Saturday, September 4, 2010

Nghề Mới Toanh: Câu Gián Mưu Sinh

Khi màn đêm buông xuống, Sài Gòn tĩnh lặng hơn nhiều so với sự náo nhiệt thường ngày của nó. Giữa đêm tối Nghề Mới Toanh: Câu Gián Mưu Sinh lặng lẽ của thành phố, những người mưu sinh trong đêm lại hoạt động. Đó là những người nhặt rác, đi đấm bóp dạo, bán hủ tiếu gõ, những người câu cá kiếm cơm và cả những người chuyên đi câu gián ở nắp cống...



Sau một hồi lân la nói chuyện, chúng tôi quyết định đi theo nhóm người câu gián để tìm hiểu cái nghề mưu sinh trong đêm đầy lạ lẫm này.



Không đụng nghề

Bắt tay vào nghề năm 1997 đến nay đã gần 13 năm, thế nhưng anh Bình (biệt danh Sáu Bình) ở quận Gò Vấp, khẳng định: "Đây vẫn là một nghề kiếm sống mới toanh đó nghe, cả thành phố ít ai làm nghề này lắm, đi bắt hoài mà tui chỉ gặp một hai người cùng nghề thôi...".



Anh nói nửa đùa nửa thật: "Anh không biết chứ thành phố mình chuột với gián là đứng hàng nhất nhì đó, chuột thì tui chẳng biết ai mua, chứ gián thì tui có mối hẳn".



Lăn lộn giữa thành phố làm đủ thứ nghề để kiếm sống, trông anh Bình sành sỏi rất nhiều. Tuy nhiên, trên gương mặt người đàn ông hơn 40 tuổi này luôn thể hiện sự nhiệt tình với mọi người.



Anh kể: "Tui đến với nghề cũng thật tình cờ, khi đi ngang qua Cầu Đen dưới chân cầu Sài Gòn thấy bạn câu đông quá tui ghé xe trông thử vì cũng mê câu cá lắm. Thấy người ta dùng gián làm mồi câu vậy mà giật được cá liên tục". Sau vài lần như vậy anh Bình nảy sinh ra ý tưởng "đi câu gián cho dân câu cá". Anh nói: "Tui nghỉ chạy xe ôm, vác cần câu lân la và biết người ta mua gián để câu cá bông lau, câu cá trê".



Sau mấy lần vác cần câu đi dạo để tìm mối, anh Bình cũng tìm ra được nhờ bạn câu chỉ bảo. Anh kể về cái lần đầu đi bẫy gián của mình: "Đi liền mấy đêm bắt chẳng được là bao, tui đem cho bạn câu hết. Mỗi lần cho và trò chuyện tui học được nhiều thứ và cũng tìm ra được bí quyết dụ tụi gián, đó là tụi gián hảo ngọt". Sau lần đó anh Bình bẫy gián bằng que tre quấn vải tẩm mật mía, lần đầu đem gián về nhà mọi người cứ bàn tán mãi, ngay cả vợ anh cũng kinh ngạc, mà cho rằng anh "bất bình thường".



Qua tháng sau anh tìm được mối ruột nhận mua gián đó là một cửa hàng chuyên cung cấp mồi và dụng cụ câu cá ở gần Hàng Xanh. Trên chiếc xe máy "cà tàng", anh Bình cùng con trai của mình là Minh luồn lách khắp các ngóc ngách của thành phố để câu “tụi gián” đang trú ẩn dưới nắp cống. Đêm nào trúng nhất của anh cũng bắt gần 3,000 con (3 thiên). Những lúc trúng như vậy anh kiếm hơn 300,000đ một đêm. Anh cho biết: "Giá mỗi con gián được mua 100đ, một đêm bắt được một thiên cũng đủ sống".



Lúc đầu có nhiều người bàn tán về cái nghề lạ lẫm của anh, anh chỉ cười trừ bảo: "Mình làm nghề không đụng nghề với ai mới dễ sống, cái nghề này tuy lạ nhưng lại hay, vừa giúp mình kiếm tiền lại vừa trừ hại côn trùng cho thành phố". Gần 4 giờ sáng, lồng gián của anh đã lỉnh kỉnh hơn, anh và con trai mới bắt đầu thu dọn đồ nghề để về nhà trước khi thành phố thức giấc.



