Monday, January 30, 2012

Nhìn từ Tiên Lãng: Đâu là “mảng tối” của vấn đề?




Toàn cảnh khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Xung quanh vụ việc thu hồi đất của dân, dẫn đến vụ nổ súng chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng (TP Hải Phòng), Đoàn giám sát của TƯ MTTQ Việt Nam đã về cơ sở tìm hiểu. Những thông tin thực tế từ cơ sở đã cho thấy và càng thêm khẳng định chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ cơ sở chưa thực sự tôn trọng, thực thi tốt pháp luật, đặc biệt chưa gần dân, hiểu và thương dân, thậm chí coi thường dân.



Đoàn giám sát UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục về làm việc tại Tiên Lãng

Liên quan đến vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, sắp tới đoàn giám sát UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục về làm việc tại Tiên Lãng để tìm hiểu thu thập chứng cứ vụ cưỡng chế trên.

Trước đó, trong hai ngày 19 và 20-1-2012, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Nguyễn Công Nguyên, Trưởng ban Kinh tế đối ngoại, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã về Hải Phòng làm việc, tìm hiểu về vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại huyện Tiên Lãng. Đoàn đã làm việc với MTTQ TP. Hải Phòng, MTTQ huyện Tiên Lãng, lãnh đạo xã Vinh Quang, đồng thời thăm hỏi, lắng nghe ý kiến người dân xã Vinh Quang xung quanh vụ cưỡng chế nói trên.

Theo bà Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn) cho biết, gia đình bà đã gửi đơn tố cáo đến Tổng Thanh tra Chính phủ về hành vi hủy hoại tài sản công dân của UBND huyện Tiên Lãng. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Hiền đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi hủy hoại ngôi nhà, và các tài sản trên phần đất không thuộc diện bị cưỡng chế. Bà Hiền cũng cho biết, gia đình bà không chỉ bị thiệt hại về ngôi nhà và các tài sản trong nhà mà sau khi vụ án xảy ra, nhiều người lạ còn tháo cống và dùng kích điện để vét sạch tôm, cua, cá vược, cá trắm trong khu đầm gia đình ông Vươn nuôi thả, trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, hiện một số người dân xã Vinh Quang cũng đã ký vào đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ phát ngôn của lãnh đạo TP .Hải Phòng cáo buộc người dân xã Vinh Quang đập phá nhà ông Vươn.

H.Vũ

 
Chỉ khi xuống với dân, sát dân, người ta mới "vỡ” ra nhiều điều. Đi tìm những lời giải, rằng tại sao những người nông dân chân lấm tay bùn, những người dân vốn chăm chỉ, cần cù chân chất sao lại liều lĩnh, đùa với pháp luật? Sự việc không đơn giản, khi nghĩ rằng họ thiếu hiểu biết pháp luật, liều lĩnh? Thực tế, vấn đề vụ việc đã diễn qua hàng chục năm, từ đề nghị, kiến nghị rồi khiếu nại, tố cáo... thậm chí ra Toà và người dân đã và vẫn đang tiếp tục đi tìm lẽ công bằng. Vì sao những tiếng "kêu” của người dân, những cái "vướng” của vấn đề đã không thấu đến "trời cao”? Hàng chục năm, sự việc đã không được giải quyết thấu đáo. Cái bức màn u ám vẫn cứ lơ lửng, không ai tháo gỡ. Cái gì đang vướng ở đây: Pháp luật, cơ chế, cán bộ, sự tiêu cực, tham nhũng hay những uẩn khúc nào khác? Mỗi sự việc xảy ra chỉ có một thực tế, một sự thực. Vậy nhưng có những thực tế, một vấn đề như bản chất vụ việc, hay đến chuyện phá cái nhà của ông Vươn, cán bộ chính quyền, đoàn thể rồi người dân phản ánh hoàn toàn trái ngược nhau. Ai đúng? Ai sai? Rồi cái lý của chính quyền, cái lý của dân cứ giằng co. Rồi mặc dù chưa thực thi đúng pháp luật, nhưng người ta đã ỷ vào thế mạnh của những người có thế lực, nắm quyền... Một bên người dân thì... bức bách hoá liều, cái liều của người khi bị đẩy vào đường cùng...

