Sunday, December 11, 2011

“SẤM NGỮ” BẰNG THƠ CỦA NHÀ TIÊN TRI TỐ HỮU

[10.12.2011 22:40 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
 
(NCTG) Tố Hữu là nhà thơ, nhà chính trị có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Ông vừa là môn đệ cuồng tín của học thuyết cộng sản Marx – Lenin, vừa là tác giả có ảnh hưởng lớn đến trào lưu tư tưởng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) và nước Việt Nam thống nhất sau chiến tranh.

Tố Hữu (ngoài cùng, bên trái) cùng các nhà văn miền Nam Phan Tứ và Trần Ðình Vân trong một cuộc hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu


Gạt bỏ các yếu tố liên quan đến quan điểm chính trị của ông, không ít người tôn vinh Tố Hữu như một đại thi hào của dòng thơ lãng mạn cách mạng. Các tác phẩm của ông tràn đầy tinh thần lạc quan, niềm tin lý tưởng với viễn cảnh tươi sáng của chủ nghĩa cộng sản (CNCS).

Nhà thơ với biệt tài phóng tác


Tuy nhiên với tâm trạng hưng phấn thái quá, đôi lúc Tố Hữu không khỏi sa vào những vần thơ phi hiện thực, không tưởng:


Chân dép lốp
Mà lên tàu vũ trụ,

Đời vui thế, khi ta làm chủ...
(“Một nhành xuân”)


hay:

Nhặt tí phân rơi, dọn từng ngọn lá,
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ...

(“Bài ca xuân 61”)


Tố Hữu là cây bút có biệt tài hình dung và phóng tác. Khả năng thiên bẩm này như một thế mạnh gắn liền với sự nghiệp thi ca của ông. Trong tác phẩm “Chân dung và đối thoại” Trần Đăng Khoa có tiết lộ chi tiết: trong một lần tâm sự, Tố Hữu đã trải lòng rằng, dù ngồi ở chiến khu Việt Bắc ông vẫn nhào nặn để cho ra những vần thơ như thật về con người và khung cảnh chiến trường ác liệt tận nơi xa xôi mà chưa bao giờ ông đặt chân đến:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm

Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non...

(“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”)


Từ khi biết đến khả năng “tớ phịa ấy mà” theo như lời Tố Hữu thừa nhận, nhiều nhà phân tích bắt đầu hoài nghi, tìm cách săm soi tính hiện thực trong mỗi vần thơ của ông.

Không biết Tố Hữu đã có dịp đặt chân đến Ba Lan trước khi sáng tác bài thơ “Em ơi... Ba Lan” hay chưa, nhưng phải công nhận dưới ngòi bút tài hoa của ông, hình ảnh quê hương của nhà soạn nhạc thiên tài Chopin hiện lên đẹp đến ngỡ ngàng:


Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan,
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.



Thực ra mùa tuyết tan, hiếm khi đất trời được coi là đẹp. Ở Ba Lan ít thấy các con đường thuần cây bạch dương như tại nước Nga. Vào mùa đó, trải dài bên con đường lầy lội, đầy rác đọng dưới lớp tuyết đang tan là những hàng cây khẳng khiu, lá chưa ra, hoa chưa nở. Vậy mà khung cảnh ấy hiện ra trong thơ Tố Hữu đẹp như bức tranh vườn địa đàng.

Khi Tố Hữu dùng các mảng màu “
sóng ngời xanh, ngọc bích biển khơi” tô biển Baltic của Ba Lan, người ta lại như thấy ông vẽ biển Địa Trung Hải xứ Tây Ban Nha vậy. Thực tế biển Baltic chẳng thơ mộng đến thế. Vào mùa hè, khi nắng trời đổ lửa, nhiệt độ không khí lên 30-31 độ C, nước biển Baltic vẫn lạnh căm căm và dẫu căng mắt cũng khó tìm thấy nơi đâu con sóng ngời xanh màu ngọc bích.

