Sunday, January 1, 2012

Lạm dụng quyền lực






Thành Luận
Theo: TCPT số 7


Quyền lực thuộc về nhân dân. Đó là nguyên tắc phổ biến ở những thể chế chính trị dân chủ trên thế giới. Ở nước ta, cái nguyên tắc ấy đã được công nhận trong hiến pháp. Các cơ quan công quyền và cán bộ, viên chức của cơ quan chỉ là người thừa hành. Thậm chí, những cán bộ, viên chức còn được gọi là “đầy tớ của nhân dân”, “công bộc của dân”.

Về bản chất, bất cứ cán bộ viên chức nào cũng được trao một phần quyền lực và phải dùng quyền lực ấy để phục vụ lợi ích của dân. Khi một cá nhân, một cơ quan, một tập thể sử dụng quyền lực ấy vào những mục đích tư lợi bằng nhiều hành động phi pháp, họ sẽ tạo ra sự “lũng đoạn”, hay môt cách nhẹ hơn, “lạm dụng”quyền lực.

Sự lạm dụng quyền lực này do đâu mà có? Trước hết, do hệ thống pháp luật không đầy đủ, không có tầm chi phối rộng và chế tài đủ mạnh để kiểm soát xã hội. Đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh có thể là lý tưởng, bởi lẽ pháp luật luôn luôn đi sau thực tế. Bất cứ một hệ thống pháp luật nào không phải ngay từ đầu đã có thể bao quát được tất cả mọi vấn đề trong xã hội. Nó cần được bổ sung và hoàn thiện trong quá trình áp dụng vào thực tế. Nhưng, nếu hệ thống pháp luật chỉ có thể đạt được hiệu quả điều chỉnh xã hội ở mức trung bình, thì quyền lực trong xã hội ấy vượt trên pháp luật. Và nguy cơ lạm dụng quyền lực trở thành điều không thể tránh khỏi.

Luật pháp không được tuân thủ nghiêm minh, không được thi hành triệt để. Tình trạng này dẫn đến việc những quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng những “luật bất thành văn”. Những người nắm quyền hành pháp có thể tư thông với nhau nhằm những mục đích cá nhân nhất định. Tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay cũng có nguyên nhân, nếu không muốn nói là nguyên nhân chính, từ việc luật pháp và các quy tắc ứng xử xã hội không được tuân thủ và tôn trọng.

Trước khi có luật phòng chống tham nhũng, thì đã tồn tại một hệ thống các quy tắc ứng xử như: điều lệ Đảng, những quy định của các cơ quan hành pháp đối với viên chức. Và không có một điều lệ nào, một quy định nào dung dưỡng cho tham nhũng. Nếu vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tư pháp như Quốc hội (QH), HĐND không (hoặc không được!) phát huy thì sự lạm dụng quyền lực nơi các cơ quan hành pháp cũng có điều kiện phát sinh.

Thực tế này ở nước ta là có thật. Bao năm qua, hoạt động giám sát của QH, HĐND các cấp chưa theo kịp những biến động của cuộc sống và sự phát triển của thời đại. QH chưa có tiếng nói mạnh mẽ đối với Chính phủ. Hoặc chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, phê bình chứ chưa định ra được những cơ chế, chế tài đối với một chính phủ chưa/không hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, như nhiều chuyên gia đã phân tích, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy cụ thể.

Việc chạy chức chạy quyền cũng là một nguyên nhân không nhỏ của lạm dụng quyền lực. Khi một cá nhân chạy chức chạy quyền, thì việc trước tiên là phải chịu những “tổn thất” vật chất trước mắt, để khi có chức có quyền, thì tất cả những việc làm của anh ta đều tập trung vào việc làm thế nào để “thu hồi vốn và có lãi”. Không khi nào có chuyện cấp trên “chạy xuống” cấp dưới, mà ngược lại. Vì đã chót nhận những “giá trị vật chất” từ cấp dưới, nên khi thấy cấp dưới có những biểu hiện hoặc hành động sai phạm, mưu lợi cá nhân, cấp trên không thể kiên quyết thực hiện những chế tài theo đúng pháp luật đối với cấp dưới (vì “há miệng mắc quai”!). Khi đó, sự lạm dụng quyền lực không chỉ là hành động trực tiếp của một cá nhân, mà có sự liên đới của cấp trên cá nhân đó.

Bởi thế mà nhiều vụ tham nhũng ở nước ta, khi bị phanh phui, thì đều lộ ra những đường dây, những hệ thống cá nhân sai phạm đến mức có thể làm tê liệt cả đảng bộ cơ sở (như vụ PMU18). Điều này hẳn nhiên mang lại lợi ích cho những kẻ cơ hội, cho những kẻ “trót” nắm quyền lực chỉ để lạm dụng, và đương nhiên, trở thành mối nguy hại cho đất nước.

Và cuối cùng, có lẽ do chính nhân dân, chủ thể của quyền lực, đã bằng những biểu hiện tiêu cực, đã tiếp tay cho nạn lạm dụng quyền lực. Khi đến với các cơ quan công quyền, người dân vẫn còn sợ sệt, vẫn còn nhút nhát, vẫn còn phải “đi cửa sau”, vẫn còn “lót tay”, “bôi trơn”…

Hoặc giả có những công trình liên quan đến dân sinh, thì vai trò tham gia của người dân vẫn còn rất mờ nhạt. Tất cả những điều ấy làm cho lạm dụng quyền lực ngày càng trở nên khó dẹp. Vậy, định chế nào để hạn chế việc lạm dụng quyền lực? Chỉ có một định chế duy nhất: công khai, minh bạch! Tính công khai minh bạch cần được phát huy trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý và điều hành xã hội. Chẳng hạn vấn đề tuyển dụng nhân sự trong các cơ quan công quyền. Cần phải công khai chỉ tiêu, tiêu chuẩn, cần phải minh bạch hoá việc tuyển dụng để tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền, tình trạng “COCC”, “dây mơ rễ má”… Hay trong lĩnh vực thu chi ngân sách của chính phủ. Cần phải minh bạch và công khai cho nhân dân được biết. Vì người dân đóng thuế cho ngân sách, và có quyền được biết tình hình chi tiêu của chính phủ.

Sự nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân cũng cần phải tính đến như một yếu tố quyết định. Không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và hiểu biết hệ thống pháp luật, mà ngay từ khâu soạn thảo pháp luật cũng cần phải công khai, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Nói khác đi, người dân cần được khuyến khích, quan tâm đến, tham gia vào những công việc hệ trọng của đất nước. Hơn nữa, vai trò giám sát của người dân là rất quan trọng đối với các cơ quan hành pháp.

Việc người dân tham gia giám sát như thế nào, có nghĩa vụ và quyền lợi gì… cần phải có một cơ chế cụ thể của chính phủ. Những điều nêu trên có lẽ chưa phải là tất cả, nhưng ít ra cũng là tiếng nói của một công dân, một chủ thể của quyền lực.

© TCPT số 7