Monday, September 24, 2012

BẠO PHÁT, BẠO TÀN


SỰ TRẢ THÙ MẤT TRÍ


Thùy Linh
NQL: Mình đọc xong bài này và ngồi khóc. Mình đã còm trong blog TL, cô em gái văn chương thân thương của mình: “Đau và đắng ngắt. Chưa bao giờ đọc ở TL một bài chất đầy đau đớn và đắng cay như thế này”.

Bình thường  không dám đăng nhưng bây giờ thì đăng.

Bài của TL:

Ảo tưởng ban đầu về một nhà nước vì dân, do dân, của dân khiến người ta tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hoài bão để tham gia cuộc đấu tranh long trời lở đất. Khi giành được chính quyền mọi người hân hoan và cho rằng, sự thế chấp sổ đỏ đó là xứng đáng.

 Để chính quyền đó tồn tại và phát triển, người dân tiếp tục tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hy sinh. Họ hy sinh xương máu, chịu đựng mọi gian khó để chính quyền không bị xâm hại. Vẫn tin tưởng sự hy sinh đó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Khi chính quyền bộc lộ những yếu kém, người dân cố gắng thế chấp sổ đỏ Ảo tưởng rằng, để chính quyền vững mạnh, cần có những thất bại để làm bài học cho tương lai. Và chính quyền đang nỗ lực vì một tương lai cho chính họ và gia đình họ. Ảo tưởng khiến người dân tiếp tục hy sinh, chịu đựng.

 Tới lúc chính quyền bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, hạn chế người dân kiên nhẫn gán nợ sổ đỏ Cam chịu để hy vọng sự hồi tâm của kẻ có chức quyền – những người mà họ đã từng cưu mang, bảo vệ khi chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói. Sự cam chịu lâu đến mức trở thành nét tính cách khiến họ bị “thua lỗ” trong cuộc thế chấp mịt mùng không lối thoát.

 Sau những gì chính quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện, người ta không còn tự nguyện mà bị cưỡng bức thế chấp sổ đỏ Niềm tin. Tước đoạt sổ đỏ này, chính quyền viện trợ “không hoàn lại” sự tuân phục. Tới đây người dân bắt đầu bị phân hóa: người cúi đầu ngoan ngoãn sử dụng sự tuân phục không hé lời; kẻ biến sự tuân phục có lợi cho bản thân mình trong con đường hoan lộ danh lợi, tiền tài…

Khi không còn gì hết ngoài sổ đỏ Chán ngán thì chính quyền thu gom theo nhiều cách, mà cách thông thường nhất là thu hồi đem tiêu hủy. Nhiều người buông xuôi để người ta sử dụng sổ đỏ đó theo tùy thích vì họ cũng không biết dùng để làm gì ngoài sự bất mãn, khó chịu. Số người khác đem sổ đỏ này đi thế chấp để mua Sự thật một cách âm thầm theo những cách có thể. Biết sự thật để thêm đau đớn, khổ sở, và sẽ càng khốn khổ nếu như họ lâm vào tình thế bất lực. Số ít không cam chịu nên dùng sổ đỏ Chán ngán đầu tư cho Niềm tin của mình và nhiều người khác.

 Tới lúc người dân không còn gì, ngoài lòng căm hận thì chính quyền độc tài tung dự án Đàn áp ra để chiếm đoạt sổ đỏ Tự do của con người. Sẽ có người bị khuất phục như là lý lẽ cuộc sống. Nhưng phần lớn là thất bại như là chân lý của lẽ phải. Vì có kẻ độc tài nào thu gom được Tự do tâm hồn? Tù đày, giam cầm, án phạt, bạo lực chỉ càng khiến những chiến binh thực thụ củng cố, tăng trưởng Tự do cho tâm hồn họ. Với những chiến binh này chính quyền đừng hy vọng bắt họ thế chấp sổ đỏ của Tự do – mà cao cả nhất, điều mà không một sức mạnh nào có thể tước đoạt được, đó là tự do tâm hồn. Những 12, 10 hay 4 năm tù đày chỉ là thời gian giam cầm thân xác, nhưng sức mạnh của những tâm hồn tự do kia có thể dẫn truyền đến hàng triệu người có lương tri trên toàn thế giới – một sức mạnh hơn cả bom nguyên tử, một sức mạnh không thể hủy diệt.

 Bản án dành cho những blogger cất tiếng nói ôn hòa gấp ba lần án tù cho những kẻ khoác áo công quyền để giết người đã là bản án tự kết án cho chế độ được tạo ra từ những nghịch lý: Ảo tưởng, Bất tin, Bất tín, Căm hận, Chán ngán…Và người xưa đã đúc kết: “bạo phát, bạo tàn”. Nếu chính phủ tiếp tục phát hành những “trái phiếu độc đoán, chuyên chế” thì họ sẽ gặt về dự án Sụp đổ như đã từng trước đây với những Vinashin, Vinaline…Bởi nhân dân không còn gì để thế chấp, không còn gì để họ có thể cướp bóc, đàn áp ngoài sự oán thán, căm hận – những cái mà chính quyền không hề muốn nhân về.

