Monday, June 25, 2012

Chơi Kiểu Tàu Lạ Biển Đông

Chơi Kiểu Tàu Lạ Biển Đông: Thầy Lang Tàu Vào SG Quậy





SAIGON (VB) -- Ngày 15/6 vừa qua, chồng một bệnh nhân đã gọi đến báo Tuổi Trẻ nhờ “giải cứu” vợ anh bị Phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP Sài Gòn) “giam lỏng” từ ngày 10/6 trong khách sạn Sơn Lâm (139/2 Phan Đăng Lưu, PN) phía sau phòng khám. 


Theo bài tường thuật trên báo TT, nguyên chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (34 tuổi, ở Thủ Đức) và chồng chung sống đã 6 năm mà chưa có con. Gần đây, xem trên truyền hình thấy phòng khám này quảng cáo có thể chữa được bệnh vô sinh nên chị Hạnh đã cẩn thận gọi điện trước hỏi bệnh của mình trị tốn bao nhiêu tiền. Nghe nhân viên phòng khám trả lời tùy từng loại bệnh nhưng chỉ tốn khoảng “vài trăm ngàn đồng”, sáng 10/6 chị Hạnh tìm đến đây chữa bệnh. Khi khám xong bác sĩ đưa ra 4 mức giá điều trị thì do không khá giả, chị Hạnh chỉ chọn mức thấp nhất là hơn 17 triệu đồng. Nhưng bác sĩ nói bệnh của chị phải chọn ở giá cao nhất là hơn 35 triệu đồng mới tốt. Khi chị Hạnh nói không có tiền trả giá cao thì bác sĩ lại nói cứ yên tâm điều trị, mai mốt về lấy tiền trả sau. Nghe vậy chị Hạnh mới điền tên, tuổi mình vào một đơn xin gia hạn thanh toán viện phí. Đơn này in sẵn chữ “Do bệnh tình nghiêm trọng cần phải tiến hành điều trị ngay, nhưng tạm thời chưa mang đủ tiền, nay xin văn phòng khám bệnh y học Trung Quốc cho phép gia hạn thanh toán phí điều trị. Kính mong phòng khám xem xét và chấp nhận”. 

Thế nhưng, thực tế phòng khám tính tiền lên đến gần 39 triệu đồng, gồm những khoản phải trả là: “Điều trị viêm loét cổ tử cung 19,800,000 đồng, trị liệu u nang cổ tử cung 8,800,000 đồng, kiểm tra thông ống dẫn trứng không đau 6,800,000 đồng, truyền thuốc 1,560,000 đồng, soi máy CT 30 phút 2,000,000đồng - Tổng cộng: 38.960.000 đồng”

Chồng chị Hạnh phải xoay xở đủ cách, tháo cả chiếc nhẫn đang đeo ở tay nhờ người bà con bán giùm mới đóng được cho phòng khám này gần 12 triệu đồng.

Phòng khám Trung Quốc chơi kiểu tàu lạ.(Photo VB)

Sau đó, bác sĩ chích thuốc loại gì chị Hạnh không nhớ (giá 2 triệu đồng/mũi). Bác sĩ chích thuốc cho chị được 2 ngày, thấy chị hết tiền nên không chích gì nữa. Những ngày sau, chị Hạnh bị “giam lỏng” chứ không được điều trị gì thêm. Nhiều lần chị Hạnh năn nỉ xin được về nhà để chạy tiền đóng nhưng bác sĩ nhất quyết không cho. Sau nhiều ngày thấy chị Hạnh khóc lóc, thậm chí không có tiền để ăn cơm, phòng khám mới giảm viện phí xuồng còn 20 triệu đồng. 


Ngày 15/6, gia đình chị Hạnh có báo công an về vụ việc này nên giám đốc phòng khám đã đến gặp chị Hạnh và nói sẽ giảm viện phí tiếp, tức là nộp 6 triệu đồng nữa sẽ được về.


Ngày 16/6, vờ nhận là người nhà bệnh nhân , phóng viên TT mới được cùng chồng chị Hạnh vào khách sạn Sơn Lâm gặp chị ở phòng 401. Gương mặt còn thất thần sau nhiều ngày bị “giam lỏng”, chị Hạnh kể luôn có nhân viên theo dõi chị và xuống tầng trệt thì đã có người chặn ngay ở cổng, không cho ra. Không có tiền nên nhiều ngày chị chỉ được phòng khám cho ăn một bữa cơm. Chị lo lắng, khóc suốt, năn nỉ mãi nhưng cũng không được cho về.


Chiều ngày 16/6, chị Hạnh được phòng khám cho về và lập tức chị đến Công an P.2, quận Phú Nhuận viết đơn tường trình sự việc. Công an P.2 sau khi lấy lời khai của chị Hạnh đã cử hai cán bộ cùng vợ chồng chị Hạnh đến làm việc với người có trách nhiệm của phòng khám. 


Tại đây, theo bài báo ghi nhận, ngoài người thư ký kiêm phiên dịch còn có người quản lý chi nhánh phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận) tên Hoa và bác sĩ Dương Diễm Hồng, người trực tiếp điều trị cho chị Hạnh. 


Khi đề nghị ông Hoa cho xem giấy phép phòng khám thì được trả lời sẽ cung cấp sau. Khi hỏi bác sĩ Dương Diễm Hồng có giấy phép hành nghề tại phòng khám này không thì cũng được trả lời sẽ cung cấp sau. 


