Monday, January 9, 2012

Tại sao các quốc gia suy vong?


Daron Acemoglu

Như giới bất đồng chính kiến ở thế giới Ả rập đã biết quá rõ, căn nguyên là ở cách tổ chức chính trị của các xã hội.



Nguồn: The Region


The Region, tạp chí của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, gần đây phỏng vấn nhà kinh tế học Daron Acemoglu của MIT về thị trường lao động, quyền sở hữu tài sản, tình trạng toàn cầu ấm lên, và Mùa xuân Ả rập. Sau đây là một trích đoạn phỏng vấn về thể chế chính trị và tăng trưởng kinh tế. Toàn văn cuộc phỏng vấn có thể đọc ở đây.

Daron Acemoglu là Giáo sư hàm Charles P. Kindleberger về Kinh tế học ứng dụng tại Khoa Kinh tế học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông là thành viên được bầu chọn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên Mỹ, Hội Kinh tế lượng, Hiệp hội Kinh tế Châu Âu, và Hội Các nhà kinh tế Lao động. Ông đã nhận nhiều giải thưởng và học bổng nghiên cứu, trong đó có Giải thưởng T. W. Shultz ngay lần đầu trao thưởng của Đại học Chicago, Giải Sherwin Rosen vì những đóng góp xuất sắc cho kinh tế học lao động năm 2004, và Huy chương John Bates Clark (dành cho nhà kinh tế học xuất sắc dưới 40 tuổi) năm 2005. Những đề tài nghiên cứu ông quan tâm bao gồm kinh tế chính trị, phát triển và tăng trưởng kinh tế, lý thuyết vốn con người, đổi mới sáng tạo, lý thuyết tìm kiếm, kinh tế học mạng lưới, và học tập.


Region: Ta hãy bàn về nghiên cứu của anh với James Robinson về những trường hợp quá độ trong kinh tế chính trị. Mong anh chia sẻ suy nghĩ của mình về ứng dụng của những nghiên cứu đó với sự kiện Mùa xuân Ả rập.


Acemoglu: Vâng, trong 15 năm qua, phần lớn nghiên cứu của tôi đúng là điều có thể gọi khái quát là kinh tế chính trị. Để tôi bàn một chút về chuyện đó, rồi ta chuyển sang chuyện quá độ.

Region: Hay quá.

Acemoglu: Nghiên cứu chuyên môn của tôi không khởi đầu với kinh tế chính trị, dù khi tôi bắt đầu học kinh tế ở trung học và đại học, tôi quan tâm đến mảng mà ngày nay ta gọi là kinh tế chính trị — tức là sự tương tác giữa chính trị và kinh tế học.

Nhưng sau này ở bậc đại học và nghiên cứu sinh, tôi bắt đầu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến vốn con người, tăng trưởng kinh tế, vân vân. Nhưng rồi sau một thời gian, tôi nghiệm ra rằng những vấn đề thực sự của tăng trưởng kinh tế không chỉ nằm ở chỗ mức độ sáng tạo công nghệ và tỉ lệ tiết kiệm cao ở nước này thấp ở nước kia. Những vấn đề đó thực sự liên quan đến việc các xã hội đã chọn nhiều phương cách tổ chức xã hội khác nhau về căn bản.

Vì vậy có nhiều điểm khác biệt đầy ý nghĩa liên quan đến các kết quả kinh tế trong cấu trúc chính trị của các xã hội. Và những xã hội này thường có những thể chế khác nhau điều tiết đời sống kinh tế và tạo ra những động cơ khác nhau. Thế rồi tôi bắt đầu tin – và điều này thể hiện trong nghiên cứu của tôi – rằng ta chẳng đạt bao nhiêu tiến bộ về các vấn đề tăng trưởng kinh tế trừ phi ta đồng thời bắt đầu giải quyết những nền tảng thể chế của tăng trưởng.

