Thursday, October 18, 2012

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI


Mất tích vì làm thơ chống Trung Quốc?

Cập nhật: 11:57 GMT - thứ năm, 18 tháng 10, 2012
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (phải)
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (phải) bị 'mất tích' từ hôm 14/10
Mẹ của nữ sinh viên bị "mất tích" Nguyễn Phương Uyên, người mà gia đình nói đã bị công an Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, đưa đi từ hôm 14/10/2012 nói gia đình hiện đang rất "hoang mang" và muốn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, nhất là các luật sư để tìm con gái của bà.
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 18/10 từ nhà riêng ở tỉnh Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên được cho là đã bị bắt vì làm thơ bài Trung Quốc, cho hay nữ sinh đang học tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã bị công an Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú đưa đi cùng ba người bạn cùng trọ phòng khác ở TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bà Nhung, người cho rằng sinh viên, học sinh yêu nước là chuyện bình thường, nói ba người cùng trọ phòng đã được trả về, còn con gái của bà thì không.
Bà Nhung cho hay, chồng của bà và là cha đẻ của sinh viên Phương Uyên đã tới công an Phường Tây Thạnh thuộc công an Quận Tân Phú để tìm con gái, nhưng không tìm thấy nữ sinh viên sinh năm 1992 này.
Bà Nhung tỏ ra băn khoăn và nói: "Chúng tôi chưa biết cháu ở đâu hết và gia đình đang rất hoang mang vì không biết con mình đang ở đâu. Tự dưng bắt rồi mất tích luôn.
"Anh nhà (tôi) có lên thành phố và tiếp cận khu vực mà cháu trọ, mấy đứa trẻ cùng bị bắt một lúc, thì người ta đã trả về luôn. Còn riêng con bé nhà (tôi) thì không được trả.
"Thì (chồng tôi) có đi lên công an Phường Tây Thạnh, đến đó hỏi, họ nói ở đây không có xảy ra vụ việc đó, không có bắt giam ai hết."
"(Chúng tôi) không có tìm được ai, không biết là liên lạc với ai để tìm ra tung tích con bé hết. Thực sự cứ như là mất tích."
Gia đình bà Nhung cho hay gia cảnh của cô Phương Uyên eo hẹp, nữ sinh này còn có một em nhỏ ở tuổi tiểu học và cả nhà làm ruộng là chính, chắt bóp để cho cô lưu học trên thành phố.
Bà Nhung nói gia đình hiện không biết làm cách nào, liên hệ với ai để tìm kiếm tung tích con gái và khi được hỏi có nguyện vọng tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan, cộng đồng, hay tổ chức luật sư miễn phí hay không, bà nói:
"Thực chất bây giờ gia đình kinh tế khó khăn, mà tìm đến cơ quan luật sư thì gia đình không có điều kiện, hoàn toàn bế tắc, không có điều kiện.
"Bây giờ, chúng tôi muốn nhờ đến nơi nào đó mà có thể cứu giúp (cháu) bé trở lại môi trường để bé đi học."

'Yêu nước là bình thường'

