Wednesday, December 28, 2011

Bạo loạn ở Ai Cập và các nước Ả Rập có ảnh hưởng lên toàn cầu không?



Lê Diễn Đức chuyển ngữ từ Đài Truyền Hình TVN24 (Ba Lan)



Một em bé Ai Cập tham gia biểu tình. Ảnh TVN24

“Lật đổ chế độ của Hosni Mubarak sẽ là cơn địa chấn khủng khiếp cho toàn bộ thế giới Ả Rập. Những người dân thất vọng sẽ tràn ra đường ở các quốc gia tiếp theo. Tham nhũng trên khu vực Trung Đông đã làm ngạt thở dân chúng” – Tiến sĩ Fuad Jomma của Viện Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Châu Âu của Szczecin University (Ba Lan) nhận định.

Tại Ai Cập, đang diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ. Những người tham gia đòi Tổng thống Husni Mubarak, người đã cầm quyền hơn 30 năm nay, từ chức.

- “Những gì đang xảy ra ở Ai Cập trong ngày thứ Sáu ngày 28 tháng 1 năm 2011 là sự bắt đầu của cơn thịnh nộ, giận dữ và thất vọng. Người Ai Cập đã xuống đường và điều này là một sự thử nghiệm sức mạnh giữa chế độ, giữa những người ủng hộ Tổng thống Hosni Mubarak và công chúng” – Ông Grzegorz Dziemidowicz, cựu đại sứ Ba Lan tại Ai Cập và Sudan, nói.

 
Các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị

Cựu đại sứ cho biết Tổng thống Ai Cập có khuynh hướng nhượng bộ mạnh trước Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. – “Bởi vì dìm các cuộc biểu tình trong biển máu chắc chắn sẽ kết thúc bằng một tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong khu vực, trên toàn Trung Đông. Chắc chắn sẽ có những cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta nhớ rằng Mubarak dù sao đi nữa cũng phải quyết định có đứng ra tranh cử tổng thống vào tháng 9 tới hay không, nhiệm kỳ của ông ta cũng đã sắp kết thúc” – ông nói.

Họ sẽ bảo vệ đến cùng các đặc quyền

Ông Dziemidowicz nói thêm rằng Mubarak là đại diện cao nhất của các lực lượng vũ trang và cảnh sát chính trị. – “Đây là bộ máy cai trị Ai Cập từ vài thập kỷ qua. Vì vậy, gồm những người mà cùng với sự ra đi của tổng thống Mubarak sẽ mất đi một phần đặc quyền. Họ sẽ bảo vệ đến cùng những đặc quyền của mình” – Cựu đại sứ nói.

 
Ai Cập như một đại dương sóng gió

- “Tạm thời chưa có lý do gì để hoảng loạn, nhưng phải chú ý rằng Ai Cập giống như đại dương – người dân đang nổi giận. Vì vậy, tình hình sẽ không nhanh chóng và dễ dàng lắng xuống. Tại thời điểm này, vấn đề lớn nhất ở Ai Cập là tránh đổ máu, vì đổ máu sẽ là một thảm kịch lớn không chỉ đối với Ai Cập mà còn cho các nước láng giềng” – Dziemidowicz phân tích.

Không thể tiên đoán được tình hình

Tuy nhiên, giáo sư Mark Dean, nhà Ả Rập học từ Đại học Lodz (Ba Lan), cho biết, đặc trưng của tình hình ở Trung Đông và Maghreb trước hết là không thể tiên đoán trước.

- “Đã nhìn thấy ở Tunisia, tình hình đang bắt đầu lắng xuống từ từ. Tôi nghĩ rằng cuối chính phủ cũng đi đến kết luận rằng phải loại bỏ khỏi nội các những thành viên của đảng cầm quyền trước đây. Ở đây, vào lúc này là vấn đề cơ bản” – Nhà Ả rập học nói. Ông nói thêm rằng tình hình ở Ai Cập có thể là khác hơn một chút vì sự bùng nổ của xã hội đã có từ nhiều năm.

- “Tại Ai Cập, trong khoảng 30 năm nay chúng ta phải đối diện với tình trạng chiến tranh. Mặt khác, từ lâu đã có những kích động lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak” – Giáo sư lưu ý – “Tổng thống bị cáo buộc không chỉ về các vấn đề chính trị, mà còn kinh tế. Cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng bồi thêm, bởi vì giá lương thực đột ngột tăng. Mubarak có thể bị mất quyền”- Giáo sư Mark Dean nhận định.

 
Không có tác động đến tình hình toàn cầu

- “Không phải như thể tất cả bắt đầu từ Tunisia, rằng bất ngờ và trước đây chưa hề có gì cả. Những trường hợp kiểu này đã xảy ra ở hầu hết các nước Ả Rập trong nhiều năm. Những mối lo ngại này có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch. Sự kiện này có thể gây ra những vấn đề tiếp theo trong các quốc gia Ả Rập, nhưng sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên tình hình toàn cầu, hoặc ngay cả trong khu vực” – Giáo sư Mark Dean khẳng định.

Phương Tây không nên can thiệp

Nhà Ả Rập học cho biết thêm rằng cho đến khi chưa có sự can thiệp nào của các lực lượng bên ngoài vào tình trạng này, phương Tây không có gì để sợ hãi. – “Thông thường điều này xảy ra trong các quốc gia Ả Rập rất nóng bỏng, nhưng ngắn ngủi – như họ vẫn nói – một cuộc cách mạng, mà sau đó mọi thứ trở lại bình thường khá nhanh. Tôi dự đoán khả năng sẽ như thế. Tuy nhiên có một điều kiện đặt ra: không có sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là từ phương Tây” – Ông nói.

 
Phương Tây lo sợ

Giáo sư Mark Dean cũng nói rằng theo ông, cho đến giờ thế giới phương Tây đang quan sát các sự kiện này, bởi vì trong số các nhóm đối lập luôn luôn có các nhóm hoặc tôn giáo hoặc nói thẳng là các nhóm bảo thủ. – “Vào thời điểm này nếu cho phép một cái gì đó mà chúng ta gọi là dân chủ, sẽ tồn tại một nguy cơ, chẳng hạn như trong năm 1991 tại Algeria, lực lượng tôn giáo đã thắng trong cuộc giành quyền lực. Đây là cái điều phương Tây lo sợ” – Ông Dean nhận xét.

Làn sóng bạo loạn có thể lan rộng

 
Tiến sĩ Fuad Jomma từ Viện Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Châu Âu của Szczecin University, nói rằng “người Ai Cập chắc chắn nhìn vào những gì đã xảy ra ở Tunisia, những người nổi dậy đã thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài”.

- “Họ thấy rằng người Tunisia đã thành công, và là đất nước này rất nhỏ so với Ai Cập – họ đã làm được, tại sao Ai Cập lại không?” – Tiến sĩ Jomma nói. Và ông nói thêm rằng hiện nay làn sóng bạo động ở Ai Cập, nhưng nó có thể lây lan sang các nước Ả Rập khác.

- “Bởi vì còn những quốc gia tệ hơn, nơi có chế độ độc tài tệ hại hơn ví dụ như Syria – Tiến sĩ nhận xét – “Tham nhũng ở Trung Đông làm ngạt thở dân chúng. Chỉ mafia có tiền, còn người dân bình thường sống trong nghèo đói” – Ông nhấn mạnh.
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức (Blog RFA)