Không biết còn kéo dài bao lâu nữa sự trả thù mất trí này?


Theo blog TL


______________________________________________





Con lợn vô ơn


Maxim Gorky



Maxim Gorky
Phạm Thị Hoài dịch


Trước phiên tòa xử ba blogger và thành viên Câu Lạc bộ Nhà báo Tự do Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần


Cách đây vài ngày, một số kẻ ngu xuẩn chết tiệt vừa ra một bản án mười bảy năm tù cải tạo cho một thanh niên mười bảy tuổi, vì chàng trai này đã công khai và thành thực tuyên bố: “Tôi không thừa nhận Chính quyền Xô-viết”.


Tôi không nói tới việc có hàng triệu người đang sống tại Nga không thừa nhận quyền lực của các vị dân ủy và vì thế không tài nào mà giết hết được; song tôi thấy cần phải nhắc để những thẩm phán khắc nghiệt nhưng thiếu lí trí kia nhớ đến một điều: chàng thanh niên bị họ tròng vào cổ bản án tàn nhẫn và phi lí đó từ đâu mà ra.


Chàng trai đó là máu thịt của chính những con người cương trực và can trường suốt mấy chục năm trời trong một môi trường đầy phản trắc, mật thám và cảnh sát vây bủa đã bền bỉ góp phần phá tan cái nhà tù nghẹt thở của chế độ quân chủ Sa hoàng, bằng cách đặt cược cả tự do và tính mạng mình để truyền bá những ý tưởng về tự do, luật pháp và chủ nghĩa xã hội trong quần chúng công nông thất học. Chàng trai đó là hậu duệ tinh thần của những con người nếu bị bắt và rục xương trong tù thì đầy khinh bỉ cự tuyệt kẻ thù đang đắc thắng và không thèm nghe cảnh sát hỏi cung.


Chàng trai đó được nuôi dưỡng bằng tấm gương vĩ đại của những người Nga kiệt xuất nhất, những người đã bỏ xác ở chốn lưu đày, trong các nhà tù và trại cải tạo, hàng trăm và hàng nghìn người, và xương cốt của họ là nền móng cho chúng ta hôm nay dựng xây một nước Nga mới.


Chàng trai đó là một tâm hồn lãng mạn, một con người sống vì lí tưởng, ghê tởm tột độ nền “chính trị thực tế” của bạo lực và lừa gạt, nền chính trị của những kẻ cuồng tín giáo điều. Mà chính những kẻ này cũng phải thừa nhận rằng xung quanh họ rặt một lũ lang băm và lừa đảo.


Trong những điều kiện bỉ ổi của cuộc sống ở Nga, phải bỏ ra một công sức phi thường và mất gần một thế kỉ nỗ lực mới có thể nuôi dưỡng nên một thanh niên tử tế và dũng cảm. Vậy mà bây giờ, những kẻ đang thụ hưởng thành quả của công sức ấy lại không hiểu ra rằng một kẻ thù ngay thẳng tốt hơn một người bạn lèo lá, và họ kết án chàng thanh niên đó, vì anh, theo lẽ đương nhiên, không chịu thừa nhận một chính thể đàn áp tự do. Có một truyện ngụ ngôn rất thông minh về một con lợn và một cây sồi cổ thụ[1] – hi vọng những thẩm phán thông thái kia có dịp đọc. Họ rất nên rút ra bài học từ đó.



[1] Đó là ngụ ngôn “Con lợn và cây sồi” của nhà văn Nga Ivan Krylov (1769-1844): Một con lợn chén kễnh bụng những quả sồi non, lăn ra ngủ dưới gốc sồi râm mát rồi duỗi cẳng bới tứ tung, bật cả rễ sồi.

Nguồn: Новая Жизнь (Đời sống mới) số 82 (297) ngày 3-5-1918. Dịch từ bản tiếng Đức: Maxim Gorkij: Unzeitgemäße Gedanken über Kultur und Revolution. Suhrkamp 1974. Tr. 180-181. Nhan đề do người dịch đặt.

Theo blog  pro&contra



__________________________________________________





Không dại nào bằng đổ tiếng xấu cho dân!


Trung Ngôn
Trong hơn một năm gần đây, cứ thỉnh thoảng vài ba tháng lại có một quan chức nhà nước, thậm chí cả đại biểu cơ quan dân cử…có vấn đề yếu kém gì trong các lĩnh vực quản lý của nhà nước là lại lôi vấn đề dân trí hoặc đổ tiếng xấu cho số đông người dân.