"Với những hành vi ngang tàng bạo ngược của Trung Quốc, xâm chiếm lãnh hải, làm những chuyện không ai mà không biết, thì sinh viên, học sinh suy nghĩ như thế, theo tôi không có gì là nghiêm trọng"
Bà Nguyễn Thị Nhung - mẹ SV Phương Uyên
Khi được hỏi gia đình suy nghĩ sao nếu Phương Uyên có thể đã bị bắt để răn đe bản thân cô và các thanh niên, sinh viên cùng lứa của cô do có hành động "bài Trung Quốc," bà Nhung nói:
"Nói thực sự, gia đình cũng chưa nghĩ đến việc đó. Có một cháu bé bị bắt cùng kể lại là chỉ có một câu thôi, khi lên Công an Phường Tây Thạnh, các chú (Công An) hỏi thì con bé nhà tôi nói là nó ghét Trung Quốc.
"Nếu thực chất mà cháu ghét Trung Quốc, thì điều đó theo tôi nghĩ không có vi phạm pháp luật đến mức nghiêm trọng. Là vì một công dân yêu nước là chuyện bình thường.
"Với những hành vi ngang tàng bạo ngược của Trung Quốc, xâm chiếm lãnh hải, làm những chuyện mà phải nói là không ai mà không biết, thì sinh viên và học sinh mà suy nghĩ như thế, theo tôi không có gì là nghiêm trọng."
Một nguồn từ trong nước cho BBC hay Phương Uyên đang là Ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn của lớp mà cô theo học, đồng thời là phát thanh viên Đoàn trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.
Nguồn này nói nữ sinh này "học rất giỏi nên được nhiều thầy cô bạn bè yêu mến" và cho hay: "Uyên bị bắt vào khoảng hơn 11 giờ sáng, ngày 14 /10/1992. Công an khoảng 10 người mặc thường phục và sắc phục vào dẫn Uyên và những bạn trong nhà trọ đi chỉ nói là để xác minh một số vấn đề rồi về.
"Ban đầu Uyên bị đưa lên công an Phường Tây Thạnh quận tân phú TPHCM, sau Uyên bị giải lên công an Quận Tân Phú TPHCM rồi mất tích cho đến nay .
"Lý do công an bắt Uyên là Uyên đã làm truyền đơn chống Trung Quốc ở Bình Thuận , công an thu được những tấm hình bất lợi cho bạn đó ở ngay phòng trọ lúc kiểm tra điện thoại."
BBC đã tìm cách liên lạc với Văn phòng Hiệu trưởng và Phòng Công tác Sinh viên của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng như với Công an Quận Tân Phú, nhưng chưa liên lạc được.

Theo BBC

_____________________________________



Nữ sinh viên bị công an TPHCM bắt, biệt tích

2012-10-16
Cô Nguyễn Phương Uyên quê ở Bình thuận, đang theo học Đại học Công nghiệp Thực phẩm, TPHCM, bị công an ở Saigòn bắt trong 4 ngày nay, dù công an nói chỉ mời làm việc rồi cho về ngay. Gia đình cô hoàn toàn không được thông báo về vụ bắt giữ này.

Hình do Bạn cô cung cấp
Cô Nguyễn Phương Uyên tại lớp học ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ảnh chụp trước đây.
Trên Facebook, bạn bè cô chia sẻ rằng rất nhớ cô, mong muốn cô sớm được về với gia đình. Thanh Quang điện thoại cho thân phụ của cô Nguyễn Phương Uyên, là ông Nguyễn Duy Linh, từ Phan Thiết hiện đã vào Saigon lo cho con gái.
Trước hết, ông cho biết:
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ chưa biết, chưa biết cháu Phương Uyên bị giam ở phường hay quận hay TP. Chưa biết nơi nào.
Thanh Quang: Thưa ông, chúng tôi được biết là dường như có bà nội của cô Phương Uyên đã đến công an phường Tân Thạnh thuộc quận Tân Phú, TPHCM, rồi lên đến công an quận Tân Phú nữa, thì vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ đúng là bà nội họ của cháu. Nhưng khi đến, họ vẫn nói không biết, không có giam ai, không bắt ai.
Thanh Quang: Thưa ông, nguyên nhân nào mà cô Nguyễn Phương Uyên bị bắt như vậy?
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ chưa rõ lý do chính thức, nhưng nghe các bạn học của cháu nói là có tin tung lên mạng về những việc sai trái, không hay.
Thanh Quang: Sai trái, không hay đó là như thế nào. Một cách cụ thể là những việc gì?
Ông Nguyễn Duy Linh: Vấn đề có liên quan đến chính trị.
Thanh Quang: Thưa ông, có phải liên quan vấn đề truyền đơn để chống Trung Quốc xâm lược khôn?
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ cũng đâu đó. Nhưng hiện chưa rõ lý do chính thức. Sáng nay tôi mới vào TP (HCM). Nhà thì ở ngoài Phan Thiết. Vấn đề chưa xác định.
Thanh Quang: Thưa, tình cảnh của con ông như vậy, ông dự tính ứng phó ra sao?
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ như thế thì quá bức xúc. Chưa có hiểu lý do nào mà họ bắt vô cớ như vậy.
Thanh Quang: Ông nhận xét như thế nào về trường hợp của con ông hiện giờ?
Ông Nguyễn Duy Linh: Họ bắt con tôi mà tôi không biết đang bị giam giữ nơi nào, nên rất lo lắng.
Thanh Quang: Nhân đây ông có muốn lên tiếng gì với công luận về trường hợp của con ông không?
Ông Nguyễn Duy Linh: Dạ bé Phương Uyên còn nhỏ, còn đang đi học. Họ bắt giam cháu mà chúng tôi không rõ lý do, khiến làm bức xúc gia đình, quá lo lắng. Tôi mong họ thả cháu ra càng sớm càng tốt. Trả lại tự do bình thường để cháu tiếp tục học hành.
Thanh Quang: Xin cảm ơn ông Nguyễn Duy Linh.