Thế là tôi bước chân vào con đường nghiên cứu nhằm tìm hiểu, về cả lý thuyết lẫn thực nghiệm, cách các thể chế định hình những động cơ kinh tế và tại sao các thể chế khác nhau giữa các quốc gia. Cách tiến hóa của những thể chế theo thời gian. Và khía cạnh chính trị của các thể chế, nghĩa là không chỉ xem những thể chế nào tốt hơn về mặt kinh tế, mà còn tại sao một số loại thể chế khác nhau có thể đứng vững?

Ý tôi muốn nói là thật vô lý, xét về tăng trưởng kinh tế, nếu có một hệ thống thể chế cấm quyền sở hữu tài sản cá nhân hoặc tạo ra tài sản cá nhân vô cùng không bảo đảm, trong đó tôi có thể xâm phạm những quyền của anh. Nhưng về mặt chính trị, điều đó có thể rất có lý.

Nếu tôi có quyền lực chính trị, và tôi sợ anh giàu lên và thách thức tôi về chính trị, thì rất có lý khi tôi tạo ra một hệ thống thể chế không cho anh những quyền sở hữu tài sản bảo đảm. Nếu tôi sợ anh lập những doanh nghiệp mới và lấy mất công nhân của tôi, rất có lý khi tôi quản lý anh theo cách hoàn toàn triệt tiêu khả năng tăng trưởng hay đổi mới sáng tạo của anh.

Vì vậy, nếu tôi thực sự sợ mất quyền lực chính trị về tay anh, điều đó thực sự đưa tôi đến khía cạnh chính trị của các thể chế, trong đó lô-gích không phải là về những hậu quả kinh tế nữa, mà là về những hậu quả chính trị. Nói như vậy nghĩa là ví dụ khi cân nhắc cải cách, điều mà đa số các chính khách và giới chóp bu quyền lực thực sự quan tâm không phải là liệu cải cách này sẽ có lợi cho đại bộ phận quần chúng hay không, mà là liệu cải cách này sẽ khiến họ dễ dàng hay khó bám víu quyền lực hơn.

Đó là loại vấn đề trở thành ưu tiên hàng đầu nếu ta muốn hiểu cách vận hành của những điều này. Và đây là lĩnh vực tôi dành phần lớn thời gian của mình trong hơn 10 năm qua, mặc dù tôi đã nghiên cứu về nó trong hơn 16 năm qua, phần lớn là với Jim Robinson. Jim và tôi là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của các thể chế đối với tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi đã viết nhiều về các tiến trình và sự quá độ chính trị, chế độ độc tài, dân chủ và một loạt công trình về những vấn đề quyền lực chính trị và giới chóp bu chính trị, vân vân. Một số trong đó là nền tảng cho cuốn sách của chúng tôi “Những nguồn gốc kinh tế của chế độ độc tài và dân chủ” (Economic Origins of Dictatorship and Democracy), mà tôi sẽ đề cập trong bối cảnh câu hỏi của anh về Mùa xuân Ả rập. Và một số công trình nghiên cứu dẫn đến cuốn sách mới chúng tôi đã viết xong - à, mà nó đây [lôi ra một bản thảo đóng sơ sài từ đống tài liệu trên bàn của anh], sẽ phát hành trong năm 2012.

Region: Cuốn “Tại sao các quốc gia suy vong” (Why Nations Fail)?

 
 
Acemoglu: Phải, “Tại sao các quốc gia suy vong“. Cuốn sách này đại loại là một cách nhìn khái quát về những nguyên nhân sâu xa, theo chúng tôi, của những kết quả kinh tế và những tổ chức kinh tế rất khác nhau trên thế giới; và chúng tôi cố gắng đưa ra một lý thuyết chặt chẽ về thực tế này. Lý thuyết của chúng tôi khác hẳn so với những lý thuyết phổ biến trong giới truyền thông và giới làm chính sách. Trong chừng mực nào đó, lý thuyết này thậm chí cũng khác với những lý thuyết phổ biến trong giới kinh tế học. Chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh chính trị của vấn đề này, thay vì khía cạnh địa lý và văn hóa (vốn là trọng tâm chú ý của giới truyền thông và giới làm chính sách), hay những điều liên quan đến chính sách tối ưu và cách ta có thể cải thiện chính sách xét từ góc độ biên tế, và cách ta có thể thiết kế chính sách tốt hơn (vốn là trọng tâm của giới kinh tế học).