Từ vụ việc ở Tiên Lãng, nhiều vấn đề cần được đặt ra. Theo dõi vụ việc, nhiều người ngỡ ngàng, nhưng cũng không ít người cho là không lạ. Bởi người ta đã từng gặp, thấy không ít những chuyện kiểu như vụ cưỡng chế này. Nhiều người dân đã phải ngậm đắng, nuốt cay, chịu thiệt thòi. Không ít cái sai, sự làm càn của một số cán bộ chính quyền đã diễn ra rồi đi vào quên lãng và họ lại tiếp tục lộng hành với cái quyền của người dân trao cho họ. Sự lạm quyền, không tuân thủ pháp luật đã không chỉ xảy ra ở vùng biển Hải Phòng này. Riêng ở Tiên Lãng, không chỉ là bi kịch của gia đình ông Đoàn Văn Vươn mà còn là bi kịch của hàng chục gia đình cùng chung cảnh ngộ. Và rồi cũng không chỉ của hàng chục gia đình ở Tiên Lãng, mà còn rất nhiều gia đình khác ở nhiều nơi đã phải lâm vào hoàn cảnh bị o ép, từng bị hệ luỵ của cái gọi là quyền lực bị lạm dụng, như ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam.v..v.

Xin nêu ra đây một "hoàn cảnh” xảy ra tương tự như hoàn cảnh của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình. Nếu như với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, tấn bi kịch xuất phát từ sự nhiệt huyết khai hoang lấn biển, thì với trường hợp của gia đình ông Dương Hữu Hậu và bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình lại đến từ lòng nhiệt huyết khai hoang trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Năm 1985, người lính Dương Hữu Hậu, rời tay súng trở về địa phương cùng vợ là Vũ Thị Hải thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước khai hoang trồng rừng. Cùng với trồng rừng, ông Hậu còn thuê máy ủi đắp đập giữ nước, nuôi cá, xây dựng mô hình rừng-vườn-ao-chuồng. Gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (bìa xanh) đến 11,9 ha rừng. Cũng đau đớn như ông Vươn (đã mất cả người con gái), ông Hậu đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Ngày 21-3-2000, trong khi trồng rừng, đắp đập, hàng tấn đất đã đổ xuống người, ông Hậu đã chết trong đau đớn. Tai hoạ thiên tai đã khắc nghiệt, nhưng những tai hoạ nhân tai còn tai quái hơn, đã liên tục đổ xuống bà Hải, người vợ mất chồng, đổ xuống những người con mất cha, đến từ chính những cán bộ chính quyền, đến từ những quyết định "oái oăm”. Trồng rừng nhưng không được khai thác, kể cả khai thác củi. Chính quyền xã từng đã huy động cả hơn 30 người, 3 xe ô tô, bắt giữ mẹ con bà Hải, tịch thu số củi của bà khai thác. Rồi giấy chứng nhận đất rừng bị thu lại, người ta ra quyết định phân chia cho người khác. Từ người trồng rừng, bà Hải cũng đã bị quy tội chống người thi hành công vụ, khi ngăn cản không cho những người mang danh chính quyền tới chặt phá khu rừng mình trồng, trên giấy tờ đã giao cho người khác. Rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên phần đất rừng mình khai hoang, mà người chủ là chính ông Bí thư xã lúc ấy. Bao năm bà đi khiếu nại từ địa phương đến trung ương, nhưng đơn từ cứ chạy vòng vo. Cuộc sống của gia đình bà đã khó khăn càng cơ cực trong bệnh tật, ốm đau...