Trả lời câu hỏi vì sao phòng khám không có giường điều trị nội trú nhưng lại giữ bệnh nhân ở lại điều trị, bà Diễm Hồng cho rằng do bệnh nhân mới điều trị không nên đi lại nhiều nên phòng khám có thuê khách sạn cho bệnh nhân ở, để hằng ngày qua phòng khám điều trị cho tốt.


Theo Công an P.2 quận Phú Nhuận, đây không phải là lần đầu tiên công an phường tiếp nhận đơn thư phản ảnh của bệnh nhân về phòng khám này mà đã có 4-5 trường hợp tương tự. 


Và trong bài báo tiếp theo trên TT cũng về cách làm ăn sai trái của phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận), trường hợp chị Vạn Thị Thu Đậm (32 tuổi, ở Ninh Thuận) càng bức bối hơn. Nguyên ngày 4/6, vợ chồng chị Đậm lặn lội vào Sài Gòn để tìm đến phòng khám này. Ở đây nói chị bị loét tử cung, không điều trị sẽ bị ung thư. Hỏi điều trị bao nhiêu tiền, khi nào hết bệnh, bác sĩ Trung Quốc đưa ra 3 giá điều trị: 30 triệu đồng thì 20 ngày hết bệnh, 25 triệu: một tháng mới hết bệnh, 15 triệu thì một tháng rưỡi khỏi bệnh. Vợ chồng chị Đậm nói không có nhiều tiền, bác sĩ “dụ” cứ ký vào đơn xin gia hạn đóng viện phí rồi về nhà mượn tiền trả sau. Chị Đậm đóng ngay 6 triệu đồng và phòng khám đưa chị sang khách sạn Sơn Lâm. Qua đây, chị bị canh giữ 24/24 giờ, không cho đi đâu. Muốn về thì “phải đóng hết tiền”.


Gia đình chị Đậm lại báo Công an P.2, Q.Phú Nhuận nhờ can thiệp, sau đó phòng khám giảm cho chị Đậm một nửa tiền. Gia đình chị Đậm phải mượn xe máy của người quen mang đi cầm để có 14,850,000 đồng đóng cho phòng khám và ngày 8-6 mới được “thả” ra. Thoát được phòng khám này, chị Đậm đến Bệnh viện phụ sản Từ Dũ khám bệnh, các bác sĩ ở đây cho biết chị không hề bị viêm loét tử cung. Cả tiền khám, tiền thuốc ở BV Từ Dũ chỉ hết 200,000 đồng.


_________________________________________







VN 'bắt nhà hoạt động giúp tỵ nạn Bắc Hàn'

Cập nhật: 09:34 GMT - thứ hai, 25 tháng 6, 2012
Máy bay chở người tỵ nạn Bắc Hàn từ Việt Nam tới Seoul năm 2004
Hàng trăm người đã tới Hàn Quốc từ Việt Nam
Các hãng thông tấn đưa tin một nhà hoạt động Hàn Quốc chuyên giúp người tỵ nạn Bắc Hàn đào tẩu vừa bị bắt hồi tuần trước tại TP. Hồ Chí Minh.
Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói người này bị giới chức Việt Nam bắt vì giúp người Bắc Hàn chạy tới Nam Hàn qua con đường Việt Nam.
Phát ngôn viên của bộ này nói với AFP rằng người đàn ông họ là Yoo, 51 tuổi, bị "nhân viên an ninh" bắt tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh vào thứ Tư tuần trước 13/6.
Trong khi đó, thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap, dẫn lời quan chức sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội, xác nhận ông Yoo bị bắt vì "công việc giúp người tỵ nạn", nhưng không rõ chính xác là công việc gì.
Cho tới nay, chính phủ Việt Nam chưa đưa ra lý do cho vụ bắt ông Yoo vì quá trình điều tra còn tiếp diễn.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã yêu cầu được phỏng vấn ông.
Các kênh chính thức của Việt Nam không hề có tin tức gì về vụ bắt giữ này.

Rắc rối ngoại giao

Hàng chục nghìn người Bắc Hàn đã bỏ trốn trong những năm qua vì đói kém và bị trấn áp.
Hàn Quốc là đích đến của đa số, tới nay con số người Bắc Hàn đào tẩu xuống miền Nam đã lên tới trên 20.000.
Tuy nhiên để đến được Hàn Quốc, người Bắc Hàn thường phải qua một hay nhiều nước thứ ba khác, như Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Từ khi Trung Quốc siết chặt quản lý biên giới và trục xuất tất cả người tỵ nạn Bắc Hàn bắt được tại nước này, dòng người tỵ nạn chuyển sang các nước phía Nam, trong đó có Việt Nam, gây khá nhiều rắc rối về ngoại giao.
Năm 2004, khoảng 400 người tỵ nạn Bắc Hàn đã được chuyển từ Việt Nam tới Hàn Quốc trong một sự kiện thu hút nhiều chú ý.
Việt Nam không muốn tạo tiền lệ trở thành điểm trung chuyển của người tỵ nạn Bắc Hàn, và cũng không muốn gây căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Thế nhưng Hàn Quốc là nước đầu tư nhiều vào Việt Nam, và Hà Nội cũng muốn giữ quan hệ tốt với Seoul.
Đa phần các cuộc đào tẩu của người Bắc Hàn đều có sự liên quan giúp đỡ của các nhà hoạt động Nam Hàn.

theo BBC