Không như văn tả chân, thơ muốn hay phải giàu hình tượng. Ai cũng biết vậy, thế nên chẳng cần thiết phải phê phán tính hiện thực trong thơ Tố Hữu. Trái lại có không ít ý kiến đánh giá cao trí tưởng tượng phong phú và tài xuất ứng thơ như có phép thần của ông.


Thuở hàn vi, dù chưa một lần đặt chân ra nước ngoài, ngồi ở chốn rừng sâu, Tố Hữu vẫn làm được những bài thơ thấm đẫm hồn Nga, hồn Trung Hoa, hay Bắc Triều Tiên... thì việc ông khua bút viết nên những vần thơ mượt mà, đậm chất Ba Lan không có gì lạ.


Nhà thơ Tố Hữu thời trẻ - Ảnh tư liệu


Có nhiều người tôn vinh Tố Hữu không chỉ là một thi hào chiếm vị trí đỉnh cao trong dòng thơ ca cách mạng mà họ còn coi ông như một nhà tiên tri vô thức. Tuy chưa thể so được với sấm truyền của đấng tiên tri Nostradamus người Pháp hay Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng sống trong thế kỷ 16, nhưng cũng không nên xem nhẹ những lời sấm ngữ bí hiểm được giải nghĩa bằng thơ của Tố Hữu.

“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”


Ai đó đã nhận định Tố Hữu lạc quan quá đà khi viết bài thơ “Bài ca mùa xuân 61” với câu thơ “
Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng” trong bối cảnh cả hai miền đất nước đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của lịch sử dân tộc. Có lẽ không có sức thuyết phục nếu cho rằng “đỉnh cao muôn trượng” mà Tố Hữu nhắc đến ở đây hàm ý nói về thành tựu của sự nghiệp cách mạng đạt được trong năm 1961. Vì khi đó cách mạng Việt Nam và thế giới đang trải qua tình thế ngặt nghèo, đầy rẫy khó khăn.

Một số nhà nghiên cứu coi câu thơ ngạo nghễ đó của Tố Hữu chính là lời tiên đoán về đỉnh cao sự nghiệp chính trị của ông. Tố Hữu viết “Bài ca mùa xuân 61” khi ông bước vào tuổi 41. Trước đó ít tháng, tại Đại hội lần thứ 3 Đảng Lao động Việt Nam, ông được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng, đứng đầu Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương. Tưởng thưởng này là sự vinh danh công trạng cho ông với vụ dẹp loạn “Nhân văn Giai phẩm”.


Bài thơ “Mừng xuân 61” hừng hực khí thế tiến công cách mạng ra đời khi Tố Hữu đang ngất ngây với danh vọng cá nhân. Vậy chỉ có lý khi vần thơ “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” chính là lời tiên đoán: ở tuổi 61 Tố Hữu sẽ leo lên tột đỉnh quyền lực.


Gần cuối bài thơ ông bỗng cất giọng tự hỏi “
Tôi viết cho ai bài thơ 61?”. Còn cho ai nữa nếu không phải ông viết cho chính ông! Né tránh trả lời trực diện, ông lại tiếp tục say sưa đắm mình trong sự hưng phấn với “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”.

Thực tế vào năm 1981, đúng 20 năm sau lời tiên đoán “
Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng - Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng”, tại Đại hội lần thứ 5 Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Tố Hữu 61 tuổi, ông được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, ngay sau đó ông lại được cử giữ trọng trách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Đây là bước đệm chuẩn bị cho ông leo lên nắm giữ cương vị cao nhất là Tổng bí thư của đảng.

Tuy nhiên Tố Hữu làm sao có thể vượt qua được mệnh trời khi ông đã đạt đến “
đỉnh cao muôn trượng” vào năm 61 tuổi. Năm 1985 phép thử “Giá - Lương - Tiền” do chính ông đề xướng thất bại thảm hại, ông bị cách tuột tất cả các chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. Để rồi sau đó ông tức tưởi an trí dưỡng già trong ngôi biệt thự số 76 phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Những năm cuối đời, ông cay đắng chứng kiến sự sụp đổ có tính hệ thống của CNXH thế giới, tại Đông Âu và ngay tại thành trì Liên Xô.