Hai trường hợp, hai bi kịch: Một của gia đình ông Vươn, một của gia đình ông Hậu, một ở biển, một ở rừng. Còn có biết những trường hợp như của ông Hậu, ông Vươn làm người ta xót xa? Nguyên nhân vì đâu? Do chính sách, do những quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa xuống dân hay do cán bộ, chính quyền chưa thực hiện đúng pháp luật? Nhiều vấn đề, mỗi vụ việc cần được làm rõ. Với hai vụ việc nêu trên, có thể thấy chính sách, pháp luật chưa được các cán bộ, chính quyền địa phương tuân thủ đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết với nhiều vụ việc cũng như hai vụ việc nói trên, đều có một điểm chung là cán bộ, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự gần dân.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Pháp luật được xây dựng, để điều chỉnh các hoạt động xã hội, công dân để xã hội phát triển có trật tự, cũng là để bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho dân. Một khi những chính sách, pháp luật đã được xây dựng nhưng bất cập, không có lợi cho dân thì cần phải sửa đổi. Đã có rất nhiều quy phạm pháp luật, kể cả đạo luật cao nhất là Hiến pháp đã được sửa đổi vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi người dân. Với các cán bộ, chính quyền, được người dân trao quyền, thay mặt dân để thực thi, nhưng tiếc thay nhiều người, nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Công bằng ở đâu? Nhiều người dân khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì sự phát triển của đất nước, vì xã hội, nhưng không thể chấp nhận khi quyền lợi của họ bị tước đoạt chuyển sang tay của những kẻ tham lam, cậy quyền thế. Quyền lợi của họ phải được pháp luật bảo hộ, thực hiện đúng theo pháp luật. Khi có công bằng, có dân chủ mọi vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để. Sự giải quyết có tình, có lý chỉ có được khi cán bộ thực sự gần dân, hiểu dân và thương dân.


K.Long/Đại đoàn kết

Sunday, January 29, 2012

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: SÀI GÒN RONG CHƠI KÝ


Đoàn Thạch Hãn -

Trên phương diện học thuật, không ai có thể phủ nhận Vũ Hoàng Chương là một trong những cây đại thụ của thi ca Việt Nam cận đại. Theo nhận định của nhiều nhà phê bình văn học thuộc nhiều thế hệ, so với các nhà thơ đồng thời, thơ Vũ Hoàng Chương có những nét riêng trau chuốt từng câu, từng chữ,  giàu nhạc điệu, nhẹ nhàng, sâu lắng, lãng mạn và sang trọng.

 Vũ Hoàng Chương

Ông sinh ngày 5/5/1916 tại làng Phù Ửng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Nam Định (nay thuộc về Hưng Yên). Vũ Hoàng Chương đỗ tú tài Pháp năm 1937. Sau đó, theo học Trường Luật rồi cử nhân toán tại Hà Nội, nhưng tất cả cũng chỉ được một vài năm rồi bỏ, để theo nghề dạy học và làm thơ cho đến cuối đời. Năm 1954, ông di cư vào Nam, tiếp tục dạy văn ở một số trường trung học, và  Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vũ Hoàng Chương mất ngày 6/9/1976, khi vừa tròn tuổi 60.

Tôi là một người may mắn, khi có một thời gian được tiếp xúc và gặp gỡ thi sĩ Vũ Hoàng Chương dường như mỗi ngày. Đó là vào khoảng cuối năm 1973, đầu năm 1974, khi vợ chồng ông đang tá túc tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, trong một căn phòng được ông gọi là “gác mây”, nằm cuối đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận).

Lúc bấy giờ, tôi đang giữ trang thơ của nhật báo Sóng Thần. Một buổi sáng, vừa bước vào tòa soạn ở số 133 Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), đã thấy nhà văn Chu Tử (chủ bút) đang ngồi uống trà với Ngọc Thứ Lang (người dịch cuốn Bố Già) và nhà thơ Hoàng Trúc Ly. Bỗng dưng có ai đó nhắc đến thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nói ông đang bệnh nặng. Thế là Ngọc Thứ Lang buột miệng: “Tội nghiệp, Vũ Hoàng Chương nghèo kiết xác, nên thiếu “thóc” (thuốc phiện) là ngã bệnh, nếu được hút đủ đô là khỏe ngay”. 