________________________________________




Chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.


Mấy năm gần lại đây, lợi dụng vấn đề biển Đông đang có tranh chấp giữa hai nước Trung - Việt. Một số thế lực thù địch đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc về quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng mà Đảng ta đã dày công vun đắp với nhà nước Trung Hoa anh em. Phải nói rằng thành tựu ngoại giao nổi bật và thành công nhất trong thời kỳ đổi mới mà Đảng ta đạt được là thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Trung Hoa, phân định đường biên giới giữa hai nước, phân định lại vịnh Bắc Bộ. Ký kết nhiều hợp đồng kinh tế đầu tư lớn như Bô Xít Tây Nguyên và trao đổi văn hoá, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo.....


Bất chấp những thành công đạt được trong mối quan hệ chiến lược với Trung Hoa là vô cùng to lớn. Các thế lực thù địch ngày đêm vẫn chống phá mối quan hệ này bằng những luận điệu thâm độc, chúng muốn chia rẽ khối đại đoàn kết anh em giữa hai nhà nước cùng thể chế chính trị, cùng CNXH, hai nhà nước anh em được chủ tịch Mao vĩ đại và chủ tịch Hồ cũng vĩ đại đã dày công xây đắp.

Một trong những luận điệu xuyên tạc đó là , chúng nói rằng nhà nước Việt Nam bị chi phối bởi nhà nước Trung Hoa. Rằng mọi đường lối, chính sách, cơ cấu, tổ chức nhân sự của Việt Nam đều phải rập khuân y chang nhà nước Trung Hoa.

Nhưng bằng chứng thực tế diễn ra đã cho thấy nhiều ví dụ chứng minh rằng không phải Trung Hoa diễn ra thế nào là Việt Nam phải diễn ra như vậy. Vì là chung định hướng CNXH nên hai nước có nhiều điểm tương đồng. Nhưng tính chất của mỗi nước khác nhau, Việt Nam có những xử sự không giống Trung Quốc trong nhiều vấn đề xảy ra ở nước mình, cho dù tính chất của sự việc xảy ra về nội dung, tính chất, nguyên nhân là y hệt nhau.

Ví dụ 1

A - Người Trung Quốc biểu tình chống cái mà họ cho là Nhật chiếm đóng chủ quyền quần đảo của Trung Quốc. Khi biểu tình, những người Trung Quốc la hét, chửi bới, đập phá tài sản của người Nhật, đánh trọng thương người dùng hàng Nhật . Báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ về chuyện này một cách thoải mái, không bị ngăn cấm. Chưa thấy nhà nước Trung Hoa có biện pháp gì về việc này, hình ảnh trên báo Trung Hoa thấy những người biểu tình này như những người dân yêu nước nồng nàn.

B - Người Việt Nam bị cấm biểu tình phản đối nhà nước Trung Hoa chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, bị bắt vì tội cho là gây rối trật tự công cộng ( mặc dù người Việt Nam biểu tình không đập phá, đánh đập, mạt sát cá nhân cũng như tổ chức nào). Người biểu tình Việt Nam bị tổ dân phố cưỡng chế giáo dục, bị giám sát, tra hỏi từ nơi ở đến chỗ làm việc....Báo chí Việt Nam gọi những người Việt Nam biểu tình là gây rối, phản động...

