Friday, December 23, 2011

ĐỌC TIN VN EXPRESS...





(THEO VNEXPRESS.NET)

Trao huân chương liệt sĩ cho người còn sống 


Đang sống khỏe mạnh, cựu thanh niên xung phong 73 tuổi ở Nghệ An lại được phong là liệt sĩ và được tặng Huân chương kháng chiến hạng 3.

Dù bước sang tuổi 73 nhưng bà Lê Thị Kỳ ở xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An) vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và sống vui vẻ cùng chồng trong căn nhà nhỏ. Từ năm 2006 đến nay, bà Kỳ được nhiều người gọi theo tên mới là "Liệt sĩ Kỳ". Đang là thời điểm chuẩn bị cấy vụ Đông nên "liệt sĩ Kỳ" vẫn xuống ruộng cấy cùng con cháu.

Bà Kỳ buồn với tấm Huân chương kháng chiến hạng 3 chứng nhận mình là liệt sĩ. Ảnh: Nguyên Khoa.


Bà Kỳ cho biết, khoảng năm 2006, đang đi cấy ngoài ruộng thì cán bộ xã Nhân Thành gọi về để trao Huân chương kháng chiến hạng 3. "Đang mừng vui vì được nhà nước ghi nhận công lao trong kháng chiến thì cả gia đình tôi bất ngờ vì trong huân chương ghi là liệt sĩ Lê Thị Kỳ khiến cả nhà hoảng hốt. Ông cán bộ xã cũng chỉ biết lắc đầu vì huân chương là do cấp trên gửi về", bà Kỳ kể lại.

Tấm huân chương hạng Ba được bà Kỳ nâng niu nhưng không dám treo giữa nhà vì có chữ "liệt sĩ". Ông Nguyễn Phong Sắc chồng bà Kỳ đã lên hỏi xã, hỏi huyện nhưng không có kết quả. Ông Sắc kể, thời trẻ, bà Kỳ tham gia đội quân thanh niên xung phong tải gạo, tải đạn trên khắp chiến trường. Theo giấy tờ cán bộ xã đưa cho gia đình thì bà Kỳ hy sinh anh dũng tại mặt trận giao thông vận tải cách đây hơn 50 năm. “Vào thời điểm đó, vợ tôi đang sinh con ở nhà nên làm sao mà hy sinh được”, ông Sắc thắc mắc.

Điều khiến gia đình ông Sắc băn khoăn là phải chăng có người đã mạo danh tên vợ mình trở thành liệt sĩ để hưởng các chế độ của nhà nước. Mặt khác, việc một người đang sống khỏe mạnh mà lại trở thành người chết là điều kiêng kỵ khiến gia đình bà Kỳ bức xúc và mong muốn được cấp lại Huân chương hạng 3 cho đúng người. "Tôi có tham gia kháng chiến nên được nhà nước ghi nhận, cấp huân chương lao động là đúng nhưng biến tôi thành liệt sĩ thì không thể chấp nhận được", bà Kỳ nói.

Từ ngày nhận được huân chương của liệt sĩ, bà Kỳ gặp rất nhiều phiền toái. Ảnh: Nguyên Khoa.


Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, đã rà soát danh sách liệt sĩ để kiểm tra vấn đề của bà Kỳ và thấy có sự nhầm lẫn ở Ban thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An và huyện Yên Thành.

"Ban thi đua khen thưởng huyện và tỉnh đã ghi nhầm danh sách. Trong hồ sơ liệt sĩ mà Sở quản lý không có tên bà Kỳ nên không có chuyện thất thoát tiền tuất và các khoản chế độ chính sách dành cho thân nhân liệt sĩ. Sở sẽ có công văn gửi Ban thi đua khen thưởng để đề nghị thu hồi huân chương đó và cấp đổi cho bà Kỳ huân chương kháng chiến hạng ba khác", ông Giám đốc Sở cho biết.

Nguyên Khoa 



Việt Nam thuộc nhóm nước có nhiều tham nhũng

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, năm nay Việt Nam được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) chấm 2,9 điểm, xếp hạng 112 trên tổng số 183 nước.

>Tội phạm tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành/ 600 người tham nhũng bị phát hiện mỗi năm

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng tại Hà Nội chiều 22/12, ông Lượng cho biết, năm 2010 Tổ chức Minh bạch quốc tế đã chấm Việt Nam được 2,7 điểm, xếp hạng 116.

