Tuesday, November 29, 2011

Cái gốc của bệnh viện quá tải




Phan Lợi

Tương tự như một số vị bộ trưởng mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có chuyến “vi hành” tại TP.HCM về tình trạng quá tải tại các BV và thái độ được mô tả của bà là… không khỏi “choáng”!

Đúng là không choáng sao được khi thấy bệnh nhân tại BV Ung bướu lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình. Và cũng không quá tải sao được khi số giường thực kê của BV chỉ có 631 giường nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tới… 1.807 người và số ngoại trú 9.510 người!

Thực sự thì không phải vào tận TP.HCM mà chỉ cần ra khỏi trụ sở Bộ ở Giảng Võ (Hà Nội), đi quá một con phố là đến BV Nhi Trung ương, bộ trưởng sẽ có ngay thực tế tương tự! Còn nếu đi khoảng 3 km đến BV K Trung ương, tình cảnh còn bi đát hơn khi hành lang BV đó còn không đủ chỗ cho bệnh nhân… ngồi; muốn vào WC phải… đi ủng!



Vì thế những giải pháp mà Bộ thống nhất hôm qua với UBND TP.HCM về giảm tải BV sẽ vẫn chỉ là tình thế, khi mà con bệnh ngày một đông mà cơ sở khám, chữa bệnh ít được phê duyệt hơn các dự án địa ốc, nhà ở cao tầng!

Còn nhớ năm năm trước khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, người vừa rời chức chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng dẫn theo hàng loạt lãnh đạo ngành của Hà Nội “vi hành”. Và tại buổi làm việc với lãnh đạo BV, ông Triệu đã tuyên bố giải quyết tình trạng quá tải trong vẻ mặt ủng hộ của giám đốc các Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng…


Nhưng rồi đến nay công trình mở rộng BV ấy vẫn chưa hoàn thiện, quá tải vẫn hoàn… quá tải!

Mới hay việc xây thêm (hoặc mở rộng) BV không chỉ phụ thuộc vào ý chí một người, dù là lãnh đạo ngành, bởi nói gì thì nói, giường bệnh không… sinh lời khủng như các căn hộ cao cấp và cửa đầu tư BV hiện quá hẹp cho tư nhân!

Nhớ lại 20 năm trước, dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng (theo tuyến cố định) cũng thế. Lúc đó chỉ có xe quốc doanh và bến bãi nhà nước nên hành khách cứ… đạp lên nhau mà mua vé; lèn nhau trong các xe “chuồng cọp” mà về bến. Chỉ khi ông Bùi Danh Lưu (cũng là cha đẻ cầu Thăng Long) lên bộ trưởng, mở ra chính sách “xe biển trắng” tạo điều kiện cho tư nhân tham gia dịch vụ này thì hành khách mới lên ngôi “thượng đế”…


Do đó bệnh quá tải BV cần được chẩn trị từ gốc, tức là phải quy hoạch mặt bằng cho nó (cấm mọi dự án thương mại xâm phạm) và mở cửa cho mọi nhà đầu tư đấu thầu công khai, chứ các biện pháp phân tuyến không thể giải quyết hết được!

Theo Bút lông’s Site
 

Bát phở bạc triệu và “bữa cơm kèm berberin”

Đào Tuấn

Năm 2009, những điều tra của báo chí về những bữa ăn “mạ vàng” ở Thủ đô làm dư luận sốc nặng. Một bát súp khai vị giá 98 USD. Tại các “phòng vàng”, hóa đơn thanh toán không thể dưới 1000 USD. Thậm chí, xa xỉ đến mức một chai rượu mở nắp cũng phải trả 713 ngàn đồng. Cũng trong năm này, một điều tra về tác động của lạm phát với các nhóm người nghèo được công bố với những câu chuyện làm người ta đau lòng. Ở ĐBSCL, nhiều bậc phụ huynh buộc phải cho con cái nghỉ học. Còn ở miền núi phía Bắc, đồng bào buộc phải cắt xén các chi phí y tế của chính bản thân.