Nghề cũng chọn người

"Khó ngửi như mùi rác, nhưng lâu rồi cũng quen, thằng con trai tui lần đầu tiên đi còn bịt khẩu trang kín mít. Nhưng giờ nó lại là một tay sát gián... Ở đất Sài Gòn này không có nghề nào dễ sống cả, nghề nào có cái khổ của nghề đó", anh Bình chia sẻ khó khăn của nghề.



Là một tay sát gián chuyên nghiệp nhưng anh vẫn thừa nhận: "Như tui đã là gì đâu, tui có hai "đàn anh" còn giỏi hơn đó là anh Quý ở chợ Cây Gõ, quận 6 và anh Long ở Gò Dưa, Thủ Đức. Hai ông đó vào nghề lâu hơn tui một năm nhưng chịu khó cày cấy lắm, chắc cái nghề nó cũng chọn người".



Cùng nghề với anh Bình còn có chú Bảy, anh Hùng đều ở Gò Vấp, ngày trước họ cũng là "đàn em" của anh Bình. "Tui đâu có giấu nghề đâu, ai hỏi tui cũng chỉ hết vì hiện nay câu không đủ bán mà. Gián trong thành phố này bắt sao cho hết, nhưng có tìm ra mối và theo nghề được không đó mới là chuyện", anh Bình giải thích.



Theo anh muốn kiếm tiền từ gián thì phải chấp nhận sống chung với gián, anh đem chính bản thân của mình ra so sánh cho chúng tôi thấy rõ hơn: "Tối nghe mùi gián, sáng nghe mùi gián, ăn cơm cũng nghe... thử hỏi có mấy ai chịu được, thời gian đầu mùi này còn gây sây sẩm, buồn nôn nữa chứ... người bị dị ứng chắc không sống được bằng nghề câu gián đâu. Tui nhận bốn đứa đệ tử giờ chỉ còn lại có thằng Hùng là sống được bằng nghề, mấy đứa kia chạy dài...".



Giải thích về việc này anh cười nhẹ: "Lao động mà, nghề nào vinh, nghề nào nhục, mình móc cống hoài, nhiều lúc đám thanh niên nhìn mình như người ngoài hành tinh... Ấy thế là có người không câu gián nữa". Còn Minh con trai anh thì khẳng định: "Nói gì thì nói tui vẫn theo nghề này, khi nào sông hết cá, thành phố hết gián thì chúng tôi mới thất nghiệp. Nghề đã chọn mình thì mình sống với nó".



Sống nhờ... người câu cá!

Phần lớn lượng gián được tiêu thụ bởi những người câu cá kiếm cơm, một đêm người câu gián kiếm được 100,000đ thì những cần câu cá kiếm cơm cũng kiếm được ngần ấy. Điều khác nhau của "hai cần câu cơm" này là độ máu lửa và sự kiên nhẫn, anh Bình cười nói: "Câu cá tôi cũng mê lắm, nhưng không nuôi sống nổi gia đình, với lại tôi không rành về sông nước, thôi mình cứ câu ở "nắp cống" để cung cấp mồi cho mấy ông câu ở sông".



Theo một số dân câu cá kiếm cơm chuyên nghiệp thì gián là món ruột của cá bông lau, nó còn nhạy hơn cả trái bần chín hay thịt bò, trong khi đó giá cả lại quá rẻ so với những mồi câu khác.



Một nguồn khác để anh không sợ thất nghiệp từ cái nghề lạ lẫm của mình nữa đó là, dân câu cá văn nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, câu cá đang trở thành mốt giải trí của phần đông người dân Sài Gòn vào cuối tuần.



Anh Bình cười thật tươi khoe chuyến làm ăn lớn của mình: "Mùa câu cá bông lau sắp rộ rồi, khoảng tháng 5 - 6 âm lịch, lúc này cá ăn rất nhiều và người câu cá cũng rất đông, tui đang lên kế hoạch thu mua thêm gián của những người khác nữa".



Anh Bình kể lại mùa câu cá bông lau năm trước: "Mỗi lần vào mùa rộ cá bông lau giá mồi câu cũng được đẩy lên. Năm trước mình tôi và con trai không đủ hàng để cung cấp phải khoán thêm cho một số người khác, giá 1 lồng gián khoảng 500 con trả 35,000 – 40,000đ. Tuy nhiên, mùa này giá đó không ai đi bắt cho mình nữa đâu, giờ đây nghề câu gián cũng đã bắt đầu có sự cạnh tranh rồi...".