Điều này có lẽ không sai, bởi hơn ai hết, Ngọc Thứ Lang cũng là một con nghiện rất nặng và thỉnh thoảng vẫn ghé lại “gác mây” thù tạc với Vũ Hoàng Chương. Không hỏi thêm một câu nào, ông Chu Tử quay sang ra lệnh cho tôi, xuống ban Trị sự, lấy tiền mua vài lạng thuốc phiện đem biếu cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nghe thế, tôi rất vui khi biết mình sắp được gặp gỡ nhà thơ lớn mà mình ái mộ từ lâu, nhưng chỉ nghe danh chứ chưa được diện kiến lần nào. Có tiền, tôi nhờ anh Ngọc Thứ Lang đưa qua con hẻm đối diện tòa soạn, nơi có hai động hút dường như bán công khai, mua hai lạng thuốc phiện loại hảo hạng rồi đi ngay. Dọc đường, tôi cứ phân vân không biết phải xưng hô với thi sĩ Vũ Hoàng Chương như thế nào cho phải phép. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ gọi ông bằng thầy và xưng em là ổn nhất.

Không có gì khó khăn để tôi tìm ra nhà nữ sĩ Mộng Tuyết. Gọi là “gác mây”, cái tên nghe rất thơ mộng, nhưng thật ra, đó là một căn phòng nhỏ, chỉ hơn 20 thước vuông, không có lấy một thứ đồ đạc nào đáng giá. Trên một chiếc đi văng bằng gỗ, được trải mấy tấm chiếu hoa, Vũ Hoàng Chương ngồi tựa lưng vào vách, gầy gò và mệt mỏi. Trên khuôn mặt xanh xao là một cặp kiếng trắng dày cộm. Trước mặt ông là một tờ báo và một chiếc kính lúp, mỗi khi đọc, ông phải soi từng dòng. Ngồi trên chiếc ghế kê sát cửa ra vào là bà Thục Oanh, vợ của ông, một người đàn bà với vẻ bên ngoài rất bình thường, nhưng lại có đời sống rất phi thường. 

Bởi lẽ, bà còn là chị ruột của thi sĩ Đinh Hùng. Suốt đời người đàn bà này là chỗ dựa của hai nhà thơ lớn mà ngoài tánh khí thất thường ra, cả hai còn là những con nghiện á phiện rất nặng từ khi còn rất trẻ, nhưng chẳng bao giờ làm ra được nhiều tiền. Vì thế, mà bà Thục Oanh âm thầm chịu đựng cảnh túng thiếu, cắn răng lo cho hai nhà thơ lớn của Việt Nam mà chẳng hề ta thán. Thấy tôi xuất hiện, bà Thục Oanh đứng dậy chào khách và hỏi tôi muốn tìm ai? Tôi nói ngay: “Ông Chu Tử nhờ em đem biếu cho thầy ít quà”. Tôi trở nên hụt hẫng khi nghe Vũ Hoàng Chương nói, cho dù giọng ông chậm rãi và nhỏ nhẹ: “Chu Tử là ai? Hình như tôi không quen người này, nhưng  tại sao lại biếu quà cho tôi, mà quà gì thế?”. Khi nghe tôi nói tới thuốc phiện, nét mặt ông rạng rỡ hẳn lên. 

Tôi ngồi xuống mép đi văng, đặt hai lạng thuốc phiện lên tờ báo cũ mà ông đang đọc dở. Như bị ma lực của nó thu hút, ông cầm lên, mở ra, vẻ thích thú của một tay sành điệu: “Thuốc Thượng Lào, sản phẩm hảo hạng đây”. Thế là câu chuyện giữa tôi và thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở nên thân mật hơn. Ông nói, mỗi ngày ông vẫn có thú vui đọc báo, nhưng chỉ đọc được một tờ, bởi không có đủ báo. Tôi hứa, mỗi ngày sẽ mang đến cho ông đủ các loại nhật báo phát hành trong ngày. Để cho ông yên lòng, tôi nói, mỗi ngày tôi thường đi ngang qua đây, nên rất thuận đường. Nói thế là vì tôi mong được kết thân với ông, chứ chẳng có viếc gì phải cần đến khu vực này cả. Ông nhận lời một cách vui vẻ, và từ đó, chiều nào tôi cũng mang báo đến cho ông, rồi ngồi chuyện trò với nhau đủ mọi thứ chuyện trên đời, rồi thành thân thiết.