Viễn cảnh thiên đường nhân loại một thời được Tố Hữu tô vẽ đẹp như mơ bỗng chốc tan biến thành sương khói. Năm 1991, như rút từ tâm can, ông vật vã viết những vần thơ:


Mới bình minh đó bỗng hoàng hôn...
Ôi kiếp trăm năm được mấy ngày...

Còn đau khổ nào đau khổ hơn...



khóc than cho sự đổ vỡ niềm tin vào lý tưởng mà suốt đời ông tôn thờ đến mê muội.

“Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan...”


Cuối thập niên những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi đạt đỉnh cao trào, hệ thống XHCN thế giới bắt đầu bộc lộ bản chất yếu kém. Đầu thập niên 80, CNXH chính thức bước vào giai đoạn thoái trào.


Ký ức không phai trong tôi về đất nước Liên Xô và Ba Lan cuối những năm 80 hiện lên như một cuốn phim tư liệu đen trắng. Trôi theo dòng thời gian là hình ảnh từng đoàn người kiên nhẫn xếp hàng trước quầy thực phẩm gần như trống rỗng, các tòa nhà xám xịt trải dài hai bên phố, những gương mặt nông dân lam lũ lắc lư trên chiếc xe ngựa lộc cộc khắp mọi nẻo đường nông thôn, vài ánh đèn leo lét hắt ra từ cửa sổ các căn nhà gỗ chìm trong đêm đông tuyết phủ. Hoàn toàn không có chút nào cái gọi là “sức sống XHCN” cho bất kỳ ai huyễn hoặc muốn tuyên truyền về tính ưu việt, về sự thắng lợi tất yếu của CNXH.


Năm 1980, sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan đã gióng lên hồi chuông báo hiệu thời kỳ CNXH thế giới bước vào cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện. Ba Lan, quốc gia giữ vai trò trọng yếu trong khối Hiệp ước Quân sự Warsaw, một thực thể đối đầu trực diện với khối quân sự NATO của phương Tây trong chiến tranh lạnh. Với vị trí ấy, Ba Lan chính là tử huyệt của phần châu Âu XHCN. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bài thơ “Em ơi... Ba Lan” lại mặc định những điều tiên đoán vô thức của Tố Hữu về tương lai Ba Lan:

Khắp quê em, mùa xuân đến rồi
- Dù đêm qua chút tuyết còn rơi.

Lịch sử đã chọn Ba Lan làm điểm tựa, mắt xích bị chặt đứt đầu tiên trong chuỗi sụp đổ có tính dây chuyền của khối XHCN Đông Âu và Liên Xô.

Trong khúc khải hoàn “
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan”, nhân dân Ba Lan đã dũng cảm đứng lên tiến hành cuộc cách mạng dân chủ thay đổi thể chế. Được trải nghiệm bằng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp, hơn hai mươi năm là quãng thời gian đủ dài để khẳng định sự lựa chọn của nhân dân là sáng suốt. Ý nguyện của họ thể hiện qua lá phiếu trong các kỳ bầu cử tự do minh chứng cho xu thế không thể đảo ngược của tiến trình lịch sử không những ở Ba Lan, ở các nước Đông Âu mà ở tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), nơi một thời từng được mệnh danh là thành trì vững chắc của CNXH.

Điệp khúc “
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan - Đường bạch dương sương trắng nắng tràn” như tiếng đàn xuân một lần nữa lại ngân lên vào cuối bài thơ, gieo vào lòng người đọc viễn cảnh “tuyết tan” với “nắng tràn” mãi ấm áp trong kỷ nguyên “ngàn năm: Ba Lan”. 

Trần Quốc Quân, từ Warsaw