Đến năm 2011, bát phở bò Kobe đã tăng thêm 100 ngàn đồng để đạt mức 1,2 triệu đồng. Có nghĩa một bữa sáng của người giàu bằng thu nhập 3 tháng của một gia đình nghèo. Trong khi ở một trường “nội trú dân nuôi” nào đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn, TGĐ AVG miêu tả: “Một nồi cơm và một nồi canh rau cải”, không một miếng thịt, dù bạc nhạc, thậm chí không một miếng “tóp mỡ”- thứ “thịt” thời bao cấp- là bữa trưa của 80 mầm non đất nước.



Không thể có một sự cào bằng trong thu nhập, cũng như rất khó để xã hội đạt đến trình độ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khi mà những công bố về sự chênh lệch mức lương mà Bộ LĐ-TB và XH công bố thì ngoài chuyện lương của người lao động và người quản lý chênh nhau tới 100 lần, còn ẩn chứa sau đó những bất bình đẳng giữa chính những người lao động với nhau. Chẳng hạn kết quả tổng hợp tình hình của 37 công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty “hạng đặc biệt” cho thấy, năm 2010 tiền lương của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Tiền lương của nhóm doanh nghiệp  ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Khoảng cách ngày càng nới rộng giữa người giàu và người nghèo mà mức độ chênh lệch thông qua lương mới là cái có thể nhìn thấy. Bởi đối với người lao động, lương có thể là 100% thu nhập, trong khi đối với cán bộ công chức, với những người lãnh đạo thì hoàn toàn không. Một ví dụ là những câu chuyện xã hội hàng ngày chứa đầy những nghịch cảnh: Cơm công nhân ăn kèm Berberin- một loại thuốc đi ngoài. Và dù “Lương bộ trưởng 40 năm mới mua nổi nhà thu nhập thấp” thì chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, có quan chức đã xây được biệt thự.

Khoảng cách về lương, bởi thế, không đơn thuần chỉ là con số 100 lần, hay 364 lần cho những khoản thưởng, không đơn thuần là khoảng cách giàu nghèo, mà còn ẩn chứa trong nó những bất công xã hội về những mức lương thưởng “trên trời” không hề tương xứng với mức độ lao động và đóng góp. Ngay sau Sea games, không phải là ngẫu nhiên là những người đóng thuế lên tiếng phản đối khoản thưởng 1 tỷ đồng cho đội U23. Lý do rất đơn giản: Một cầu thủ thậm chí được thưởng hàng chục triệu đồng cho chính công việc của anh ta, một công việc được mô tả là “thắng được những đội bóng làng chỉ còn 10 người trên sân, hòa được một đội bóng vừa thua tan tác trước chính Việt Nam với tỷ số 0-5″.



Khi, ngay chỉ đồng lương, đã chứa trong nó một khoảng cách mênh mông thì có lẽ con số chênh lệch giàu nghèo 9,2 lần mà Tổng cục Thống kê công bố qua kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, có lẽ cũng hoàn toàn chưa phản ánh chính xác mức độ phân hóa giàu nghèo.

Kinh Talmud nói: Nghèo thì đáng sợ hơn 50 loại tai nạn. Nhưng cũng đã qua cái thời giàu có là một cái tội. Vấn đề chỉ là những bất công trong việc phân phối của cải xã hội làm cho 1% dân số ngày càng giàu hơn và đời sống của 99% người nghèo ngày càng khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra phong trào “Chiếm lấy phố Wall”. Bởi dù là ở đâu, thời nào, một xã hội có phân hóa giàu nghèo thì chưa thể có bình đẳng thực sự.

Sau sự thật về những bữa cơm Suối Giàng, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đứng ra thành lập dự án (bữa) “cơm có thịt”, dự án giờ đã phát triển thành Quỹ “Vì trẻ em vùng cao”.



Nhưng còn phải cần bao nhiêu tấm lòng hảo tâm, bao nhiêu cái quỹ như thế cho đủ khi những “trường nội trú dân nuôi Suối Giàng”, nơi chứa đựng những tấn thảm kịch phân hóa giàu nghèo, có ở khắp nơi?

Theo blog Đào Tuấn