"Năm nay TI đánh giá chúng ta tăng 4 điểm, cho thấy công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam có tiến bộ nhưng chưa có chuyển biến căn bản", ông Lượng nói. Theo đánh giá của TI, những quốc gia dưới 5 điểm có nhiều tham nhũng, phần nhiều là nước đang chuyển đổi nền kinh tế.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, để hạn chế tham nhũng tại những nước có nền kinh tế chuyển đổi, kiểu như Việt Nam, TI đưa ra 3 giải pháp, gồm: công khai minh bạch thông tin, trừ thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục; kiểm soát tốt tài sản và thu nhập của quốc gia, kể cả tài nguyên khoáng sản; phát huy được vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh thanh tra TP Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Hà Nội vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức, nhất là trong thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định dự án, duyệt quyết toán... Ngoài ra, việc phát hiện tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức còn hạn chế, phần lớn do quần chúng tố giác.

5 năm qua, Công an thành phố đã phát hiện và khởi tố 125 vụ với 273 bị can tham nhũng, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án này ước 900 tỷ đồng.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, UBND thành phố đã ra quyết định yêu cầu nhiều lãnh đạo phải kê khai tài sản và bản kê khai này sẽ được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị người kê khai thường xuyên làm việc.

Người phải kê khai gồm: cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ từ phó trưởng phòng của UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ địa chính xây dựng, tài chính kế toán từ cấp xã phường trở lên; các trưởng phó phòng doanh nghiệp nhà nước trở lên.

Việc kê khai tài sản sẽ phải định kỳ hàng năm, đơn vị tổ chức cán bộ sẽ xác minh tài sản của cán bộ.

Đoàn Loan



Không khởi tố đại úy đụng chết người rồi bỏ chạy

Sau hai tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) xác định viên đại úy lái xe hơi đụng chết người rồi bỏ chạy không có lỗi nên không xử lý hình sự.

 
Đại úy đụng chết người bỏ chạy vì 'hoảng loạn'/ Cảnh sát lái ôtô bỏ chạy sau tai nạn chết người



Ngày 22/12, thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng Công an thị xã Thủ Dầu Một, cho biết cơ quan này đã hoàn tất kết luận điều tra vụ tai nạn khiến anh Nguyễn Hữu Quân (27 tuổi) tử vong vào tối 20/10 là do lỗi của nạn nhân. Đại úy Lê Quang Bình (36 tuổi, công an Bình Dương), người lái xe hơi đụng phải anh Quân đã chạy đúng làn đường nên không đủ cơ sở để khởi tố hình sự.

Theo kết luận điều tra, tối 20/10, sau khi dự tiệc, đại uý Bình mượn chiếc Toyota Altis của bạn để đưa vợ con về nhà. Khi quay lại nơi tổ chức tiệc thì xảy ra va quẹt. Thấy sự việc không nghiêm trọng nên đại uý Bình không xuống giải quyết mà tiếp tục lái xe đi.



Nơi viên đại úy gây tai nạn rồi bỏ chạy. Ảnh: Nguyệt Triều

Chứng kiến vụ việc nhiều người đi đường bức xúc nên truy đuổi. Đến khu vực ngã ba nối đường ĐT 743 vào khu công nghiệp Đại Đăng (khu phố 9, phường Phú Hoà, thị xã Thủ Dầu Một), ông Bình tiếp tục đụng phải anh Quân chạy xe máy phía trước. Sau khi hất tung nạn nhân lên nắp capo rồi rơi xuống đường, ôtô của ông Bình kéo theo xe máy khoảng 2 km thì bị hàng chục người dân tham gia truy đuổi chặn bắt.


Cơ quan điều tra cho rằng, do "hoảng loạn" nên khi anh Quân chạy xe máy ngược chiều từ đường nhỏ sang đường ưu tiên khá nhanh, đại uý Bình không xử lý kịp dẫn đến vụ tai nạn. Cũng do tinh thần “hoảng loạn” nên đại uý Bình tiếp tục chạy thêm hơn 2 km rồi mới dừng xe lại. Từ đó, công an thị xã cho rằng không đủ cơ sở để khởi tố đại uý Bình, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Bình Dương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.


Trao đổi với VnExpress.net, thượng tá Phạm Xuân Trường, Quyền Chánh văn phòng Công an Bình Dương, xác nhận qua kết luận điều tra của Công an thị xã Thủ Dầu Một thì chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án.


“Hiện Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương xem xét hình thức kỷ luật cụ thể đối với đại uý Bình”, ông Trường nói.