Theo cách nhìn của chúng tôi, những kìm hãm chính trị là trọng tâm ở đây. Và phát triển chung quy chỉ là phá vỡ những kìm hãm chính trị đó, chứ không phải chỉ tư duy trong khuôn khổ những kìm hãm chính trị hiện có và xem xét cách thiết kế hệ thống thuế tối ưu hay cách thiết kế bảo hiểm thất nghiệp tối ưu, vân vân, trong khuôn khổ những kìm hãm đó.

Tất nhiên hai điều đó bổ sung nhau, nhưng tôi nghĩ góc nhìn này rất khác với những góc nhìn hiện có. Đó là công việc chính khiến tôi bận rộn trong vài năm qua.

Nói dông dài như vậy, tôi xin đi vào câu hỏi của anh về Mùa xuân Ả rập.

Region: Ờ, phải. Tôi thấy lời tựa cho cuốn ”Tại sao các quốc gia suy vong” là về chuyện đó: Anh viết, “Tại sao người Ai Cập đứng chật kín Quảng trường Tahrir [để lật đổ Hosni Mubarak, và ý nghĩa của điều đó đối với cách chúng ta hiểu về những nguyên nhân của thịnh vượng và nghèo đói].”

Acemoglu: Đúng vậy. Nếu ta muốn nghĩ về Mùa xuân Ả rập, theo tôi có vài vấn đề quan trọng, một số vấn đề trong đó là trọng tâm của cuốn sách này, còn một số khác là trọng tâm của cả cuốn sách trước ”Những nguồn gốc kinh tế của chế độ độc tài và dân chủ” lẫn cuốn sách mới này.

Vấn đề thứ nhất, mà chúng tôi tập trung nhiều hơn trong cuốn sách này, là những xã hội này là các chế độ độc tài không chỉ theo nghĩa họ cấm bầu cử. Đó là những chế độ độc tài thuộc một loại hình rất đặc thù, nhưng khá phổ biến trên thế giới, trong đó một bộ phận nhỏ của xã hội kiểm soát cả quyền lợi chính trị lẫn nguồn lực kinh tế.

Vì thế, nếu ta nhìn tất cả những xã hội này từ Tunisia đến Ai Cập, Syria, Bahrain hay Libya, một giới chóp bu thiểu số kiểm soát quyền lực chính trị, hạn chế khả năng của hầu như tất cả những người khác trong xã hội trong việc có bất kỳ tiếng nói chính trị nào, và sử dụng quyền lực chính trị của họ để phân phối các nguồn lực kinh tế của quốc gia cho chính họ và loại trừ tất cả những người khác.

Ở Libya, điều đó khá hiển nhiên. Ở Syria, bây giờ điều đó cũng hiển nhiên; ví dụ báo chí đã giải thích cặn kẽ cách nhóm thiểu số Alawite nắm giữ không chỉ tất cả những chức vụ béo bở về kinh tế, mà cả những chức vụ hàng đầu trong bộ máy hành chính và quân đội. Ở Bahrain, điều đó cũng thể hiện khá rõ với nhóm thiểu số Sunni. Ở Tunisia và Ai Cập, tình trạng đó có hình thức có phần nhẹ hơn ở chỗ nhiều nhóm lợi ích kinh doanh được thiên vị có nhiều đại diện trong nhóm thân hữu bè phái xung quanh Mubarak hay Ben Ali. Và ở những nước đó, quân đội và lực lượng an ninh đã thực sự cản trở bất cứ hình thức dân chủ thực thụ nào.

Có lẽ cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi hậu quả là khi ta có một hệ thống như vậy trong đó một nhóm rất nhỏ kiểm soát quyền lực chính trị cho các mục đích kinh tế của mình, thành quả tăng trưởng kinh tế cũng rất đáng thất vọng. Hệ thống đó không khuyến khích công nghệ mới du nhập; không cho phép người dân dùng tài năng của mình; không giúp cho thị trường vận hành tốt; không tạo động cơ cho đại đa số dân chúng; ngoài ra, hệ thống đó khuyến khích những người kiểm soát quyền lực chính trị trấn áp nhiều hình thức sáng tạo và biến đổi kinh tế vì họ sợ điều đó sẽ đe dọa tính ổn định của họ.