Tất nhiên, điều này luôn gây nên những phản ứng gay gắt  ngay từ những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, phần lớn những người đại diện cho cử tri và đông đảo người dân  bởi sự thiếu chín chắn, thiếu cân nhắc của những người phát ngôn.


Gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của  Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đầu tuần trước, báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012 có nhận định: “Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc”.


Đây có thể nói một nhận định khá “kỳ lạ”. Và đương nhiên, nó gặp ngay phản ứng. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói ngay sau khi báo cáo đọc xong: ” Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”. Thẳng thắn hơn nữa, ông nói: “Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”.


Cũng vì cái lý lẽ đó, tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng mới đây, ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền”. Cho nên, rất có lý khi ông này đề xuất: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này.


Trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên (báo đăng ngày 25.8.2012), một quan chức ngành ngân hàng nói rằng: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên…”. Mặc dù câu nói của ông không trực tiếp nói rằng dân trí thấp nhưng cũng đã gây nên phản ứng rộng rãi trên cộng đồng mạng. 


Nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của ông cũng chưa chín chắn bởi trên thực tế, nhìn vào lượng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng, người ta cũng tin rằng, đa số người dân cũng đã biết chọn mặt gửi… tiền, khi chủ yếu gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Cho nên, ông lại viện đến câu: dân trí Việt Nam chưa cao nhưng một số nước quả thật là phát biểu rất thiếu cân nhắc.


Còn trước đó, ý kiến chỗ này, chỗ kia đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Bởi ngay chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề xuất của Chính phủ là cần xây dựng luật Biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật Biểu tình?


Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có lúc, có người lạm dụng đánh giá trình độ dân trí, cho rằng chỉ số IQ của dân cao để bảo vệ quan điểm của mình mà không có căn cứ cũng không được sự ủng hộ của cử tri. Ví dụ như trong buổi thảo luận về việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam tại một phiên họp của Quốc hội trước đây, đại biểu Quốc hội Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cũng khiến ngay chính nhiều đại biểu Quốc hội ngạc nhiên khi ông nói: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây”.


Tất nhiên, không phải lúc nào khi đưa ra những nhận xét về dân trí, về tính cách người Việt… những tổ chức, cá nhân đưa ra nhận định cũng đều bị phản đối. Báo Tiền Phong đã từng đăng loạt bài, in thành sách (bán khá chạy) về những thói xấu của người Việt . Nhưng đó là kết quả của một quá trình thảo luận, tranh luận công khai có sự tham gia, đồng tình của đông đảo những người quan tâm, của các nhà nghiên cứu…và người ta có thể rút ra, đồng tình với nhau về một số hạn chế dễ thấy của người Việt Nam, để cùng nghĩ cách khắc phục, tiến bộ.


Nhưng, ở những trường hợp như trên, có thể thấy điểm chung  của chúng  là những nhận định, suy xét tùy tiện; lạm dụng đánh giá về trình độ dân trí, thói quen của người dân để biện hộ, bảo vệ cho những luận điểm, những công việc làm chưa tốt của cơ quan phát ngôn, người phát ngôn ra những đánh giá đó; thậm chí, để nhằm bảo vệ cho những dự án, cho những việc phục vụ cho lợi ích riêng của một nhóm, một tổ chức…mà không vì lợi ích chung của cộng đồng. Chính vì vậy, trong một số trường hợp, phản ứng từ dư luận rất gay gắt. Và thậm chí, đã có cá nhân khi phát biểu không đúng về người dân đã phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó đủ cho thấy, việc đưa ra ý kiến đánh giá, nhận định về trình độ, kiến thức, thói quen…của số đông luôn phải thận trọng, chính xác đến thế nào.


Còn nhớ, trước đây, vì “lỡ miệng” nói rằng: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm” (ông đưa ra nhận xét như vậy trong đợt mưa lụt nặng nề ở Hà Nội  tháng 11.2008), một vị lãnh đạo đã phải công khai nói lời xin lỗi: “Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”. Việc ông đưa ra lời xin lỗi chân thành, đúng lúc lúc đó lại được người dân chấp nhận và coi là một cách ứng xử khôn ngoan, văn minh.


Ông cha ta vẫn có câu “phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” hàm ý phải rất thận trọng trong lời ăn, tiếng nói. Nhất là trước đám đông, một chính trị gia, một cán bộ có trách nhiệm của nhà nước…càng phải thận trọng, không nên coi đó là nơi để mình “tập nói”. Ở nước ngoài, đã có không ít chính khách chỉ vì lỡ miệng mà phải từ chức, xin lỗi công khai… Việt Nam tuy hiếm xảy ra trường hợp như thế nhưng cũng không có nghĩa là không có sức ép lớn để các tổ chức, cá nhân… nhất là những người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước có trách nhiệm với lời ăn tiếng nói của mình, đặc biệt là khi nói về dân trí, thói quen, sở thích…của người dân.


Theo VNN