Nguyệt Triều - Xuân Thùy




Những 'Lục Vân Tiên' thời @ 

Cậu bé 14 tuổi quên mình cứu bạn, nữ nhân viên đường sắt cứu em nhỏ thoát chết, ông nhặt rác trả lại 45 triệu đồng của rơi... là những tấm gương sống đẹp trong năm qua được nhiều độc giả VnExpress.net chia sẻ.

1. Các cậu bé dũng cảm cứu bạn thoát chết:

Ngày 6/8 trên đường đi thả diều về, Phạm Quang Vĩnh phát hiện có 4 bạn nhỏ đang chới với dưới hồ nước sâu. Không đắn đo suy nghĩ, cậu bé lao xuống ôm, kéo từng em lên bờ.

Vĩnh đang là học sinh lớp 7A trường THCS Lý Tự Trọng, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Hành động dũng cảm của cậu học trò được nhiều người coi như anh hùng. Huyện đoàn Đức Trọng đã động viên khen thưởng tấm gương dũng cảm cứu người của Vĩnh. Cậu bé còn được tỉnh đoàn tuyên dương và trao bằng khen chiến sĩ nhỏ Trần Quốc Toản. 


Em Phạm Quang Vĩnh đã dũng cảm cứu các bạn. Ảnh: Quốc Dũng


Một câu chuyện cảm động khác là em
Trần Văn Nguyên (Quảng Ngãi) nhiều lần xả thân cứu người. Đến lần thứ ba, ngay trước Tết Trung thu, một số bạn nhỏ sau khi tập múa lân rủ nhau đi tắm sông, một em sụp hố nước sâu. Nguyên lập tức lao ra cứu, đưa được bạn vào bờ thì em cũng kiệt sức bất tỉnh. Cậu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu song không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Ngày 22/9, Trung ương Đoàn thanh niên đã truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho cậu bé Nguyên vừa tròn 14 tuổi. Sau đó Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng truy tặng em huân chương dũng cảm

2. Nữ nhân viên gác chắn tàu dũng cảm cứu em bé thoát chết:

Đoàn tàu đang lao đến chỉ còn khoảng 80 m nữa là đâm vào em bé khoảng 20 tháng tuổi đang chơi giữa đường sắt. Chị Xuân (nhân viên gác chắn ở ga Chí Thạnh - Phú Yên) đã lao tới xốc đứa trẻ lăn ra ngoài, cả hai thoát chết trong gang tấc.

Vụ việc xảy ra ngày 1/8. “Lúc đó tôi chẳng kịp nghĩ gì, chỉ biết tính mạng đứa trẻ đang gặp nguy hiểm”, chị Xuân kể lại. Sau khi VnExpress.net đưa tin về hành động của chị Xuân, nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn bày tỏ sự mến phục.

Tương tự, đêm 20/10 khi đoàn tàu đang lao đến, chị Nguyễn Thị Nhàn bất ngờ phát hiện một cháu bé đang tập tễnh bước đi trên đường ray, cách chỗ mình đứng khoảng 20 m. Không chần chừ, chị ôm bụng bầu 6 tháng lao lên đường sắt cứu cháu bé ngay trước mũi tàu.

Sau đó Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Việt Nam đã quyết định khen thưởng thành tích đột xuất đối với chị Nhàn (26 tuổi, nhân viên gác chắn của Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên) về hành động dũng cảm này. 

3. Người nhặt rác trả lại 45 triệu đồng của rơi:

Một buổi chiều tháng 10, đang đi trên đường, ông Cho - một người nhặt rác thấy bọc nilon, nhặt lên phát hiện bên trong có tiền. Ông không mở ra xem mà đem thẳng đến công an phường Nam Dương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhờ trả lại cho người mất


Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng ông Cho không tham 45 triệu đồng nhặt được. Ảnh: Nguyễn Đông


Nhiều người bình phẩm chẳng ai dại như ông đi chê “lộc trời” trong khi nhà đang phải chạy ăn từng bữa. Nhưng ông chẳng để ý, chỉ cười bảo: “Người ta mất của tội lắm, mình sao có thể sống bằng số tiền đó”.


Làm nghề đạp xe thồ, sau khi bị tai nạn giao thông mất sức, ông Cho chuyển sang sống bằng nghề nhặt rác. Hằng ngày, ông lặng lẽ cùng những vòng xe dạo khắp các ngõ hẻm nhặt rác kiếm 40.000-50.000 đồng.

