lan một dãy phố như thế được. Chính quyền cấp xã, phường phải quản lý chặt việc đó”.

Đồng quan điểm với ông Quốc Anh, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, lý do người dân đưa ra không thể thuyết phục vì có nhiều cách quảng cáo, chứ không phải cứ treo biển lên rồi lý giải do có nhiều khách hàng là người Trung Quốc mà được.

“Nếu là người Trung Quốc sinh sống ở đó treo biển hiệu, họ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Theo tôi, đó là hiện tượng mà các cơ quan chức năng ở địa phương phải quan tâm, kiểm tra và căn cứ theo quy định của pháp luật để có biện pháp xử lý.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Họ phải kiểm tra, xác minh, làm rõ, căn cứ vào quy định của pháp luật để chấn chỉnh, có thể vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa việc giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra ở các khu vực này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

(từ Quê Choa)