Sunday, January 8, 2012

Nước Mỹ…đầu năm 2012


Mùa Đông DC ấm hơn. 
Ảnh: Ngọc Dung

Đầu năm nhiều tin vui hơn buồn, nhiều nắng ấm hơn lạnh giá. Nói chung là Washington DC vẫn là thành phố vuông 16kmx16km mà không được phép mở rộng như Hà Nội nhà mình lên tận Mường Mán xứ Hòa Bình. Ai thích đọc về DC thì xem lại entry có link này.

Kinh tế sáng sủa

Tin vui nhất cho Obama là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8.5% trong tháng 12-2011, thấp nhất trong 3 năm qua. Riêng tháng 12, bên tư nhân tuyển thêm 212.000 công việc trong lúc phía chính phủ giảm 12.000 việc làm. Cả năm 2011 có thêm 1,6 triệu việc làm, tăng 940.000 so với năm 2010. Ngân sách cho quốc phòng cũng bị giảm 500 tỷ đô la trong thập niên tới để thắt lưng buộc bụng.

Tuy tăng số việc làm như thế nhưng vẫn còn khoảng 6 triệu ít hơn so với tháng 12-2007. Dân Mỹ làm gì cũng có dữ liệu, thống kê đàng hoàng. Thêm mỗi việc làm là thêm một niềm vui. Obama từng phải hô hào mang việc làm về Mỹ cho dân chúng thay vì chuyển sang Trung Quốc.

Bạn có thể kiểm chứng lời Cua nói qua đường link sau, nhớ nhìn vào bảng Global Economic Monitor phía phải, có thống kê hàng ngày lên xuống.

Nếu ngó thêm Outlook Data và Economic Forecast 2010-2012, bao gồm cả thế giới, khu vực và từng quốc gia. Bạn nào nghiên cứu về kinh tế nên xem những số liệu này.

Ví dụ, các nước thu nhập cao như Nhật, Mỹ, Âu và OECD thì tăng trưởng GDP 2012 được dự đoán trong khoảng từ 1.8% đến 2.7%. Trung Quốc vẫn đự dự báo tăng 8.7%, Indonesia 6.5% và Thái Lan là 4.2%.

Dự báo Việt Nam tăng 6.8% và real per capita GDP growth là 5.5%. (chả biết dịch là gì) nhưng bạn đọc có thể xem thế giới họ dự báo ta như thế nào tại đây. Nếu có viết blog, bleo nhớ tham khảo số liệu để biết thêm thông tin.

Xây dựng nhà bên Mỹ. 
Ảnh: AP

Tuy vậy, kinh tế mờ mịt như sương mù bên châu Âu đã làm cho ngành bán lẻ bị giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp bên Âu lên tới 10.3%, và tin chả tốt đẹp gì về khủng hoảng kinh tế đã làm cho hệ thống bán lẻ trong tháng 12 bị giảm 1,6% so với tháng 11, trong khi tại Mỹ lại cao hơn tới 6,8%, có lẽ do dân Mỹ mua sắm vào mùa Giáng Sinh, chén gà tây trong ngày lễ Tạ ơn.

Viết mấy dòng về kinh tế để bạn hy vọng cho nước mình. Chả là dân ta xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu là chính, nhập của họ ít hơn, trong lúc toàn nhập siêu từ Trung Quốc. Tức là đô la từ Âu Mỹ về thẳng Trung Quốc và đôi chút ở lại nhà băng Thụy Sỹ hoặc thành học bổng cho con cháu.

Tây Âu và Mỹ mà mạnh thì họ mua nhiều giầy dép, quần áo, cá basa, kể cả quả thanh long của bà con Nam Bộ.

Đừng thấy tư bản giãy chết mà mừng, họ hấp hối mình cũng ngắc ngoải, trạng chết chúa cũng băng hà. Vì thời nay, hội nhập đã quá sâu, không quốc gia nào có thể đứng một mình.

Tin vui này báo hiệu rằng, Tổng thống da màu có nhiều cơ hội tiếp tục lãnh đạo Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Dẫu vậy, ông không thể thay đổi hiến pháp để thành thủ tướng như bên Nga hay tham quyền cố vị như một số làm việc đến hơi thở cuối cùng, rồi lại truyền ngôi cho thằng cu cưng béo tròn như bên Bắc Triều Tiên.

Cũng thông báo luôn cho bà con là một còm sỹ, vừa được interview cho job IT và hình như đã qua được cửa ải thứ hai.

Nếu còm sỹ đó được nhận sang Mỹ làm việc thì HM Blog xứng đáng là cầu nối tình hữu ích Việt Mỹ có hai chữ bình thường là WIN-WIN, hai bên cùng có lợi. Người Mỹ không thích dài dòng tới 16 chữ vàng như VN và Trung Quốc.