Vì thế kết quả là những bộ phận lớn dân chúng bị tước đoạt tiếng nói chính trị, họ bị tước đoạt quyền lực kinh tế, và mức sống của họ cũng không tăng lên vì không có đủ mức tăng trưởng kinh tế.

Có một số ngoại lệ ở chỗ là Tunisia và Ai Cập quả thực có tăng trưởng kinh tế ít nhiều. Những nước này quả thực có cải thiện học vấn của người dân trong 20 năm qua. Nhưng nhìn chung, đa số trong xã hội cảm thấy rằng họ không được chia phần đúng mức từ thành quả này, và họ cũng chẳng tin tưởng rằng hiện trạng chính trị sẽ phục vụ cho lợi ích của mình.

Vậy thì nên làm gì? Thường là không làm gì cả vì một hệ thống như vậy được cơ cấu và tồn tại chính vì nó thành công trong việc tước đoạt tiếng nói và quyền lực của đa số người dân. Nếu đa số người dân lúc nào cũng có quyền lực, một hệ thống như vậy chẳng thể tồn tại – cũng như một xã hội đồn điền không thể tồn tại nếu 90 phần trăm nô lệ thực sự có tiếng nói chính trị.

Nhưng 90 phần trăm đó có lợi thế số đông đáng kể nếu họ có thể được tổ chức – ví dụ, như ở Syria, nơi mà phe Alawite cai trị xã hội nhưng chỉ là một thiểu số ít ỏi. Vì thế rất khó ngăn cản đa số quần chúng mọi lúc. Đặc biệt khi có đôi chút bất ổn và chút mồi lửa, như tình hình ở Tunisia. Tại những nước khác ở Trung Đông, người dân đã bắt đầu tổ chức và giải quyết vấn đề hành động tập thể. Họ đưa ra những yêu sách thực sự đối với những người đang nắm quyền.

Và những yêu sách đó sẽ là gì? Những người đổ ra biểu tình ở Quảng trường Tahrir thực sự muốn có thay đổi sâu sắc, căn bản. Họ muốn có thay đổi sâu sắc và căn bản, một phần là vì những lý do kinh tế. Nhưng theo tôi, ngoài ra, nếu ta đọc các blog và những gì họ viết, cũng thấy rõ là họ đã nghĩ rằng thay đổi căn bản chỉ có thể xuất phát từ thay đổi chính trị. Thực vậy, ngay từ lúc khởi đầu, phần lớn cuộc tranh luận về “cải cách hay không cải cách” đã tập trung vào thay đổi chính trị.

Vì thế, nước đi đầu tiên của chế độ Mubarak là nói: “Được, các anh muốn cải cách à? Chúng tôi sẽ cải cách cho các anh. Cứ về nhà đi đã.” Và phản ứng của người dân ở Quảng trường Tahrir là: “Không, các anh điên à, vì nếu chúng tôi về nhà, các anh sẽ lại tiếp tục cùng hệ thống như trước.”

Đây là khuôn khổ chủ đạo, yếu tố chính của khuôn khổ mà Jim và tôi đã xây dựng trong cuốn “Những nguồn gốc kinh tế của chế độ độc tài và dân chủ“. Điều này cũng được thể hiện phần nào ở đây [trong cuốn "Tại sao các quốc gia suy vong"]. Nếu ta có thể giải quyết vấn đề hành động tập thể và đưa ra một số yêu sách, thì những lời hứa thay đổi hay những quyền lợi kinh tế hay cải cách chính trị trong tương lai sẽ không đủ thuyết phục. Vì nếu tôi bỏ đi và ngừng hành động tập thể đang diễn ra ở Quảng trường Tahrir hay bất kỳ nơi nào khác, thì ngày mai liệu anh có động cơ gì để thực sự thực hiện cải cách kinh tế hay cải cách chính trị?