Vài tuần sau, một lần Vũ Hoàng Chương bất chợt nhắc đến sức khỏe nhà văn Chu Tử. Nhân đó, tôi hỏi, dường như ông và Chu Tử cũng quen nhau, nhưng giữa hai người có điều gì đó lấn cấn? Ông thú thật là có quen biết. Nhưng do mâu thuẫn gì đó với Chu Tử, nên thôi. Còn như Chu Tử có xúc phạm Vũ Hoàng Chương hay không, cũng chẳng ai biết hư thực ra sao, bởi đó cũng chỉ là thị phi của người đời.    
               
Có những buổi chiều khi tôi đến thì bà Thục Oanh vắng nhà. Tôi tự pha trà và ngồi đối ẩm với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tôi hỏi ông về chuyện tình yêu và những bài thơ đau tình bất hủ của ông. Nét mặt ông trở nên buồn vời vợi, nói như nói với chính mình: “Năm tôi 25 tuổi thì Tố Uyển đi lấy chồng, tôi đã như điên, như cuồng. Người ta biết nhiều đến chuyện tình ly cách và những bài thơ tôi làm cho Tố Uyển giai đoạn này, đặc biệt là hai câu mà nhiều người thuộc:

Tình ta, ta tiếc cùng ta khóc -
Tố của Hoàng, nay Tố của ai…

Ông nói tiếp: Thật ra còn có một người phụ nữ nữa, cũng  làm cho tim tôi và thơ tôi rỉ máu, nhưng ít được người ta nhắc tới  hơn:

Kiều Thu hề! Tố em ơi
Ta đang lửa đốt tơi bời mái tây…

Tôi hỏi: “Thế còn cô Thục Oanh?”. Ông nói: “Đó là một người bạn đời, người chia ngọt sẻ bùi, tuy không phải là người tình nhưng còn hơn cả người tình”.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường nói với tôi là ông không có bạn. Nhưng theo tôi nhìn thấy thì ông sống rất tình nghĩa. Có lần ông hỏi tôi có thường gặp Ngọc Thứ Lang không? Tôi nói rất thường gặp. Sáng nào cũng thấy anh ngồi ở quá cà phê trước tòa soạn báo Sóng Thần. Dạo này trông anh rất yếu và hay đau ốm. Thế là chẳng nói, chẳng rằng, ông lấy trên đầu nằm ra một cục thuốc phiện, cắt làm đôi, gói cẩn thận bằng một mảnh giấy kiếng màu cam, rồi trao cho tôi, dặn dò:  “Đưa cho Ngọc Thứ Lang và đừng nói gì cả”.   

Một buổi chiều khác, tôi gặp Lê Cung Bắc (nay là đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc) tại tòa soạn, và rủ anh ghé Vũ Hoàng Chương chơi. Lê Cung Bắc nhận lời ngay, bởi anh cũng là người yêu thơ và rất ái mộ thơ Vũ Hoàng Chương. Đó là một buổi gặp gỡ hết sức thú vị.

Trước khi theo tây học, Vũ Hoàng Chương từng học chữ Nho nhiều năm, thuộc loại uyên bác. Còn Lê Cung Bắc lại xuất thân trong một gia đình khoa bảng, mấy đời ông cha liên tục đỗ đầu các đại khoa dưới triều Nguyễn. Do đó, anh cũng rất tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh,… từ hồi còn rất trẻ. Đặc biệt, Lê Cung Bắc thuộc làu rất nhiều bài Đường thi, và cả những bài từ, bài phú. Thế là một già, một trẻ, hết đọc rồi bình thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, đến Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… say sưa cho đến sẩm tối. Vũ Hoàng Chương nói, ông tuy đã già nhưng tâm hồn còn rất trẻ, nên rất thích chuyện trò với những người bạn trẻ có được kiến thức như Bắc. 