Họ đang cần thêm hai chiến sỹ trẻ nữa. Các bác nào có con cháu học IT nên động viên lớp trẻ cứ thi, hoặc học thêm. Con cháu thành công dân toàn cầu thì mình càng tự hào.

Occupy DC nảy nở tình yêu, có thêm trẻ em và..chuột

Tin cho hay, bên Y tế đã kiểm tra khu Occupy DC tại McPherson Square (gần Nhà Trắng) đã phát hiện dân biểu tình đang ở lẫn với…chuột. Như vậy thế giới có Rats Occcupy DC.

Ăn ở, ỉa đái mất vệ sinh đã làm cho những người buôn bán quanh khu này chán ngán. Nhìn những chàng homeless râu ria lởm khởm, cả tháng không tắm, người biểu tình hôi hám ở lẫn lộn, trại cắm bằng chăn rách tạm bợ, mùa đông rét dưới 0oC, khó ai mà chịu nổi.
Điều kiện như vậy mà vẫn có tình yêu nảy nở. Chàng Tim McFallon cho nàng tóc vàng mượn áo ấm và hiện đang chui cùng một cái lều, mùa đông giá lạnh mà ôm nhau ở công viên thì tuyệt. Ngoài ra vài đôi khác đâm ra phải lòng nhauvà bác sỹ khám đã phát hiện một nàng có hai vạch đỏ.

Lều của Occupy DC. 
Ảnh: FOX News.

Chuột ra vào lều quán tự nhiên vì ở đó khá ấm, nhiều đồ ăn cứu trợ, thỉnh thoảng thấy live sex. Chỉ tội giầy dép, tất lâu ngày không vệ sinh, các chú chuột ra vào cứ phải đi ba chân, vì một chân phải bịt mũi.

Nghe nói chính quyền thành phố muốn dẹp nhưng lý do dân chủ nên đành bó tay. Họ đang mong trời thật lạnh, chả cần can thiệp biểu tình cũng tan. Nhiều người đã bỏ về vì chuột và rét.

Những người ủng hộ vẫn mang cơm nước tới phục vụ cánh Occupy. Cứ trụ lại, ngày hai bữa no nê, nằm trong trại, lạnh chút, nhưng không phải làm gì. Ai mất việc cứ sang Occupy DC là có chén, đỡ phải đi làm.

Chỉ hơi khổ là các chàng đi đái phải mang theo cái đũa. Vì nước ra thì lạnh dưới 0oC nên đóng băng ngay. Vòi nước biến thành cái cần câu nước đá, ghì chặt cái của nợ xuống mặt đất.

Nhổ đi thì đau mà có khi đi cả cụm. Tốt nhất là dùng cái đũa, gõ cách một cái, sợi nước đá gẫy, thế mà của quí được đút lại vào quần. An toàn tuyệt đối. Không tin cứ thử mà xem.

Mình chả hiểu các bà các cô thì làm thế nào, thác đổ mà đóng băng, chắc phải dùng búa tạ mới xong.

Tin tòa án và tham nhũng

Chuyện phản ứng điên rồ với chính quyền không chỉ có ở Yên Lãng (Hải Phòng). Vào cuối năm 2011, tại California, anh chàng Harry Burkhart 24 tuổi, nhìn cảnh mẹ gốc Đức của mình bị cảnh sát còng tay, và hôm sau nghe tòa tuyên án, anh đã nổi điên.

Tòa nói, mẹ anh mắc tội lừa đảo, không trả tiền cho vụ phẫu thuật vú năm 2004 và chây ỳ không trả tiền thuê nhà.

Mấy ngày sau, tại Los Angeles liên tục có 50 vụ cháy nhà ở khu Hollywood  và cảnh sát đã tóm được kẻ phạm tội chính là Harry.

Người ta tự hỏi, mẹ có tội, bị phạt tù, phạt tiền rõ ràng như thế là đúng mà Harry vẫn phản ứng tiêu cực, thì hỏi rằng, nếu đất riêng của nhà anh ta bị cưỡng chế, chắc chắn sẽ đổ máu.

Harry Thomas. Ảnh: WP

Tại DC, tay Harry Thomas (lại Harry), thành viên hội đồng thủ đô DC, vừa bị buộc tội tham nhũng. Cha nội định dùng hàng triệu đô la lấy từ ngân quĩ chung để mua Audi SUV sang trọng, đánh golf, và các trò tiêu khiển khác.

FBI còn mò ra những năm 1980, Harry Thomas còn nợ 17.000$ tiền vay học đại học và một khoản khác 50,000$ cũng bị bỏ xó.

Harry bị sức ép từ chức. Khi entry này lên trang, lão đã về đuổi gà cho vợ và đợi ngày ra tòa.