Ví Dụ 2

A - Những tác phẩm về chiến tranh biên giới Việt- Trung thời kỳ năm 79 tại Trung Hoa được xuất bản. Ca ngợi người lính Trung Hoa là anh hùng, chính nghĩa trong cuộc chiến mà họ gọi là bảo vệ biên giới Phía Nam. Trong muôn vàn cuốn sách ca ngợi cuộc chiến năm 79 của Trung Hoa, có cuốn sách còn được dịch ra tiếng Việt và được nhà xuất bản lớn nhất Việt Nam cho xuất bản.

B - Tác phẩm về chiến năm 79 của Việt Nam như Rồng Đá không được xuất bản, báo chí, sách báo, truyền hình Việt Nam không còn đề cập đến vấn đề này. Thậm chí có những nơi bia ghi tội ác của quân Trung Quốc xâm lược bị đục bỏ. Những ngôi mộ của liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến này đều chỉ được ghi chung chung là hy sinh bảo vệ tổ quốc...Truyền thông Việt Nam không hề nhắc tới ngày mà Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, tàn sát đồng bào Việt Nam và bao nhiêu nghìn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh chống lại sự xâm lược ấy.

Ví dụ 3

A- Những ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam được nhà nước Trung Quốc khuyến khích động viên. Hàng chục nghìn tàu đánh cá Quảng Đông trước khi tiến vào biển Đông khai thác đánh cá được tổ chức tiễn đưa như lễ hội, quan chức cao cấp đến dự. Cá biệt có vài tàu bị hải quân Việt Nam bắt giữ chỉ bị cảnh cáo cho về. Thậm chí có ngư dân Trung Quốc ở nuôi hải sản tại khu vực quân sự Việt Nam hàng năm trời không bị sao.

B- Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt sẽ bị tịch thu tài sản, bắt gọi điện về nhà bảo người thân mang tiền nộp phạt, số tiền phạt nên đến hàng trăm triệu đồng Việt Nam. Thậm chí ngư dân Việt Nam còn bị đánh đập, xỉ nhục. Bị tàu thép đâm vào tàu đánh cá chìm nghỉm giữa biển khơi mênh mông , tính mạng bị đe doạ.

Ví dụ 4

A- báo chí Trung Quốc nhiều lần lớn tiếng đòi quân đội Trung Quốc phải dùng vũ lực để đánh Việt Nam vì cả gan tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, họ mạt sát Việt Nam là đồ vô ơn, tham lam, xâm lược.

B- báo chí Việt Nam luôn đề cao tình hữu nghị, nhắc nhớ luôn công ơn giúp đỡ của CHND Trung Hoa đã giúp đỡ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân của nhân dân Việt Nam. Luôn dĩ hoà , vi quý với lời lẽ mềm mỏng cầu mong xử lý vấn đề biển đảo trong đối thoại hoà bình.


..và còn nhiều ví dụ trái ngược khác trong ứng xử của nhà nước Việt Nam và nhà nước Trung Quốc trong một vấn đề có cùng nội dung, tính chất điển hình là vụ Bạc Hy Lai gần đây xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam chúng ta không bắt chước làm theo, mà xử lý theo tinh thần nhân ái, phê để giúp nhau tiến bộ. Chứ không phải phê để đấu đá, dìm nhau xuống.

Từ những ví dụ trên, đã chứng mình thấy rõ. Mặc dù ở cạnh một nước lớn, có cùng chung thể chế chính trị. Nhưng quyền độc lập, tự chủ của Việt Nam là rõ ràng không hề bị chi phối, rập khuân, phải làm bắt chước,sao chép từ Trung Quốc. Những thế lực thù địch dù có xuyên tạc thế nào, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tinh thần độc lập, tự chủ của chính quyền Việt Nam là rõ ràng, không một quốc gia nào dù mạnh đến đâu có quyền can thiệp, áp đặt vào nội bộ nước ta.

Sớm muộn gì nhân dân ta cũng phát hiện ra bộ mặt dối trá, tuyền truyền láo của những thế lực thù địch âm mưu ngày đêm phá hoại đất nước ta. Bọn chúng sẽ phải trả giá vì động cơ này.


theo nguoibuongio






Sunday, October 14, 2012

GÓC NHÌN