Ông dặn tôi, thỉnh thoảng nhớ rủ Lê Cung Bắc đến thăm ông, để chuyện trò cho đỡ buồn. Khi chia tay, ông rời đi văng bước ra cửa tiễn chúng tôi bằng những bước đi không vững, để bày tỏ lòng mến khách. Ông nói: “Lâu lắm không bước ra đường, chẳng biết phố xá dạo này ra sao?”. Lê Cung Bắc trả lời: “Phố xá thì vẫn thế. Có điều, càng ngày các cuộc xuống đường của những lực lựơng tranh đấu càng nhiều hơn. Ngựa sắt, hàng rào kẽm gai và khẩu hiệu, biểu ngữ xuất hiện khắp nơi”. Ông lại hỏi: “Người ta viết gì trên đó?”. Tôi đáp: “Thì đại loại chế độ của Tổng thống Thiệu muôn năm, hoan hô cái này, đả đảo cái kia”. Lập tức thi sĩ Vũ Hoàng Chương ứng khẩu, đọc liền hai câu:
Thế mà cứ chúc muôn năm mãi
Nó sống lâu thì nước chết non.

Ra đầu đường, Lê Cung Bắc nói với tôi, quả thật, nếu cứ nhìn vào cái thân xác gầy còm, yếu ớt đó, không ai ngờ tiềm ẩn trong tim là ngữ khí ngất trời.

Điều làm tôi cảm động nhất, là vào một buổi chiều cuối năm 1974, khi tôi đến với ông như thường lệ đã thấy trước mặt ông là một tập sách mỏng. Ông cầm lên đưa cho tôi và nói: “Đây là quà của tôi biếu anh, một trong những người rất hiếm hoi mà tôi quý mến”. Tôi lật ra, cứ tưởng như mơ. Đó là một tập thơ của Vũ Hoàng Chương, do chính ông viết bằng đầu tăm, chấm mực tàu viết lên giấy bổi. Tập thơ có cái tựa là Song Kiều, ngoài bìa Vũ Hoàng Chương viết tặng đích danh tôi, có chữ ký và triện son hẳn hoi, nhưng chỉ dày hơn 20 trang, mỗi trang có 4 câu lục bát, vì nét chữ rất to. Dĩ nhiên là tôi vô cùng sung sướng. Cái công mỗi ngày tôi vẫn mang báo đến tặng ông rõ ràng không bỏ.

Đầu năm 1975, khi chuyển nhà đi nơi khác, vì không ổn định chỗ ở, tôi đã mang tập thơ quý giá, với chỉ một ấn bản duy nhất đó, cùng một ít tư liệu riêng, gởi gắm cho nhà thơ Huy Tưởng trên đường Huỳnh Tịnh Của. Về sau tôi hỏi, thì Huy Tưởng nói đã nhiều lần cố lục tìm trong đống sách vở và đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà anh, nhưng chẳng biết thất lạc ở đâu. Thế là mất!

Một thời gian sau, thi sĩ Vũ Hoàng Chương rời khỏi “gác mây”, dọn về Vĩnh Hội. Từ đó, cho đến lúc ông qua đời vào năm 1976, vì bộn bề công việc, tôi không đến với ông được nữa. Ngay cả khi ông  nhắm mắt, tôi lại ở  thật xa thành phố, nên cũng không thể đến thắp cho ông một nén nhang như lòng tôi mong ước.

Tôi nghĩ, cho dù quá nhiều thăng trầm ở đời này, hạnh phúc thì ít, khổ đau thì nhiều, nhưng có lẽ thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã mỉm cười ra đi bởi ông đã thấm đẫm tinh thần Phật giáo như lời thơ ông:

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một mái thuyền chơi
Thuyền ai ngược sóng, ai xuôi sóng
Cũng chỉ trong cùng biển khổ thôi.

Bình Trưng Đông, tháng Chạp – năm Tân Mão

Đoàn Thạch Hãn
(từ diễn đàn thế kỷ)