Vụ này đang làm tung tóe ra các vị ở DC có bàn tay vấy bẩn. Ông Vincent Gray, Chủ tịch DC, từng dùng vị thế của mình để tuyển họ hàng bạn bè vào những chỗ tốt. Tay Marion Barry cũng bị phát hiện trốn 3.200$ tiền thuế thu nhập. Từ năm 1998, ổng không chịu đóng thuế. Michael Brown cũng không đóng thuế nhà đúng lúc.

Kể ra thì còn nhiều vị mắc lỗi. Báo chí khui ra hết và dân đi metro như Tổng Cua có tin miễn phí cho bà con.

Giá trị Mỹ – quyền sở hữu và anh ninh cá nhân được bảo vệ bằng luật pháp

Quyền sở hữu nhà, đất đai, tài sản, kể cả an ninh cá nhân, được bảo vệ bằng luật pháp. Người dân có quyền dùng mọi biện pháp, kể cả biện pháp tiêu diệt đối phương, nếu quyền sở hữu bị xâm phạm hay an ninh cá nhân bị đe dọa.

Tuần rồi, CNN đưa tin về một bà mẹ trẻ (teenager mother), Sarah McKinley, người có chồng bị mất vì ung thư một tuần trước, bị kẻ đột nhập tấn công khi cô đang ở nhà một mình với đứa con vài tháng tuổi.

Trước khi hành động, cô đã gọi cho cảnh sát “Hi 911…can I shoot him? – Thưa đồng chí công an, tôi có thể bắn nó được không?”.

Chả là cô nhìn thấy hai kẻ đột nhập, dùng dao cạy cửa. Đoạn tiếng Anh sau chép y nguyên cho bà con học ngoại ngữ.

Cô Sarah thông báo cho cảnh sát “I’ve got two guns in my hand — is it OK to shoot him if he comes in this door? I’m here by myself with my infant baby, can I please get a dispatcher out here immediately?” “I can’t tell you that you can do that but you do what you have to do to protect your baby,” the dispatcher said. The 911 conversation lasted for 21 minutes. Then the door gave in.”I waited till he got in the door. They said I couldn’t shoot him until he was inside the house. So I waited until he got in the door and then I shot him,” McKinley told KFOR.  

Tôi có hai khẩu súng trong tay. Tôi có thể bắn nếu hắn đi vào cửa được không? Tôi chỉ có một mình và đứa bé mới đẻ. Xin gửi người đến trợ giúp được không?”.

Người nhận điện trả lời nước đôi rất khôn khéo mà không phạm luật “Tôi không thể nói là chị có thể bắn hay không, nhưng chị hãy làm tất cả để bảo vệ đứa con của mình”.

Cuộc nói chuyện dài 21 phút. Và cửa bật ra. “Tôi phải đợi hắn vào tận phía trong cửa. Họ bảo là không được bắn cho tới khi kẻ đột nhập vào trong nhà. Kẻ đột nhập xuất hiện trước cửa, tôi bóp cò”.

Đây không khác gì phim cao bồi bắn giết ngày xưa. Nàng ôm đứa con đỏ hỏn mà có tận hai khẩu súng. Dọa và không đùa. Đã bắn là bắn chết để kẻ tấn công không còn khả năng trả đũa.

Quả này, anh chàng Nice-Cow-Boy vái 10 vái vì lão chỉ dám dùng súng bắn nước là may. Mà bắn xong có khi các em đòi bắn nữa cũng nên, và kẻ sở hữu súng từ từ…đi trước.

Tại nhiều bang, người ta cho phép chủ nhà tấn công tiêu diệt người lạ mặt nếu đi vào khu đất của gia đình, vì cho đó là xâm phạm nhà riêng và an ninh cá nhân. Dân có quyền sở hữu súng nhằm mục tiêu tự vệ. Tất nhiên phải có chứng chỉ dùng súng và trách nhiệm rất lớn. Đoạn này nhớ bác còm sỹ nào thông thạo về luật viết thêm cho bà con hiểu về nước Mỹ.

Trong luật có một câu vô cùng quan trọng “Use of Deadly Force for Lawful Self-Defense – Dùng vũ khí chết người để tự vệ chính đáng”, ý nói, khi mà an ninh của bản thân bị uy hiếp, người ta có thể tiêu diệt kẻ tấn công mà không phạm tội.

Nếu là đất nhà riêng, bạn thường thấy cảnh báo “có chó dữ” hoặc “Nguy hiểm, đừng đi tắt qua đây”. Nhớ là đừng có bước qua hàng rào. Bạn bị đòm toi mạng mà không hiểu tại sao.

Ngay cả cảnh sát không xin phép hoặc không có trát của tòa thì chủ có thể bắn bỏ mà không phạm tội. Xứ cao bồi rất rõ ràng trong chuyện bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Cảnh sát chỉ tấn công khi biết rõ tại ngôi nhà đó có tội phạm nguy hiểm ẩn nấp.

Entry kết thúc tại đây, hết chuyện tuần này.

Chúc các bạn vui đầu tuần.

HM. 08-01-2012