Trung tá Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng công an phường Nam Dương cho biết đã tiếp nhận số tiền 45 triệu đồng còn bọc nguyên trong túi nilon từ ông Cho nhờ trả lại cho người bị mất. Sau đó công an thông báo và trả lại số tiền này cho chủ nhân là chị Phạm Thị Thanh Hải (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê).

Với nghĩa cử cao đẹp này, ông Cho đã được Công an quận Hải Châu đã trao bằng khen cùng số tiền thưởng 2 triệu đồng. 

4. Người đàn ông nghèo và chiếc xe tự chế chở học sinh:

Người dân ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM, thời gian gần đây không còn xa lạ với hình ảnh người đàn ông trung niên lái chiếc xe tự chế hàng ngày đưa đón học trò nghèo đến trường. Tấm lòng của người đàn ông nghèo bệnh tật làm bao người cảm phục. 


Hàng chục em học sinh được anh Hùng đưa đi đón về hàng ngày. Ảnh: Lê Phương


Người dân ở xóm này đa số là lao động nghèo, nghề nghiệp không ổn định, không có thời gian cũng như phương tiện để đưa đón con đi học.


Anh Hùng ấp ủ ý tưởng làm chiếc xe đưa đón học sinh lâu lắm rồi, khi thấy con mình và mấy đứa nhỏ trong xóm đi học từ nhà đến trường gần 3 km, thêm cái cặp sách nặng cũng 3 kg. Mãi đến năm nay anh mới thực hiện được nguyện vọng

Mỗi ngày 8 lượt đi và về, anh Nguyễn Văn Hùng đưa rước trên dưới 20 học sinh nghèo đi học nhờ chiếc xetự chế. Mới đầu vợ anh không đồng ý với việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, nhưng sau thấy việc làm của chồng đem lại hạnh phúc cho nhiều người, chị lại vui vẻ cổ vũ. 

5. Ông lão 68 tuổi cần mẫn quét rác phố đêm:

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, ở khu phố người Hoa (phường 11, quận 5, TP HCM), cứ nửa đêm lại có một ông cụ dáng người gầy gò, mái tóc bạc phơ, làn da bánh mật quét rác giữ cho đường phố sạch đẹp. Ông cụ ấy tên là Tô Tiền Hà, năm nay 68 tuổi. 


Khi mọi người đã đi ngủ, tiếng chổi của ông lão lại vang lên giữa phố đêm. Ảnh: Thi Ngoan


Không nhà cửa, không gia đình hay họ hàng thân thích, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Hà phải làm thuê đủ mọi nghề để kiếm miếng ăn. Sống gần nửa thế kỷ ở góc phố này, hàng ngày ông thức dậy từ sáng sớm phụ người ta bán hủ tiếu, bốc vác, dọn dẹp nhà cửa để được trả tiền công mỗi tháng vài trăm nghìn đồng.


Ngày nào cũng đi phụ quét dọn nhà, dọn chợ nên dần hình thành nơi ông cụ thói quen hễ thấy đường phố dơ lại mang chổi ra quét. Rồi từ đó đến nay ông gắn luôn với cái "nghiệp" dọn đường.

6. Làng tình nguyện hiến giác mạc cứu người:

Cả thôn Bình An 1 chỉ có gần 500 hộ dân, nhưng gần 100 người đăng ký hiến giác mạc. Con số này là kỷ lục không chỉ của xã mà của toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. 


Ông Kiều, một trong số những người tình nguyện hiến giác mạc ở xã Bình An 1. Ảnh: Nguyễn Đông


Là người khởi xướng phong trào, ông Nguyễn Thanh Kiều tâm sự: “Khi chưa hiểu rõ về cách thức hiến, bản thân tui cũng sợ vì cứ nghĩ lấy giác mạc là móc cả mắt người chết đem cho người sống. Nhưng khi được các bác sĩ giải thích hiến giác mạc là chỉ lấy màng mỏng ở mắt, tui hiểu và đăng ký ngay. Theo tui, chết là về với cát bụi nên làm được gì cho đời thì mình nên làm".


Bình An 1 là thôn đầu tiên có phong trào hiến giác mạc cho xã. Và đến cuối năm 2010, toàn xã Lộc Vĩnh có tới 183 người đăng ký tham gia. Trong đó, thôn Bình An 1 đến 81 người, đa phần là người cao tuổi.

Thi Ngoan