Và đó chính là điều những người dân ở Quảng trường Tahrir đã nói: “Không, chúng tôi không tin các anh. Ngay khi chúng tôi về nhà, các anh sẽ tái tạo hệ thống cũ.” Cách duy nhất khiến cho những cải cách này đáng tin là thay đổi cách phân phối quyền lực chính trị và thực hiện cải cách ngay lập tức. Đó chính là điều những người dân ở Quảng trường Tahrir đã mong muốn.

Do đó, ở cấp độ nào đó, theo tôi, qua góc độ của khuôn khổ này, chúng ta hiểu tình hình vận động diễn tiến ra sao, tại sao người dân đưa ra những yêu sách theo cách như thế, và tại sao những người nắm quyền cố gắng nhượng bộ, nhưng họ đã không thành công khi có những yêu sách đòi hỏi cải cách chính trị sâu sắc.

Câu hỏi lớn là: Liệu đấy sẽ là một cuộc cách mạng chính trị giống như Cách mạng Huy hoàng ở Anh, cuộc cách mạng đã giải phóng một tiến trình biến chuyển căn bản về hệ thống chính trị với những thay đổi kinh tế có liên quan? Suy cho cùng, những cuộc cách mạng chính trị như vậy là nền tảng cho sự tăng trưởng của các quốc gia. Đó là một trong những lập luận chúng tôi đưa ra.

Hay đó sẽ là kiểu cách mạng như Cách mạng Bolshevik hay các phong trào độc lập ở phần lớn các nước Châu Phi hạ Sahara trong thập niên 1960; trong đó có thay đổi về quyền lực chính trị, nhưng quyền lực đó chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, và nhóm nắm quyền mới này sau đó tái tạo hệ thống cũ và bắt đầu cùng kiểu tiến trình bóc lột như nhóm nắm quyền trước kia?

Những người Bolshevik đương nhiên rất khác với nhà Romanov, nhưng họ đã tạo ra một hệ thống có tính bóc lột thậm chí còn cao hơn chế độ Sa hoàng ở Nga. Nhiều lãnh tụ phong trào độc lập ở các nước Châu Phi hạ Sahara từ Nkrumah đến Mugabe hay Kenyatta, tất nhiên đã quyết tâm lật đổ người da trắng. Và họ có những yêu sách rất chính đáng, cũng như người Ai Cập hiện nay, nhưng hệ thống họ tạo ra đã trở nên suy đồi không kém hoặc họ đích thân tạo ra hệ thống thậm chí còn tệ hại hơn, giống như Mugabe đã làm khi ông phá hủy chế độ phân biệt chủng tộc kinh khủng của Ian Smith, rồi lại tạo dựng nên một chế độ không kém phần kinh khủng.

Trước đó, vào thập niên 1960, Nkrumah lên nắm quyền ở Ghana, và Margai lên nắm quyền ở Sierra Leone. Margai đã tái tạo một hệ thống có tính bóc lột rất cao. Hệ thống đó có lẽ tốt hơn hệ thống của người Anh, nhưng sau đó Margai bị thay thế bởi người em cùng cha khác mẹ của mình, rồi bởi Siaka Stevens vào năm 1967. Stevens khiến tình hình tệ hại hơn, nhưng tất thảy đều có căn nguyên từ những việc Margai đã làm. [Ông] chỉ tiếp quản hệ thống của Anh và sử dụng nó cho những mục đích chính trị và kinh tế của riêng mình. Dưới thời Under Stevens, toàn bộ hệ thống đó coi như sụp đổ.

Vì thế, không có gì bảo đảm là những phong trào như vậy sẽ biến thành một cuộc cách mạng diện rộng, khác với một vụ đảo chính trong đó một nhóm chiếm quyền kiểm soát của một nhóm khác. Và xin nhắc lại, một phần mục đích của cuốn ”Tại sao các quốc gia suy vong” là cố gắng tìm hiểu những điều kiện diễn ra một cuộc cách mạng và lý giải một quãng thời gian dài của lịch sử và những biến thể về thể chế mà ta chứng kiến từ góc độ này.

***

Bản tiếng Anh:
Why Do Nations Fail?, Defining Ideas, Hoover Institution, 5/1/2012

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/01/07/why-do-nations-fail/